Một báo cáo của Ủy ban Đánh giá An ninh & Kinh tế Mỹ-Trung thuộc Nghị viện Mỹ nhận định Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đang đẩy mạnh chính sách ngoại giao “hung hăng” đối với Ấn Độ, theo Press Trust of India.
Báo cáo này nhận định, Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã đẩy mạnh chính sách đối ngoại “hung hăng” đối với Ấn Độ và “từ chối” các nỗ lực xác định rõ ranh giới Đường Kiểm soát Thực tế (Line of Actual Control – LAC) – đường biên giới giữa hai nước – từ đó ngăn chặn việc thiết lập một nền tảng hòa bình lâu dài.
Trong bảy tuần trở lại đây, quân đội hai nước đã bị hãm vào một cuộc đối đầu căng thẳng tại đường LAC, căng thẳng leo thang sau khi 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong một cuộc ẩu đả dữ dội tại Thung lũng Galwan hôm 15/6. Trung Quốc không công bố con số thương vong, nhưng Bộ trưởng Giao thông và Vận tải Ấn Độ ước tính có ít nhất 40 binh sĩ Trung Quốc mất mạng trong vụ tranh chấp.
“Dưới thời Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã đẩy mạnh chính sách đối ngoại hung hăng của mình đối với New Delhi. Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã tham gia vào năm cuộc đấu khẩu lớn với Ấn Độ dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC)”, theo một bản tóm tắt do Ủy ban Đánh giá An ninh & Kinh tế Mỹ-Trung ban hành.
“Ban lãnh đạo Bắc Kinh và New Delhi đã ký một loạt thỏa thuận và cam kết thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin để ổn định biên giới giữa họ, nhưng Trung Quốc đã chống lại các nỗ lực xác định rõ ranh giới LAC, ngăn chặn việc kiến lập một nền hòa bình dài lâu”, báo cáo cho hay.
Tác giả báo cáo là Will Green, một nhà phân tích chính sách thuộc Nhóm An ninh và Ngoại giao thuộc Ủy ban này. Báo cáo này nhận định chính phủ Trung Quốc đặc biệt lo ngại trước mối quan hệ hợp tác ngày càng gần gũi giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ.
“Cuộc đụng độ biên giới mới nhất là một phần trong mô thức rộng lớn hơn, trong đó Bắc Kinh tìm cách cảnh báo New Delhi không được liên hợp với Washington”, báo cáo nói.
Sau khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, đã có sự gia tăng đáng kể các cuộc đụng độ, bất chấp thực tế là ông Tập đã hội kiến Thủ tướng Narendra Modi nhiều lần và Bắc Kinh và New Delhi đã đồng ý với một loạt các cơ chế xây dựng lòng tin nhằm giảm bớt căng thẳng.
Xung đột biên giới giữa hai nước đã xảy ra từ lâu, kéo dài qua nhiều thập kỷ. Thập kỷ 50 và 60 là một giai đoạn đặc biệt căng thẳng giữa hai nước, dẫn đến cuộc chiến năm 1962 khiến hàng ngàn binh sĩ hai bên thiệt mạng, theo số liệu của quân đội Trung Quốc.
“Cuộc xung đột biên giới năm 2020 tương hợp với chính sách đối ngoại ngày càng hung hăng của Bắc Kinh. Cuộc đụng độ xảy đến khi Bắc Kinh đang ráo riết thúc đẩy các yêu sách chủ quyền mở rộng khác của mình ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, như trên Đài Loan và ở vùng biển phía Nam và Đông Trung Quốc”, báo cáo nói.
Trung Quốc đang tham gia vào các tranh chấp lãnh thổ gây tranh cãi gay gắt ở cả Biển Đông và Biển Hoa Đông. Bắc Kinh đã xây dựng và quân sự hóa nhiều hòn đảo và rạn san hô mà nó kiểm soát trong khu vực. Cả hai vùng biển này đều giàu khoáng sản, dầu mỏ và các tài nguyên thiên nhiên khác và rất quan trọng đối với thương mại toàn cầu.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông thông qua đường lưỡi bò do Bắc Kinh đơn phương tự vẽ. Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan có tuyên bố chủ quyền đối với khu vực.
Vài tuần trước cuộc đụng độ ở Thung lũng Galwan, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa kêu gọi Bắc Kinh “dùng binh đao để thúc đẩy sự ổn định khu vực”, trong bối cảnh môi trường an ninh bên ngoài của Trung Quốc đang trở xấu. Câu nói của tướng Ngụy là dấu hiệu tiềm năng cho thấy mưu đồ của Bắc Kinh trong việc chủ động leo thang căng thẳng quân sự với các nước láng giềng để kiến tạo một biểu tượng của sức mạnh và thực lực, báo cáo nhận định.