Lời tòa soạn: Một số quan điểm trong bài viết là quan điểm riêng của tác giả không hẳn là quan điểm của Việt Luận.
Hơn ba tháng nay ngành báo chí tiếng Việt của cộng đồng người Việt đang định cư trên nước Úc Đại Lợi dường như bị tê liệt do đại dịch Covid-19 hoành hành, chánh phủ Morrison áp dụng nhiều luật giới hạn và giản cách xã hội (social distangcing) là 1m50 để tránh lây lan trong dân chúng. Đó là một biện pháp phòng ngừa tối ưu, mà cả thế giới đang áp dụng…
Bao nhiêu sắc lịnh đã được ban hành, cho nên có rất nhiều tờ báo phải đành đóng của, trong đó có tờ tuần báo Việt Luận. Một tờ báo có trên 40 tuổi nghề, điều đó làm cho rất nhiều độc giả nhớ thương, mà ở trong đó có tôi đã nhiều lần đi xuống chợ Cabramatta rồi nhìn lên mấy shop báo mà tiếc thương.
Một tờ báo lâu năm nó đã bén rễ ăn sâu vào văn hóa của nhiều gia đình đang sinh sống ở đây. Mặc dầu ở tại tiểu bang NSW thành phố Sydney nầy, chúng ta cũng còn mấy tờ báo nữa, nhưng khẫu vị mỗi tờ mỗi khác, vì vậy một khi đã làm quen với tờ báo Việt Luận rồi, thì chúng ta cũng khó lòng mà thay thế tờ báo khác. Nói như vậy cũng không có nghĩa là tờ Việt Luận nó hay, nó giỏi, bài vở nó tốt hơn mấy tờ báo kia. Nhưng đã nói là thức ăn tinh thần, thì nó phải hợp với khẫu vị thì mới mong tồn tại.
Kể từ ngày tờ báo Việt Luận đình bản tới giờ, tôi có cảm tưởng như là trong bữa ăn mà thiếu dĩa nước mắm có xắt vài lát ớt sừng trâu, hay dĩa rau muống luộc mà thiếu tô nước luộc có dầm một trái cà chua chín mộng nổi lều bều trong đó. Bây giờ ở đây, nhà nào cũng có cái computer, cái điện thoại thông minh, hễ mở ra coi thì thứ gì cũng có.
Ngay như một anh chàng tội phạm da đen tên là George Floyd đã từng vào tù ra khám. Vào ngày 25/5/2020 dùng bạc giả $20 mua gói thuốc và bị cảnh sát da trắng Derek Chauvin đè đầu gối chẹn cổ chết. Người cảnh sát kia đã bị trừng phạt thích đáng. Đó là luật pháp của xứ Hoa Kỳ, hay xứ nào thì cũng vậy thôi, da màu hay da trắng gì cũng vậy, không ai có quyền đứng trên luật pháp. Vậy mà người da đen đó, đã được một số người có quyền lực chánh trị tuyên dương như một anh hùng. Tại sao vậy? hay có chuyện gì đang ẩn nấp phía sau.
Ngày đưa George Floyd ra nghĩa địa, đã được một cổ xe song mả với hai con ngựa trắng kéo đi chầm chậm trên đường, còn cái hòm thì mạ vàng có giá trị trên $30,000 đô Mỹ trông rực rỡ như một vị vua. Người ta còn quyên góp cho gia đình ông ta hơn 13 triệu Mỹ kim, hoặc còn nhiều hơn con số đó nữa. Chết mà được khắc tên đường “Black Lives Matters” với nguyên một quảng trường đều khắc chữ vàng chói lọi. Cho đến lúc tôi viết bài nầy, thì trên nước Mỹ có hơn 700 bức tượng của các vị anh hùng đã có công trong thời lập quốc, trong đó có tướng Robert Lee, đã bị người ta hăm he đập phá, mà họ đã đập phá rất nhiều rồi.
Tại sao chỉ có một người tội phạm bị một người cảnh sát trong lúc thi hành phận sự lỡ tay làm chết mà xảy xa chuyện đó. Tại sao không để cho tòa án phân xử!
Đó là chuyện nước Mỹ, còn nước Úc thì sao? Cũng đã có trên 60 ngàn người biểu tình ở ba tiểu bang: Queensland, NSW, Victoria, may là không cảnh đốt nhà hôi của. Nhưng trong số này có những người muốn bứng cái tượng của ông Captain Cook bỏ đi. Sao họ không nghĩ đến công lao của một người đã dong thuyền buồm đi tìm ra Châu Úc, cái thời xa xưa cách nay hơn 400 năm đó, nó khác với cái thời đại bây giờ.
Ngày nay thời đại đã văn minh, chánh phủ, và những nhà làm chánh trị phải có kế hoạch để giúp đỡ cho người Thổ Dân hội nhập vào cuộc sống văn minh hiện giờ, chớ không thể mà ngồi đó để mà ghi chép, coi hằng năm có bao nhiêu người thổ dân bị chết ở trong đồn cảnh sát, để rồi sau đó phán xuống một câu “kỳ thị màu da”, rồi xách động biểu tình, phá hoại đất nước. Người da đen hay người da trắng, không ai có quyền đứng trên pháp luật, vậy mà chuyện đó đã xảy ra đều đều…
Cũng trong lúc nầy tôi thèm được cầm một tờ báo giấy trên tay, đọc cho nó đã. Chớ còn báo mạng, hay chiếc điện thoại thông minh càng đọc thì càng bực mình. Mấy tuần nay, tuần nào tôi cũng thả bộ xuống chợ Cabramatta để nhìn lên sạp báo coi có tờ Việt Luận phát hành trở lại chưa. Vì từ ngày nó đình bản tới giờ, với riêng tôi nó là một món ăn tinh thần không thể thiếu…
Tình cờ hôm tuần rồi (khoảng giữa tháng 6), tôi gặp ông Phạm Hoài Nam và nhà thơ Hư Vô rủ tôi đi ăn trưa. Trong bữa ăn ông Phạm Hoài Nam hỏi tôi: “Anh Phùng Nhân ơi, tờ Việt Luận sẽ tái bản vào đầu tháng Bảy nầy anh thấy có được hôn?” Tôi vừa mừng, vừa ngỡ ngàng hỏi lại. “Thiệt hôn?”
Thế là chúng tôi vừa ăn vừa bàn tiếp những dự định tới cho tờ báo. Càng đi sâu vào vấn đề, tôi rất thương và rất tội nghiệp cho Phạm Hoài Nam. Làm báo trong lúc nầy là phải đương đầu với rất nhiều thử thách cam go. Phải có bài viết mới, phải có quảng cáo để nuôi sống tờ báo, còn nếu không thì phải vở nợ!
Nhưng Phạm Hoài Nam vẫn cương quyết, như một con tằm bắt buộc phải nhả sợi tơ, cho cuộc đời dệt thành tấm lụa. Từ đó tôi bắt đầu thấm thía tới nghiệp dĩ của mình. Một bài báo viết ra. Một cuốn sách, hay cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài được nhà xuất bản in ra… đều có người khen, người chê. Nếu chẳng mai gặp một người nào đó cục bộ, không viết theo ý muốn của họ, thì bị họ đã kích đến thậm tệ. Vậy mà người cầm viết, vẫn cam tâm cặm cụi ngồi thức dưới ngọn đèn khuya. Hôm nay thì Phạm Hoài Nam nầy cũng vậy, bởi làm một người chủ báo đâu có sướng ích gì. Biết bao nhiêu bài vở từ bốn phương gởi tới. Bài nào có tên có tuổi của người viết nổi tiếng thì dễ chọn, còn bài nào chưa quen phải đọc tới đọc lui. Vì đó là một món ăn tinh thần cho đọc giả, mà người đầu bếp phải có tài ba để nêm nếm thức ăn cho hợp khẩu vị với mọi người. Nhưng tôi rất mừng để nhìn lại một quảng đường mà tờ báo Việt Luận vừa mới đi qua, kể khi Phạm Hoài Nam đứng lên làm chủ nhiệm thì tờ báo có cải thiện rõ rệt, từ phần layout artwork, cho tới bài vở trang trong. Nhứt nhứt điều thận trọng, chỉ có một điều là tờ báo nghèo quá thiếu vốn điều hành, thiếu người phụ trách, nên có khi sai lỗi chính tả ở trang bìa. Nhờ độc giả thương tình rồi thông cảm …
Ông Phạm Hoài Nam đã dành sẵn một trang báo để đăng sinh hoạt của cộng đồng, và những Hội Đoàn, Đoàn Thể đang sinh hoạt tại Úc Châu không thâu tiền lệ phí. Đó là một sự hy sinh quá lớn mà chưa có một tờ báo nào làm được ở đây, điều đó đã nói lên tâm nguyện của người chủ báo Phạm Hoài Nam. Ông ta không có hoài bão để làm giàu, mà ông ta chỉ có sở thích làm theo ý nguyện (đó là nghề làm báo).
Một cái nghề bên ngoài coi nó cũng oai, đi tới đâu cũng được người ta niềm nỡ. Vì đó là nghề báo. Không hà tất gì trong cộng đồng người Việt của mình, mà bất cứ ở đâu, khi ông chủ báo đi tới đâu, thì cũng có nhiều người săn đón. Nhưng ông Phạm Hoài Nam thì ngược lại, trong những lần ông tham dự, như tham dự phát hành sách của các anh em văn nghệ sĩ ở đây, hay hằng năm đều có cuộc phát hành cuốn tập san Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai Cữu Long, tôi đều thấy ông Phạm Hoài Nam ngồi ở dưới ghế tận hàng sau điều đó làm cho tôi cảm động.
Một người chủ báo có tánh khiêm nhường, biết kính trên nhường dưới. Ở đâu cũng xuề xòa, chưa bao giờ tôi nhìn thấy chiếc cà vạt trên cổ áo, mà mỗi lần gặp nhau ông ta chỉ hỏi “Anh Phùng Nhân mạnh hả?, thấy tờ báo của mình dạo nầy ra sao. Ráng phụ viết với tôi nghen anh”. Tôi cười xòa “hãy tận nhân lực mới có thêm đọc giả”. Ngày hôm nay trong lúc ngồi viết bài báo nầy. Tôi vừa mừng, vừa lo sợ, vì tôi dám viết lên những ý nghĩ của mình, liệu có húy kỵ với ai không, nhưng đã vào nghề, thì cũng phải đành chấp nhận cái nghiệp…
Trong bài viết nầy, người thật, viết thật, chớ không vì Phạm Hoài Nam là chủ báo, còn tôi là người viết thuê, mà đây là những giây phút tâm tình, khi tờ báo bị đình bản hơn ba tháng qua, ngày hôm nay mới được tái bản…
Rồi tôi tự hỏi? Nếu trong cộng động của người Việt ở NSW nầy mà thiếu tờ báo Việt Luận thì sẽ ra sao? Bao nhiêu thông báo và sinh hoạt của cộng đồng lấy ở đâu mà phổ biến. Ngay như việc quan, hôn, tang, tế rồi phải làm sao. Đành rằng hiện nay chúng ta còn có tờ nhựt báo Chiêu Dương hôm nay xuống trở thành tuần báo. Nhưng theo tôi thì cũng không thể nào đăng cho hết tin tức thông tin, nghị luận hiện giờ. Như vậy thì chúng ta rất cần thêm tờ Việt Luận. Muốn cho nó được mạnh giỏi, phong phú về mặt tinh thần cũng như thể xác, thì chúng ta phải chung tay nuôi dưỡng nó.
Hôm nay tôi ngồi viết bài nầy, trước là để thông báo với bà con, sau nữa là thông báo tới tất cả bạn bè cầm viết. Chúng ta hãy viết bài đóng góp cho tờ Việt Luận, cũng như chúng ta đóng góp cho cộng đồng. Có làm được điều đó thì cộng đồng chúng ta mới phát triển.
Trong lúc tôi ngồi viết bài nầy mà trong dạ lại phập phòng, không biết ông Phạm Hoài Nam có kham nổi hay không, hay là tới đầu tháng Bảy nầy lại để cho tôi trông ngóng. Không phải riêng một mình tôi trông ngóng tờ Việt Luận tái bản lại đâu, mà còn rất nhiều người nữa. Bởi người nào mà đọc báo giấy đã quen rồi, thì họ không thể đọc tờ báo mạng. Bởi lẽ rất dễ hiểu, ờ báo giấy nằm võng đọc cũng được, ngồi dưới gốc cây cũng được. Còn tờ báo mạng thì sao, nó chỉ là hồn Trương Ba còn da thì hàng thịt. Nếu 15 năm về trước, nó có mặt rất ồn ào, ngày hôm nay thì lại khác. Mấy tờ báo giấy ngày hôm nay có bị ảnh hưởng đến tài chánh hay không, là do mấy đài truyền hình, truyền thanh, Youtuber, Facebooker, chớ còn mấy tờ báo mạng bây giờ thì rất ế. Bởi lẽ mấy cây viết tên tuổi họ cũng rất bực mình, ngồi còng lưng viết chết mẹ chết cha. Vậy mà khi bỏ lên trên NET mạnh thằng nào nấy rước, không bao giờ có một tiếng cám ơn, chớ đừng nói chi tới đồng tiền nhuận bút. Thật là một thời đại @ khó nói…/-
Phùng Nhân
Tháng 6/2020