Tam Hiệp và giấc mơ trị thủy

Phạm Đức Đồng Hùng

Tin Tam Hiệp bị “biến dạng” từ tháng Bảy năm ngóai chưa nguôi ngoai, hiện tại dư luận Trung Quốc lại xôn xao với tin tức về “nguy cơ vỡ đập” trong cơn mưa như trút nước, suốt một tháng liền.
Tam Hiệp là đập thủy điện lớn nhất thế giới, có công suất ngang ngửa 15 nhà máy điện hạt nhân, đã gây tranh cãi dữ dội ở Trung Quốc. Nó bị Tổ chức Sông ngòi quốc tế gọi là “mô hình của thảm hoạ”. Nó bị ngân hàng Thế giới (WB) cấm vận tài chính với lý do gây tác hại môi trường. Nó bị giới trí thức Trung Quốc phản đối vì tác hại môi trường xã hội và lịch sử, nhấn chìm nhiều địa điểm lịch sử và văn hóa, những di chỉ khảo cổ học giá trị rất cao cũng như các tác động tới môi trường.
Bây giờ nó còn khiến dân chúng Trung Quốc hồi hộp vì lý do an ninh bởi trâu bò đánh nhau, trên 600 triệu dân sẽ chết, mất sạch gia sản. Trong phúc trình đưa ra trước Quốc hội vào tháng Sáu năm 2004, Bộ quốc phòng Mỹ cho rằng trong trường hợp xung đột, Đài Loan có thể tấn công vào các mục tiêu như đập Tam Hiệp để làm giảm bớt áp lự quân sự của Trung Quốc. Ngay sau đó tướng Lưu Nguyên (Liu Yuan, con trai Lưu Thiếu Kỳ), tuyên bố trên trên China Youth Daily rằng quân đội phải “nghiêm túc trong việc bảo vệ chống lại những đe dọa từ những kẻ khủng bố Đài Loan”.
Sau đó, đến tháng 9 năm 2004 Nhân dân nhật báo Trung Quốc (China Daily) thông báo rằng một lực lượng vũ trang lớn đã được bố trí tại khu vực đập thủy điện này để ngăn ngừa các cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra.
Bị phản đối dữ dội và cùng khắp, lại tiềm ẩn một mối nguy an ninh, con đập vẫn hình thành với phí tổn ít nhất 180 tỷ nhân dân tệ hay 22.5 tỷ Mỹ kim, vậy thì đập này có ý nghĩa gì?

Giấc mơ trị thủy
Không phải ngẫu nhiên mà những lãnh tụ cộng sản Trung Quốc ngày nay không ít người xuất thân là kỹ sư thủy điện như Lý Bằng, Hồ Cẩm Đào, trong khi Giang Trạch Dân, Chu Dung cơ lại là kỹ sư điện còn Ôn Gia Bảo là kỹ sư địa chất, toàn là những kỹ thuật dính dáng với việc đắp đập để làm điện.

Lịch sử Trung Quốc gắn liền với thành tích “trị thủy” của các hoàng đế xưa, trong đó người khai sinh là Hạ Vũ, trị vì từ 2205 đến 2198 trước Công Nguyên (BC). Để mường tượng ra mốc thời gian này thì cần nhớ là theo truyền thuyết của Việt Nam, Vua Hùng thứ nhất lên ngôi vào năm 2879 BC.
Hạ Vũ trị vì trong thời “tiền sử” của Trung Quốc, tức thời nước này chưa biết viết sử nên chỉ được đời sau nhắc nhở qua những câu chuyện truyền khẩu, sau được Tư Mã Thiên (145 – 86 BC), tập hợp lại trong bộ Sử ký. Vũ cùng hai vị tiền bối là Nghiêu, Thuấn được dựng thành hình mẫu tiêu biểu của những bậc minh quân thời kỳ đầu Thượng cổ của Trung Hoa.
Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên thì cha của Vũ là Cổn, được vua Nghiêu giao trọng trách khắc chế lũ lụt nhưng thất bại. Mất đến 9 năm để xây dựng hệ thống đê điều và đập nước dọc theo bờ sông, Cổn vẫn không thể kiểm soát lũ lụt nên bị người kế tục vua Nghiêu là Thuấn xử tử. Kế tục công việc của cha, Vũ hiểu tại sao cha mình thất bại nên thay vì đắp đập ngăn sông, ông ta việc xây dựng một hệ thống kênh mương thoát nước, đưa nước lũ vào các cánh đồng cũng như nạo vét phù sa bồi đắp ở đáy sông để khơi thông dòng chảy.
Công trình này kéo dài 13 năm và mang lại sự thịnh vượng của Trung Quốc trên vùng châu thổ sông Hoàng Hà, biến nó thành cái nôi của nền văn minh Trung Quốc. Trước kỳ tích này, Vua Thuấn đã chọn Vũ làm người nối ngôi và sau đó chính Vũ lập ra nhà Hạ, trở thành ông vua đầu tiên đặt ra lệ “cha truyền con nối”. Tên Vũ lưu truyền hậu thế, được lịch sử Trung Quốc gọi là Đại Vũ trị thủy.
Nếu Hoàng Hà là con sông lớn thứ hai thì Dương Tử (Yangtze) hay Trường Giang mới là con sông lớn nhất Trung Quốc. Ai “trị” được con sông này, kẻ đó sẽ đi vào lịch sử Trung Quốc như một “Đại Vũ” thứ hai, thậm chí còn hơn cả “Đại Vũ trị thủy”.
Vậy mới có Tam Hiệp.

Tham vọng và tranh cãi
Tham vọng đập Tam Hiệp nảy sinh từ năm 1919 dưới thời Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Lúc đó Tôn Trung Sơn mơ làm một Đại Vũ thứ hai qua việc xây dựng một con đập 30 triệu mã lực trên sông Trường Giang. Tuy nhiên đó chỉ là mơ thôi vì Quốc Dân Đảng Trung Quốc đang có chiến tranh với Nhật và cả Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mà giả sử không có chiến tranh thì lúc đó Trung Quốc cũng không có tiền, không có năng lực chuyên môn.

Đến năm 1953 Mao Trạch Đông mới làm ra lệnh nghiên cứu tính khả thi. Hai năm sau dự án được thiết lập kế hoạch chi tiết và từ đây đã gây tranh cãi.
Theo giới chuyên môn thì Trung Quốc cần phải xây dựng các đập nhỏ hơn trước cho đến khi có đủ năng lực tài chính và kỹ thuật với dự án tầm cỡ và đầy tốn kém này. Trong khi đó các giới chức tỉnh Tứ Xuyên thì chống lại việc xây dựng do Tứ Xuyên nằm ở thượng nguồn sẽ phải gánh chịu nhiều hậu quả trong khi tỉnh Hồ Bắc ở hạ nguồn sẽ nhận được nhiều lợi ích.
Nhưng Mao thì nhắm đến mục tiêu chính trị: Đảng cộng sản đưa Trung Quốc chiếm vị trí “nhất thế giới” trên nhiều mặt và ở đây là một “đập thủy điện lớn nhất thế giới”.
Tuy nhiên lúc đó Mao chú ý đến sông Hoàng Hà hơn, là cái nôi của văn minh Trung Quốc như đã nói ở trên. Ngay sau khi trở về Bắc Kinh nắm quyền năm 1949, Mao đã “phát động” chiến dịch chinh phục thiên nhiên bằng các đập thuỷ điện và cơ quan tuyên truyền của đảng đã nói về công cuộc trị thuỷ này như là trận đấu với Long vương ở đó các công trình kỹ thuật sẽ “đánh vảy, chặt vuốt và bẻ răng của con rồng độc ác hằng gây lũ lụt”.
Thế rồi thảm họa kinh tế từ chương trình Đại nhảy vọt vào năm 1960 đã chấm dứt toàn bộ công việc chuẩn bị tại Tam Hiệp. Năm 1963 Bắc Kinh đưa ra chính sách hồi phục kinh tế bằng các xây dựng “mặt trận thứ ba” của kỹ nghệ tây nam Trung Quốc, do đó cần điện lực và cần đến Tam Hiệp. Nhưng Cách mạng văn hóa Trung Quốc nổ ra năm 1966 khiến công việc này ngựng trệ.
Cải cách kinh tế vào thập niên 1980 dẫn đến nhu cầu điện tăng cao và năm 1979 Quốc vụ viện đã phê chuẩn việc xây dựng năm 1979 để rồi bị chỉ trích dữ dội vì không tiến hành một nghiên cứu thấu đáo nào về tác động xã hội hay môi trường. Để xoa dịu, năm 1982 chính quyền tiến hành nghiên cứu “tiền khả thi” nhưng khi kết thúc vào năm 1983 thì cũng bị tẩy chay, phản đối, nhiều khoa học gia không chịu ký viện lẽ đó là một báo cáo láo, đã trình bày sai sự thật về các lợi ích môi trường thu, đánh giá không đúng phạm vi ảnh hưởng tới môi trường cũng như thiếu các giải pháp cụ thể cho các lo ngại về môi trường.

Năm 1991, giáo sư vật lý Tiền Vĩ Trường (Qian Weichang) đăng một bài báo cho biết, nguy hại khi đập Tam Hiệp bị vỡ sẽ làm 600 triệu người vùng hạ lưu bị tràn ngập nước, hàng trăm triệu người sẽ rơi vào đường cùng. Ông cũng cho rằng đập Tam Hiệp sẽ là mục tiêu hàng đầu nếu Trung Quốc có chiến tranh với kẻ thù bên ngoài. Với kỹ thuật hỏa tiễn hiện nay, việc phòng thủ đối với đập Tam Hiệp là điều không thể. Vì vậy ông đề nghị nhất định không được khởi công dự án Tam Hiệp, vì con đập này sẽ trở thành điểm yếu an ninh nguy hiểm.
Nhưng đập vẫn cứ xây với “quyết tâm” của nguyên thủ tướng Lý Bằng, xuất thân là một kỷ sư thủy điện tốt nghiệp tại Nga.
Phe bênh cho rằng dự án sẽ giúp kiểm soát lũ dọc hai bên sông Trường Giang, thúc đẩy thương mại nội địa và cung cấp phần lớn điện năng cho miền trung đại lục. Phe chống thì lo lắng nguy cơ vỡ đập và hậu quả khủng khiếp của nó, về việc khoảng 19 triệu dân sống dọc hai bên sông mất chỗ ở, hơn nữa việc tích tụ một lượng nước khổng lồ như thế sẽ gây ra động đất và sạt lở địa hình – những nguy cơ vốn tăng dần theo thời gian.
Các luật gia về nhân quyền đã chỉ trích kế hoạch tái định cư. Các nhà khảo cổ học cũng e ngại do sự nhấn chìm của một lượng lớn các di tích lịch sử và mất đi của một trong những kỳ quan đẹp nhất thế giới. Bên ngoài, giới sinh thái quốc tế cũng phản đối gay gắt hơn.
Trước áp lực này, tháng Ba năm 1980 Quốc vụ viện tuyên bố gác lại kế hoạch trong 5 năm. Tuy nhiên, sự kiện Thiên An Môn từ tháng Tư đến tháng Sáu 1989 làm thay đổi tất cả. Sau khi ra lệnh trấn áp sinh viên tại Thiên An Môn, nguyên Thủ tướng Lý Bằng – người chủ trương xây đập – ra lệnh trấn áp những kẻ phản đối Tam Hiệp, kết án họ thiển cận hay có ý đồ làm suy yếu chính quyền, tiếp tay các “thế lực thù địch, phản động”.
Xem ra công trình này cũng gây tranh cãi tương tự dự án bauxit tại Việt Nam. Bằng tất cả mưu chước của mình, Lý Bằng đã xông xáo vận động và cuối cùng ngày 3.4.1992 Quốc hội Trung Quốc thông qua dự án với 1767 phiếu thuận, 177 phiếu chống và 664 phiếu trắng. Đây là điều chưa từng xảy ra tại quốc hội các nước cộng sản, luôn có “truyền thống” ủng hộ các nghị quyết của đảng và nhà nước ít nhất 99%!
Đáng chú ý hơn, trong lễ khởi công năm 1993, giới quan sát lưu ý rằng nguyên Chủ tịch Giang Trạch Dân – một kỹ sư cơ điện – đã không xuất hiện cùng Lý Bằng.
Đến năm 2006 thì đập hoàn tất.

Tam Hiệp ngày nay
Đập nằm ỏ phía tây thành phố Nghi Xương thuộc địa phận tỉnh Hồ Bắc..
Đập này chắn ngang sông Dương Tử (Yangtze) hay Trường Giang là con sông dài nhất châu Á và đứng thứ ba trên thế giới sau sông Ninle ở Châu Phi, sông Amazon ở Nam Mỹ.
Trường Giang dài khoảng 6385 km, bắt nguồn từ phía tây Trung Quốc (Thanh Hải) và chảy về phía đông đổ ra Biển Hoa Đông. Sông này được coi như điểm phân chia giữa hai miền Hoa Bắc và Hoa Nam Trung Quốc và cùng với Hoàng Hà, Trường Giang là sông quan trọng nhất trong lịch sử, văn hóa, và kinh tế của Trung Quốc. Đồng bằng châu thổ Trường Giang màu mỡ tạo ra 20% GDP của Trung Quốc.

Hồ chứa của đập nhấn chìm một khu vực trải dài đến 600km về phía thượng nguồn, cho phép tàu hàng tải trọng lớn di chuyển 2,250km từ biển Hoa Đông (cảng Thượng Hải) đến tận thành phố Trùng Khánh.

Đập được làm từ bê tông và thép, có chiều dài 2355m và đỉnh đập cao 185 mét trên mực nước biển. Công trình đã sử dụng 27.2 triệu mét khối bê tông (chủ yếu cho thành đập), 463,000 tấn thép (đủ xây 63 tháp Eiffel), đào 102.6 triệu mét khối đất. Thành đập cao 181 mét so với nền đá.
Phẩm lượng con đập thì rất khả nghi do nạn tham nhũng và rút ruột công trình. Năm 1999 nguyên thủ tướng Chu Dung Cơ đã phải ra lệnh hủy bỏ nhiều hàng mục để xây lại sau khi một loại các tai nạn lớn đã xảy ra, bao gồm cả sập cầu. Năm 2000 thân đập đã xuất hiện nhiều các vết nứt lớn. Ba năm sau, trước khi bắt đầu tích nước, đoàn kiểm tra của chính phủ đã phát hiện ra có hơn 80 vết nứt trên bề mặt đập.
Nhiều lo ngại khác về đập Tam Hiệp bắt đầu râm ran từ tháng Bảy năm 2019 sau khi ảnh vệ tinh ghi nhận thân đập có vẻ như bị biến dạng vào do sức ép của nước, nhưng nhà chức trách bác bỏ, khẳng định đập vẫn an toàn, trấn an rằng sự méo mó là do máy ảnh, không phải do đập.
Đến mùa mưa năm nay, tình hình càng xấu hơn. Trận lũ kỷ lục trong 80 năm ở miền nam Trung Quốc là thử thách lớn đầu tiên của công trình Tam Hiệp.

Trong cuộc họp báo ngày 10.6.2020 Thứ trưởng Thủy lợi Jianchun thừa nhận mực nước trên ít nhất 148 con sông ở Trung Quốc đã dâng cao trên mức cảnh báo, chứng tỏ khả năng kiểm soát lũ của đập Tam Hiệp chỉ có giới hạn.
Hiện tại Tam Hiệp gồng gánh một lượng nước khổng lồ với tình trạng mưa kéo dài.
Hồ chứa của Tam Hiệp có dung tích tới 42 tỷ mét khối nước, tương đương 42 tỷ tấn. Theo khảo cứu của Cục quản trị phi hành không gian Mỹ NASA thì việc đẩy 42 tỷ tấn nước lên cao 175 mét so với mực nước biển đã thay đổi cấu trúc trọng lực trái đất và làm chậm tốc độ tự xoay của Trái Đất, khiến cho ngày dài thêm 0,06 mili giây và làm điểm cực lệch đi khoảng 2cm.
Thời tiết ở Trung Quốc đại lục đã bất thường trong nhiều ngày qua. Tính vào ngày 20.6.2020 thì lượng nước trút vào hồ chứa Tam Hiệp là 26,500 mét khối mỗi giây, phải mở van xả tối đa nhưng đến ngày hôm sau mực nước trong hồ đã vượt quá mức báo động. Trong khi đó thì các thượng lưu và hạ lưu bị lụt lớn,
Trên mạng Trung Quốc gần đây đã lan truyền một bài phân tích về thương vong cụ thể của vụ vỡ đập; theo đó nếu đập Tam Hiệp bị vỡ hoàn toàn, hơn 10 tỷ mét khối lũ sẽ trút xuống trong một thời gian ngắn và khu vực ven sông từ đập Tam Hiệp đến thành phố Trường Sa, Hồ Nam sẽ phải chịu đựng tác động trực tiếp của trận lụt với lưu lượng đỉnh lũ là 1 triệu đến 2.37 triệu mét khối mỗi giây và tốc độ xả sẽ cao tới 100 km mỗi giờ, do đó thiệt hại sẽ rất thảm khốc.
Như vậy, chúng ta có thể thấy kế hoạch xây đập không thực hiện đúng như Vũ đã làm mà là như Cổn, cha của Vũ: đắp đập chắn ngang sông. Cổn thất bại nên Vũ từ bỏ việc xây đập mà tiến hành xây dựng hệ thống kênh thoát nước và nạo vét lòng sông.
Như đã nói ở trên, nhiều chuyên gia Trung Quốc kêu gọi tốt hơn hết nên xây nhiều đập nhỏ trên các phụ lưu của sông Trường Giang, vẫn kiểm soát lũ và phát điện tốt trong khi nguy cơ ít hơn. Lời khuyên đã không được lắng nghe và nay thì có thể thấy Tam Hiệp không hề đạt mục tiêu trong việc “trị thủy” là còn làm lũ lụt trở nên nguy hiểm hơn.

Chính một chuyên gia thủy lợi Trung Quốc Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), hiện sống ở Đức, đã nghi ngờ dự án đập Tam Hiệp không hề có khả năng chống lũ như chính phủ nói và cho rằng mục đích thực sự của việc xây dựng đập của chính quyền là để phát điện.
Ông Vương Duy Lạc cũng cho biết khi mới xây dựng Tap Hiệp, các chuyên gia nổi tiếng phụ trách thiết kế và giám sát công trình đã viết thư cho cấp trên phàn nàn về chất lượng xây dựng không tốt do xây dựng quá nhanh, thời gian quá ngắn. Theo ông thì nếu có thực việc đập biến dạng, vấn đề này không nghiêm trọng bằng việc Tam Hiệp bị rò nước do bê tông xấu, dẫn đến nguy cơ vỡ đập. Do đó ông kêu gọi các cư dân ở hạ lưu “hãy chuẩn bị tâm lý, sớm có kế hoạch thoát thân”.

Phòng thủ Tam hiệp
Bên cạnh nỗi lo về ngập lụt do đập Tam Hiệp gây ra và vỡ đập do mưa lớn; ngay từ khi đập mới xây dựng, người ta đã quan tâm đến tình trạng thời chiến khi con đập trở thành một mục tiêu quan trọng.
Ngày 16/9/2015, Thủ tướng Lý Khắc Cường ký sắc lệnh về “Quy định về bảo đảm an ninh vùng thủy lợi trong điểm đập Tam Hiệp”, với chiến thuật phòng thủ nhiều tầng gồm cả hải quân, không quân và lục quân.
Một lực lượng mạnh gồm 4600 binh sĩ để bảo vệ an ninh đập Tam Hiệp, trong đó có 4 pháo đội hỏa tiễn phòng không, một đại đội lục quân chuyển quân bằng trực thăng lục, 8 tàu ​​tuần tra, 24 trung đội phản ứng nhanh.
Quân đội Trung Quốc (PLA) đã bố trí ba loại phi đạn Hongqi- 7 (Hồng kỳ 7) Hongqi-16 và Hongqi-7, hình thành các mạng lưới phòng không tầm cao, trung bình và thấp. Đồng thời, các đấu cơ J-10 và J-11 cũng được bố trị tại các căn cứ chung quanh làm lực lượng phòng không cơ động của đập Tam Hiệp.
Một số người Trung Quốc cho rằng oanh tạc bom các cơ sở thủy lợi dân sự quy mô lớn như Tam Hiệp là phạm luật quốc tế và sẽ không xảy ra trong các cuộc chiến tranh hiện đại. Tuy nhiên hiện tại chính Trung Quốc, dù khi chưa xảy ra chiến tranh, vẫn bất chấp luật quốc tế và hành xử như là cướp biển trên Biển Đông, vẫn hành xử man rợ như là giới lục lâm thảo khấu thời Trung Cổ tại biên giới Ấn Độ. Không ai tin là Trung Quốc sẽ hành xử “văn minh” theo đúng Công ước chiến tranh khi nổ ra một cuộc chiến toàn diện và do đó các đối thủ của Trung Quốc có thể trả đũa theo cùng một cách, chắc chắn Tam Hiệp sẽ là một mục tiêu.

Trong Đệ Nhị Thế Chiến, phe Đồng Minh đã liên tiếp oanh tạc các cơ sở kỹ nghệ và điện lực của Đức, vì nó tiếp tế cho bộ máy chiến tranh. Nguồn điện của Tam Hiệp, chắc chắn cũng đang tiếp sức cho các cơ sở quốc phòng Trung Quốc.
Một số người Trung Quốc lập luận rằng đập Tam Hiệp nằm ở vùng giữa trên bản đồ Trung Quốc, cách bờ biển và biên giới hơn 1,000 km. Nếu đối phương định tấn công bằng máy bay ném bom, nó sẽ bị chặn ở gần bờ biển. Ngay cả đối với máy bay ném bom tàng hình, cũng phải mất hơn một giờ để bay từ biên giới đến Tam Hiệp và PLA có đủ thời gian để ứng phó. Nếu dùng hỏa tiễn tuần thám tầm xa tấn công đập Tam Hiệp, do tốc độ tên lửa khá chậm, lực lượng phòng không mặt đất và lực lượng chiến đấu cơ của PLA cũng có đủ thời gian đối phó.
Trên thực tế thì PLA chưa bao giờ có kinh nghiệm thực chiến về kiểu chiến tranh hiện đại này này và nếu có vỏ quýt dày thì luôn luôn có móng tay nhọn.

Phạm Đức Đồng Hùng

Related posts