- Minh Nhật
Ngày 12/6/2020 vừa qua, thượng viện Bỉ đã thông qua một nghị quyết lên án tội ác thu hoạch nội tạng đang diễn ra tại Trung Quốc. Dưới đây là diễn văn thông qua nghị quyết này tại quốc hội Bỉ. Thông tin truy cập tại đây.
Năm 1984, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã luật hóa việc lấy nội tạng từ tù nhân sau khi họ bị tử hình, điều kiện là người tử tù hoặc thân nhân của họ đã đồng ý trước đó. Năm 2007, Trung Quốc cấm buôn bán nội tạng, và năm 2015, nước này chính thức tuyên bố dừng thu hoạch tạng từ tử tù mà không có sự ưng thuận của họ từ trước. Với kết quả cải cách như vậy, Trung Quốc đã có các bước tiến tích cực, và ngày nay, theo thông tin của chính quyền, thì hệ thống ghép tạng là dựa trên nguồn tạng được hiến.
Nhưng thách thức với Trung Quốc ngày nay là ở chỗ họ có thực hiện đầy đủ luật mà họ đưa ra hay không. Thế giới vẫn nghi vấn về tính xác thực của số liệu cấy ghép được chế độ Trung Quốc công bố, đặc biệt là về số lượng các ca cấy ghép, đồng thời chế độ cũng không tiết lộ thông tin về số lượng các ca tử hình. Vì thế những số liệu hiện có không thể phản ánh được sự thật rằng việc thu hoạch nội tạng trên quy mô lớn, từ những người không đồng ý hiến tạng, vẫn đang diễn ra.
Có các báo cáo cho thấy rằng công dân Trung Quốc đã và đang bị giết để thu hoạch tạng, và rằng việc hiến tạng thực chất là không được đồng thuận. Vào tháng 10/2016, David Kilgour, David Matas và Ethan Gutmann đã công bố báo cáo “Thu hoạch đẫm máu/Đại thảm sát: Bản cập nhật” (Xem bản tiếng Anh tại đây), trong đó tuyên bố rằng, một mặt, số lượng nội tạng được sử dụng nhiều hơn hẳn so với số liệu chính phủ Trung Quốc công bố (chính quyền này ước tính khoảng 10.000 ca ghép tạng được thực hiện hàng năm, nhưng con số thực tế có thể lên tới 60.000 đến 100.000 ca cấy ghép mỗi năm, theo các tác giả); mặt khác, báo cáo cũng cho rằng các tù nhân lương tâm, bao gồm người tập Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ, đã bị đặc biệt nhắm đến để thu hoạch tạng.
Pháp Luân Công là một môn khí công cổ xưa (khí công là một trường phái tập luyện truyền thống của Trung Quốc, dựa trên việc điều hòa hơi thở, cùng các động tác chậm rãi, các bài tập thở, và tập trung thiền định), với những bài tập thiền định. Ba nguyên tắc của môn này là chân, thiện và nhẫn. Người Duy Ngô Nhĩ là một dân tộc thiểu số Hồi giáo dòng Sunni, là dân tộc thiểu số tại Trung Quốc, nhưng chiếm đa số tại tây bắc Tân Cương. Người Duy Ngô Nhĩ sử dụng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, và cũng xuất hiện tại Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Gần đây, Tòa án Trung Quốc, được chủ tọa bởi ngài Geoffrey Nice (người từng truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế), đã thực hiện một phân tích pháp lý độc lập đầu tiên trên thế giới, xem xét tất cả các bằng chứng về việc cưỡng bức lấy nội tạng từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc. Mục đích của tòa là xác định xem liệu việc thu hoạch tạng có xảy ra hay không, và liệu nhà nước Trung Quốc, các cơ quan liên quan, các tổ chức, hay các cá nhân tại Trung Quốc có phạm tội hình sự khi thực hiện hành vi thu hoạch tạng hay không. Tòa án đã công bố tuyên án tạm thời vào tháng 6/2019 và bản tuyên án đầy đủ vào 1/3/2020.
Trong bản phán quyết đầy đủ, tòa đồng thuận kết luận rằng “thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã diễn ra tại Trung Quốc trong nhiều năm trên quy mô lớn, và người tập Pháp Luân Công đã trở thành nguồn cung nội tạng, và có thể là nguồn cung chính. Việc đàn áp và xét nghiệm y tế đối với người Duy Ngô Nhĩ đã xuất hiện gần đây, và các bằng chứng về cưỡng bức lấy tạng từ nhóm người này có thể sẽ xuất hiện trong tương lai. Tòa án cũng không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy các cơ sở hạ tầng liên kết với ngành công nghiệp ghép tạng của Trung Quốc đã bị tháo dỡ. Do không có một giải thích hợp lý dành cho sự sẵn có của nguồn nội tạng, tòa kết luận rằng việc cưỡng bức lấy tạng vẫn tiếp tục cho tới hiện tại.”
Hành vi lấy nội tạng mà không có sự đồng thuận có liên quan đến các vấn đề nhân quyền (tử hình, đối xử tồi tệ, giết hại ngoài pháp luật và nghi ngờ “thu hoạch nội tạng” từ các tù nhân, bao gồm người tập Pháp Luân Công), nhưng nó cũng liên quan tới các vấn đề về y tế cộng đồng. Các công dân châu Âu cần nội tạng cấy ghép phù hợp có thể sẽ bị cám dỗ bởi các thị trường buôn bán nội tạng bí mật. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong đó Trung Quốc là một thành viên, đã thông qua một bộ quy tắc về cấy ghép tế bào, mô và nội tạng con người vào năm 2010, nhằm làm minh bạch các tiêu chuẩn quốc tế về cấy ghép nội tạng. Quy tắc thứ 1 yêu cầu phải có sự đồng thuận từ người hiến tạng thì mới có thể lấy đi nội tạng cho cấy ghép. Quy tắc thứ 10 yêu cầu khả năng truy nguyên nội tạng cấy ghép. Quy tắc 11 yêu cầu việc hiến tạng phải minh bạch và phải công khai cho việc nghiên cứu và xem xét từ bên ngoài.
Vấn đề lấy tạng trái phép thường xuyên thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Liên minh Châu Âu đã vài lần đưa vấn đề này ra, và đã biểu lộ quan ngại về vấn đề này với Trung Quốc trong một số diễn đàn.
Tháng 12/2013, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết về thu hoạch tạng tại Trung Quốc, trong đó thể hiện quan ngại về các báo cáo khả tín và liên tục về việc thu hoạch tạng có hệ thống, do nhà nước hậu thuẫn, mà không có đồng thuận từ tù nhân lương tâm tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; nạn nhân bao gồm một lượng lớn người tập Pháp Luân Công bị giam cầm do tín ngưỡng của họ, cũng như thành viên của các nhóm tôn giáo và thiểu số khác. Cụ thể, Nghị viện Châu Âu kêu gọi chính quyền Trung Quốc ngay lập tức dừng thu hoạch tạng từ các tù nhân này, và cho phép “Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Tra tấn và các Hình thức Đối xử Tàn bạo, Vô nhân đạo” và “Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Tự do Tôn giáo và Tín ngưỡng” có thể điều tra về hoạt động cấy ghép tạng tại Trung Quốc.
Tháng 4/2016, Nghị viện Châu Âu đưa ra một tuyên bố nhằm chấm dứt việc thu hoạch tạng từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc, trong đó kêu gọi Ủy ban và Hội đồng Châu Âu thực thi nghị quyết năm 2013, và nhấn mạnh tính khẩn cấp và hệ trọng của một cuộc điều tra độc lập về việc thu hoạch nội tạng vẫn tiếp diễn tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Trong Báo cáo Thường niên về Nhân quyền và Dân chủ trên Thế giới năm 2018, được Hội đồng Châu Âu thông qua vào ngày 13/5/2019, Hội đồng Châu Âu cũng công nhận rằng “việc vi phạm nhân quyền và lạm dụng các nhóm thiểu số tại Trung Quốc, bao gồm những người thuộc sắc tộc chủ yếu hay sắc tộc thiểu số, cùng các nhóm tín ngưỡng, các nhóm ngôn ngữ, vẫn chưa giảm thiểu vào năm 2018. Trong suốt năm 2018, rõ ràng chính quyền Trung Quốc đã cưỡng ép hàng trăm ngàn người thuộc các nhóm thiểu số vào các trại tập trung, để làm cái gọi là đào tạo nghề, nhằm giúp những người này ‘thoát nghèo’, ‘thoát lạc hậu’, và không bị ‘xúi giục’ bởi các tín ngưỡng cấp tiến”. Đã có các cáo buộc về mối liên hệ giữa những trại tập trung này và việc lấy nội tạng sống để phục vụ cấy ghép.
Trong báo cáo Xem xét Phổ quát Định kỳ về Trung Quốc của Bỉ vào tháng 11/2018, Bỉ đã đồng thuận thể hiện quan ngại về việc chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không phản ứng tích cực đối với các yêu cầu viếng thăm của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc, nhằm xem xét việc thực thi Hiệp ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, Nghị định thư Bổ sung cho Hiệp ước chống Tra tấn, Hiệp ước Quốc tế về Bảo vệ Tất cả Con người khỏi Cưỡng bức Bắt cóc, và Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế.
Bỉ cũng hỗ trợ một số tuyên bố trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền và Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 7 và tháng 11/2019. Vì thế đất nước của chúng ta đang theo đuổi vấn đề này rất sát sao, và sẽ không ngần ngại bày tỏ quan ngại tại các diễn đàn có liên quan. Trong khuôn khổ quan hệ song phương với Trung Quốc, vấn đề thu hoạch tạng thường xuyên được đưa ra trong các buổi họp, đơn cử như trong lần phái đoàn hợp tác kinh tế của Bỉ tới Trung Quốc vừa qua.
Xét sự nghiêm trọng của vấn đề, và hậu quả của nó đối với việc tôn trọng nhân quyền và bảo đảm y tế công, cần khẩn cấp tăng cường tính rõ ràng của vấn đề này, thu thập nhiều dư liệu hơn, và đảm bảo rằng công dân các nước trên thế giới không bị giết hại trái phép để lấy nội tạng. Điều tối quan trọng là đất nước chúng ta tiếp tục nỗ lực và sử dụng mọi phương cách có thể để đảm bảo những hành vi phi pháp và vô nhân đạo này không tiếp diễn.
Minh Nhật biên dịch