Khi sự hung hăng của Bắc Kinh trở thành mối đe dọa đối với châu Á

  • Gia Huy

Bên cạnh tác động của đại dịch COVID-19, Châu Á ngày nay đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột lớn. Việc Trung Quốc quyết liệt gây hấn với thế giới trở nên đáng lo ngại hơn bao giờ hết, có thể báo hiệu sự kết thúc của một thời kỳ khá ổn định và hòa bình kéo dài trong khu vực sau Chiến tranh lạnh.

(Ảnh: kremlin.ru)

Vài năm trước, những dự đoán tương tự đã được đưa ra khi xung đột gia tăng tại biển Đông và Nam Trung Hoa. Tuy nhiên sau đó, các tranh chấp đã không dẫn đến chiến tranh. 

Tới thời điểm hiện tại, những quan ngại về bất ổn trong khu vực trở nên chắc chắn hơn dựa trên diễn tiến của 3 sự việc gần đây.

Đầu tiên, đó là xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực Ladakh thuộc dãy Himalaya. Con số thương vong do cuộc giao tranh này đã vượt xa số lượng được ghi nhận trong các cuộc tranh chấp biên giới nổi bật của Trung Quốc trong những năm qua.

Trên thực tế, việc giao tranh dưới bất kỳ hình thức nào xảy ra tại Himalaya đều được xem là một bước ngoặt trong mối quan hệ của Trung Quốc với Ấn Độ và phần còn lại của châu Á. Sự kiềm chế của Trung Quốc về sử dụng vũ lực đã vượt quá giới hạn.

Thứ hai, Bắc Kinh đang tăng cường phô diễn sức mạnh tại Biển Đông với cường độ và sự hung hăng hơn nhiều so với trước đây. Trong những năm gần đây, khả năng tác chiến của lực lượng hải quân Trung Quốc đã được nâng cao và mở rộng đáng kể. Ngoài ra, chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo của Bắc Kinh giống như lời tuyên bố thẳng thừng về sự hiện diện thực tế của Trung Quốc tại khắp các vùng biển tranh chấp này.   

Bắc Kinh đã bác bỏ những yêu sách mà cả Việt Nam và Philippines đã đưa ra ở Biển Đông, cũng như lên tiếng phản đối việc biểu dương lực lượng của Hoa Kỳ trong khu vực. Cho đến nay, mặc dù những động thái như vậy không dẫn đến giao tranh giống như ở biên giới Trung – Ấn, nhưng chúng đã làm leo thang căng thẳng đáng kể tại Đông Nam Á.

Thứ ba, nhiều nhà quan sát kết luận rằng việc Trung Quốc ban hành Luật An ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông là trái với Luật Cơ bản. Điều này cho thấy rằng ông Tập đã không còn tuân theo luật chơi mà những người tiền nhiệm của ông đã đồng thuận. Ông trở nên quyết liệt và mạnh bạo hơn họ trong việc dập tắt các mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Với luật mới, sự hiện diện của chính quyền Bắc Kinh được tăng cường ở Hồng Kông, cảnh sát được trao cho những đặc quyền trước đây không có, hàng loạt các vụ bắt bớ người biểu tình đã xảy ra.

Việc cố gắng đưa Hồng Kông đi theo con đường độc tài đã nói lên rất nhiều về cách tiếp cận mới của lãnh đạo Trung Quốc đối với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Đài Loan. Nhiều người đã nhận ra rằng Bắc Kinh đặt ưu tiên cho việc thống nhất quốc gia ở bất kể nơi nào họ tranh giành. Viễn cảnh leo thang xung đột giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đã tăng lên.

Những xu hướng này đã cho thấy nguy cơ xung đột tại châu Á là điều có thể xảy ra trong nay mai. Sự phá vỡ nguyên trạng đang diễn ra nhưng chưa hoàn tất, nhưng nó sẽ hoàn tất nếu Mỹ và Trung Quốc leo thang xung đột quân sự trực tiếp tại Biển Đông.

Tình hình cũng có thể trở nên xấu hơn nếu Trung Quốc đẩy mạnh giao tranh với Nhật Bản về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku; hay khi Bắc Kinh quyết liệt thi hành Luật An ninh để đàn áp dân chủ ở Hồng Kông, kết thúc quan hệ đặc biệt của đặc khu với phần còn lại của thế giới.

Cuối cùng, nếu Bắc Kinh mở rộng quan điểm tương tự như Hồng Kông đối với chính sách về Đài Loan, rất có thể sẽ dẫn đến chiến tranh tại eo biển Đài Loan.

Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu những điều này diễn ra nay mai, khi những tín hiệu cảnh báo đang có mặt ở khắp mọi nơi.

Gia Huy

Related posts