Điểm tin thế giới trưa 10/7Mưa vượt kỷ lục, Hồ Bắc nâng mức cảnh báo, lũ phá nhịp cầu 800 năm tuổi ở Giang Tây

Cầu Thải Hồng ở tỉnh Giang Tây, có niên đại 800 năm tuổi bị lũ lụt phá vỡ (ảnh: CyberHex/ You Tube).

Tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc đã nâng phản ứng khẩn cấp phòng chống lũ lụt lên cấp 2 từ cấp 3 hôm thứ Năm (9/7), sau khi lượng mưa ở 4 thành phố của tỉnh vượt mức kỷ lục. Lũ lụt làm bay mái và phá vỡ một nhịp của cầu Thải Hồng 800 năm tuổi ở huyện Vụ Nguyên, tỉnh Giang Tây.

Mưa xối xả đã nhấn chìm tỉnh Hồ Bắc vào thứ Tư (8/7) và lũ lụt gây ra cảnh ngập bị ngập úng, sạt lở đất, tràn hồ chứa và gây ra gián đoạn giao thông, đài Tiếng nói Hồ Bắc thuộc truyền hình Hồ Bắc đưa tin hôm thứ Năm.

Lũ lụt đã ảnh hưởng đến hơn 9 triệu người, 14 người chết, 5 người mất tích và 204.400 người sơ tán trên 17 thành phố thuộc tỉnh Hồ Bắc vào hôm thứ Năm. Hơn 3.000 ngôi nhà bị phá hủy và hơn 5.000 ngôi nhà khác bị hư hại. Thiên tai đã gây ra thiệt hại về tài sản lên đến 11,1 tỷ nhân dân tệ (1,57 tỷ USD) cho tỉnh này. Mực nước của sông Dương Tử đoạn chảy qua Hồ Bắc cũng tăng.

Thống kê của Đài quan sát Khí tượng Trung ương Trung Quốc cho thấy từ ngày 1/6 đến ngày 7/7 năm nay có 6 cơn mưa lớn ở trung và hạ lưu sông Dương Tử.

Quận Bà Dương (Poyang) ở tỉnh Giang Tây vào tối thứ Năm nâng phản ứng khẩn cấp chống lũ lụt lên cấp 1, vì mực nước đã vượt quá mực nước lũ năm 1998. Hơn 9.000 người bị đe dọa bởi nước lũ và đã sơ tán, cơ quan chức năng địa phương cho biết.

Cầu Thải Hồng còn gọi là cầu Vồng, tại thị trấn Thanh Hoa, huyện Vụ Nguyên (Wuyuan), tỉnh Giang Tây. Cầu có kiến trúc gỗ xây theo kiểu hành lang gồm 11 tòa mái đình trên 4 trụ đá. Đây là di tích lịch sử quốc gia, được coi là một trong những cầu cổ đẹp nhất Trung Quốc. Theo video từ phương tiện truyền thông Trung Quốc, các mố đá của cầu vẫn đứng vững, nhưng một nhịp cầu bị cuốn trôi, tốc mái, bị hư hại nặng. Chính quyền quận Vụ Nguyên yêu cầu cư dân giúp tìm các phần của cây cầu bị lũ cuốn, truyền thông địa phương đưa tin.

Cũng ở tỉnh Hồ Bắc, một thảm họa lở đất đã xảy ra ở một ngôi làng thuộc Hoàng Mai, Hoàng Cương vào khoảng 3:15 sáng thứ Tư khiến 8 người thiệt mạng. Thi thể của một em nhỏ 14 tuổi được tìm thấy vào khoảng 4:30 chiều cùng ngày. Trong số 9 người dân làng khác mất tích hoặc bị cuốn trôi thì chỉ một bà lão 80 tuổi sống sót, truyền hình CGTN đưa tin.

“Chúng tôi đã yêu cầu chính quyền tỉnh ngay lập tức hỗ trợ, bao gồm các thiết bị dò tìm người còn sống, các chuyên gia địa chất và máy xúc máy đào”, Wu Guozheng, người đứng đầu Cục quản lý khẩn cấp Hoàng Mai nói. “Trận mưa lớn năm nay là chưa từng có. Lở đất ở làng này là rất hiếm nên dân làng nghĩ rằng việc sơ tán là không cần thiết. Nhưng rồi nó đã xảy ra”.

Đài Loan bắt tàu đưa 30 người Việt Nam vượt biên trái phép

Đài Loan đã lập lực lượng đặc nhiệm để bắt tàu cá chở người vượt biên trái phép (ảnh: CGA).

2 ngư dân Đài Loan đã bị bắt hôm 8/7 vì bị cáo buộc có âm mưu đưa 30 người Việt Nam vượt biên trái phép.

Taiwans News đưa tin, lực lượng tuần duyên Đài Loan (CGA) chi nhánh Cao Hùng nhận được một thông tin rằng một chiếc thuyền đánh cá mang quốc tịch Việt Nam và chuẩn bị đang đưa số người trên thuyền vào Đài Loan.

Vào 23h50′ hôm 6/7, các tàu tuần tra phát hiện một tàu cá cách Bình Đông 19km. Khi các quan chức CGA lên tàu, họ phát hiện 30 người Việt trên boong ở phía dưới tàu, gồm 7 nữ và 23 nam, theo trang tin UDN. Ngoài ra, trên tàu cá còn có 2 công dân Đài Loan là thuyền trưởng họ Tsai và thuyền viên họ Liu.

Các sĩ quan sau đó kiểm tra người Việt Nam về thân nhiệt và hệ thống hô hấp. Những người này sau đó được mang đi cách ly 14 ngày trước khi được chuyển đến Cơ quan Di trú Quốc gia để xử lý. Theo CGA, 29/30 người trong nhóm bị bắt trước đây từng lao động trái phép ở Đài Loan.

Theo kết quả điều tra sơ bộ, những kẻ đứng đầu đường dây buôn người đã thu của mỗi người Việt 10.000 USD. Theo hãng tin CNA, con số này cao hơn mức trung bình từng ghi nhận trước đó là 7.000 USD. 

Tàu cá Trung Quốc giấu xác thuyền viên Indonesia trong tủ đông

Một chiếc tàu của cảnh sát biển Indonesia ngày 13/9/2017 (ảnh: Bộ Vận tải Indonesia)

Các nhà chức trách ở Indonesia hôm thứ Năm (9/7) đã phát hiện thi thể một thuyền viên Indonesia bị giấu trong tủ đông của tàu cá Trung Quốc.

Ông Harry Goldenhardt, người phát ngôn cảnh sát quần đảo Riau của Indonesia nói với BenarNews: “Chúng tôi nhận được tin báo một người lao động Indonesia đã tử vong trên một trong hai chiếc tàu, và thi thể của người này bị giữ trong tủ đông trong khoảng một tuần”.

Cảnh sát biển Indonesia cho biết họ đã chặn hai tàu cá Trung Quốc khi chúng đang ở ngoài khơi đảo Nipa, gần Singapore. Hai tàu cá bị bắt giữ có tên Lu Huang Yuan Yu 117 và Lu Huang Yuan Yu 118. Toàn bộ thủy thủ đoàn cũng bị bắt giữ để điều tra, gồm 32 thuyền viên, trong đó có 10 người Indonesia.

Giới chức Indonesia xác nhận thuyền viên tử vong là một nam thanh niên 20 tuổi có tên Alfriandi, thường trú tại tỉnh Lampung trên đảo Sumatra.

Ông Goldenhart nói với AFP: “Nạn nhân có nhiều vết thương trên thân thể. Chúng tôi đang tiến hành khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân tử vong”.

Ông Arie Dharmanto, trưởng phòng tội phạm của sở cảnh sát tỉnh Riau nói với BenarNews: “Thi thể nạn nhân đã được tìm thấy trên chiếc tàu 117. Chúng tôi vẫn đang thẩm vấn các thành viên trên tàu để điều tra vụ án”.

Một thuyền viên Indonesia đã gọi điện thoại thông báo về cái chết của người thanh niên đến đường dây nóng của một tổ chức phi chính phủ về quyền lợi của các thủy thủ, có tên DFW.

Ông Mohammad Abdi Suhufan, người điều phối của DFW, nói với BenarNews: “Rõ ràng thi thể đã được di chuyển từ tàu này sang tàu khác, cùng thuộc sở hữu của một công ty”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta hiện chưa trả lời đề nghị bình luận của báo BenarNews.

Trang tin này cho biết có ít nhất 8 người Indonesia đã tử vong trong các tình huống khác nhau trên các tàu cá Trung Quốc kể từ tháng 11 năm 2019 đến nay. Vào tháng 5, ba thuyền viên Indonesia tử vong trên một tàu cá Trung Quốc, thi thể họ bị ném xuống biển. Trung Quốc cho rằng thủy táng các thuyền viên là phù hợp với luật pháp quốc tế.

Một số thuyền viên trốn thoát khỏi các tàu cá Trung Quốc cho biết họ phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt và bị tra tấn. Tháng trước, hai thuyền viên Indonesia đã nhảy ra khỏi tàu cá Trung Quốc để chạy trốn môi trường làm việc quá khủng khiếp, sau đó được một tàu cá Indonesia giải cứu.

Mỹ phản đối Trung Quốc can thiệp việc khai thác dầu khí của Việt Nam và các nước trên Biển Đông

Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kirtenbrink tại cuộc họp báo hôm 2/7/2020 (ảnh Photo Soha via Facebook US Embassy Vietnam).

Mỹ lên tiếng phản đối việc Trung Quốc can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí trên Biển Đông vốn có từ lâu của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam – Đại sứ Daniel Kritenbrink nêu rõ.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nhận định, an ninh hàng hải đóng vai trò sống còn với sự phát triển kinh tế của khu vực, toàn cầu cũng như với mỗi quốc gia trong khu vực. 

Điều quan trọng là luật pháp quốc tế phải được tôn trọng và mọi quốc gia phải hành xử theo luật pháp quốc tế. Không nước nào được dùng vũ lực để cưỡng ép, bắt nạt các quốc gia khác và để thúc đẩy lợi ích riêng của họ.

Ông khẳng định, Mỹ phản đối việc một quốc gia nào đó tìm cách can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí vốn có từ lâu của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

“Chúng tôi phản đối những nỗ lực của một số nước trong khu vực nhằm cố gắng can thiệp vào hoạt động thăm dò năng lượng vốn đã có lâu đời ở Biển Đông, bao gồm cả Việt Nam, tại những lô đã được thiết lập lâu nay”, Đại sứ Kritenbrink nói hôm 7/7 khi trả lời câu hỏi trong buổi giao lưu trực tuyến với độc giả Vietnamnet.

Trước đó, tại một cuộc họp báo hôm 2/7 nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ-Việt Nam, Đại sứ Kritenbrink đã lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc trong việc can thiệp và cản trở các quốc gia khai thác dầu khí trên Biển Đông.

“Chúng tôi cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra, để tăng cường khiêu khích và thể hiện sự hiếu chiến trên Biển Đông vì lợi ích của họ. Mỹ phản đối việc Trung Quốc, hay bất kỳ nước nào, sử dụng các biện pháp cưỡng ép để gia tăng các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Trung Quốc cần dừng các hoạt động mang tính khiêu khích làm ảnh hưởng đến sự ổn định trong khu vực”, Thanh Niên dẫn lời Đại sứ Mỹ nói.

Nhân dịp này, Đại sứ Daniel Kritenbrink cũng chia sẻ về những nội dung trong chiến lược Biển Đông của Hoa Kỳ, bao gồm các hoạt động ngoại giao; tăng cường sự hỗ trợ của Washington cho các quốc gia trong khu vực để tăng cường năng lực; và duy trì sự phát triển năng lực và thực hiện quyền của Mỹ trong khu vực.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ hợp tác với các quốc gia trong khu vực để thúc đẩy giải pháp hoà bình cho những tranh chấp trên Biển Đông cũng như tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có hợp tác với các nước trong ASEAN và các tổ chức quốc tế khác để đảm bảo duy trì tự do hàng hải, quyền bay ngang qua và các hoạt động thương mại không bị cản trở trong khu vực này.”

Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc không có ý định thay thế Mỹ

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (ảnh: Cancillería del Ecuador/Flickr/flickr.com/photos/dgcomsoc/30079940816/).

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm nay tuyên bố nước này chưa bao giờ có ý định thách thức hay thay thế Mỹ, cũng như đối đầu toàn diện với Mỹ.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Tổ chức nghiên cứu và Truyền thông Trung – Mỹ ở Bắc Kinh được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị nói rằng mối quan hệ giữa hai cường quốc đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng nhất từ khi thiết lập bang giao năm 1979, song hai nước có thể trở lại đúng đường.

Để thực hiện được điều này, ông Vương Nghị cho rằng Mỹ và Trung Quốc không nên tìm cách sửa đổi lẫn nhau, mà cần hợp tác để cùng tồn tại hòa bình giữa các hệ thống và nền văn minh khác nhau.

Đề cập về chính sách của Trung Quốc với Mỹ, Vương Nghị tuyên bố: “Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng Trung Quốc không bao giờ có ý định thách thức hoặc thay thế Mỹ, hay đối đầu toàn diện với Mỹ”.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trong những tháng gần đây trở nên nguội lạnh, do một loạt vấn đề, như Covid-19, Đài Loan, Hồng Kông, Tây Tạng. Washington cáo buộc Bắc Kinh cố tình giấu dịch Covid-19, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho Mỹ và thế giới. Chính quyền Tổng thống Trump cũng lên án Trung Quốc về những vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng và làm xói mòn quyền tự do ở Hồng Kông.

Hàn Quốc nói Mỹ đề cao việc đàm phán với Triều Tiên

Chính phủ Hàn Quốc hôm nay nói rằng Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nối lại các cuộc đàm phán với Triều Tiên, mặc dù Bình Nhưỡng tuyên bố không có ý định gặp các quan chức Washington, theo Reuters.

“Ông Biegun nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nối lại cuộc đàm phán với Triều Tiên”, văn phòng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết trong một tuyên bố, đề cập đến Thứ tưởng Ngoại giao Stephen Biegun, kiêm đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên.

Ông Biegun đã kết thúc chuyến công du 3 ngày tại Hàn Quốc, và tới Nhật Bản vào hôm nay.

Ca nhiễm Covid-19 ở Tokyo tăng kỷ lục

Đài truyền hình NHK của Nhật Bản hôm nay đưa tin Tokyo ghi nhận 224 ca nhiễm Covid-19 trong 24 giờ qua, đánh dấu mức tăng hàng ngày cao chưa từng thấy kể từ khi dịch bùng phát.

Bà Yuriko Koike, thống đốc Tokyo, cho biết một trong những yếu tố dẫn tới sự gia tăng các ca nhiễm gần đây là do việc mở rộng xét nghiệm. Phần lớn người nhiễm mới gần đây trong độ tuổi 20-30.

Trung Quốc chỉ trích Úc về vấn đề Hồng Kông

Chính quyền Trung Quốc hôm nay phản đối việc Úc đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông và gia hạn thị thực cho hàng nghìn người dân hòn đảo, theo trang tin news.com.au.

“Trung Quốc cực kỳ lấy làm tiếc và phản đối những cáo buộc vô căn cứ cũng như các biện pháp mà chính phủ Úc công bố liên quan đến Hồng Kông”, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra tuyên bố.

Đồng thời, vị quan chức ngoại giao cũng chỉ trích Úc “can thiệp thô bạo” vào các vấn đề của Trung Quốc.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Úc Scott Morrison thông báo đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông vì luật an ninh quốc gia, đồng thời gia hạn thị thực thêm 5 năm cho khoảng 10.000 người Hồng Kông đang sống tại nước này. Canberra cho rằng luật an ninh làm suy yếu mô hình ‘Một quốc gia, Hai chế độ’ và luật cơ bản, cũng như mức độ tự trị cao của Hồng Kông vốn được bảo đảm theo tuyên bố chung Trung-Anh.

Thị trưởng Seoul mất tích

Cảnh sát Seoul huy động lực lượng để tìm kiếm Thị trưởng Seoul Park Won-soon ngay sau khi con gái báo ông mất tích chiều nay, theo Yonhap.

Con gái của Thị trưởng Park báo cảnh sát vào khoảng 17h17 (15h17 giờ Hà Nội) rằng ông “đã rời khỏi nhà được khoảng 4-5 tiếng sau khi để lại những lời giống như di chúc và điện thoại của ông hiện tắt”.

Cảnh sát đang mở cuộc tìm kiếm toàn diện, huy động máy bay không người lái và chó nghiệp vụ.

Cảnh sát hiện tập trung tìm kiếm tại khu phố Sungbuk của Seoul, nơi tín hiệu điện thoại di động của ông Park được phát hiện lần cuối.

Related posts