ĐCS Trung Quốc đi đến hôm nay đã gần “trăm tuổi”. Với một người, ấy là tuổi gần đất xa trời, là thời điểm người ta tự nhiên “dở chứng”, phát ra nhiều chứng bệnh trước khi từ tạ cõi đời…
Hôm nay, ĐCS Trung Quốc nguy cơ tứ bề, tiến thoái lưỡng nan, sớm đã ở trong thế chân tường. Dịch bệnh hoành hành suốt nửa năm, chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, Vũ Hán vừa tai qua nạn khỏi lại đến lượt Bắc Kinh chìm trong hiểm cảnh. Châu chấu bay kín trời càn quét khắp Tương Dương, Quảng Tây, Vân Nam… Kho lương thực đột nhiên bốc cháy khắp nơi. Lũ lụt bủa vây 26 tỉnh thành, một nửa Trung Quốc chìm trong nước. Căng thẳng biên giới với Ấn Độ chưa hạ nhiệt. Cộng đồng quốc tế, đứng đầu là Hoa kỳ đang chuẩn bị trừng phạt. Trong trăm mối nguy ấy, có lẽ điều ĐCS Trung Quốc sợ hãi nhất bây giờ chính là an nguy của đập Tam Hiệp. Thứ từng được coi là niềm tự hào của mấy đời quan chức giờ trở thành “gót chân Asin” của Trung Quốc. Đập Tam Hiệp vỡ ngang với một dấu chấm hết cho tất cả thảm hoạ, cũng là hồi kết cho ĐCS Trung Quốc.
Địa long trở mình: Điềm báo tai hoạ
Chừng một tuần gần đây, những video clip lan truyền trên mạng cho thấy trong lòng đất và hang núi huyện Uy Ninh, Quý Châu (Trung Quốc) xuất hiện những âm thanh đáng sợ, nghe như tiếng bò rống, hổ gầm. Có người nói đó là “địa long trở mình”, là tiếng rồng kêu. Tiếng kêu rất vang, nghe vừa hối hả, vừa có chút bi thương. Hàng nghìn người dân lũ lượt kéo đến quay hình, chụp ảnh. Đám đông ngơ ngác nhìn ngang ngó dọc, không hiểu âm thanh lạ từ đâu phát ra. Khắp mạng xã hội râm ran những lời cảnh báo về thiên tai, động đất. “Địa long trở mình” hẳn là một điềm dữ!
Đương nhiên, chính quyền lập tức vào cuộc, doạ tống giam những người “tung tin đồn thất thiệt”. Cuối cùng, sau nhiều vòng điều tra, chính quyền kết luận đây là tiếng kêu của… chim cút chân vàng (!?) Tuy nhiên chẳng mấy ai tin vào kết luận khôi hài ấy. Tiếng kêu lạ phát ra nghe vang rền như tiếng khủng long, làm sao loài chim cút nhỏ xíu chỉ bằng nắm tay lại có thể phát ra được? Điều khôi hài là sau khi bác bỏ nguy cơ động đất, chỉ ít giờ sau, vào lúc 11 giờ 11 phút sáng ngày 2 tháng 7, một trận động đất mạnh 4,5 độ richter xảy ra ở huyện Hách Chương (27,16 độ vĩ bắc, 104,63 độ kinh đông) ở thành phố Tất Tiết, Quý Châu, với độ sâu 13 km. Huyện Hách Chương thuộc cùng thành phố Tất Tiết với Uy Ninh, nơi những âm thanh lạ phát ra.
Tiếng kêu là có thật, động đất cũng là có thật. Nhưng có lẽ còn một sự thật khác đáng sợ hơn đang chờ. Âm thanh lạ ở Quý Châu, từ lâu đã bắt gặp trong các thư tịch cổ. Người xưa gọi đây là những hiện tượng: Đất kêu, Trời kêu và Núi kêu.
Sách cổ chép, ở một số địa phương, 3 ngày trước khi lũ lụt xảy ra thì mọi người đều nghe thấy âm thanh giống như tiếng kêu của con bò. Vào thời đó, người ta cho rằng đó là “Giao long kêu”. “Hậu Hán thư” có chép: thời Đông Hán, vào những năm Kiến An thứ 7, thứ 8 đời Hán Hiến Đế Lưu Hiệp, một ngọn núi lớn ở huyện Lễ Lăng, quận Trường Sa (nay là tỉnh Hồ Nam) bắt đầu thường xuyên phát ra âm thanh rất lớn, giống như tiếng bò, kéo dài trong vài năm. Sau đó, quân nổi loạn ở huyện Dự Chương (thuộc thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây) đã tấn công quận Lễ Lăng và giết chết nhiều quan chức và người dân địa phương. Triều Hán Hiến Đế là lúc thiên hạ loạn lạc, dị tượng xảy ra khắp nơi, cường hào, giặc cướp nổi lên như ong vỡ tổ. Hán Hiến Đế cũng là vị vua cuối cùng của vương triều này.
Văn hoá truyền thống giảng về thuyết Thiên – Nhân cảm ứng. Những hiện tượng kỳ lạ diễn ra trên mặt đất, trong cuộc sống con người đều không hề ngẫu nhiên. Kẻ vô đạo cầm quyền trong tay, làm ra những chuyện thương luân bại lý thì ắt là Trời xanh sẽ phát sinh nhiều dị tượng để cảnh báo, trước khi thực sự giáng tai hoạ xuống. Những hiện tượng như Trời kêu, Đất kêu, Núi kêu đều có ý nghĩa như vậy. Đây hoàn toàn không phải là vấn đề mê tín hay không mê tín.
Tuyết rơi mùa hè: Thấu trời oan khiên
Truyền thông Trung Quốc hồi đầu tháng 7 đã đăng tải nhiều đoạn video ghi lại cảnh thảo nguyên Bayanbulak ở Tân Cương phủ đầy tuyết trắng vào giữa mùa hè. Đây có thể coi là dị tượng trăm năm hiếm gặp. Lớp tuyết rơi dày trung bình 30cm, ở những nơi sâu nhất là 70cm, thậm chí đã có bão tuyết xảy ra. Theo quan niệm của người xưa, tuyết rơi giữa hè hay những dị tượng khác như hạn hán đều vì có nỗi oan khiên lớn mà tạo thành. Nỗi oan lớn ấy thấu tận trời xanh, khiến trời đất cảm thấu nên mới sinh ra dị tượng để nhắc nhở con người thế gian.
Câu chuyện “Đậu Nga oan” nổi tiếng có lẽ không người Trung Quốc nào là không biết. Đậu Nga, người vùng Sở Châu sống vào thời nhà Nguyên. Theo tập tục “xung hỷ” của người Trung Hoa, người ta tin rằng cưới vợ cho con trai đang lâm bệnh nặng sẽ giúp bệnh tình được thuyên giảm. Bởi vậy mà Đậu Nga dẫu còn nhỏ tuổi nhưng vẫn được Thái Bà mua về làm con dâu. Thế nhưng chưa đầy 2 năm, cậu con trai của Thái Bà qua đời, trong nhà chỉ còn lại Đậu Nga và bà góa họ Thái sống nương tựa vào nhau.
Tấm lòng thơm thảo của nàng thì cả vùng Sở Châu không ai không hay biết. Nhưng cuộc đời lắm nỗi can qua, nàng bị cha con nhà họ Trương vu oan tội giết người. Tri phủ Sở Châu đã bức cung để bắt nàng nhận tội. Đậu Nga dẫu bị đánh chết đi sống lại vẫn một mực kêu oan. Vì biết nàng rất hiếu thuận với mẹ chồng, tên tham quan lại đem Thái Bà ra đánh đập trước mặt nàng. Đậu Nga thương Thái Bà tuổi cao sức yếu, không thể chịu đựng nổi cực hình, nên đành chịu nỗi oan mà nhận tội.
Nàng Đậu Nga hàm oan bị giải ra pháp trường. Trước lúc hành hình, nàng ngửa mặt lên trời than rằng:
“Xin hãy ban cho tôi một mảnh lụa trắng dài ba thước treo lên một cây sào cao trăm thước. Nếu tôi bị oan, thì một giọt máu nóng cũng không rơi xuống đất mà sẽ bắn lên trên dải lụa trắng kia; Nếu tôi bị oan, thì trời sẽ giáng tuyết dày ba thước đắp lên thi thể tôi; Và nếu như tôi bị oan, sau khi tôi chết đi, vùng Sở Châu này sẽ hạn hán trong suốt 3 năm liền”.
Tham quan phủ Sở Châu lắc đầu lia lịa, chế giễu: “Thật là ngu muội! Hoang đường!”, lòng nghĩ thầm: “Mùa hè tháng 6 oi bức như thế này sao lại có tuyết rơi được chứ? Xưa nay người ta chỉ thấy máu chảy xuống đất, ta lại muốn xem thử máu bay lên trời thế nào đây?”. Thế là ông lệnh cho treo một dải lụa trắng dài ba thước lên cây sào cao.
Khi tên đao phủ vừa vung đao xuống, dòng máu của Đậu Nga như một kỳ tích đã bắn lên dải lụa treo giữa không trung, ngay cả một giọt cũng không rơi xuống đất. Sau đó, quả nhiên lời thề thứ hai cũng ứng nghiệm: trời nổi gió lớn, rồi tuyết rơi giữa tháng 6 mùa hè. Trong suốt 3 năm sau đó, cả vùng Sở Châu cũng lâm vào hạn hán, hoa màu khô héo, người dân trong vùng đều biết rằng nỗi oan của Đậu Nga đã thấu tận trời xanh.
Trở lại với câu chuyện buồn ở Tân Cương. Thế giới đã thực sự bị sốc khi phát hiện rằng có tới hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị chính quyền Trung Quốc cưỡng bức giam giữ trong các trại tập trung ở Tân Cương. Họ bị đối xử tệ bạc, bị ép phải từ bỏ văn hoá của dân tộc mình, thậm chí bị đánh số, lấy dữ liệu để làm “ngân hàng nội tạng sống” y như cái cách 21 năm trước Giang Trạch Dân thẳng tay đàn áp những người tu luyện Pháp Luân Công và khiến họ trở thành nguồn thu hoạch nội tạng phi pháp.
***
Đạo Trời và lòng người đều nương theo nhau. Con người hành ác, bất chấp luân lý, đổi trắng thay đen, rủ nhau đi theo tiếng gọi của quỷ dữ… thì liệu xã hội ấy có còn mãi yên ổn chăng? Đạo Trời là thứ vô hình, người ta đôi lúc không biết, không cảm thấy nhưng không phải không tồn tại. Thế nên từ xưa, bậc đế vương trị quốc không thể lỗ mãng hành xử, đều tôn kính Trời Đất và cúi mình lo lắng trước Thần linh, có lỗi phải hối cải, lập đàn tế nhận tội với Trời.
Thế nhưng ĐCS Trung Quốc, từ khi cầm quyền ở vùng đất Hoa Hạ đến nay chưa từng một lần nhận lỗi, luôn tự khoác lác vỗ ngực rằng mình là chính đại, quang vinh, muôn năm. Trong hiểm cảnh, quan chức chỉ biết chạy lên núi lánh nạn, bỏ mặc người dân trong cơn lửa bỏng dầu sôi. Trời sinh dị tượng cảnh báo cũng là để lưu lại cho con người một đường thoát thân, mau chóng hồi tâm chuyển ý. Nhưng khi con người đã cố tình bỏ qua lời cảnh báo ấy, vẫn hành ác, bất nghĩa thì Trời sẽ giáng tai hoạ thực sự xuống! Đó không phải là Thần Phật không từ bi, thương xót con người mà là con người tự chọn cửa diệt vong vậy.
Với Trung Quốc, 2020 là một năm tai ương đúng nghĩa. Món nợ của Trung Quốc đã tới lúc cần kết toán hết. Trong đền thờ Nhạc Phi, anh hùng chống quân Kim thời Nam Tống, có bức hoành phi ghi bốn chữ “Hoàn ngã hà sơn” (Trả lại cho ta sông núi). Nay đã đến lúc Trung Cộng phải trả lại sông núi cho người Trung Hoa rồi!