- Minh Nhật
Ngày 5/6/2020 vừa qua, một nhóm các nhà lập pháp cấp cao từ 8 quốc gia đã tuyên bố thành lập một liên minh liên nghị viện mới mang tên “Liên minh Liên Nghị viện về vấn đề Trung Quốc” (Inter-Parliamentary Alliance on China) nhằm chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ chế độ Trung Quốc đối với các lĩnh vực quan trọng như thương mại, nhân quyền và an ninh toàn cầu.
Nhóm các quốc gia này bao gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Úc, Canada, Nhật Bản, Đức, Thụy Điển và Na Uy, đồng thời liên minh cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Nghị viện Châu Âu. Đại diện các nước trong liên minh đã đưa ra mục đích thành lập là nhằm chống lại “thách thức lớn nhất đối với thế giới tự do”, chính là Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Bản ghi nhớ của Liên minh viết: “Những giả định [về việc Trung Quốc sẽ tốt lên] đã từng ràng buộc chúng tôi với Bắc Kinh giờ đây không còn phù hợp với thực tế. Đảng Cộng sản Trung Quốc công khai và liên tục tuyên bố ý định mở rộng ảnh hưởng của nó đến toàn cầu. Vì thế, các giá trị và hoạt động dân chủ đã phải chịu áp lực ngày càng gia tăng.”
Tính chất liên nghị viện của liên minh 8 nước này đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới, trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải liên tục đối mặt với các cáo buộc về sự che đậy và dối trá trong đại dịch COVID-19. Hơn thế nữa, những vụ việc vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ có xu hướng leo thang trong thời gian gần đây: việc đàn áp dân chủ tại Hồng Kông, triệt sản người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương và giam giữ họ trong các trại tập Trung Quốc, việc thu hoạch tạng từ các tù nhân lương tâm như người tập Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, v.v..
Bản ghi nhớ của Liên minh bày tỏ: “Các quốc gia mặc dù đã lên tiếng về Bắc Kinh, nhưng lại làm việc đơn độc. Thay vì đề ra các nguyên tắc chung nhằm bảo vệ tất cả, mỗi quốc gia [đơn độc đối đầu] phải quan tâm tới lợi ích quốc gia của mình. Nhưng lợi ích đó lại ngày càng phụ thuộc vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong các lĩnh vực thiết yếu như khoáng sản, nguyên liệu và sản phẩm.” Chính vì thế, nhu cầu thành lập một liên minh là cần thiết.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio, người đại diện cho Hoa Kỳ trong liên minh 8 nước, đã tuyên bố trên Twitter: “Trung Quốc, dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là một thách thức toàn cầu. Chúng tôi, Liên minh Liên Nghị viện về vấn đề Trung Quốc, sẽ cùng nhau phối hợp để đối phó với thách thức lớn này.”
Trong thời gian vừa qua, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đã rơi vào thế bế tắc. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Hoa Kỳ có vẻ đang thắng thế, nhưng việc đối đầu về kinh tế giữa hai quốc gia chắc chắn cũng sẽ mang đến tổn hại cho Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất có mối quan hệ sứt mẻ với Trung Quốc.
Một số quốc gia trong liên minh 8 nước đã chịu áp lực mạnh mẽ về chính trị hoặc kinh tế. Khi Canada bắt giữ giám đốc điều hành của Huawei thì họ phải đứng nhìn hai công dân của mình là Michael Kovrig và Michael Spavor bị giam giữ mà không được xét xử.
Na Uy đã trải qua một thời gian khó khăn để đàm phán xuất khẩu cá hồi trong 6 năm sau khi một nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc được trao giải Nobel Hòa bình.
Úc bị áp thuế quan mới đối với lúa mạch và một số loại thịt sau những nỗ lực buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về đại dịch COVID-19.
Bà Elisabet Lann, phó thị trưởng Gothenburg, Thụy Điển, cho biết trong một video trên Twitter rằng: “Chúng ta nghĩ rằng Trung Quốc sẽ dần mở cửa theo thời gian. Điều này đã không xảy ra.” Vào tháng 4 năm 2020, Gothenburg đã hủy bỏ thỏa thuận hữu hảo 34 năm với Thượng Hải do tranh chấp về tự do ngôn luận, nhân quyền và số phận của Hồng Kông.
Nhật Bản, đất nước vẫn tồn tại các mâu thuẫn trong lịch sử với Trung Quốc, đã quyết định rút các công ty lớn ra khỏi Trung Quốc vào tháng 3/2020 và chuyển cơ sở sản xuất về lại Nhật Bản.
Mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và Trung Quốc từng tiến triển trong nhiều năm. Nhưng việc ĐCSTQ chậm trễ và che giấu thông tin liên quan đến đại dịch COVID-19 đã chấm dứt kỷ nguyên vàng của quan hệ Anh-Trung. Đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Vương quốc Anh và chính quyền London trở nên vô cùng giận dữ, muốn chấm dứt mối quan hệ này.
Ông George Evans, một nhà phân tích chính trị tại Đại học Kingston nhận xét rằng trước đại dịch, Trung Quốc là một nhà đầu tư lớn cho ngành công nghiệp điện hạt nhân tại Anh, nhưng “hiện nay nếu bạn nhìn vào Vương quốc Anh, về tổng thể mà nói thì người ta cảm thấy rất chua chát khi nhắc tới Trung Quốc”.
Liên minh 8 nước hiện đang khuyến khích các nền dân chủ khác trên thế giới tham gia để cùng chống lại chế độ Trung Quốc. Phản ứng trước sự hình thành của liên minh nghị viện này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng nói trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi kêu gọi một số ít chính trị gia tôn trọng sự thật, tôn trọng các quy tắc cơ bản của quan hệ quốc tế, từ bỏ tâm lý Chiến tranh lạnh, ngừng can thiệp vào vấn đề nội bộ và ngừng thực hiện các động thái chính trị vì lợi ích vị kỷ.”
Theo tờ DePaulia
Tác giả: Sahil Gujarati
Minh Nhật biên tập