HK: Những “gã khổng lồ” cân nhắc rút lui vì phong tỏa mạng chỉ là vấn đề thời gian?

  • Hứa Ninh

Luật An ninh Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Hồng Kông đã tăng cường quyền lực cho Chính phủ và cảnh sát Hồng Kông trong ngăn chặn thông tin trực tuyến. Nhiều lo ngại Hồng Kông sẽ có tường lửa mạng tương tự như Trung Quốc Đại Lục. Mặc dù các công ty công nghệ mạng internet phương Tây lần lượt tuyên bố ngừng hợp tác với Chính phủ Hồng Kông và từ chối cung cấp dữ liệu người dùng, nhưng giới chuyên gia tin rằng động thái này chỉ là giải pháp nhất thời, các công ty công nghệ nước ngoài này có thể chọn cách rời khỏi Hồng Kông vì áp lực từ thực trạng suy thoái môi trường bảo vệ riêng tư người dùng.

Tác động Luật An ninh Quốc gia của ĐCSTQ tại Hồng Kông

Sau khi ĐCSTQ thực hiện Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, ngày 6/7, chính quyền Hồng Kông đã ban hành “Quy tắc chi tiết” thực thi Điều 43 của Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, trao cho cảnh sát Hồng Kông quyền yêu cầu các nền tảng thông tin trực tuyến xóa thông tin nghi ngờ “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.

Ngay lập tức, ngày 7/7, một số công ty công nghệ (bao gồm những “gã khổng lồ” như Facebook, Google, Twitter và LinkedIn, công ty công nghệ hội nghị web Zoom và phần mềm nhắn tin Telegram) tuyên bố họ đình chỉ xử lý yêu cầu của Chính phủ Hồng Kông về chia sẻ thông tin và dữ liệu người dùng.

Một phát ngôn viên của Apple cho biết công ty đang đánh giá về bản quy tắc chi tiết mới này.

Thời báo Tài chính Anh (Financial Times) đưa tin rằng ít nhất một “gã khổng lồ” công nghệ của phương Tây đang xem xét tất cả các lựa chọn bao gồm cả sơ tán, nhưng thông tin không chỉ rõ đó là công ty nào.

Trả lời Đài Tiếng nói nước Mỹ (VOA), chuyên gia Ann Cavoukian về quyền riêng tư dữ liệu là giám đốc điều hành của Trung tâm Kế hoạch bảo mật và riêng tư toàn cầu (Global Privacy&Security by Design Centre) của Canada cho biết: “Hiểu biết của tôi là cả Facebook và Google hiện đang xem xét rời khỏi Hồng Kông… bởi vì họ biết rằng tất cả thông tin người dùng của họ có thể bị ĐCSTQ tước đoạt. Không ai muốn điều này, và tất nhiên người dùng Facebook không muốn điều này.”

Không hợp tác với nhà cầm quyền chỉ là giảm pháp tạm thời

Chính phủ ĐCSTQ đã cố gắng “giải thích luật” để xua tan những lo ngại của công chúng về Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận.

Vào cuối tháng Sáu “Nhóm Vì Tương lai Hồng Kông” có bối cảnh ĐCSTQ đứng sau đã ban hành “Diễn giải Luật An ninh quốc gia Hồng Kông (20 câu hỏi)”, trong đó có giải thích rằng sau khi Luật An ninh quốc gia Hồng Kông có hiệu lực thì các quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin… của người Hồng Kông khi sử dụng các công cụ truyền thông xã hội như Facebook, Instagram, Whatsapp… vẫn được đảm bảo như bình thường.

“Giải thích” bổ sung thêm: “Luật An ninh quốc gia chỉ nhắm vào một số lượng rất ít người cùng một vài hành vi và hoạt động gây nguy hiểm nghiêm trọng cho an ninh quốc gia, không ảnh hưởng gì đối với hầu hết công chúng.”

Tuy nhiên đông đảo người ủng hộ quyền tự do ngôn luận lo ngại cùng với việc ĐCSTQ kiểm soát Hồng Kông ngày càng nghiêm ngặt hơn thì phạm vi nội hàm của định nghĩa về “an ninh quốc gia” trong Luật An ninh Quốc gia có thể ngày càng mở rộng thêm,  khiến ngày càng nhiều người lên tiếng mạnh mẽ trở thành “thiểu số người” trong mắt các cơ quan chức năng quản lý.

Thông qua VOA, nhà nghiên cứu kỳ cựu Vương Tùng Liên (Wang Songlian) của Ban Trung Quốc thuộc Tổ chức Quốc tế về Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) nói rằng Luật An ninh Quốc gia của ĐCSTQ tại Hồng Kông “đã quy định loại tội chính trị không tồn tại trong hệ thống trước đó” và “khuyến khích rộng rãi quyền hạn của cảnh sát để điều tra các cáo buộc này”, về cơ bản đã trùm lên luật pháp của Hồng Kông.

Bà tin rằng việc các công ty công nghệ mạng phương Tây từ chối hợp tác với chính phủ Hồng Kông chỉ là một biện pháp tạm thời. Bà nói: “Có thể hình dung rằng một khi chính quyền yêu cầu họ cung cấp thông tin, loại lập trường (từ chối hợp tác) của họ sẽ khiến họ xung đột với chính quyền.”; “Đại diện pháp lý và nhân viên của họ có thể bị trừng phạt vì không tuân thủ luật pháp.”

Cảnh sát có thể trực tiếp yêu cầu tra xét tài nguyên mạng internet mà không thông qua tòa án

Theo thống kê do Facebook công bố, trong nửa cuối năm 2019 công ty này đã nhận được tổng cộng 241 yêu cầu chia sẻ dữ liệu từ Chính phủ Hồng Kông nhưng Facebook chỉ đáp ứng 46% số yêu cầu.

Facebook đã thanh minh trên trang web của công ty rằng, “Facebook đáp ứng các yêu cầu dữ liệu của Chính phủ theo luật pháp hiện hành và các điều khoản dịch vụ của chúng tôi. Mọi yêu cầu chúng tôi nhận được đều được xem xét cẩn thận để đảm bảo rằng nó phù hợp luật pháp. Đối với yêu cầu lạm quyền hoặc mơ hồ, chúng tôi có thể từ chối hoặc yêu cầu cung cấp thêm chi tiết.”

Chuyên gia về quyền riêng tư dữ liệu Ann Cavoukian từng ba khóa là Ủy viên Thông tin và Quyền riêng tư tại Ontario – Canada. Bà nói rằng ở các nước phương Tây như Mỹ, nếu cơ quan thực thi pháp luật muốn lấy dữ liệu người dùng từ các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, họ phải có cơ sở hợp lý để chứng minh tính cần thiết của cuộc điều tra và họ phải có lệnh của tòa án: “Họ (chính phủ) phải trải qua quá trình tư pháp này, điều này rất quan trọng”, Cavokian nói.

Theo Luật An ninh Quốc gia của ĐCSTQ tại Hồng Kông, cảnh sát có thể bỏ qua quy định tư pháp đó để bí mật xem xét và gỡ bỏ nội dung trực tuyến. Những người trong ngành pháp lý đã nhận thấy rằng, không giống như thông lệ quốc tế và quy định pháp luật khác liên quan đến việc lấy thông tin điều tra, theo luật mới này thì cảnh sát Hồng Kông không cần phải có sự chấp thuận của thẩm phán.

Quy tắc chi tiết thực thi của Điều 43 Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông cho biết rằng nếu Ủy viên Cảnh sát Hồng Kông có lý do hợp lý nghi ngờ rằng thông tin được đăng trên nền tảng điện tử có khả năng cấu thành tội chống lại an ninh quốc gia, hay sẽ gây nguy hại cho an ninh quốc gia thì có thể cho phép cảnh sát yêu cầu người công bố thông tin hoặc nhà cung cấp dịch vụ nền tảng, nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ và/hoặc nhà cung cấp dịch vụ mạng internet xóa thông tin liên quan, hạn chế hoặc ngăn chặn mọi người truy cập thông tin này, hoặc hạn chế hay ngăn chặn mọi người truy cập vào nền tảng hoặc phần nội dung liên quan.

Bà Vương Tùng Liên của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đặc biệt chỉ ra rằng luật này làm tăng quyền lực giám sát bí mật của cảnh sát: “Về việc sử dụng giám sát bí mật, luật này thực sự cho phép cảnh sát thực hiện một số hoạt động này mà không cần sự cho phép của thẩm phán”.

Bà cũng nói: “Cho nên tôi có thể tưởng tượng, chúng tôi hy vọng các công ty này đang tiến hành đánh giá toàn diện để bảo vệ quyền của người dùng, đồng thời bảo đảm cho người dùng có được dịch vụ của họ, thực hiện các biện pháp giảm thiểu (tác động) để vừa đảm bảo quyền lợi người dùng trong khi giảm thiểu rủi ro trong hoạt động của chính họ.”

Vương Tùng Liên: Hạn chế mạng internet chỉ là vấn đề thời gian

Hồng Kông nằm “bên ngoài tường lửa vĩ đại (Great Firewall) mạng Internet của ĐCSTQ, xưa nay Hồng Kông luôn luôn đề cao quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin, còn Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông lần đầu tiên quy định nhà cầm quyền có quyền yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) cấm mọi người truy cập các trang web trong và ngoài nước với danh nghĩa “nguy hại an ninh quốc gia”.

Bà Vương Tùng Liên chỉ ra rằng xưa nay Hồng Kông chưa bao giờ có bất kỳ luật pháp và hệ thống nào cần kiểm duyệt, vì vậy mọi nỗ lực thiết lập tiền lệ này sẽ gây chú ý và phản đối rộng rãi. Bà nhấn mạnh cảnh sát Hồng Kông đã kiểm soát ngày càng nghiêm ngặt các phần mềm truyền thông sau các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Hồng Kông chống Dự luật Dẫn độ: “Trong vài tháng qua, Hồng Kông đã thực sự để cho cảnh sát xóa một số nội dung kênh của Telegram, vì vậy tôi có thể tưởng tượng rằng việc họ bắt đầu hành động để cắt quyền truy cập vào một số trang web nhất định sẽ chỉ là vấn đề thời gian”.

Điều này có nghĩa là ngay cả khi các công ty công nghệ nước ngoài như Facebook và Google chuyển doanh nghiệp của họ ra ngoài Hồng Kông hoặc chuyển máy chủ của họ ra khỏi Hồng Kông, chính quyền Hồng Kông vẫn có thể yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng Hồng Kông cắt quyền truy cập vào một số trang web.

Theo Financial Times, các tập đoàn lớn như Google và nền tảng điện toán đám mây Amazon (Amazon Web Service) hay Microsoft… có các trung tâm dữ liệu ở Hồng Kông; còn Facebook và Twitter không có trung tâm dữ liệu ở Hồng Kông.

Bà Vương Tùng Liên cũng nhận định khi các công ty nước ngoài cân nhắc rời khỏi Hồng Kông, họ không chỉ lo lắng về việc sử dụng “luật ác ôn” mà còn về sự suy thoái của môi trường quan hệ Mỹ-Trung: “Bất kỳ biện pháp nào được Mỹ áp dụng để trừng phạt nhà cầm quyền ĐCSTQ vì vi phạm nhân quyền hoặc cạnh tranh không lành mạnh, đều mang hàm ý các công ty Mỹ này bị biến thành mục tiêu trả thù, đơn giản vì họ là công ty Mỹ.”

Ngoài ra, mặc dù Trung Quốc Đại Lục cấm người dùng Internet thông thường sử dụng các chức năng tìm kiếm và dịch vụ truyền thông xã hội của Google và Facebook, nhưng cả hai công ty này đều hoạt động quảng cáo ở Trung Quốc. Quảng cáo trên Facebook giúp các công ty Trung Quốc và các cơ quan chính phủ quảng bá hình ảnh ra nước ngoài, và hầu hết các hoạt động kinh doanh được thực hiện thông qua văn phòng Hồng Kông. Theo thống kê của Công ty tư vấn Pivotal Research, vào năm 2018 Facebook đã hoàn thành doanh số 5 tỷ đô la Mỹ quảng cáo thông qua các nhà quảng cáo Trung Quốc Đại Lục, như vậy Trung Quốc Đại Lục đã trở thành thị trường quảng cáo lớn nhất của Facebook bên ngoài Mỹ.

Hứa Ninh

Related posts