- Benedic Rogers
Benedic Rogers, đồng sáng lập và chủ tịch của tổ chức Hong Kong Watch (Theo dõi Hồng Kông) đã có bài xã luận trên UCA News về việc quốc tế cần hành động khẩn cấp để chống lại việc Bắc Kinh huỷ hoại nền tự trị và tự do của Hồng Kông.
Đồng hồ đang điểm từng tiếng tíc tắc đối với Hồng Kông. Những ngày gần đây, cộng đồng quốc tế đã nói rất nhiều về việc áp đặt Luật An ninh quốc gia của Bắc Kinh sẽ phá hủy nền tự trị và quyền tự do của Hồng Kông.
Bây giờ là lúc để hành động.
Quốc hội Mỹ đã ban hành luật để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với cá nhân làm xói mòn nền tự do của Hồng Kông. Anh Quốc đã hứa sẽ bảo vệ những người Hồng Kông có hộ chiếu ở nước ngoài, cung cấp một lộ trình để trở thành công dân Anh. Đây là những hành động rất đáng hoan nghênh.
Nhưng cần phải có thêm nhiều hành động khẩn trương hơn nữa.
Các nền dân chủ trên thế giới cần phải thức tỉnh trước sự kiện phá vỡ nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”. Đây là cuộc tấn công không chỉ đối với nền tự do của Hồng Kông, mà còn đối với chính chúng ta. Nếu chúng ta cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vi phạm trắng trợn Tuyên bố chung Trung – Anh khi chưa đi được phân nửa thời hạn của nó, thì chúng ta đã cho phép họ phá hủy một trật tự dựa trên luật lệ quốc tế mà không bị trừng phạt.
Cơ quan lập pháp hàng đầu của Bắc Kinh ngày 30/6 đã nhất trí thông qua Luật An ninh quốc gia có ảnh hưởng sâu rộng nghiêm cấm các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Luật này đã được Ủy ban Thường trực Quốc hội phê chuẩn, có hình phạt tối đa là tù chung thân và có hiệu lực vào ngày 1/7.
Khi Luật An ninh quốc gia được áp đặt lên Hồng Kông, người dân của lãnh thổ này sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử hiện đại của họ. Nhiều người sẽ gặp nguy hiểm nghiêm trọng, nhiều người sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn dày vò tâm can là có nên mạo hiểm chấp nhận ở tù và bị tra tấn hay câm lặng; và nhiều người có thể chọn cách chạy trốn.
Trong trường hợp cộng đồng quốc tế không cứu được Hồng Kông bởi vì họ đã không lưu ý đến những tín hiệu cảnh báo và hành động sớm hơn, thì họ cũng không được coi đây là chuyện đã rồi. Ngay cả khi chúng ta không thể ngăn chặn việc phá hủy sự tự do của Hồng Kông, chúng ta vẫn có thể đảm bảo rằng những người chịu trách nhiệm phải trả cái giá cao nhất có thể, hành vi của họ sẽ bị giám sát chặt chẽ và những người chạy trốn khỏi Hồng Kông sẽ được bảo vệ.
Ba phương cách có thể thực hiện bao gồm: trừng phạt, ngoại giao và nhân đạo.
Về mặt trừng phạt, chúng ta cần các biện pháp trừng phạt có mục tiêu ngay lập tức. Mỹ đã dẫn đầu việc này, và các nước khác phải đi theo. Ít nhất, các quốc gia có luật trừng phạt kiểu Magnitsky nên áp dụng chúng. Việc trừng phạt đối với các doanh nghiệp nhà nước chủ chốt nên được xem xét. Và tất cả chúng ta nên từ chối thẳng thừng đối với Huawei và các công ty công nghệ Trung Quốc khác vốn đồng lõa với sự đàn áp và các hệ thống giám sát độc tài chuyên chế của ĐCSTQ.
Về mặt ngoại giao, chúng ta cần có sự phối hợp. Như 7 cựu ngoại trưởng Anh đã kêu gọi, Anh nên dẫn đầu việc thành lập một nhóm liên lạc quốc tế gồm các nước cùng chí hướng – không chỉ các đồng minh phương Tây như Hoa Kỳ, Canada, Úc và những người bạn châu Âu mà cả các nước dân chủ ở châu Á – Thái Bình Dương như Nhật Bản, Indonesia và các nước khác để phối hợp một loạt các biện pháp. Không phải tất cả mọi người sẽ đồng ý về mọi thứ, nhưng những nước nào lựa chọn, ví dụ, áp đặt việc trừng phạt thì nên làm như vậy một cách đồng bộ, trong khi những nước khác có thể hỗ trợ những mặt khác.
Về mặt nhân đạo, cần có một kế hoạch cứu trợ quốc tế giữa các quốc gia cùng chí hướng để nhất trí về một gói cứu trợ cho những người chạy trốn khỏi Hồng Kông. Tuy vậy, kế hoạch cứu trợ không nên là phản ứng đầu tiên, mà chỉ là phương sách cuối cùng. Mục đích của nỗ lực toàn cầu đối với Hồng Kông là tạo ra áp lực lên những kẻ bạo ngược ở Bắc Kinh để họ rút lui và người Hồng Kông có thể quay trở lại cuộc sống bình thường.
Chắc chắn không một quốc gia nào có thể làm tất cả điều này. Đó là lý do tại sao cần phải có một kế hoạch phối hợp.
Đã có rất nhiều thiện chí dành cho người Hồng Kông. Những lời hứa của chính phủ Anh, cùng với sự chào đón từ Hoa Kỳ, Úc, Canada và những nước khác là những minh chứng cho điều đó. Cộng đồng quốc tế đã có thể nhận thấy sự bất công trắng trợn đối với Hồng Kông và sự coi thường bất chấp đối với các cam kết quốc tế của chính phủ Trung Quốc. Thế giới cũng đã nhìn thấy mối đe dọa đang treo lơ lửng đối với Hồng Kông – nơi đã trở thành tuyến đầu trong cuộc chiến vì tự do chống lại độc tài; cũng như lòng can đảm phi thường, sự sáng tạo, lòng quyết tâm, sự năng động, sức mạnh, tinh thần khởi nghiệp và sáng kiến của người Hồng Kông.
Thế giới biết rằng những người từ Hồng Kông – thành phố đã trở thành một trong những trung tâm thương mại và tài chính quan trọng nhất của thế giới – là những người tạo ra sự giàu có và ý tưởng. Thế giới có thể thấy rằng nếu người Hồng Kông nào bị buộc phải trốn khỏi thành phố của họ, họ không thể là gánh nặng lâu dài đối với người khác mà họ sẽ đưa tinh thần khởi nghiệp của họ đến bất cứ nơi đâu.
Vì tất cả những lý do này, chúng ta phải chuẩn bị ngay từ bây giờ. Thật đáng buồn khi không có một cây đũa thần nào, nhưng thay vào đó là một hộp dụng cụ. Chúng ta phải kết hợp từng dụng cụ có sẵn đó: thông qua việc trừng phạt, ngoại giao và các gói cứu trợ; và chúng ta phải cùng phối hợp với nhau càng nhiều càng tốt. Việc này lẽ ra nên bắt đầu từ lâu!
Ngay cả khi không thể cứu Hồng Kông khỏi đàn áp dữ dội, mọi chính phủ yêu tự do trên thế giới ngày nay có trách nhiệm làm việc cùng nhau để đảm bảo rằng thời kỳ đàn áp tại Hồng Kông càng ngắn càng tốt, còn hậu quả đối với những kẻ bạo ngược càng khắc nghiệt càng tốt. Chúng ta cần nỗ lực để hướng đến ngày Hồng Kông một lần nữa được tự do.
Benedic Rogers (Gia Huy dịch và biên tập)