Ban Phượng Hoàng – Niềm kiêu hãnh một thuở của nhạc trẻ miền Nam
Những năm cuối thập niên 70, khi những người yêu nhạc trên khắp hành tinh còn mải mê chìm đắm trong những giai điệu bất cần, phiêu lãng và đầy tính hiện sinh của những C.B.C, The Beatles thì âm nhạc Việt Nam lại xôn xao trước sự xuất hiện của một nhóm nhạc Rock rất bụi bặm, phong trần, hát bằng tất cả trái tim với thứ âm nhạc ngùn ngụt được cháy từ trong huyết quản của mình.
Vào những năm 1973 – 1974 nhạc trẻ Việt Nam đã tiếp nhận những dòng nhạc mới mẻ, đặc sắc được thể hiện bằng các ý tưởng phóng khoáng, hiện thực của ban nhạc Phượng Hoàng. So với các ban nhạc trẻ cùng thời như Mây trắng, Peanut company, Crazy dog, Up tight….khi đó chỉ chuyên trình diễn những bản nhạc ngoại quốc đang rất thịnh hành chủ yếu được chuyển sang lời Việt thì ban nhạc Phượng Hoàng đã tiến một bước rất xa khi vừa sáng tác, vừa chơi nhạc và tự thể hiện ca khúc của mình. Đồng thời, Phượng Hoàng cũng đã tạo được một thế đứng thật đặc biệt trong vòm trời ca nhạc trong nước với những nhạc phẩm để đời: Tôi muốn, Yêu người và yêu đời, Hãy ngước mặt nhìn đời, Phiên khúc mùa đông, Hãy nhìn xuống chân…
Tiền thân của ban nhạc Phượng Hoàng là ban nhạc Hải Âu được thành lập năm 1963 với thành viên chủ chốt là nhạc sĩ Lê Hựu Hà. Hải Âu tham gia đại nhạc hội âm nhạc dành cho các ban nhạc trẻ tại Sài Gòn và trở thành ban nhạc nổi bật nhất, gây sự chú ý nhiều nhất đối với giới chuyên môn khi đó. Hải Âu cũng là ban nhạc duy nhất mang cái tên thuần Việt giữa vô vàn những chứng cứ ngoại lai được giới trẻ Sài Gòn hâm mộ và đặt tên ăn theo một số ban nhạc khác của Mỹ và châu Âu đang vô cùng thịnh hành.
Sau khi phá giới bằng cú liều thể hiện hai ca khúc trong đại nhạc hội là Mai Hương và Nhớ thương em hoài làm ngơ ngẩn tất cả mọi đối thủ và các khán giả có mặt tại sân khấu, Hải Âu liên tục được mời hát ở các câu lạc bộ, quán bar khắp Sài Gòn nhưng rồi không thực sự thành công như mong muốn. Năm 1971, Lê Hựu Hà thành lập ban nhạc Phượng Hoàng với phong cách Việt hóa pop rock cùng nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang. Họ được đánh giá đã làm thay đổi lối chơi của âm nhạc Sài Gòn.
Sau khi biểu diễn tại phòng trà Chiều tím, Lê Hựu Hà sáng tác Tôi muốn và khao khát dùng ca khúc này để đẩy tên tuổi của Phượng Hoàng bay cao. Tuy nhiên, vì không có sở trường ca hát nên khi Lê Hựu Hà trở thành người hát chính trong ban nhạc, ca khúc này đã không nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía khán giả.
Mặc dù, Lê Hựu Hà đã tính toán lối phát triển khá hợp lý như dùng phòng trà Chiều tím để giúp khán giả quen dần với những nhạc phẩm mới mẻ, trẻ trung chưa từng được nghe bao giờ do chính anh sáng tạo cùng với những nhạc phẩm nổi tiếng được biên soạn, phối lại phần hòa âm theo phong cách trẻ trung, khác lạ như: Mưa hồng (Trịnh Công Sơn), Tiếng sáo thiên thai (Phạm Duy), Tình khúc cho em (Lê Uyên Phương)…
Nhận thấy khán giả còn chưa hưởng ứng nhiều với loại nhạc còn khá mới mẻ này và với giọng ca còn chưa chuẩn của Lê Hựu Hà nên anh cùng Nguyễn Trung Cang đã phải vất vả tuyển chọn thêm thành viên cho ban nhạc làm người hát chính và phải là giọng Bắc. Phượng Hoàng mời Nguyễn Ngọc Hải (tay lead guitar của ban nhạc Les Faucons Noirs) đến hát bài Tôi muốn ở phòng trà Chiều tím. Lúc này, khán giả mới bắt đầu quen dần với nhạc của Lê Hựu Hà và dần dân trở nên yêu thích cái tên Phượng Hoàng.
Tuy nhiên, Phượng Hoàng chỉ thực sự thăng hoa và đứng trên đỉnh cao của danh vọng khi Elvis Phương xuất đầu lộ diện và trở thành giọng ca chủ lực hát các sáng tác của Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang. Một số tác phẩm ra mắt lần đầu tiên như: Phiên khúc mùa đông, Cười lên đi em ơi được khán giả trẻ tiếp nhận một cách hồ hởi và trở thành đại diện cho rock Việt vì khiến khán giả không mặc cảm vì âm nhạc vong bản hay thứ âm thanh bị đào xới trên mảnh đất cũ của người khác.
Phượng Hoàng được mệnh danh như niềm kiêu hãnh của cả nền nhạc trẻ miền Nam Sài Gòn khi lúc đó, một số các ban nhóm như: ABC, Crazy Dog chỉ chuyên hát lại các bản nhạc của nước ngoài đang nổi tiếng hoặc chơi lại sáng tác của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn theo phong cách du ca, trữ tình. Còn Phượng Hoàng một mình một kiểu với dòng nhạc đặc trưng không giống ai, vượt qua mọi quy chuẩn, xu hướng, thị hiếu của đám đông công chúng.
Qua một số nhạc phẩm, Phượng Hoàng nói chung và ở đây Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang nói riêng đã được dư luận đánh giá như người tiên phong trong việc khai phá những lĩnh vực mới mẻ cho dòng nhạc trẻ Việt Nam bằng những âm điệu, tiết tấu nhanh, tươi sáng của thể loại Pop rock. Những ca khúc này đều được kết nối bởi chuỗi hợp âm liên kết rất hợp lý. Hơn nữa, qua tiếng hát của Elvis Phương, những tác phẩm tự biên này đã được truyền đạt thật xuất sắc đến tâm can người nghe. Giọng ca của anh trầm bổng khó lường với những tần số vượt qua mức xác định của âm vực bài hát, không cầu kỳ nhưng hùng hồn, rõ ràng và dồi dào âm sắc.
Nói đến các tác phẩm mang lại danh tiếng và sự thành công để đời cho Phượng Hoàng, trước hết phải đề cập tới tác phẩm tuyệt tác Phiên khúc mùa đông. Ngay từ những dòng nhập khúc mang âm hưởng Sol trưởng, bài hát đã kích thích thính giác người nghe bằng tám nốt nhạc liên hoàn qua nghệ thuật rải acoustic guitar vang lên thật réo rắt, nhưng lại mang đầy âm hưởng xa vắng cảm thương. Bài hát này đã vượt xa các sáng tác thông thường của nhạc tình Việt Nam và nhất là nhạc trẻ.
Lời ca của Phiên khúc mùa đông cũng tựa một bài thơ tình đẹp, lãng mạn, phảng phất chút triết lý hiện sinh đủ để diễn tả mọi thú đau thương của những cuộc tình dang dở. Qua đó, người ta thấy Phượng Hoàng có lối dùng từ thẳng thừng nhưng mơ mộng, kỳ bí, dễ khiến người khác bị mê hoặc: “Đọa đầy ấy giờ đã đến mùa …trong quan tài buồn hồn nghe trống vắng, tóc chưa xanh một lần nhưng tim nghe đã thương thân”. Không chỉ dừng lại ở những cách tân ấy, Phượng Hoàng còn tiến xa hơn nữa khi đưa những điệu nhạc còn khá lạ so với những đôi tai nghe nhạc thời đó để thử nghiệm và ứng dụng.
Điệu Swing rock đã tạo được hiệu ứng tức thời thông qua hai ca khúc: Bài hát cho người trẻ và Hãy ngước mặt nhìn đời. Swing rock vốn là một thể điệu giật nẩy ở các nốt bass và các câu trống dằn nhịp, vì vậy phải nói là rất khó khăn trong việc đưa lời hát bằng tiếng Việt vào bản nhạc. Bởi lẽ tiếng Việt có lục thanh khác với các thứ tiếng ngoại quốc không có dấu nhấn giọng. Nhưng điều này cũng không cản trở nổi trước sự khai phá mãnh liệt của ban Phượng Hoàng. Kết quả là hai ca khúc này đều đã rất thành công.
Và dĩ nhiên khi nhắc tới Ballad không thể nào vắng mặt các sáng tác của Phượng Hoàng. Bài hát Thương nhau ngày mưa và Yêu em trở thành những điển hình về tình ca trong làng nhạc. Với hai ca khúc này, Phượng Hoàng đã tạo nên những dấu ấn không thể nào phai về sự mềm hóa nhạc rock gai góc, hoang dã. Nó chứng minh rõ ràng sự đa dạng trong tâm hồn và cảm quan âm nhạc của những chú Phượng Hoàng đang ở thời kỳ sung sức nhất trong sáng tạo nghệ thuật. Thương nhau ngày mưa làm xao xuyến biết bao con tim, xúc cảm của giới trẻ thời đó với đoạn điệp khúc dễ thương, đáng yêu: “Như mưa ngày nào thấm ướt vai em/ Như mưa ngày nào khuất lấp sao đêm”. Nó cũng thuộc một trong những sáng tác đặc biệt nhất của Phượng Hoàng khi qua điệu slow rock nhẹ nhàng vương vấn, bản nhạc ru êm những cơn mưa tuôn rơi đều đặn trên các trường canh nối liền những cảm xúc ý nhạc.
NGUỒN: Hương Giang. Câu Chuyện Âm Nhạc