Mỹ và Trung Quốc từ lâu đã có mâu thuẫn về quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, nhưng tuần này đánh dấu lần đầu tiên Washington chính thức tiến hành một sự thay đổi chính sách để kìm hãm hoạt động của Bắc Kinh – khi gọi đó là các hành động “bất hợp pháp”, mở ra tiềm năng kích khởi một phản ứng quân sự, theo nhận định của tờ Fox News.
Hôm thứ Hai (13/7), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nói trong một tuyên bố rằng Mỹ đang muốn “khẳng định rõ ràng: yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch bắt nạt nhằm nắm quyền kiểm soát của họ”.
“Bắc Kinh đã sử dụng biện pháp đe dọa để làm suy yếu quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển Đông Nam Á ở Biển Đông, bắt nạt họ để chiếm dụng các nguồn tài nguyên ngoài khơi, khẳng định sự thống trị đơn phương và thay thế luật pháp quốc tế bằng cái lý ‘lẽ phải thuộc về kẻ mạnh’. Các tiếp cận của Bắc Kinh đã tỏ ra khá rõ ràng trong nhiều năm”, ông nói tiếp. “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) không có căn cứ pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí của mình lên khu vực”.
Ông Pompeo nhấn mạnh Bắc Kinh chưa đưa ra được một cơ sở pháp lý mạch lạc nào cho yêu sách “Đường chín đoạn” ở Biển Đông kể từ khi chính thức đưa ra khái niệm này vào năm 2009.
Trong một phán quyết mang tính đồng thuận ngày 12/7/2016, một Tòa án Trọng tài được thành lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 – mà Trung Quốc là một quốc gia thành viên – đã bác bỏ các yêu sách hàng hải của PRC vì không có cơ sở dựa trên luật pháp quốc tế. Phán quyết của Toà án đã đứng về phía Philippines, khi bác bỏ hầu hết các yêu sách của Bắc Kinh.
Vào thời điểm đó, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á, ông David Stilwell, cảnh báo rằng Washington có thể tăng gấp đôi các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc tham dự vào hoạt động sai lầm trên Biển Đông, cam kết Mỹ sẽ “không còn giữ thái độ trung lập đối những vấn đề hàng hải này”.
Zack Cooper, một thành viên tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), nói với Fox News rằng các tuyên bố pháp lý của Mỹ đã khẳng định rõ ràng họ coi “hầu hết các yêu sách và hoạt động hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp”.
“Làm rõ điều này mở ra cánh cửa cho các động thái tiếp theo của Hoa Kỳ nhằm trừng phạt các hành vi gây mất ổn định khu vực của Trung Quốc, đặc biệt là sự can thiệp của nó vào hoạt động khai thác dầu khí của các nước khác cũng có tuyên bố chủ quyền trong khu vực, đặc biệt là Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia”, ông nói tiếp.
Tuy rằng chính sách của Mỹ trong quá khứ đã lên án các yêu sách lãnh thổ và nỗ lực bành trướng của Trung Quốc trong và xung quanh vùng biển trọng yếu này, vốn có đến 3 nghìn tỷ USD hàng hóa thương mại lưu thông qua khu vực hàng năm, nhưng trước đây nó vẫn luôn kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý rằng cách dùng từ của Mỹ trong bản thông cáo vào tuần này đã thẳng thừng phủ nhận các yêu sách của Bắc Kinh và đặt Hoa Kỳ vào trung tâm của cuộc xung đột.
Để tiếp tục làm giảm tính nghiêm trọng của tình hình và thể hiện cam kết đối với tự do hàng hải, chiến hạm Hoa Kỳ Ralph Johnson cũng đã di chuyển đến vùng biển bị thách thức lãnh thổ hôm thứ Ba (14/7).
Biển Đông là nơi có huyết mạch giao thương quan trọng, bên cạnh trữ lượng khoảng hàng tỷ thùng dầu và hàng nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên trị giá hơn 2.000 tỷ USD, cùng các vùng đánh cá sinh lợi. Nằm rải rác trên bề mặt khu vực là các hòn đảo và rạn san hô đang bị tranh chấp giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng, bao gồm Malaysia, Philippines và Việt Nam, vì các thực thể này là các cột mốc để xác định chủ quyền biển.
“Biển Đông cũng đóng vai trò là một trong những tuyến thương mại quan trọng nhất trên thế giới, với khoảng 30% giao dịch hàng hải chảy qua khu vực này hàng năm. Đây là lý do tại sao chính phủ Mỹ ủng hộ mạnh mẽ quyền tự do hàng hải trong khu vực – từ chối việc Trung Quốc kiểm soát một tuyến đường thủy quan trọng như vậy “, Craig Singleton, chuyên gia về Trung Quốc tại Tổ chức Quốc phòng Dân chủ (FDD) lưu ý.
Tuy nhiên, trong hơn một thập kỷ qua, giới lãnh đạo Bắc Kinh ngày càng trở nên hung hăng hơn trong các tuyên bố chủ quyền kéo dài hàng thế kỷ của mình. Bắc Kinh đã tăng cường sự hiện diện quân sự và tuyên bố rằng các tàu của họ có quyền tự do di chuyển tại khu vực.
Ngoài ra, Bắc Kinh đang bận rộn xây dựng mọi thứ, từ các vị trí phòng thủ như nhà chứa máy bay, hầm ngầm và đường băng đến khu du lịch, trường học và căn hộ hiện đại đến trang trại, ngân hàng, bệnh viện và mạng lưới thiết bị liên lạc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự phiên bế mạc Đại hội Nhân dân Quốc gia Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tháng 5. (AP)
Ngoài ra, Bắc Kinh đã không ngừng tái di dời các cộng đồng đánh cá địa phương và gửi họ đến các khu vực tranh chấp để thiết lập yêu sách chủ quyền. Tháng 1/2019, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc thậm chí còn mở cửa cho “Trung tâm nghiên cứu hải dương học” trên Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Tháng Tư năm nay, Bắc Kinh đã tuyên bố lập thêm hai huyện đảo là Tây Sa và Nam Sa thuộc thành phố Tam Sa để quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở khu vực Biển Đông.
Đầu tháng, giới lãnh đạo Bắc Kinh đã kích động thêm căng thẳng sau khi phong tỏa một phần các tuyến đường thủy để tiến hành các cuộc tập trận hải quân. Rốt cục, khu vực này là một phần thiết yếu trong kế hoạch “Phát triển kinh tế Vùng vịnh mở rộng” của Trung Quốc, vốn kể từ năm 2012 đã có ý định đưa người đến sinh sống ở một số đảo nhất định.
“Trung Quốc muốn kiểm soát tất cả Biển Đông, bao gồm cả tài nguyên dầu, khí đốt và đánh bắt cá”, ông Cooper phỏng đoán. “Tuy nhiên, điều này mâu thuẫn với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, vốn đưa phán quyết rõ ràng rằng Trung Quốc chỉ có quyền hạn hạn chế đối với các khu vực hàng hải ở Biển Đông”.
Và khi phần lớn thế giới vẫn đang bị phân tâm bởi sự bùng phát của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, thì Trung Quốc đã không hề chậm chễ khi lợi dụng đại dịch nhằm khẳng định yêu sách tại tuyến đường thủy quan trọng này trong những tháng gần đây. Sà lan Trung Quốc đã bị cáo buộc bám đuổi các tàu thăm dò dầu khí của Malaysia, thậm chí đâm chìm một chiếc tàu đánh cá của Việt Nam.
“Trung Quốc đã liên tục tham gia cải tạo đất và xây dựng các tiền đồn quân sự trên khắp Biển Đông, thậm chí còn đi xa hơn để lắp đặt tên lửa đất đối không, thiết bị gây nhiễu và tên lửa chống hạm trên một số tiền đồn”, ông Singleton nói tiếp. “Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động này, vi phạm luật pháp quốc tế bất chấp lời hứa năm 2015 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Barack Obama rằng ông sẽ không quân sự hóa khu vực này”.
Vẫn còn cần phải xem xem Washington sẵn sàng đi bao xa để kiềm chế các cuộc diễn tập “bất hợp pháp” của Trung Quốc, tờ Fox News bình luận.Đầu tháng này, Hoa Kỳ đã cử hai nhóm tàu sân bay – USS Nimitz và USS Ronald Reagan – cho các cuộc tập trận chung ở Biển Đông. Bên cạnh đó, một chiếc máy bay tuần tra hàng hải P8-Poseidon của Mỹ đã đi qua khu vực, bên cạnh máy bay ném bom chiến lược B-52 của Không quân Hoa Kỳ – ngay khi Trung Quốc đang tiến hành tập trân riêng gần đó. Hải quân Mỹ đã thực hiện tổng cộng ít nhất sáu chiến dịch như vậy trong suốt nửa đầu năm 2020.
(Nguồn thumbnail: Trái: (ảnh: Gage Skidmore/Flickr), Phải: (ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)