Đê Vũ Hán xuất hiện hiện tượng bị thấm, nước sông đã vượt cảnh báo 1 mét, trong khi một đỉnh lũ mới được dự đoán sắp ập tới.
Ngày 17/7, Bộ Tài nguyên nước của Trung Quốc đã thông báo, do mưa lớn, dòng chảy chính của thượng nguồn sông Dương Tử và khu vực Tam Hiệp đã tăng đáng kể. Lưu lượng vào hồ chứa tăng nhanh, lên 50.000 mét khối mỗi giây vào lúc 10h ngày 17/7. “Lũ số 2 trên sông Dương Tử năm 2020” đã hình thành ở thượng nguồn, dòng chảy tối đa vào hồ chứa Tam Hiệp ước tính vào khoảng 55.000 mét khối mỗi giây vào lúc 20h giờ ngày 17.
Tín hiệu đỉnh lũ mới?
Thông điệp về “trận lũ số 2 của sông Dương Tử” trong năm nay có nghĩa là hạ lưu sẽ có thể gặp một thảm họa xả lũ khác. Hiện tại, khu vực hồ Bà Dương đã vượt khỏi tầm kiểm soát, nước ở Vũ Hán đã tới 28,37 mét và tình trạng kiểm soát lũ ở tỉnh An Huy, nơi đang đối mặt với lũ lụt ở phía nam và phía bắc đang rất nghiêm trọng. Khi đạt đến mức kiểm soát lũ cao nhất, chính quyền đã phải đưa ra cảnh báo đỏ, và lũ lụt đang tiếp cận khu vực Giang Tô, Chiết Giang và Thượng Hải.
Trang web chính thức của Cục quản lý lưu vực hồ Thái Hồ của Bộ Tài nguyên nước thông báo rằng vào lúc 7h sáng ngày 17, mực nước trong Thái Hồ đạt 4,65 mét, mức kiểm soát lũ cao nhất và cho thấy xu hướng tăng. Cục phòng chống lũ hồ Thái Hồ đã kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp cấp 1 để kiểm soát lũ vào lúc 8h sáng thứ Sáu và yêu cầu các bộ phận bảo tồn nước của Giang Tô, Chiết Giang, Thượng Hải và các tỉnh, thành phố khác trong lưu vực phải thực hiện nghiêm túc “Kế hoạch xử lý khẩn cấp lũ Thái Hồ”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc cho biết vào chiều ngày 16/7 rằng dòng chảy vào hồ chứa Tam Hiệp dự kiến sẽ đạt “đỉnh lớn”, kéo dài tình thế bất lợi của lưu lượng nước lớn liên tục trong tương lai gần. Ông cũng nhấn mạnh rằng việc kiểm tra và bảo vệ đê trong lưu vực hồ Thái Hồ và xả nước lũ đầy đủ vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Thái Hồ rất rộng và nông, độ sâu trung bình khoảng 1,8 mét, nước dễ vào nhưng không dễ thoát. Một khi Thái Hồ bị ngập, các khu vực xung quanh Tô Châu, Vô Tích, Thường Châu, Hồ Châu và Thượng Hải sẽ bị ảnh hưởng.
Chuyên gia thủy lợi Trung Quốc: Lũ lụt năm nay không chỉ là thiên tai
Vương Gia Hổ, giáo sư tại Trường Thủy văn và Tài nguyên nước thuộc Đại học Hà Hải, nói rằng thảm họa lũ lụt không chỉ do mưa lớn mà còn do sự xâm chiếm của con người đối với các hồ nước.
Ông cho biết thảm họa lũ lụt năm nay vượt xa về lượng mưa so với năm 1998. Kể từ năm 1998, chính quyền đã mất khống chế về phương diện kiểm soát mực nước ở các hồ. Các bãi đất có nhiều hộ gia đình cư dân sinh sống bị lũ lụt từng là nơi thoát lũ tự nhiên. Những năm gần đây, lưu vực thoát nước tự nhiên của hồ đã bị xâm chiếm, gây ra tổn thất lớn cho đợt lũ lụt này.
Vương Gia Hổ nói rằng hồ Bà Dương ban đầu là một vùng trũng lớn. Sau khi lũ lụt đến vùng đồng bằng ngập nước, đất đai trở nên màu mỡ, thu hút mọi người khai hoang, và không gian của hồ Bà Dương thu hẹp. “Thảm họa này chủ yếu do lũ lụt ở khu vực khai hoang của các bãi đất ban đầu thuộc về hồ. Vì mức độ kiểm soát lũ của chúng rất thấp, chúng tôi vẫn cần tăng cường quản lý về mặt hài hòa giữa con người và nước”, ông Vương nói. Tính đến thời điểm Sound of Hope đưa tin, bài báo có lời ông Vương trên truyền thông Trung Quốc đã bị xóa.
Vũ Hán thấp thỏm
Hiện tại, một số bờ kè sông trong khu đô thị Vũ Hán đã thấy dấu hiệu bị thấm nước, 4 cổng bao ở Long Vương Miếu đã đóng chặt, mỗi cổng lại được niêm phong bằng nhiều lớp. Có thể thấy từ video người dân Vũ Hán thực hiện, một số người đang rất quan tâm tới việc kè bị thấm nước.
Theo Nguyên Minh Thanh, Soundofhope
Phụng Minh biên dịch