COVID-19: Toàn cầu lên hơn 14 triệu ca nhiễm, chỉ 4 ngày thêm 1 triệu ca

Trước đây, 1 triệu ca nhiễm Viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đầu tiên được ghi nhận sau 3 tháng xuất hiện tại Trung Quốc, thế nhưng trong thời điểm hiện tại chỉ mất 4 ngày để thế giới tăng thêm 1 triệu ca. 

(Ảnh: peterschreiber.media / Shutterstock)

Số ca nhiễm virus corona toàn cầu đã vượt qua con số 14 triệu tính đến sáng 18/7, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, đánh dấu lần đầu tiên 1 triệu ca nhiễm mới được ghi nhận chỉ trong vòng dưới 100 giờ. 

Nếu 1 triệu ca nhiễm đầu tiên phải mất 3 tháng để xuất hiện, thì hiện tại chỉ mất 4 ngày để thế giới tăng thêm 1 triệu ca nhiễm mới. 

Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm đứng đầu thế giới với hơn 3,7 triệu trường hợp được xác nhận và hơn 140.000 người tử vong. Nước này cũng liên tiếp có những ngày với số ca nhiễm lập kỷ lục, với hơn 77.000 ca nhiễm mới vào hôm 16/7.

Đến nay, dư luận tại Mỹ vẫn chia rẽ về vấn đề đeo hay không đeo khẩu trang, mở cửa hay không mở cửa lại trường học để phòng dịch. Khoảng một nửa số thống đốc khắp nước Mỹ đã ra chỉ thị yêu cầu đeo khẩu trang.

Đại dịch hiện đã giết chết gần 600.000 người trong hơn 7 tháng. Tính riêng trong nửa đầu tháng 7, trung bình thế giới có khoảng 5.000 người tử vong/ngày. 

COVID-19 vẫn đang gia tăng nhanh ở châu Mỹ, đại lục chiếm tới hơn một nửa số ca nhiễm trên thế giới và một nửa số ca tử vong.  

Tại Brazil, hơn 2 triệu người đã xét nghiệm dương tính với COVID-19, trong đó có cả Tổng thống Jair Bolsonaro. Brazil đã có hơn 76.000 người thiệt mạng vì dịch bệnh.

Cùng với Mỹ và Brazil, Ấn Độ là nước còn lại trên thế giới có số ca nhiễm vượt quá hàng “triệu”. Nước này có trung bình gần 30.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong tuần qua.

Ở các quốc gia có năng lực xét nghiệm hạn chế, các chuyên gia cho rằng số trường hợp được xác nhận chỉ phản ánh một tỷ lệ nhỏ ca nhiễm.

Hôm 17/7, WHO thông báo sẽ cử một nhóm gồm các chuyên gia quốc tế tới Trung Quốc để điều tra nguồn gốc của virus corona mới, nhưng chưa cho biết thời gian cụ thể. Một nhóm đại diện trước đó của tổ chức này gồm 2 chuyên gia đã tới Trung Quốc từ hôm 10/7 để “tiền trạm.”

Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho biết đến nay “rất hài lòng” với sự hợp tác của giới chức Trung Quốc. Tuy nhiên, ông nói rằng việc thành lập và triển khai nhóm chuyên gia với quy mô lớn hơn cần có thêm thời gian.

(*) Lưu ý: Thông tin trong bài chỉ dựa trên số liệu từ ĐH Johns Hopkins, còn trên thực tế các dữ liệu về tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đều chưa được kiểm chứng. Con số ca nhiễm ở Trung Quốc có thể vượt xa báo cáo của chính phủ nước này.

Thanh Thuỷ (t/h)

Related posts