- Xuân Lan
Trong lá thư gửi các nhà điều hành doanh nghiệp quốc tế hàng đầu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa hẹn rằng Trung Quốc sẽ gắn bó với “con đường phát triển hòa bình,” tiếp tục cải cách và mở rộng thị trường nội địa.
Hôm thứ Năm (16/7), hãng tin Tân Hoa Xã đã công bố bản tóm tắt bức thư của ông Tập gửi nhóm các nhà điều hành doanh nghiệp nước ngoài ngay sau khi Trung Quốc xác nhận nền kinh tế của họ tăng trưởng 3,2% trong quý II và đang trên đà phục hồi tốt.
Trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Mỹ, lá thư của ông Tập gửi Hội đồng CEO toàn cầu là một nỗ lực rõ ràng từ phía Trung Quốc nhằm giành thiện cảm và ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu. Ông Tập tuyên bố các yếu tố cơ bản trong dài hạn của kinh tế Trung Quốc vẫn ổn định và sẽ không thay đổi bất chấp tác động của virus corona.
Hội đồng CEO toàn cầu gồm một nhóm các giám đốc điều hành cấp cao của 39 công ty đa quốc gia lớn, được thành lập vào năm 2013 bởi Hiệp hội Hữu nghị Nhân dân Trung Quốc nhằm cải thiện mối quan hệ của Bắc Kinh với các công ty đa quốc gia.
Ông Tập đã tổ chức một cuộc họp với các đại biểu của nhóm này tại Bắc Kinh vào tháng 6 năm 2018, ngay trước khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung nổ ra. Trong cuộc họp này, các giám đốc điều hành người Mỹ đến từ những công ty như UPS, Pfizer, Cargill, Prologis và Goldman Sachs đã được ông Tập đề nghị giúp chống lại “chủ nghĩa bảo hộ.”
Bức thư đề ngày 15/7 của ông Tập viết: “[Trung Quốc] sẽ cung cấp một môi trường kinh doanh tốt hơn cho các doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài [để giúp họ] khám phá những cơ hội mới và triển vọng mới. Quý vị đã có sự lựa chọn chính xác khi đầu tư vào Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội phát triển.”
Trước quan ngại của nhiều doanh nghiệp về căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có nguy cơ “ly khai” nhau, ông Tập đã cam kết rằng Trung Quốc sẽ thúc đẩy một nền kinh tế “mở” ở phạm vi toàn cầu.
“Tôi hy vọng quý vị sẽ tiếp tục kiên trì với nguyên tắc ‘cả hai bên cùng thắng’ (win-win) và cùng phát triển để tăng cường liên lạc và hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc,” ông Tập viết.
Hôm 14/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp mở đường cho các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức tài chính liên quan đến việc triển khai Luật An ninh quốc gia mới ở Hồng Kông.
Có hiệu lực từ ngày 1/7, đạo luật gây tranh cãi này ủy quyền cho chính phủ Trung Quốc trừng phạt những cá nhân và tổ chức thực thi các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức hoặc tổ chức Hồng Kông.
Trước đó, việc Trung Quốc trừng phạt đối với các nước như Canada và Úc khi cáo buộc hai nước này “can thiệp vào công việc nội bộ” đã làm gia tăng lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.
Một cuộc thăm dò đối với 200 công ty có chuỗi cung ứng toàn cầu của hãng Qima vào tháng 6 cho thấy 95% số người được hỏi ở Mỹ đã lên kế hoạch tìm nhà cung cấp khác ngoài Trung Quốc.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong tuần này tuyên bố sẽ xử phạt công ty Mỹ Lockheed Martin về việc bán vũ khí cho Đài Loan.
Khi các chính trị gia ở Washington và Brussels đang củng cố lập trường chống lại Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc cũng tìm cách thuyết phục các công ty đa quốc gia với những lời hứa về cơ hội kinh doanh tiềm năng nhằm tránh gây đổ vỡ mối quan hệ và duy trì vai trò của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, chiến lược tấn công ‘mật ngọt’ của Bắc Kinh nhắm vào các doanh nghiệp nước ngoài đã giảm tác dụng kể từ khi áp dụng Luật An ninh đối với Hồng Kông.
Xuân Lan (theo SCMP)