Tâm Thanh
Mới đây, chính quyền Trung Quốc đã cưỡng chế người dân huyện Túc Tùng, tỉnh An Huy ra khỏi nơi sinh sống để tiến hành phá đê nhằm giảm bớt tình trạng lũ lụt.
Kết quả là, nhiều thôn làng bên ngoài con đê bị ngập trong nước. Có nơi nước sâu tới 5,6m, nhấn chìm cả tòa nhà 2 tầng. Ngoài ra, người dân còn cho biết, vì để bảo vệ sông Dương Tử và đảm bảo an toàn cho các thành phố lớn, chính quyền cũng cho phá vỡ một con đập lớn ở huyện Túc Tùng, gây ngập lụt các vùng nông thôn.
Sau khi chính quyền huyện Túc Tùng phá vỡ con đê Đồng Mã vào ngày 12/7, nhiều ngôi làng bên ngoài đê đã bị nhấn chìm. Dân làng địa phương nói với tờ The Epoch Times tiếng Trung hôm 17/7 rằng, chính quyền đã phái cảnh sát vũ trang đến cưỡng ép, xua đuổi người dân phải rời đi, sau đó phá đê, xả lũ khiến nhiều ngôi làng chìm trong biển nước, những vật dụng quan trọng cũng chưa kịp mang đi.
Bác sĩ Trương (không phải tên thật) cho biết: “Ở phía trong con đê Đồng Mã thì không vấn đề gì, nhưng ở bên ngoài đê thì toàn bộ thôn trang đều bị ngập lụt, tủ lạnh và điều hòa bị hỏng, hoa màu bị ngâm trong nước, không còn gì nữa”.
“Người dân bên ngoài đê sơ tán vào phía trong con đê, ai có gia đình người thân thì ở nhờ, vì nhà cửa đã bị nước lũ nhấn chìm, có người đến quần áo cũng không có để thay”.
Chia sẻ với tờ The Epoch Times tiếng Trung, bác sĩ Trương nói: “Tất cả mọi người sau khi nghe thấy lệnh thì bắt buộc phải ra khỏi nhà. Nào là cảnh sát giao thông, cảnh sát vũ trang vào nhà đuổi người đi, nếu không di chuyển thì sẽ bị khiêng ra ngoài”.
Ông Lý (không phải tên thật), chủ một cửa hàng tư nhân ở thôn Tứ Châu, xã Châu Đầu, huyện Túc Tùng chia sẻ với tờ The Epoch Times tiếng Trung rằng thôn Tam Châu thuộc thị trấn Hối Khẩu và thôn Tứ Châu thuộc xã Châu Đầu, huyện Túc Tùng đều bị ngập lụt và hiện có hơn 1000 người phải trú ngụ tại một chỗ.
Ông nói: “Chính quyền thông báo thời gian sơ tán quá vội vàng, chỉ khoảng trước 6 giờ. Ở trên nói rằng việc xả lũ đã được sắp xếp, vậy là mọi người để chạy thoát thân nên tài sản cũng như nơi ở của họ đã bị mất”.
“Nhiều người chuyển đồ đạc lên tầng hai, nghĩ rằng như vậy sẽ an toàn, nhưng ngay cả tầng hai cao 5,6m cũng bị ngập”.
Ông Trương chia sẻ: “Nước ở thượng nguồn sông Dương Tử rất cao, nếu như xả lũ để cố gắng bảo vệ con sông và các thành phố lớn, thì các thôn làng bên cạnh sẽ chìm ngập trong nước, lũ lụt 3 tỉnh, 6 huyện sẽ tạo thành 1 cái hồ lớn, giống như một vùng biển nội địa nhỏ”.
Ông phàn nàn: “Chính quyền làm ngập lụt các thôn làng của chúng tôi. Vùng quê chúng tôi vô cùng khổ cực, vì hàng năm đều bị lũ lụt nên các công ty lớn không dám đến phát triển, đầu tư nước ngoài cũng không có. Nơi đây mãi mãi là một vùng nông thôn khó khăn, nghèo nàn. Cuộc sống của người dân rất đáng thương”.
Theo epochtimes.com
Tâm Thanh biên soạn