- Như Ngọc
Mùa mua tại châu Á hàng năm thường kéo dài từ tháng Sáu đến tháng Chín. Năm nay từ giữa tháng Sáu đến nay mưa lớn và lũ lụt bất thường đã đang ảnh hưởng tới Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á, cũng như Trung Quốc và Nhật Bản. Mưa lũ đã khiến chia tách về địa lý, hàng triệu người dân phải sơ tán và hàng trăm người thiệt mạng, tài sản trên đất thiệt hại nặng nề.
Ấn Độ, Nepal sơ tán gần 4 triệu người, ít nhất 189 người thiệt mạng
Reuters dẫn nguồn tin từ các quan chức chính phủ cho biết gần 4 triệu người tại bang Assam, miền đông bắc Ấn Độ và nước Nepal liền kề đã phải sơ tán do mưa lũ lớn. Ít nhất 189 người đã thiệt mạng và còn hàng chục người vẫn đang mất tích.
Các quan chức nói rằng sông Brahmaputra chảy qua Tây Tạng, Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh, nước đang dâng rất cao và dòng chảy mạnh làm phá hủy mùa màng, lở đất, khiến hàng triệu người dân phải sơ tán.
Bộ trưởng Tài nguyên nước của bang Assan, ông Keshab Mahanta nói với Reuters rằng hơn 2,75 triệu người tại bang Assam đã phải sơ tán do ba trận lũ từ cuối tháng Năm, trong đó 79 người đã thiệt mạng.
“Tình hình lũ lụt vẫn rất nghiêm trọng khi phần lớn dòng chảy của các con sông đều đe dọa ở trên mức nguy hiểm”, ông Keshab Mahanta nói với Reuters.
Trong số 33 quận, huyện của bang Assam, 25 khu vực vẫn bị ảnh hưởng bởi mưa lũ từ hai tuần trước.
Trong khi đó, tại Nepal, chính phủ nước này hôm Chủ Nhật (19/7) đã yêu cầu người dân sống dọc các đồng bằng miền nam phải duy trì cảnh giác cao khi mưa lũ lớn được dự báo sẽ tiếp tục đổ xuống quốc gia Himalayan này. Từ tháng Sáu tới nay, Nepal đã có hơn 100 người thiệt mạng do lũ lụt và lở đất.
Cảnh sát Nepal thông tin với Reuters rằng khoảng 110 người dân nước này đã chết và 100 người khác bị thương khi lở đất và lũ quét đã cuốn trôi nhiều nhà cửa, đường xá và cầu cống, cũng như khiến hàng trăm người sống tại 26 trong 77 quận, huyện của nước này phải sơ tán.
Bộ trưởng Nội vụ Nepal Murari Wasti cho biết con số thương vong dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên khi vẫn còn 48 người đang mất tích.
“Các đội tìm kiếm và cứu nạn đang tìm kiếm những người mất tích ở nhiều nơi khác nhau nhưng cơ hội tìm thấy họ còn sống là mong manh”, ông Wasti nói.
Ông Barun Paudel của văn phòng dự báo thời tiết tại thủ đô Kathmandu nói rằng mưa lớn dự kiến sẽ tiếp tục đổ xuống nhiều quốc gia miền núi trong 4 ngày tới.
“Chúng tôi kêu gọi người dân duy trì cảnh giác trước các vụ lở đất và lũ lụt có thể xảy ra”, ông Barun Paudel nói với Reuters.
1/3 Bangladesh ngập trong nước lũ
Theo Japan Times, mưa lớn đã đang trút xuống thượng nguồn hai hệ thống sống chính tại Himalayan chảy qua Ấn Độ và Bangladesh là sông Brahmaputra và sông Ganges.
Lãnh đạo Trung tâm Dự báo và Cảnh báo Lũ Bangladesh Arifuzzaman Bhuiyan mới đây nói rằng: “Đây sẽ là trận lũ tồi tệ nhất trong một thập kỷ”.
Ông Bhuiyan cho biết 1/3 lãnh thổ Bangladesh với ít nhất 1,5 triệu người đã bị ảnh hưởng mưa lũ. Nhà cửa và đường xá tại khu vực này đều ngập chìm trong nước.
Tại miền trung Bangladesh, mực nước sông Brahmaputra đang cao hơn mức bình thường gần 40cm và có nguy cơ làm sạt lở hai bên bờ sông, Japan Times dẫn lời một quan chức địa phương.
Các quan chức Bangladesh nói rằng hầu hết dân làng vẫn đang cố ở lại trong các ngôi nhà đã ngập trong nước lũ, nhưng khoảng 15.000 người đã phải sơ tán khỏi những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sau mưa lớn tại Kumamoto, Nhật Bản, 2.000 người vẫn đang phải sống ở khu tạm trú
Cho tới thứ Bảy (18/7), khoảng 2.000 người tại tỉnh Kumamoto, khu vực Kyushu, Nhật Bản vẫn đang sống trong khu tạm trú sau khi hai tuần trước khu vực này phải hứng chịu trận mưa rất lớn gây lũ lụt và lở đất.
Theo Japan Times, trận mưa lũ nêu trên đã phá hủy toàn bộ hoặc một phần 592 ngôi nhà, 5.525 ngôi nhà đã bị ngập nặng và 69 hộ gia đình vẫn đang bị chia tách.
Theo Cơ quan Quản lý Cứu hỏa và Thiên tai Nhật Bản, 71 người tại Kyushu đã được xác nhận chết do mưa lũ, trong đó có 65 người ở Kumamoto, 2 người ở Fukuoka, 2 người ở Oita, 1 người ở Nagasaki và 1 người ở Kagoshima.
Indonesia 36 người chết, hàng chục người mất tích do mưa lũ
Theo Channel News Asia, nhiều dòng sông tại đảo Sulawesi, Indonesia đã bị sạt lở bờ sau những trận mưa lớn hôm thứ Hai (13/7).
Hôm thứ Sáu (17/7), các quan chức Indonesia cho biết ít nhất 36 người đã bị chết do mưa lũ và hàng chục người khác vẫn đang bị mất tích.
Ông Andi Mukti, điều phối đội tìm kiếm cứu nạn của North Luwu, đảo Sulawesi nói với AFP: “Cơ hội tìm thấy họ còn sống là mong manh vì cho đến nay chúng tôi đã tìm kiếm 4 ngày rồi và công việc trên hiện trường là khó khăn”.
“Có nơi bùn dày tới 2m”, ông Mukti nói và cho biết thêm rằng công việc tìm kiếm sẽ vẫn tiếp tục qua cuối tuần này.
Hàng nghìn ngôi nhà dân và các văn phòng chính quyền cũng như các cơ sở công cộng đã bị ngập chìm trong bùn do mưa lũ.
Hơn 14.000 người dân tại North Luwu mà nhà cửa bị mưa lũ phá hủy đã được sơ tán tới các khu tạm trú.
Lũ lụt trong lưu vực sông Trường Giang Trung Quốc dâng cao đột biến
Theo thông tin truyền thông tổng hợp, do ảnh hưởng của mưa và nước thượng nguồn đổ về, vào 10 giờ ngày 17/7, lưu lượng lũ chảy vào Hồ chứa Tam Hiệp đã tăng lên 50.000 mét khối mỗi giây, đạt tiêu chuẩn đánh số lũ, chính quyền Trung Quốc thông báo “Trận lũ số 2 năm 2020 của sông Trường Giang” đã hình thành ở thượng nguồn. Đến 8 giờ sáng ngày 18/7, lưu lượng lũ chảy vào đập Tam Hiệp đã tăng lên 61.000 mét khối mỗi giây, lưu lượng ra ngoài đạt 33.000 mét khối mỗi giây, mực nước hồ đạt 160,17 mét, vượt quá giới hạn mực nước lũ định kỳ là 15 mét.
Lũ lụt ở thượng nguồn sông Trường Giang khiến mực nước của 21 nhánh sông thứ cấp ở Trùng Khánh vượt quá tuyến cảnh báo và 5 nhánh sông thứ cấp vượt quá mức đảm bảo. Theo số liệu tính đến hết ngày 17/7, đã có 465.649 người bị thương, 5 người tử vong và 5 người mất tích ở 410 thị trấn, khu phố tại 26 huyện: Vạn Châu, Phù Lăng, Bắc Bội, Trường Thọ, Giang Tân, Hợp Xuyên, Vĩnh Xuyên, Kỳ Giang, Đồng Nam, Đồng Lương, Đại Túc, Vinh Xương, Bích Sơn, Lương Bình, Thành Khẩu, Phong Đô, Điếm Giang, Vũ Long, Trung Huyền, Khai Châu, Vân Dương, Phụng Tiết, Vu Sơn, Vu Khê, Thạch Trụ, Dậu Dương.
Như Ngọc (T/h)