Hải Lam
Cộng đồng mạng hôm 19/7 phát hiện ra công cụ trò chuyện tự động (chatbot) trên Facebook của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phớt lờ tất cả các câu hỏi liên quan đến Đài Loan, theo Taiwan News.
Cô Claire Chu, một chuyên gia phân tích người Mỹ gốc Đài tại Tổ chức Tư vấn RWR, nói với Taiwan News rằng, hôm 19/7, cô biết một số bạn bè Đài Loan đề cập đến việc các phản hồi tự động trong hộp tin nhắn trên Facebook của WHO bỏ qua mọi câu hỏi có từ khóa “Đài Loan”. Khi truy cập công cụ nhắn tin cho WHO qua tài khoản Facebook chính thức của tổ chức này, cô Chu chọn ngôn ngữ tiếng Anh và nhận được phản hồi: “Vui lòng nhập tên của bất kỳ quốc gia nào (ví dụ: “Ấn Độ”) để nhận được thông tin mới nhất và đăng ký để nhận được thông báo hoặc truy cập https://covid19.who.int/”.
Tuy nhiên, khi cô Chu thử gõ từ “Đài Loan” trong hộp tin nhắn, cô đã nhận được một phản hồi: “Tôi có thể giúp gì khác không?” Sau khi chuyên gia Chu gõ “Trung Quốc”, chatbot đã nhanh chóng đưa ra số liệu thống kê chính thức mới nhất của WHO về dịch COVID-19 tại Trung Quốc.
Khi cô Chu gõ “Republic of China” (Trung Hoa Dân quốc) – tên chính thức của Đài Loan, số liệu thống kê về Trung Quốc lại xuất hiện. Cô Chu tiếp tục gõ “TW”, cô nhận được câu trả lời “Hẹn gặp lại” cùng một biểu tượng mặt cười.
Tuy nhiên, khi gõ tiếp “UK” và “US”, dữ liệu về dịch COVID-19 tại hai quốc gia vẫn xuất hiện.
Sau đó, cô Chu đã thử gõ “Somaliland”, một quốc gia mà Đài Loan gần đây đã thiết lập quan hệ nhưng không được Liên Hợp Quốc chính thức công nhận là “quốc gia”. Lúc này, chatbot phản hồi: “Xin lỗi. Tôi không hiểu câu hỏi của bạn. Tôi đã chuyển tiếp tin nhắn của bạn tới đội ngũ có nhiệm vụ phản hồi câu hỏi của bạn trong bản cập nhật ở tương lai. Tôi có thể giúp gì khác không?”.
Khi Taiwan News gõ tên của các quốc gia khác không được Liên Hợp Quốc chính thức công nhận, như South Ossetia & Abkhazia, Nagorno-Karabakh và Transnistria, tờ báo cũng nhận được phản hồi giống với trường hợp “Somaliland”. Thế nhưng, khi gõ “Kosovo”, tin nhắn phản hồi dữ liệu COVID-19 của tiểu bang và dẫn tham chiếu đến nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Khi Taiwan News cố gắng hỏi một câu cụ thể hơn liên quan đến Đài Loan, chẳng hạn như “Có bao nhiêu trường hợp nhiễm virus corona ở Đài Loan”, câu trả lời nhận được là: “Tôi có thể giúp gì khác không?”.
Nhập “Đài Bắc”, “Đài Bắc và các khu vực xung quanh”, câu trả lời nhận được tương tự như gõ “Somaliland”. Khi gõ “Khu vực Đài Loan” và “Đài Loan, Trung Quốc”, chatbot cùng cho một phản hồi: “Tôi có thể giúp gì khác?” Kết quả tương tự khi gõ “Hồng Kông” và “Ma Cao”.
Hôm 19/7, cô Chu đăng ảnh chụp màn hình các tin nhắn gửi cho WHO lên Twitter, và nhanh chóng nhận được 1.681 lượt thích, 617 lượt dẫn lại và 45 bình luận.
Khi được yêu cầu bình luận về các tin nhắn tự động của WHO, cô Chu nói với Taiwan News rằng việc WHO không công nhận kết quả phòng chống dịch của Đài Loan là “làm giảm uy tín và tính hợp pháp của tổ chức này với vai trò là một cơ quan toàn cầu khách quan”. Cô nói thêm rằng “Đại dịch không thừa nhận địa chính trị và với việc loại trừ Đài Loan, WHO đang gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng”.
Đài Loan được nhiều nước ca ngơi vì sự thành công trong công tác ứng phó với dịch Covid-19. Dù hòn đảo này ngay sát ổ dịch Trung Quốc, nơi khởi phát của dịch viêm phổi Vũ Hán, nhưng số ca bệnh ở Đài Loan ít hơn nhiều so với đại lục.
Đài Loan từng tham gia Đại hội đồng Y tế Thế giới với tư cách quan sát viên từ năm 2009 đến 2016 khi quan hệ hai bờ eo biển ấm lên. Tuy nhiên, Trung Quốc đã ngăn Đài Loan tiếp tục vai trò này tại WHO từ năm 2016, sau khi bà Thái Anh Văn, người từ chối chính sách “Một Trung Quốc” lên nắm quyền. Hồi tháng 5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan Âu Giang An nói rằng Trung Quốc không thể đại diện cho hòn đảo tại WHO, đồng thời kêu gọi tổ chức này thoát khỏi sự kiểm soát của Bắc Kinh trong đại dịch.