Luật An ninh: Nhiều công ty Nhật Bản đang xem xét việc ở lại Hồng Kông

  • Gia Huy

Khoảng 80% trong số hơn 300 doanh nghiệp được khảo sát bày tỏ quan ngại về Luật An ninh quốc gia mới. Khoảng 1/3 số công ty được hỏi cho biết đang xem xét lại các hoạt động của họ tại Hồng Kông.

Ảnh: HKFP

Vừa qua, Lãnh sự quán Nhật Bản tại Hồng Kông đã tiến hành khảo sát khoảng 600 công ty Nhật Bản về quan điểm của họ đối với các vấn đề: môi trường hoạt động tại Hồng Kông, đại dịch COVID-19, các cuộc biểu tình chống chính phủ và Luật An ninh quốc gia mới.

Kết quả cuộc khảo sát được công bố vào tối 21/7 cho thấy sự bi quan trong mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh sau những tranh cãi liên quan tới Luật An ninh và các tranh chấp trên biển, theo SCMP.

Cụ thể, hơn 80% trong số 304 công ty được hỏi cho biết họ “rất quan ngại” hoặc “quan ngại” về Luật An ninh nhắm đến các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài tại Hồng Kông. Nhiều người cũng lo lắng về hệ thống pháp quyền của thành phố cũng như mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ.

Khoảng 37% nói rằng họ sẽ cân nhắc cắt giảm số văn phòng của họ tại Hồng Kông, hoặc xem xét lại các chức năng hoạt động của các văn phòng này, hoặc là rút hẳn khỏi Hồng Kông. Nhưng 35% cho biết họ sẽ tiếp tục ở lại.

Các lo lắng trong giới doanh nghiệp Nhật Bản đã xuất hiện trong thời gian gần đây mặc dù nhiều người vẫn nghĩ rằng Hồng Kông sẽ tiếp tục nắm giữ những lợi thế do chế độ thuế đơn giản và gần với thị trường Trung Quốc. 35% trong số được khảo sát cho biết họ đang nhìn thấy triển vọng của khu kinh tế mới nổi phía nam Khu vực Vịnh lớn (Greater Bay Area).

Liên quan đến dịch bệnh: gần 90% trong số công ty cho biết môi trường kinh doanh Hồng Kông đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi đại dịch COVID-19; ngoài ra còn bị vùi dập thêm bởi những yếu tố khác bao gồm xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như suy thoái kinh tế của Đại lục.

Luật An ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông kể từ 1/7 đã khiến Mỹ và các quốc gia đồng minh lên tiếng phản đối. 

Washington đã chỉ trích mạnh mẽ Bắc Kinh vì đã phá hoại sự tự trị của Hồng Kông được quy định bởi nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”. 

Vào tháng trước, Nhật Bản cũng thể hiện quan điểm cứng rắn khác thường khi gọi việc thông qua Luật An ninh là “điều đáng tiếc” – thuật ngữ mạnh thứ hai trong các từ ngữ ngoại giao của Tokyo sau từ “lên án” thường được dùng để chỉ trích các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Nhật Bản và Trung Quốc từ lâu đã đối đầu với nhau trong cạnh tranh chủ quyền của Quần đảo Điếu Ngư (do Trung Quốc gọi) mà Tokyo gọi là Senkakus tại Biển Hoa Đông.

Nhật Bản là một trong bốn đối tác thương mại hàng đầu của Hồng Kông, trong khi đó Hồng Kông cũng đóng vai trò là một nơi trung chuyển quan trọng đối với giao thương hàng hóa giữa Nhật Bản và Đại lục. Quốc gia Đông Bắc Á này cũng là một điểm đến nghỉ lễ hàng đầu đối với người Hồng Kông, trong khi đó khoảng 10.000 người Nhật đang sống tại Hồng Kông vào năm 2016, năm gần nhất có số liệu.

Gia Huy (theo SCMP)

Related posts