- Lê Vy
Tổng lãnh sự Trung Quốc ở Houston cho biết cơ quan này vẫn sẽ hoạt động bình thường “cho đến khi có thông báo mới.”
Người đứng đầu Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston Cai Wei (Thái Vĩ) cho biết ông không cam kết đóng cửa cơ quan này bất chấp yêu cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu phải đóng cửa vào thứ Sáu (24/7).
Trong cuộc phỏng vấn với Politico hôm 23/7, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Houston khẳng định Trung Quốc phản đối lệnh đóng cửa và văn phòng của ông tiếp tục hoạt động cho đến khi có thông báo mới.
“Hôm nay, chúng tôi vẫn hoạt động bình thường, chúng tôi sẽ xem điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai,” ông nói và từ chối giải thích thêm.
Ông cho biết Bắc Kinh đã đề nghị Mỹ rút lại quyết định đưa ra hôm 21/7 về việc yêu cầu đóng LSQ Trung Quốc tại Houston, cho rằng điều này đi ngược lại các thỏa thuận quốc tế điều chỉnh quan hệ ngoại giao.
“Chúng tôi nghĩ rằng yêu cầu từ phía Mỹ không phù hợp với Công ước Viên về các vấn đề lãnh sự và cũng không theo thông lệ quốc tế hoặc các quy tắc [ngoại giao], nó cũng vi phạm Trung Hiệp ước lãnh sự giữa Trung và Mỹ,” ông nói. “Chúng tôi đã chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất nhưng chúng tôi cũng phản kháng mạnh mẽ quyết định này, vì vậy chúng tôi kêu gọi Mỹ hủy bỏ quyết định sai lầm đó.”
Nhận xét của ông Cai được đưa ra sau khi SCMP đưa tin rằng Bắc Kinh có khả năng đóng cửa LSQ Mỹ ở Thành Đô, nơi có vị trí chiến lược quan trọng đối với Hoa Kỳ liên quan đến các vấn đề về Tây Tạng. Tuy nhiên, người đứng đầu LSQ Houston từ chối bình luận về cách thức đáp trả của Bắc Kinh đối với lệnh đóng cửa văn phòng của ông.
Cai nhấn mạnh rằng ông là đại diện chính của chính phủ Trung Quốc tại Houston, nhưng các chuyên gia cho biết ông khó có thẩm quyền tự ra quyết định việc có tiếp tục mở cửa lãnh sự quán hay không.
Ho-Fung Hung, giáo sư kinh tế chính trị và xã hội học chuyên về Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế cao cấp Johns Hopkins, nói: “Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu LSQ có thể quyết định mà không nghe Bắc Kinh. Họ phải chờ lệnh từ Bắc Kinh để biết phải làm gì… Bắc Kinh có thể đưa ra chỉ đạo cho LSQ vào phút chót về những gì cần làm.”
Các chuyên gia cho rằng việc từ chối đóng LSQ sẽ là điều chưa từng có trong lịch sử quan hệ Mỹ – Trung, lưu ý rằng ngay cả chính phủ Nga cũng không kháng cự khi Mỹ đóng hai phụ lục ngoại giao vào năm 2017.
Carla Freeman, giám đốc của Viện Chính sách đối ngoại tại Hopkins, nhận xét những lời bình luận của [ông Cai] dường như cho thấy tình huống dường như không quá nghiêm trọng, bởi vì “không đóng LSQ là điều hoàn toàn chưa có tiền lệ.”
Nhưng nếu Trung Quốc khăng khăng làm theo ý mình, các chuyên gia cho rằng Mỹ có thể thu hồi thị thực của ông Cai cùng các nhân viên lãnh sự, cho phép lực lượng chấp pháp bắt giữ và có thể trục xuất những người này. Tuy vậy, ông Cai nói với tờ Politico rằng ông không có kế hoạch rời Mỹ ngay lập tức.
Vài giờ sau những bình luận của ông Cai, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có một bài phát chỉ trích mạnh mẽ chính phủ Trung Quốc và và nói rằng LSQ ở Houston là “một ổ gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ.” Tuy nhiên, ông Pompeo không đề cập đến việc Mỹ sẽ hành xử ra sao nếu Trung Quốc vẫn mở LSQ như bình thường.
Các quan chức khác của Mỹ cũng cáo buộc LSQ Trung Quốc tại Houston là một phần của hoạt động gián điệp của ĐCSTQ tại Mỹ. Hôm thứ Tư (22/7), Thượng nghị sĩ Marco Rubio – một thành viên của Ủy ban Tình báo và Đối ngoại, đã tweet rằng cơ quan này là “trung tâm của mạng lưới gián điệp rộng lớn của ĐCSTQ tại Mỹ.”
Ông Cai phủ nhận những lời cáo buộc đó, nói rằng hoạt động của LSQ tuân thủ các quy ước quốc tế và không khác với hành động của các quốc gia khác, kể cả Mỹ. Ông nói rằng LSQ đã tham gia vào “ngoại giao khẩu trang” chứ không có hành vi gián điệp nào, cụ thể là việc phân phối lô khẩu trang được gửi từ Trung Quốc đến.
Tổng lãnh sự cũng phê phán “tiêu chuẩn kép” của các quan chức Mỹ khi nhìn nhận rằng việc quyên góp khẩu trang của Trung Quốc là một “chương trình nghị sự với mục đích ẩn giấu” để thúc đẩy hình ảnh của ĐCSTQ. Ông nói hành động từ thiện ở các quốc gia khác không bị đánh giá nặng nề như vậy.
Ông nói: “Chúng tôi không thể có một tiêu chuẩn kép. Trung Quốc là một quốc gia cộng sản cho dù bạn có thích hay không. Chính phủ của chúng tôi là Đảng Cộng sản Trung Quốc, và chúng tôi rất tự hào về điều này.”
Nếu Trung Quốc thực sự từ chối việc đóng cửa LSQ vào cuối tuần này, ông Ho-Fung Hung – giáo sư tại ĐH Johns Hopkins cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump rất có thể sẽ tăng cường các chế tài đối đầu lại với Trung Quốc.
Mặt khác, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang phải đối mặt với áp lực từ giới tinh hoa trong nước trong việc giải tỏa căng thẳng với Mỹ để tránh bị áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính cũng như hạn chế visa. Những động thái trước đó của chính quyền TT Trump đã khiến giới này, vốn gửi phần lớn gia tài ở nước ngoài, cảm thấy lo ngại.
“Ông Tập Cận Bình đang bắt đầu phải đối mặt với áp lực từ giới tinh hoa và nhà lãnh đạo khác về cách tiếp cận rất cứng rắn và hung hăng của ông đối với Mỹ,” ông Hung nói và nhận xét rằng ông Tập muốn tỏ ra là một người cứng rắn. “Nhưng tôi tin rằng đang ngày càng có nhiều người trong giới tinh hoa Trung Quốc nhìn thấy lợi ích của họ bị tổn thương do xung đột với Mỹ về vấn đề Hồng Kông, cùng với những vấn đề khác.”
Lê Vy (theo Politico)