Mỹ có thể trừng phạt các DNNN Trung Quốc liên quan đến vấn đề biển Đông

  • Gia Huy

Một số công ty nhà nước Trung Quốc có thể bị Mỹ trừng phạt về vai trò của những thực thể này trong việc mở rộng sự hiện diện của Bắc Kinh tại khu vực đang tranh chấp ở biển Đông. 

Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc (Ảnh: news.cn)

Ông David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương trong  tuần này đã cáo buộc Trung Quốc đang sử dụng các doanh nghiệp nhà nước của mình để “bắt nạt” các nước láng giềng trong khu vực nhằm chiếm đoạt các mỏ dầu và khoáng sản. Ông cũng gợi ý rằng Mỹ nên đáp trả bằng các lệnh trừng phạt đối với các quan chức và doanh nghiệp có liên quan.

Trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế hôm 14/7, ông Stilwell đã nêu tên Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) thuộc sở hữu nhà nước đã giúp phát triển các đảo nhân tạo ở Biển Đông và Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã đặt giàn khoan quy mô lớn trong vùng biển tranh chấp mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Trước đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio đã thúc đẩy các lệnh trừng phạt chống lại một số công ty nhà nước Trung Quốc bao gồm CNOOC, CCCC và hai công ty con của họ, yêu cầu chính phủ Mỹ phong tỏa các tài sản của những người này tại Mỹ, đồng thời ngăn chặn các quan chức của các công ty này làm ăn tại Mỹ.

Phát biểu của ông Stilwell được đưa ra sau khi Washington bác bỏ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông, làm gia tăng khả năng xảy ra một cuộc đối đầu giữa hai quốc gia.

Bắc Kinh đã bị chỉ trích mạnh mẽ về việc xây dựng đảo và quân sự hóa tại Biển Đông. Các công ty nhà nước Trung Quốc đã tham gia sâu rộng vào các việc này. Những hình ảnh vệ tinh được phân tích bởi công ty tư vấn quốc phòng IHS Jane cho thấy công ty nạo vét Thiên Tân – một công ty con của CCCC – đóng vai trò trong việc phát triển các đảo san hô như Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập thành các đảo lớn hơn, hiện được dùng cho các phi đạo và các cơ sở quân sự.

Yêu sách của Bắc Kinh tại biển Đông bao trùm hầu hết vùng biển này cùng các nguồn tài nguyên ngoài khơi dựa trên cái mà họ gọi là “Đường lưỡi bò”. Tuy nhiên, nhiều quốc gia láng giềng, bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, đều phản đối và có quan điểm ngược lại.

Các nhà quan sát nói rằng bất kỳ lệnh trừng phạt nào sẽ phụ thuộc vào cách Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á định nghĩa các hành động của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng các biện pháp trừng phạt sẽ ‘lợi bất cập hại’ do nhiều công ty nhà nước Trung Quốc đang tích cực tham gia vào “Sáng kiến Vành đai và Con đường,” kế hoạch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm thúc đẩy đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu.

Ví dụ, CNOOC sở hữu các dự án trên bờ tại các bang Texas, Colorado và Wyoming của Mỹ, cũng như tại Vịnh Mexico, trong khi công ty con của họ có cổ phần trong một số dự án dầu tại Mỹ. Còn CCCC đã hợp tác chặt chẽ với các nước Đông Nam Á, và vào tháng 12 họ đã giành được hợp đồng trị giá 10 tỷ USD để xây dựng một sân bay quốc tế bên ngoài Manila theo Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Ngoài vấn đề biển Đông, gần đây quan hệ Mỹ – Trung đã gia tăng căng thẳng liên quan đến nhiều vấn đề khác như gián điệp, Đài Loan, Luật An ninh Hồng Kông, Tân Cương và virus corona.

Gia Huy (theo SCMP)

Related posts