Úc bác bỏ tuyên bố chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc trước Liên Hiệp Quốc
Thông tin hôm thứ Bảy (25.7.2020) cho biết Phái đoàn đại diện thường trực của Úc đã chính thức trình công hàm của chính phủ liên bang lên Liên Hiệp Quốc, khẳng định lập trường của Úc là phản đối toàn bộ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong công hàm ghi ngày 23.7.2020 chính phủ Úc đã viện dẫn hàng loạt điều luật quốc tế để bác bỏ các tuyên bố chủ quyền nêu ra trong 6 công hàm và công thư mà Trung Quốc đã gửi lên LHQ từ tháng 12 năm 2019. Trong các văn bản này Trung Quốc đều khẳng định “chủ quyền không thể chối cãi” của mình đối với quần đảo Tây Sa và Nam Sa cùng các vùng biển liên quan”, cách Trung Quốc gọi Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Công hàm của chính phủ Úc nêu rõ: “Chính phủ Úc bác bỏ tất cả các yêu sách của Trung Quốc trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), cụ thể là các yêu sách vùng biển không tuân thủ quy định công ước về đường cơ sở, các vùng biển và phân loại những thực thể”, Úc nhấn mạnh trong công hàm ngày 23-7.” (“The Australian Government rejects any claims by China that are inconsistent with the 1982 United Nations Convention on the Law of the Sea (UNCLOS), in particular, maritime claims that do not adhere to its rules on baselines, maritime zones and classification of features.”)
Chính phủ Úc nhấn mạnh rằng cái gọi là “quyền lịch sử và quyền hàng hải đã được thiết lập từ lâu” mà Trung Quốc nêu ra để biện minh cho đường 9 đoạn là “trái với UNCLOS và vô giá trị”.
Ú khẳng định phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII UNCLOS đã làm rõ điều này. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay Trung Quốc vẫn phớt lờ, thậm chí gọi tòa án và phán quyết của tòa là “bất hợp pháp”.
Úc tuyên bố: “Không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các thực thể hoặc nhóm đảo trên Biển Đông, bao gồm xung quanh ‘Tứ Sa’ hay ‘thềm lục địa’ hay các quần đảo xa bờ. [..] Úc phản đối các yêu sách đòi hỏi vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên đường cơ sở thẳng như thế”. (“There is no legal basis for China to draw straight baselines connecting the outermost points of maritime features or ‘island groups’ in the South China Sea, including around the ‘Four Sha’ or ‘continental’ or ‘outlying’ archipelagos. [..] Australia rejects any claims to internal waters, territorial sea, exclusive economic zone and continental shelf based on such straight baselines.”)
Công hàm của Úc còn viện dẫn luật quốc tế để chứng minh đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc tự vẽ ở Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) là trái với UNCLOS: “Đường cơ sở thẳng theo điều 7 của UNCLOS chỉ được áp dụng trong một số trường hợp đặ biệt. Hơn nữa, điều 47 của UNCLOS đã quy định đường cơ sở quần đảo chỉ được áp dụng cho các quốc gia quần đảo như định nghĩa đã nhắc tới trong điều 46.”
Úc tiếp tục chỉ rõ trong trường hợp không đáp ứng được các điều kiện trên, “quốc gia phải vẽ đường cơ sở bình thường theo điều 5 UNCLOS, kể cả đối với các đảo”.
Đề cập tới các đảo nhân tạo trái phép Trung Quốc xây trên những thực thể chiếm đóng ở Trường Sa, chính phủ Úc khẳng định đá và bãi cạn, bãi chìm vẫn sẽ chỉ là đá và các bãi cạn, bãi chìm bởi “Các thực thể đã được con người cải tạo không thể hưởng quy chế của đảo tự nhiên””.
Công hàm tuyên bố: “Úc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với những vùng biển xung quanh các thực thể lúc chìm lúc nổi hoặc chìm dưới biển không phù hợp với UNCLOS.
Việc xây dựng hoặc các hình thức cải tạo nhân tạo khác không làm thay đổi phân loại của UNCLOS đối với các thực thể này. Không có cơ sở pháp lý để đưa ra các yêu sách vùng biển vượt quá những gì các thực thể này được hưởng theo UNCLOS khi ở trạng thái tự nhiên”.
Công hàm của Úc lưu ý đến một đoạn trong công hàm ngày 17-4-2020 của Trung Quốc, trong đó khẳng định rằng chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam) “đã nhận được sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế”.
Tuy nhiên Úc nêu rõ: “Chúng tôi không chấp nhận điều Trung Quốc tuyên bố. Về điều này, xin hãy lưu ý tới các công hàm phản đối số 22/HC-2020, số 24/HC-2020 và số 25/HC-2020 của Việt Nam cũng như công hàm 000192-2020 của Philippines”.
Chính phủ Úc kêu gọi Trung Quốc hãy tuân thủ phán quyết năm 2016 về Biển Đông, khẳng định việc Bắc Kinh nói phán quyết không có giá trị ràng buộc là trái với điều 296 và điều 11 trong phụ lục VII UNCLOS: “Chúng tôi khuyến khích các bên có yêu sách ở Biển Đông, đặc biệt là Trung Quốc, làm rõ các yêu sách vùng biển và giải quyết sự khác biệt bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật quốc tế nhất là UNCLOS 1982”.
Lên tiếng hôm thứ Bảy (25.7.2020) Lãnh tụ đối lập Anthony Albanese bày tỏ sự ủng hộ với thái độ cứng rắn của chính phủ Morrison. Ông tuyên bố: “Nước Úc cần phải bảo vệ quyền lợi của Úc và chúng ta cần phải mạnh dạn bảo vệ luật pháp quốc tế. Luật pháp quốc tế bảo đảm quyền tự do hàng hải, là điều tuyệt đối hệ trọng với thương mại quốc tế”.
Công hàm trên ghi ngày 23.7.2020 và cùng ngày này, đài ABC thông tin việc năm chiến hạm Úc chạm mặt tàu chiến Trung Quốc ở vùng biển Trường Sa, giữa lúc đang trên đường trực chỉ vùng biển Phillippines để tập trận cùng Nhật và Mỹ. Thông tin lúc đó không nêu rõ cụ thể ngày giờ và tọa độ, chỉ nói là “tuần trước”.
Như Việt Luận đã thông tin, Hải quân Úc đã phái năm chiến hạm – HMA Canberra, Hobart, Stuart, Arunta và Sirius – tham gia cuộc tập trận cùng hải quân Nhật và Mỹ tại Biển Philippines kể từ ngày 19.7.2020.
Theo đài ABC thì nhóm năm tàu chiến của Úc không đi vào khu vực 12 hải lý quanh các thực thể tại quần đảo Trường Sa mà như các chiến hạm của Mỹ thường làm trong các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Trong tuyên bố chính thức, Bộ Quốc phòng Úc cho biết nhóm tàu chiến Úc đã chạm mặt bất ngờ với các tàu chiến nước ngoài trong thành trình di chuyển, song tất cả đều diễn ra “an toàn và chuyên nghiệp”.
Trên thực tế các chiến hạm của Úc đã nhiều lần va chạm với Trung Quốc trên Biển Đông.
Tháng Năm năm ngoái, trong chuyến viếng thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam, hai chiến hạm Úc bị tàu Trung Quốc đeo bám cả trên đường đến lẫn đường về. Trong khi đó thì các phi cơ trực thăng của hải quân Úc trên tàu này đã bị tàu bán quân sự Trung Quốc tấn công bằng tia laser khi thực hiện các chuyến bay đêm, khiến phi công phải tức tốc quay về tàu để kiểm tra sức khỏe.
Lúc đó đổ bộ hạm HMA Canberra cùng hộ tống hạm HMA Newcastle với thủy thủ đoàn tổng cộng 800 người thuộc “Nhóm đặc nhiệm hỗn hộp 661” (Joint Task Force 661) của Bộ Quốc phòng Úc đã ghé cảng Cam Ranh vào ngày 7.5.2019 và rời cảng này ngày 11.5.2019.
Đây là chuyến viếng thăm trong chương trình “Nỗ lực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương năm 2019 (INDO-PACIFIC ENDEAVOUR 2019) được Úc tiến hành để kết nối với hải quân các các quốc gia khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương như Sri Lanka, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia. Philippine, Việt Nam. Ngày 28.5.2019 Đài ABC dẫn lời chỉ huy trưởng nhóm tàu là Chuẩn tướng Richard Owen, cho hay tàu Úc đã bị tàu Trung Quốc bám đuôi trên Biển Đông khi đang trên đường đến cảng Cam Ranh và sau đó giữa lúc đang trên đường về. Ông Owen cho biết các tàu đi qua phía bắc và phía nam Biển Đông ở vùng biển quốc tế. Ông nói: “Chúng tôi rất nhạy bén đối với mọi tình huống va chạm trên biển và chúng tôi được huấn luyện năng lực này. Chúng tôi biết rõ họ sẽ hành xử ra sao và chúng tôi cần hành xử như thế nào. Do đó tôi hoàn toàn không lo ngại vì tôi tin vào năng lực của Hải quân Hoàng gia Úc và Lực lượng Quốc phòng Úc”.
Sau đó, Đài ABC thông tin việc các phi công hải quân Úc bị các tàu Trung Quốc tấn công bằng thiết bị laser khi họ bay trên khu vực biển Đông. ABC dẫn các nguồn tin của Bộ Quốc phòng nói cho hay trực thăng của Úc bị chĩa laser trong lúc thực hiện các chuyến bay đêm, buộc phi công phải tạm quay về tàu để kiểm tra y tế.
Trước đó nữa, tháng Tư năm 2018 ba chiến hạm của Hải quân Úc – HMA Anzac, HMA Toowoomba và HMA Success với thủy thủ đoàn gồm tổng cộng 73 sĩ quan và 569 thủy thủ – đã bị tàu Trung Quốc thách thức trên Biển Đông khi trên đường đến thăm Việt Nam. Tuy nhiên hải đội này vẫn tiếp tục hành trình và sau đó cập cảng Sài Gòn vào ngày 19.4.2018.
Các nguồn tin quốc phòng cho hay vụ đối đầu xảy ra khi Trung Quốc đang tiến hành tập trận bắn đạn thật dọc theo bờ biển đông nam nước này. Lúc đó nguyên Thủ tướng Malcolm Turnbull, đã lên án hành vi ngăn cản quyền đi lại của tàu Úc trên biển Đông mà luật pháp quốc tế đã công nhận”. Ông Turnbull tuyên bố: “Chúng tôi duy trì và thực thi quyền tự do hàng hải, tự do hàng không khắp thế giới và trong bối cảnh này, chúng tôi đang nói về tàu chiến trên các đại dương, bao gồm biển Đông và đó là quyền của chúng tôi chiểu theo luật pháp quốc tế”.
Úc – Mỹ phối hợp chống Trung Quốc
Ngày 26.7.2020 Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds đã lên đường để đến Mỹ dự hội nghị thường niên AUSMIN 2020 với Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper.
Đây là hội nghị thường niên giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước, luân phiên tổ chức tại Mỹ và tại Úc nhưng chuyến đi này là một chuyến đi đặc biệt vì tình hình dịch bệnh Covid-19 và tìn hình thế giới.
Hội nghị AUSMIN 2020 có ý nghĩa quan trọng hơn hẳn khi quan hệ của Úc và Mỹ với Trung Quốc đều xấu đi và hội nghị lại diễn ra ngay khi Úc chính thức bày tỏ quan điểm lên Liên Hiệp Quốc, phản đối chủ quyền mà Trung Quốc tuyên bố tại Biển Đông.
Dĩ nhiên, chủ đề trọng tâm của AUSMIN 2020 vẫn là Trung Quốc và mối đe doạ đối với an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mỹ cũng hướng tới việc kêu gọi sự hỗ trợ từ Úc để đối phó với hành động của Trung Quốc tại Biển Đông sau khi mà nước này gia tăng sự hiện diện quân sự và xây dựng các đảo nhân tạo trong suốt thập niên qua.
Các chủ đề khác sẽ được thảo luận tại AUSMIN bao gồm: Covid -19, luật an ninh tại Hong Kong, phát triển cơ sở hạ tầng và khoáng sản quan trọng, an ninh mạng cùng các tin tức giả, các vấn đề y tế, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm. Hai bên sẽ bàn thảo các biện pháp cụ thể để đối phó với cuộc chiến thông tin từ Trung Quốc và Nga, mà tác dụng rõ nhất là làn sóng các tin giả đã tác động đến cuộc bầu cử Mỹ 2016.
Bà Payne và bà Reynolds cho rằng AUSMIN 2020 là vô cùng quan trọng trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa các siêu cường châu Á và phương Tây, chưa bao giờ việc Úc và Mỹ với tư cách là đồng minh, ngồi lại cùng nhau, tìm mọi cách để thúc đẩy lợi ích chung của hai nước lại quan trọng đến vậy. Vì tầm mức quan trong của các vấn đề, chính quyền Mỹ yêu cầu bà Payne và bà Reynolds nên có mặt trực tiếp trong hội nghị kéo dài ba ngày thay vì tiến hành họp AUSMIN qua video.
Phái đoàn Úc sẽ bay đến Mỹ bằng máy bay của chính phủ Úc, mặc đồ bảo hộ, thực hiện cách ly xã hội và khi trở về Úc sẽ cách ly 14 ngày. Chính vì vậy nên phái đoàn Úc do hai bộ trưởng dẫn đầu sẽ giảm thiểu nhân sự xuống mức tối đa, chỉ còn chín người. Họ sẽ bay đến Mỹ bằng máy bay của chính phủ Úc, mặc đồ bảo hộ, thực hiện giãn cách xã hội và cách ly 14 ngày khi trở về Úc.
Bà Payne sẽ ăn tối với ông Pompeo vào tối 27.7.2020 tại Bộ Ngoại giao Mỹ, sau đó tất cả sẽ gặp nhau vào ngày 28-8 cho hội nghị AUSMIN.
Trước đó, ngày 24.7.2020, Thủ tướng Scott Morrison cũng đã khẳng định quan hệ Mỹ – Úc trong một video gửi đến Trung tâm nghiên cứu Mỹ: “Úc là đồng minh cậy của Mỹ. Chúng tôi tin tưởng lẫn nhau… Úc trông cậy vào Mỹ, chắc chắn là vậy, nhưng chúng tôi không đẩy hết trọng trách cho Mỹ. Chúng tôi chia sẻ những gánh nặng cùng nhau trong mối quan hệ hợp tác này”.
Đi xét nghiệm Covid-19, được trả $300!
Hôm thứ Bảy (25.7.2020) tiểu bang Victoria đã ghi nhận thêm 357 ca Covid-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên đến 7,744 người, trong đó gần 4000 vẫn chưa dứt bệnh. Cũng ngày hôm đó tiểu bang ghi nhận thêm 5 bệnh nhân Covid-19 tử vong, nâng tổng số người chết vì bệnh này tại tiểu bang lên 61 người.
Để khuyến khích công chúng xét nghiệm, hôm thứ Năm chính quyền Victoria đã tuyên bố trả bù cho những người đang đi làm mà xin nghỉ việc để xét nghiệm số tiền $300, chỉ cần trình ra phiếu trả lương để chứng minh rằng họ phải nghỉ việc để chờ kết quả xét nghiệm.
Thủ hiến Daniel Andrews cho rằng cần phải có biện pháp khuyến khích vì hì có nhiều người khi có triệu chứng nhẹ lại không muốn đi xét nghiệm do sợ bị cách ly, phải nghỉ việc.
Trước đó chính quyền Victoria đã có chính sách tài trợ những người không thể đi làm vì phải cách ly mà không được hưởng lương, tuy nhiên số tiền này chỉ tài trợ cho những ai có kết quả dương tính, hay có tiếp xúc gần gũi với người bị dương tính.
Tại NSW, những ai đi xét nghiệm Covid-19 được chính quyền “thưởng” bằng cách miễn tiền đậu xe, nếu họ đến xét nghiệm tại các bệnh viện, phải đậu xe trong những carpark tính tiền!