Nghị sỹ Cruz: COVID-19 đã khiến mọi người thức tỉnh về mối nguy hại từ Trung Quốc
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Ted Cruz (đảng Cộng hòa, bang Texas) bình luận rằng đại dịch virus corona đã khiến mọi người nhận ra mức độ nguy hại của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông Cruz nói với chương trình “Face the Nation” của đài truyền hình CBS hôm Chủ nhật (26/7): “Hệ quả chính sách đối ngoại quan trọng nhất của đại dịch này là mọi người đang hiểu ra mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra. Đặc biệt virus này bắt nguồn từ sự che đậy có chủ ý của ĐCSTQ”.
Vị thượng nghĩ sỹ giải thích: “Họ bắt giữ, họ bịt miệng những người Trung Quốc dũng cảm đã cố gắng ngăn chặn dịch bệnh và vì thế, hơn 600.000 người đã chết”. Ông nói thêm: “Đó là vì sự dối trá của chính quyền cộng sản Trung Quốc”.
Ông Cruz cũng bình luận về vụ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, dấu hiệu mới nhất về mối quan hệ đang xấu đi giữa Washington và Bắc Kinh. Ông nói: “Lãnh sự quán đó đã bị đóng cửa vì nó tham gia vào hoạt động gián điệp. Nó đã tham gia vào hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ. Họ sử dụng nó như một căn cứ để làm gián điệp ở Houston và khắp khu vực Tây Nam”.
Thượng nghị sỹ Cruz nhận định các sứ quán khác của Trung Quốc có thể cũng sẽ bị đóng cửa vì lý do tương tự.
Thượng nghị sỹ cho biết cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Mỹ đều đã nhận ra “ĐCSTQ nguy hại thế nào và những lời dối trá của họ đang cướp đi mạng sống của mọi người”.
Có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, ông Cruz là một trong bốn quan chức Hoa Kỳ bị Bắc Kinh tuyên bố trừng phạt vào hôm 13/7, bao gồm các biện pháp cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản của các quan chức này tại Trung Quốc. Động thái “trừng phạt” của Bắc Kinh chỉ mang tính biểu tượng, vì không có dấu hiệu nào cho thấy giới chức Hoa Kỳ cất giấu tài sản ở Trung Quốc hay thật sự có nhu cầu nhập cảnh vào Trung Quốc.
Bắc Hàn bất ngờ phong tỏa thành phố sát biên giới Nam Hàn
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kèm quyết định phong tỏa thị trấn Kaesong gần biên giới liên Triều, sau khi một người Triều Tiên đào thoát sang Hàn Quốc bị nghi nhiễm Covid-19 trở về nước thông qua con đường vượt biên trái phép, truyền thông nhà nước Triều Tiên KCNA cho biết hôm Chủ nhật (26/7).
Ông Kim đã triệu tập một cuộc họp khẩn của bộ chính trị để đáp trả cái mà ông gọi là một “tình huống nguy hiểm trong đó con virus độc hại có thể đã xâm nhập đất nước”, KCNA đưa tin.
Máy bay trinh sát Mỹ hiện diện kỷ lục trên biển Đông
Hoa Kỳ đã tăng cường trinh sát trên không ở mức tần suất kỷ lục ngoài khơi Trung Quốc và tại Biển Đông, tờ Bưu điện Nam Hoa buổi sáng (SCMP) dẫn thông tin từ Viện nghiên cứu Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (South China Sea Strategic Situation Probing Initiative – SCSPI) có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết.
“Hiện tại, quân đội Mỹ đang gửi ba đến năm máy bay trinh sát mỗi ngày tới khu vực Biển Đông”, SCSPI cho biết. “Trong nửa đầu năm 2020 – với tần suất cao hơn, khoảng cách gần hơn và nhiều chuyến trinh sát hơn – hoạt động trinh sát trên không của Hoa Kỳ ở Biển Đông đã bước sang một giai đoạn mới”.
SCSPI cho biết số liệu thống kê của họ cho thấy các chuyến bay của các máy bay Mỹ đến khu vực cách đất liền khoảng 50 đến 60 hải lý là “khá thường xuyên”. Đặc biệt trong 3 tuần đầu tháng 7, SCSPI đã ghi nhận kỷ lục 50 lần xuất kích của các trinh sát cơ – hoạt động gần các căn cứ quân sự trên đất liền của Mỹ trải dài đến Biển Đông – trùng khớp với thời điểm diễn ra các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc và Hoa Kỳ trong khu vực.
Anh quyết đối phó với Nga, Trung Quốc trong không gian
Anh sẽ tăng cường khả năng chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga trong không gian, theo đề xuất từ một bản đánh giá quốc phòng toàn diện nhất kể từ sau thời Chiến tranh Lạnh, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết.
Viết trên tờ The Telegraph, vị Bộ trưởng Quốc phòng cảnh báo “Trung Quốc cũng đang phát triển vũ khí tấn công trong không gian” sau khi Anh và Mỹ cáo buộc Nga thử nghiệm một loại đạn giống vũ khí có thể nhắm đến các vệ tinh.
Ông Wallace cho biết bản đánh giá quốc phòng tổng hợp sẽ được trình lên Thủ tướng Johnson vào năm tới. Theo đề xuất từ bản đánh giá, Bộ Quốc phòng sẽ “chuyển hướng” sự tập trung ra khỏi lĩnh vực chiến tranh thông thường, khi Bộ này sẽ “được tái định hướng để hoạt động nhiều hơn trong các lĩnh vực mới nhất là không gian, không gian mạng và ngầm dưới biển”.
Apple bắt đầu sản xuất iPhone phiên bản cao cấp ở Ấn Độ
Nhà sản xuất Foxconn – đơn vị sản xuất iPhone chủ lực của Apple – đã bắt đầu thiết lập các đơn vị sản xuất iPhone 11 tại một cơ sở gần Chennai ở Ấn Độ, tờ TechCrunch đưa tin. Đây là lần đầu tiên Apple sản xuất một trong những dòng smartphone flagship của mình tại quốc gia Nam Á này.
Apple đã sản xuất các mẫu iPhone giá rẻ hơn ở Ấn Độ kể từ năm 2017, và đã từng cân nhắc chuyển dây chuyền sản xuất các mẫu cao cấp hơn đến đây.
Ấn Độ là thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới vào năm 2019, vượt trên Mỹ và chỉ đứng sau Trung Quốc. Theo TechCrunch, Apple có kế hoạch gia tăng quy mô sản xuất ở Ấn Độ, điều này sẽ giúp giảm mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc, nơi hầu hết iPhone hiện đang được sản xuất hiện nay.
EU chê vaccine WHO cung cấp ‘mắc và chậm’, tự tìm hướng đi mới
Liên minh châu Âu EU hiện không hứng thú với việc mua trước các liều vắc-xin COVID-19 tiềm năng thông qua một sáng kiến do Tổ chức Y tế Thế giới thành lập, bởi họ cho rằng giải pháp này chậm mà lại có chi phí cao, hai nguồn tin của EU chia sẻ với Reuters. EU cũng đang đàm phán với các hãng dược phẩm để chế tạo các liều vắc-xin có mức giá rẻ hơn 40 USD.
Quan điểm này cho thấy EU chỉ ưu tiên một phần phương thức tiếp cận chung toàn cầu trong cuộc đua chế tạo vắc-xin COVID-19. Tuy EU ủng hộ các sáng kiến tiếp cận công bằng và đồng thời với vắc xin Covid-19 trên toàn cầu, họ vẫn sẽ ưu tiên các nguồn cung cho người dân EU.
Động thái này cũng có thể giáng một đòn mạnh vào sáng kiến COVAX do WHO dẫn đầu nhằm bảo đảm vắc-xin cho tất cả mọi người.
“Dựa vào COVAX sẽ dẫn đến giá cao hơn và nguồn cung chậm hơn”, một trong hai quan chức EU cho biết.
Theo cơ chế COVAX, EU có thể đặt hàng vắc-xin Covid-19 trước với mức giá ước tính 40 USD/một liều đối với các nước giàu, quan chức này cho biết, tuy nhiên EU có thể xoay sở để mua với mức giá rẻ hơn với kế hoạch của riêng mình.
Tâm Lũ lụt qua, hạn hán tới? Bắc Kinh ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C
Hôm thứ Sáu (24/7), Bắc Kinh ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục. Đài quan sát khí tượng Bắc Kinh tuyên bố rằng do ảnh hưởng của vùng nhiệt áp suất cao, phần lớn các khu vực đồng bằng sẽ duy trì ở mức nhiệt 37°C, một số khu vực có thể vượt quá 40°C.
Tính đến 4h30 chiều cùng ngày, 30 trong số 354 trạm thời tiết ở Bắc Kinh có nhiệt độ cao nhất đạt 40°C, thậm chí cao hơn, theo Secret China.
Theo thông tin từ Cục khí tượng Trung ương, tính đến 4h30 chiều ngày 27, nhiệt độ cao nhất của 354 trạm thời tiết (chiếm 66,7% tổng số trạm) trong toàn thành phố đạt 37°C hoặc cao hơn. 30 trạm có mức nhiệt cao nhất (chiếm 5,6%) đạt 40°C hoặc hơn. Nhiệt độ cao nhất trong đài quan sát vùng ngoại ô phía Nam là 37,3°C.
Theo dự báo thời tiết, nhiệt độ cao sẽ tiếp tục vào ngày 25, nhiệt độ cao nhất ở hầu hết các vùng đồng bằng sẽ vào khoảng 36°C và cảnh báo nhiệt độ cao màu xanh sẽ tiếp tục có hiệu lực.
Giới khí tượng học Trung Quốc gọi những ngày mà nhiệt độ tối đa hàng ngày đạt 35°C hoặc cao hơn là “ngày nhiệt độ cao”. Tín hiệu cảnh báo nhiệt độ cao được chia thành 4 mức từ thấp đến cao: xanh, vàng, cam và đỏ. Trong đó “cảnh báo nhiệt độ cao màu xanh” được áp dụng khi nhiệt độ cao nhất trong một ngày tăng lên trên 37°C, hoặc nhiệt độ tối đa hàng ngày trên 35°C kéo dài trong hai ngày liên tiếp.
Đối với Giang Nam và miền Nam Trung Quốc, nhiệt độ cao không chỉ kéo dài mà cường độ sẽ còn lớn hơn nữa. Nhiệt độ cao nhất ở hầu hết Phúc Kiến, miền trung nam bộ Giang Tây, miền nam Chiết Giang, đông bắc và tây nam Quảng Đông là 37°C đến 39°C, một số địa phương lên tới trên 40°C.
Theo Tin tức báo chiều Bắc Kinh, do nhiệt độ cao liên tục tại Bắc Kinh, tải làm mát của lưới điện địa phương đã tăng lên. Công ty Điện lực Bắc Kinh cho biết tính đến 3h chiều ngày 24/7, tải tối đa của lưới điện Bắc Kinh là 19.468.800 kilowatt, đạt mức tải cao nhất kể từ đầu mùa hè năm nay, trong đó tải làm mát chiếm khoảng 41,96% so với ước tính.
Nhiều cư dân mạng Bắc Kinh đã để lại lời nhắn: “Bắc Kinh thực sự quá nóng”, “Dù bật điều hòa nhưng cơ thể tôi vẫn không thấy thoải mái”. “Đầu tôi cả ngày choáng váng”, “Bắc Kinh đã bước thời kỳ nóng như thiêu như đốt rồi”, “Năm nay thật kỳ lạ, kể từ tháng 7, nhiều nơi ở miền nam Trung Quốc chìm ngập trong lũ lụt, thảm họa sạt lở núi cùng nhiều tai họa khác. Hiện nay, lại xuất hiện nhiệt độ cao bất thường, sức nóng tiếp tục duy trì ở Giang Nam, miền Nam Trung Quốc, Tân Cương và những nơi khác trong hôm nay và ngày mai. Bắc Kinh và Thiên Tân cũng nằm trong vùng có nhiệt độ cao”.
Mỹ đình chỉ chương trình Fulbright với Hồng Kông và Trung Quốc
Chính quyền Trump đã xác nhận đình chỉ chương trình Fulbright với Hồng Kông và Trung Quốc Đại lục. Việc đình chỉ này có trong lệnh hành pháp mà Tổng thống Donald Trump ký hôm 14/7 về việc chấm dứt đặc quyền của Hồng Kông vì chế độ Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia, bóp nghẹt tự do tại lãnh thổ cựu thuộc địa của Anh Quốc.
Theo Nam Hoa Tảo báo (Hồng Kông), trong một bức thư gần đây gửi các học giả Mỹ tham gia chương trình Fulbright, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hoạt động trao đổi học thuật năm 2020-2021 tại Hồng Kông và Trung Quốc Đại lục “sẽ không triển khai”, nhưng những học giả tham gia sẽ được phép nộp đơn xin tham gia chương trình Fulbright tại các quốc gia khác.
Trước đó, hôm 14/7 Tổng thống Donald Trump đã ký lệnh hành pháp chấm dứt vị thế đặc quyền của Hồng Kông theo luật Mỹ và trong đó có điều khoản kết thúc chương trình Fulbright tại hòn đảo bán tự trị này và toàn Trung Quốc Đại lục, theo The Diplomat.
Mỹ đã xây dựng chương trình Fulbright từ năm 1946, trong đó cho phép các trường đại học Mỹ và nước ngoài được trao đổi học thuật qua lại. Thỏa thuận trao đổi học thuật đầu tiên theo chương trình Fulbright được Mỹ ký với Trung Hoa Dân Quốc và cho đến nay chương trình này đã có sự tham gia của hơn 390.000 người tại hơn 160 quốc gia.
Hàng chục học giả và sinh viên Mỹ, Trung đã tham gia vào chương trình trao đổi học thuật Fulbright trong những năm đầu tại Trung Quốc dưới chính quyền Trung Hoa Dân Quốc.
Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên cầm quyền lãnh đạo toàn Trung Quốc vào năm 1949, Mỹ đã đình chỉ chương trình Fulbright với chế độ này trong 30 năm và mở lại hợp tác vào năm 1979 khi hai nước Mỹ – Trung bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Năm 1983, chương trình Fulbright tại Trung Quốc mở rộng thêm các cơ hội nghiên cứu và học tập trong nhiều lĩnh vực học thuật từ khoa học và công nghệ tới lịch sử, văn học, luật, báo chí, kinh doanh, kinh tế học, khoa học chính trị, xã hội học, triết học và quan hệ quốc tế. Từ đó, chương trình Fulbright đem lại nhiều cơ hội trao đổi học thuật cho các công dân nước ngoài tới Mỹ (như sinh viên, các nhà nghiên cứu thỉnh giảng, trợ giảng tiếng Trung Quốc hoặc các chương trình nghiên cứu luận án tiến sĩ) và cho công dân Mỹ sang Trung Quốc (thông qua các chương trình trao đổi giảng dạy, nghiên cứu hoặc trao đổi sinh viên).
Trong suốt 40 năm qua, hơn 3.000 người Mỹ và Trung Quốc đã tham gia Chương trình Fulbright Mỹ – Trung.
Tờ Inside Highered cho biết Cục Giáo dục và Văn hóa thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nơi chịu trách nhiệm quản lý chương trình Fulbright đã không đưa ra thông tin phản hồi khi được hỏi về thời gian biểu của việc kết thúc chương trình Fulbright tại Hồng Kông và Trung Quốc Đại lục.
Hiện nay, do ảnh hưởng bởi đại dịch virus corona Vũ Hán nên chương trình Fulbright cũng đang tạm dừng.
Cũng theo Inside Highered, chương trình Peace Corps của chính phủ Mỹ cũng đã chấm dứt hợp tác với Trung Quốc từ khoảng giữa tháng Một năm nay.
Chương trình Peace Corps có nhiệm vụ cung cấp phát triển kinh tế và xã hội ở nước ngoài thông qua hỗ trợ kỹ thuật, đồng thời thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa người Mỹ và người dân các nước mà Peace Corps có mặt.