Tin thế giới trưa thứ Ba 28/7: Tổng thống Duterte: ‘Tôi bất lực’ trước Trung Quốc về Biển Đông

Người vợ Đài Loan của Tổng lãnh sự Mỹ tại Thành Đô bị dân mạng TQ lăng mạ

Liên quan tới sự việc Trung Quốc đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, vợ của ông Tổng lãnh sự, một nhà văn chuyên viết về ẩm thực người Đài Loan đã bị cư dân mạng Trung Quốc lăng mạ với những lời khó nghe. 

Cô Chuang Tzu-I và chồng – Tổng lãnh sự Mỹ ở Thành Đô (Ảnh: Facebook cá nhân cô Chuang)

Theo Taiwan News, nhà văn chuyên viết về ẩm thực người Đài Loan, đồng thời là vợ của Tổng lãnh sự Hoa Kỳ Jim Mullinax – cô Chuang Tzu-I (Trang Tổ Nghi), đã nhận được hàng nghìn bình luận thù địch từ cư dân mạng Trung Quốc sau khi Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô đóng cửa.

Trái ngược với bầu không khí tương đối yên tĩnh bên ngoài lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô vào Chủ nhật (26/7), cư dân mạng trên nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc Weibo đã liên tiếp tung ra những lời sỉ nhục chống lại các quan chức chính phủ Hoa Kỳ và các thành viên gia đình họ. 

Cô Chuang, người có hai đứa con với ông Mullinax và có gần 600.000 người theo dõi trên mạng, được đặc biệt nhắm đến.

Một số người dùng Weibo gọi cô Chuang và ông Mullinax là gián điệp và là các nhà hoạt động độc lập Đài Loan. Khi cô nói rằng chồng mình không thể trở về nhà do đại dịch virus corona, cư dân mạng đã nổi giận, cáo buộc cô phóng đại tình hình để đổi lấy sự thương hại. 

Cư dân mạng Trung Quốc cũng chế giễu Chuang vì cô đang ở Hoa Kỳ, nơi họ nói rằng có tình hình đại dịch tồi tệ nhất trên thế giới. Họ cũng nói với cô hãy sẵn sàng cho “các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc vô tận” của người Mỹ, báo Liberty Times đưa tin.

Tuy nhiên, vẫn có một nhóm nhỏ người trong số hàng nghìn bình luận đã đưa ra những thông điệp khích lệ tới cô và gia đình. Họ bảo vệ nhà văn Đài Loan bằng cách gọi những lời lăng mạ là một sự ô nhục đối với Trung Quốc và nói rằng thân nhân của các quan chức Mỹ nên bị loại khỏi cuộc đối đầu chính trị giữa hai bên, theo Yahoo News. 

Theo CNA, cô Chuang đã xuất bản một số sách dạy nấu ăn sau khi bỏ bằng tiến sĩ ngành Nhân chủng học để theo đuổi ước mơ trở thành đầu bếp. Mẹ của cô, bà Fan Yu-wen là một ca sĩ giọng nữ cao nổi tiếng và là một trong số ít nghệ sĩ Đài Loan được mời biểu diễn trên CCTV của Trung Quốc cho Gala Tết Nguyên đán.

Trung Quốc đã đóng cửa LSQ Mỹ ở Thành Đô, một động thái được cho là để trả đũa lại việc Mỹ đóng cửa LSQ Trung Quốc ở thành phố Houston với cáo buộc gián điệp. Theo một video đang lan truyền trên mạng xã hội, ngay sau khi sự việc diễn ra, hàng trăm người Trung Quốc đã xếp hàng xin visa trước Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Bắc Kinh do lo ngại hai nước có thể tiến hành thêm các hành động quyết liệt và sẽ ảnh hưởng đến việc xin thị thực.

Tổng thống Duterte: ‘Tôi bất lực’ trước Trung Quốc về Biển Đông

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lắng nghe báo cáo của cựu Tổng thống kiêm Đặc phái viên tại Trung Quốc Fidel V. Ramos trong cuộc họp Nội các lần thứ 5 tại Phòng ăn Nhà nước Malacañan, Philippines vào ngày 22/8/2016 (ảnh: Phòng Truyền thông Tổng thống Philippines).

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm thứ Hai (27/7) nói rằng ông “bất lực” trước những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, BenarNews đưa tin.

Phát biểu tại Quốc hội Philippines, Tổng thống Duterte cho biết ông không muốn đất nước lâm vào chiến tranh với Trung Quốc để giành chủ quyền ở Biển Đông. Ông Duterte tuyên bố: “Tôi bất lực ở đó rồi. Tôi sẵn sàng thừa nhận điều đó”.

Tổng thống Philippines nói tiếp: “Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, chúng ta tuyên bố chủ quyền. Nhưng Trung Quốc có vũ khí, còn chúng ta không có. Đơn giản thế thôi”.

Nhà lãnh đạo từng tuyên bố chia tay Mỹ để xây dựng quan hệ với Trung Quốc tuyên bố: “Chúng ta có thể làm gì đây? Chúng ta phải tham chiến. Nhưng tôi không đủ khả năng. Có thể một số tổng thống khác có thể, nhưng tôi không thể”.

Tổng thống Duterte đưa ra tuyên bố này trong bài phát biểu hàng năm trước toàn dân, được tổ chức tại Quốc hội. Chỉ trước đó hai tuần, bộ ngoại giao và bộ quốc phòng Philippines đã bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo trong việc chỉ trích Trung Quốc bắt nạt các nước Đông Nam Á.

Trong bài phát biểu hôm 27/7, ông Duterte thể hiện sự cảnh giác đối với việc Hoa Kỳ quay trở lại Vịnh Subic, nơi có một căn cứ quân sự Mỹ từng bị đóng cửa vào năm 1992.

Tờ Nikkei trích lời ông Duterte nói: “Tôi không phản đối Mỹ. Tôi không phản đối Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu đặt căn cứ ở đây, các vị sẽ làm gia tăng nguy cơ chiến tranh lên gấp đôi… Nếu các vị đặt căn cứ ở đây và nếu chiến tranh xảy ra, người Philippines chắc chắn sẽ tuyệt chủng”.

Cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Duterte nói ông đã đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ưu tiên cho Philippines mua vắc-xin chống Covid-19 do Trung Quốc sản xuất, theo SCMP.

Philippines là đồng minh của Hoa Kỳ trong hàng chục năm và nhận được sự hỗ trợ của Washington trong việc nộp đơn kiện yêu sách chủ quyền đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông vào năm 2013. Tòa án quốc tế ở La Hay đã ra phán quyết vào tháng 7/2016, ủng hộ đơn kiện của Philippines và bác bỏ cơ sở pháp lý cho yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cùng năm đó, ông Duterte lên nắm quyền vào tháng 6, và vài tháng sau tuyên bố “chia tay” Mỹ để hâm nóng mối quan hệ với Trung Quốc. Quyết định này của ông Duterte được đưa ra sau khi ông bị Hoa Kỳ chỉ trích về tình hình nhân quyền trong chiến dịch chống ma túy khiến hàng ngàn người bị giết ngoài vòng pháp luật.

Bộ trưởng Đài Loan: Tân Cương là hình mẫu cho một chính quyền độc tài toàn diện

Bộ trưởng Đài Loan: Tân Cương là hình mẫu cho một chính quyền độc tài toàn diện
Trái: (ảnh thumbnail Youtube/The New York Times), Phải: (ảnh chụp màn hình Youtube/Washington Post)

Trung Quốc đang lợi dụng các công nghệ mới để biến khu vực Tân Cương – nơi cư ngụ của dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi – trở thành mẫu hình cho một chính quyền giám sát độc tài chuyên chế toàn diện, Bộ trưởng Kỹ thuật số Đài Loan cho biết hôm thứ Hai (27/7).

“Chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực nhằm kiến lập một chính phủ toàn trị hầu hết đều không thành công trọn vẹn vì không có đủ công nghệ để đảm bảo việc giám sát toàn bộ người dân”, Bộ trưởng Kỹ thuật số Đài Loan Audrey Tang trao đổi với các phóng viên ở Tokyo trong một cuộc họp báo trực tuyến. “Nhưng giờ đây ở Tân Cương, chúng ta đang chứng kiến hình mẫu một chế độ giám sát toàn trị thực sự toàn diện đang được vận hành”.

Khu vực này, vốn có đa số nhân khẩu là người Hồi giáo, là một chủ đề gây tranh cãi trong mối quan hệ song phương Mỹ-Trung, khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ hồi tuần trước áp lệnh trừng phạt đối với 11 doanh nghiệp khác bị cáo buộc dính líu đến các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. 

Một báo cáo hồi tháng hai của Viện Chính sách chiến lược Úc (Australian Strategic Policy Institute) ước tính hơn 80.000 người Duy Ngô Nhĩ đã bị cưỡng chế di dời ra khỏi Tân Cương để làm việc trong các nhà máy trên khắp Trung Quốc trong giai đoạn 2017-2019, một số trong đó được điều trực tiếp từ các trại giam. Theo báo cáo, những người lao động cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ này phải hứng chịu đe dọa, và liên tục bị giám sát bởi nhân viên an ninh và các thiết bị giám sát kỹ thuật số.

Phát biểu qua Internet từ Đài Bắc, ông Tang cho biết những báo cáo này đóng vai trò một lời nhắc nhở người dân Đài Loan về giá trị của nền dân chủ tự do.

“Chúng ta nhìn mọi thứ qua lăng kính của nhân quyền và dân chủ”, vị bộ trưởng nói. “Những nỗ lực này, ví như ở Tân Cương mà tôi vừa đề cập đến, đang thúc đẩy tất cả người dân Đài Loan xem xét các ứng dụng và công nghệ này. Nó là một lời nhắc nhở mạnh mẽ, rằng chúng ta không nên bén mảng đến đây”.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Nikkei, ông Tang nhận định việc tích hợp thiết bị của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng viễn thông cốt lõi của Đài Loan chẳng khác nào mời một con ngựa thành Troia vào mạng lưới liên lạc của quốc đảo.

“Mỗi lần nâng cấp, bạn sẽ phải tiến hành một lần tái đánh giá rủi ro hệ thống”, Tang nói. “Nhưng tôi cho rằng rủi ro là quá cao, và chi phí sở hữu quá cao, tốt hơn chúng ta nên làm việc với các nhà cung cấp khác từ các quốc gia tự do dân chủ”.

Thật vậy, Đài Loan đã loại bỏ Huawei một cách hiệu quả ra khỏi hệ thống mạng 5G. Tháng 6, hãng viễn thông nội địa Chunghwa Telecom, với sự hỗ trợ của chính phủ, đã ra mắt các dịch vụ thương mại 5G trên nền tảng hệ thống internet tốc độ cao của hòn đảo, sử dụng công nghệ của Ericsson.

Mối quan hệ giữa Đài Loan với Trung Quốc đã trở xấu kể từ khi Tổng thống Thái Anh Văn – một người có đường lối cứng rắn với Trung Quốc – nhậm chức từ năm 2016, khiến hòn đảo trở thành mục tiêu thường xuyên của các cuộc tấn công mạng. Chính phủ cho biết Đài Loan bị tấn công mạng trung bình 30 triệu lần mỗi tháng.

“Có những cuộc tấn công mạng theo nghĩa đen hàng giờ,” ông Tang nói. “May mắn thay, hầu hết trong đó đã được chặn tự động bởi hệ thống quốc phòng chuyên sâu mà chúng tôi đang triển khai. Do đó các cuộc tấn công mạng này không thực sự can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống [hồi tháng 1], mặc dù có rất nhiều chiến dịch lan truyền thông tin sai lệch”.

New Zealand đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông

New Zealand đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông
Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters (ảnh chụp màn hình Youtube/Newshub).

New Zealand đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông do quyết định áp luật an ninh quốc gia của Trung Quốc, Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters vừa cho biết hôm nay (28/7). 

“New Zealand không còn tin tưởng hệ thống tư pháp hình sự của Hồng Kông có thể hoàn toàn độc lập với Trung Quốc”, ông Peter nói trong một tuyên bố.

Bắc Kinh áp luật an ninh mới với thành phố cảng hồi đầu tháng, bất chấp sự phản đối của người dân Hồng Kông và các quốc gia phương Tây, từ đó tước đoạt quyền tự trị của Hồng Kông vốn được cam kết trong Tuyên bố chung Trung-Anh, theo Tờ Bưu điện Nam Hoa buổi sáng (SCMP).

Tờ báo Hồng Kông cũng cho biết các đồng minh của New Zealand gồm Mỹ, Úc, Canada và Anh đều đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông hồi đầu tháng. 5 nước đồng minh hợp thành một liên minh Ngũ Nhãn (Five Eyes). Tổng thống Mỹ Trump đã chấm dứt ưu đãi kinh tế đặc biệt của Hồng Kông.

Vị ngoại trưởng cho biết New Zealand sẽ kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng nhạy cảm như công nghệ quân sự hoặc hàng hóa “ứng dụng kép” có thể phục vụ mục đích quân sự đến Hồng Kông, coi Hồng Kông như Trung Quốc trong quyết định sau cùng.

Ông cũng cảnh báo công dân New Zealand về những rủi ro đến từ luật an ninh mới, vốn có thẩm quyền thái quá đối với mọi người dân trên thế giới. 

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand, với kim ngạch song phương hàng năm gần đây vượt quá 21 tỷ USD.

Mối quan hệ của New Zealand với Trung Quốc đã trở xấu gần đây sau khi quốc gia Thái Bình Dương này ủng hộ Đài Loan gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới.

Tom Cotton: Đừng tin chính quyền Trung Quốc, ‘họ lúc nào cũng chỉ nói dối’

Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Tom Cotton (ảnh: Michael Vadon/www.flickr.com/photos/80038275@N00/24154579484).

Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ Tom Cotton đã góp thêm sóng gió vào mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh khi khuyến cáo mọi người không nên tin bất kỳ điều gì từ chính quyền Trung Quốc.

Washington Examiner đưa tin, trong một cuộc hội thảo hôm hôm thứ Hai (27/7), vị nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa đại diện cho bang Arkansas tuyên bố: “Các bạn không bao giờ nên tin bất cứ điều gì mà Đảng Cộng sản Trung Quốc nói với các bạn. Họ lúc nào cũng chỉ nói dối”.

Phát biểu trước khán giả là những người đang đeo khẩu trang để phòng tránh dịch viêm phổi Vũ Hán, ông Cotton nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc là kẻ “phải chịu trách nhiệm” về sự bùng phát của virus corona. Ông nhấn mạnh: “Họ phải chịu trách nhiệm về điều đó”.

Thượng nghị sỹ Cotton lên án mạnh mẽ chính quyền Trung Quốc đã gây ra vô số thiệt hại về sinh mạng và việc làm trên khắp thế giới. Chính quyền Trung Quốc “vô cùng thờ ơ trước sự sống của con người”, ông Cotton nói.

Nhưng mặt khác, đại dịch Vũ Hán đã khiến nhiều người hiểu ra mối nguy hại mà chính quyền Trung Quốc đặt ra. Thượng nghị sỹ Cotton cho biết: “Nhân dân Mỹ đã nhìn thấy bộ mặt thật của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Ông Cotton, sinh năm 1977, là một trong những thượng nghị sỹ trẻ nhất của Hoa Kỳ. Ông thường xuyên có những lời chỉ trích mạnh mẽ nhắm vào chính quyền Trung Quốc, đặc biệt kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Vào đầu tháng 7, ông Cotton cảnh báo người dân không nên sử dụng ứng dụng TikTok của Trung Quốc, trong bối cảnh nhiều thông tin nghi ngờ mạng xã hội này là công cụ gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Cũng trong cuộc hội thảo hôm 27/7, bà Marsha Blackburn, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa từ bang Tennessee, đã trình bày một số biện pháp có thể khiến Trung Quốc phải trả giá, trong đó bao gồm đề xuất hạn chế thị thực cho du học sinh Trung Quốc.

Cả ông Cotton và bà Blackburn đều đang vận động cho các dự luật trừng phạt Trung Quốc. Washington Examiner cho biết, bà Blackburn kỳ vọng sẽ có một số biện pháp trở thành hiện thực, nhưng bà nói thêm rằng sẽ không có gì xảy ra nếu Tổng thống Trump bị đánh bại bởi ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử sắp tới. Nữ nghị sỹ đánh giá ông Biden là người “đồng cảm với chế độ cộng sản” Trung Quốc.

Dời sản xuất khỏi Trung Quốc: Việt Nam dẫn đầu danh sách điểm đến mới


Các báo Pháp số ra ngày đầu tuần này vẫn chủ yếu bám theo các chủ đề liên quan đại dịch Covid-19 và những hệ lụy kinh tế xã hội đang tác động ở khắp nơi trên thế giới. Trang kinh tế của nhật báo La Croix có bài đáng chú ý đề cập đến vấn đề tổ chức di dời sản xuất của các công ty quốc tế sau khủng hoảng dịch với tiêu đề: “Di dời lại sản xuất, nước nào sẽ thay thế Trung Quốc?”

La Croix giới thiệu hai nghiên cứu mới đây của công ty bảo hiểm tín dụng thương mại Coface và viện nghiên cứu kinh tế Rexecode của Pháp nhằm thử phác họa tấm bản đồ kinh tế thế giới, hiện bị cuộc khủng hoảng y tế làm xáo trộn.

Trận đại dịch virus corona bùng lên từ Trung Quốc rồi lan ra khắp thế giới đã làm lộ rõ sự lệ thuộc của các hoạt động kinh tế thế giới, nhất là của các nước phát triển, vào “công xưởng thế giới” Trung Quốc. Giờ đây nhiều nước đã ý thức được là phải thu xếp di dời sản xuất khỏi Trung Quốc hoặc hồi hương các hoạt động sản xuất chiến lược. Vấn đề đang trở nên cấp bách, ít ra là để đa dạng hóa nguồn cung ứng, tạo thế chủ động để đề phòng một cú sốc kinh tế mới.  

Nhưng theo La Croix, một câu hỏi đặt ra là, di dời đến đâu, nước nào có thể thay thế Trung Quốc ? Các chuyên gia kinh tế của Coface vàRexecode đã cố gắng giải đáp bằng một bức tranh tương phản của kinh tế thế giới sắp tới.

Rời Trung Quốc đến nơi khác

Các nghiên cứu của cả hai cơ quan Pháp đều có chung một điểm: Viễn cảnh các công ty ồ ạt “vu hồi” các hoạt động về quê nhà là ít có khả năng xảy ra, nhưng chắc chắn sẽ có các quy hoạch lại nguồn cung ứng.

Nhà kinh tế trưởng của Coface, Julien Marcilly, được La Croix trích dẫn, nhận định: “Một doanh nghiệp đóng ở nước ngoài là để giảm giá thành sản xuất, chủ yếu tận dụng giá nhân công thấp. Lý do để giải thích cho quá trình toàn cầu hóa đó vẫn còn mang tính thời sự”.  Còn Cynthia Kalasopatan, chuyên gia về các nước mới trỗi dậy của viện Rexecode, nhấn mạnh « trước các nguy cơ chuỗi cung ứng bị vỡ, một số doanh nghiệp chắc chắn sẽ thấy cần phải đa dạng hóa các nhà cung cấp ».

Ở khía cạnh này, các nước Trung và Đông Âu có vị trí tốt để có thể làm điểm luân chuyển cho các doanh nghiệp không còn muốn “đặt hết trứng vào cái rổ Trung Quốc”. Thế mạnh của các nước này là đã đi vào kinh tế thị trường thực sự từ ba chục năm qua và cũng có giá nhân công thấp. Thí dụ như ở Ba Lan, lương trung bình vẫn thấp hơn 3 lần so với các nước Tây Âu. Thêm vào đó, các nước Trung và Đông Âu có mạng lưới cơ sở hạ tầng hiện đại, môi trường kinh doanh ổn định, trình độ kỹ thuật đã tiến bộ nhiều từ khi hội nhập với Liên Hiệp Châu Âu.

Theo La Croix, từ khi có khủng hoảng y tế, nhiều công ty Pháp đã nhắm đến Ba Lan làm điểm di dời sản xuất từ Trung Quốc về, hoặc thay thế vai trò cung ứng các chi tiết thiết bị. Tuy thế, các nước Đông Âu vẫn vấp phải cạnh tranh gay gắt với các nước đang trỗi dậy. Nghiên cứu của viện Rexecode đã phân tích 26 nước có thể sẽ là đối thủ tiềm năng của Trung Quốc. Dựa trên 7 tiêu chí, từ tiến bộ trong lĩnh vực gia công chế biến trong vòng 10 năm qua cho đến môi trường kinh doanh, giá nhân công, hay mức độ mở cửa thương mại ở từng nước, nghiên cứu xác định mức độ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Kết quả bất ngờ là Việt Nam và Cam Bốt dẫn đầu danh sách, bỏ xa Ba Lan (đứng hàng thứ 8), trong khi đó Hungary, Rumani ở cuối bảng. La Croix nhấn mạnh là kịch bản hay xếp hạng của Coface và Rexecode hiện vẫn chỉ là giả định. Tất cả còn phụ thuộc vào chiến lược của từng nước công nghiệp. Và có một điều nữa là Trung Quốc sẽ không sẵn sàng từ bỏ vị trí « công xưởng thế giới ».

Trung Quốc: Trấn áp để bóc lột người Duy Ngô Nhĩ

Vẫn là hoạt động kinh tế ở Trung Quốc nhưng liên quan đến vấn đề nhân quyền đang được báo chí quan tâm là tình trạng ngược đãi với sắc tộc theo Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ.

Nhật báo Libération có bài phóng sự : « Người Duy Ngô Nhĩ, lao động cưỡng bức cho các nhãn hiệu ». Tờ báo nêu thực trạng chế độ Bắc Kinh khai thác nguồn lực tài nguyên ở tỉnh Tân Cương bằng lao động cưỡng bức sắc tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ qua chương trình « cải tạo ». Việc này có dính dáng đến hàng chục công ty đa quốc gia. Họ đã vô tình tiếp tay cho việc làm đó của chính quyền Trung Quốc.

Theo Libération, những tháng qua, nhiều điều tra được công bố ở các nước phương Tây đã phơi bày tình trạng Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức là những người Duy Ngô Nhĩ trong các lĩnh vực nông nghiệp cũng như công nghiệp ở Tân Cương. Mới đây, 180 tổ chức phi chính phủ ở 36 nước đã ra lời kêu gọi chấm dứt việc làm này.

Từ ba năm nay, 11 triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị chính quyền Bắc Kinh thực thi chính sách hà hiếp để phục vụ mục đích chính trị và kinh tế. Theo nhật báo Pháp, đó là các vụ bắt giữ ồ ạt, chia rẽ gia đình, cưỡng chế tịch thu đất đai nhà cửa, triệt sản, xóa bỏ ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo và cả lao động cưỡng bức ở bên trong cũng như bên ngoài các trại cải tạo tập trung.  

Là một tỉnh lớn, rộng gấp ba lần nước Pháp, có biên giới với 8 quốc gia, Tân Cương nằm ở vị trí đắc địa trong dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc. Việc khống chế người dân ở vùng này cho phép chế độ Bắc Kinh khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên của vùng đất như dầu mỏ, khí đốt, đất hiếm, hay cả năng lượng mặt trời. Đặt các nhà máy ở ngã tư trục đường thương mại Trung Á sẽ mang lại nguồn lợi lớn.

Các công ty nước ngoài vô tình tiếp tay cho Bắc Kinh

Để thu hút nhân lực chính quyền đưa ra các chính sách ưu đãi đặc biệt đối với người Hán, như hứa hẹn trả lương cao, nhà ở được miễn tiền thuế trong 4 năm. Nhưng những nơi ở để thu hút người Hán đến lại chính là nhà cửa của những người Duy Ngô Nhĩ bị bỏ tù hay bị đưa đi tập trung cải tạo .

Bên cạnh đó, từ năm 2017, chính quyền Trung Quốc thực thi chương trình cải tạo tập trung đồng loạt dân Duy Ngô Nhĩ, mà họ gọi là các trại huấn nghiệp. Tại đó người Duy Ngô Nhĩ được đào tạo nghề để phục vụ trong các công xưởng của Trung Quốc đang được di dời ngày càng đông đến Tân Cương.

Tờ báo dẫn ra con số, hơn 80% sản lượng bông của Trung được trồng ở Tân Cương, tức chiếm 20% sản lượng thế giới. Hầu hết tất cả các nhãn hiệu lớn và các nhà phân phối hàng dệt may trên thế giới đều dính dáng đến các sản phẩm bông Tân Cương. Chính quyền Bắc Kinh đang có kế hoạch biến miền bắc Tân Cương thành trung tâm công nghiệp dệt may lớn nhất Trung Quốc, và cũng là lớn nhất thế giới.

Trong một báo cáo mang tiêu đề “Người Duy Ngô Nhĩ để bán” công bố tháng 3, trung tâm tham vấn Úc ASPI (Australian Strategic Policy Institute) khẳng định « ít nhất có  83 nhãn mác sản phẩm tầm quốc tế đã sử dụng nguồn nhân lực cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ trong dây chuyền sản xuất.» Các tập đoàn tên tuổi như Amazon, Apple, Bombardier, BMW, Jaguar, Nokia, Zara và hàng chục tập đoàn khác trong thương mại thế giới ít nhiều đều có liên quan.

Rồi đến khi dịch virus corona xuất hiện, nhu cầu khẩu trang và thiết bị y tế của cả thế giới bùng nổ. Nhật báo Mỹ New York Times hôm 19/07 tiết lộ, trước đại dịch Tân Cương chỉ có 4 nhà máy sản xuất thiết bị y tế, giờ đây con số này là 51, trong đó 17 nhà máy tham gia trong chương trình “cải tạo lao động” người Duy Ngô Nhĩ. Một số nhà máy đặc biệt dành cho hàng xuất khẩu sang các nước phương Tây.

Donald Trump: 100 ngày để đảo ngược tình thế

Nhiều ờ báo Pháp đều chú ý tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với cùng một góc nhìn: chỉ còn 100 ngày trước cuộc bầu cử tháng 11, tổng thống Donald Trump đang cố gắng xoay chuyển tình thế, khi mọi cuộc thăm dò dư luận cho thấy cử tri Mỹ đang dần quay lưng lại với ông. Le Monde ghi nhận: “Trump đi tìm thế để cứu chiến dịch tranh cử”. Tương tự, La Croix nhận xét: “Bầu cử tổng thống trước 100 ngày, Trump xem lại chiến lược”.

Các báo đều ghi nhận, tính từ ngày 26/7 đến ngày bầu cử, thời gian là rất quý. Ông Donald Trump chỉ còn có 100 ngày để khôi phục hình ảnh và duy trì hy vọng sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2. Nhiệm vụ dự kiến sẽ rất khó khăn. Không chỉ có dịch virus corona mà bản thân hoàn cảnh của ông cũng « đáng tiếc là càng tồi tệ hơn trước khi được cải thiện », theo như ngôn từ của ông khi nói về tình hình dịch ở Mỹ trong cuộc họp báo hôm 21/07 vừa qua.

Nguyên nhân chính khiến cử tri Mỹ ngày càng bỏ rơi ông thêm chính là cách xử lý khủng hoảng y tế của tổng thống, cùng những phát biểu gây rối thêm tình hình 4 triệu người nhiễm và hơn 146 nghìn người chết vì Covid-19 tại Mỹ. Hiện tại ông Trump đang bị đối thủ Joe Biden qua mặt đến gần 10 điểm trong các cuộc thăm dò dư luận về dự định bầu.

Related posts