- Xuân Lan
Các viện Khổng Tử được Bắc Kinh hậu thuẫn tiếp tục đối mặt với sự phản đối từ nhiều học viện giáo dục trên toàn thế giới.
Tiếp theo động thái của nhiều trường đại học tại Mỹ, Thuỵ Điển và Bỉ tuyên bố dừng hoạt động các Viện Khổng tử, vốn được coi là bộ máy gián điệp và tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Trung Quốc ở nước ngoài, mới đây các trường Đại học ở Đức cũng đã tham gia vào xu thế này.
Đại học Hamburg sẽ chấm dứt mối quan hệ với Viện Khổng tử vào cuối năm nay với lý do có các nguy cơ liên quan đến “ảnh hưởng chính trị và rò rỉ thông tin,” theo nhật báo Die Welt của Đức.
Trước đó, Đại học Heinrich Heine Düsseldorf đã chấm dứt hợp tác với Hanban (Hán Biện), hay Trụ sở của Viện Khổng Tử, vào năm 2016 vì lo ngại về các mục tiêu chính trị của ĐCSTQ. Cảnh giác với sự can thiệp chính trị của Bắc Kinh, Đại học Bon cũng đang đánh giá xem có nên cho phép Viện Khổng tử trong trường được hoạt động tiếp hay không.
Đảng Dân chủ Tự do (FDP) cũng đã đề xuất một dự luật nhằm kiềm chế các trung tâm ngôn ngữ do Bắc Kinh tài trợ để bảo vệ quyền tự do học thuật của quốc gia châu Âu.
Trong bối cảnh bị chỉ trích, Viện Khổng Tử đã được đổi tên thành “Trung tâm Hợp tác và Giáo dục ngôn ngữ” vào đầu tháng 7 trước làn sóng phản đối và tẩy chay tại nhiều nước trên thế giới.
Trung Quốc luôn lên tiếng khẳng định mục tiêu của các viện Khổng Tử là giảng dạy, đào tạo ngôn ngữ, văn hoá, thúc đẩy giao lưu trao đổi, nhưng ngày càng có nhiều cáo buộc cho rằng đây là nơi thực hiện ý đồ tuyên truyền, tăng cường ảnh hưởng chính trị, gieo rắc thông tin sai lệch của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Các chủ đề nhạy cảm như sự kiện Thiên An Môn, đàn áp Pháp Luân Công, hay các vấn đề về Tây Tạng, người thiểu số Duy Ngô Nhĩ, trại cải tạo ở Tân Cương v.v đều là những nội dung cấm thảo luận trong các viện Khổng Tử.
Xuân Lan