- Lâm Nghiên
Vào 7:24 tối thứ Năm (30/7), ông Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui) – cựu Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) đã qua đời tại Bệnh viện Đa khoa Cựu chiến binh Đài Bắc, hưởng thọ 98 tuổi. Là tổng thống bầu cử dân chủ đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc, sinh thời ông Lý Đăng Huy đã từng lên án chủ nghĩa cộng sản là lừa dối, và lý tưởng cộng sản là một cái cớ để Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giành được quyền lực và lừa dối nhân dân, đồng thời ông cũng đặc biệt ca ngợi tác phẩm “Chín bình luận về Đảng Cộng sản” (Cửu bình).
Người khởi động nền dân chủ Đài Loan
Ông Lý Đăng Huy sinh năm 1923, nguyên quán là người Khách Gia (hay Hakka, còn gọi là người Hẹ) ở Vĩnh Định tỉnh Phúc Kiến. Năm 1996, ông trở thành tổng thống được dân bầu trực tiếp đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa Dân Quốc. Nhiệm kỳ của ông hết hạn vào ngày 19/5/2000. Ông được ca ngợi là người tiên phong của nền dân chủ ở Đài Loan.
Bình sinh từ nhỏ, ông Lý Đăng Huy được hưởng hệ thống giáo dục theo phong cách Nhật Bản tại Đài Loan. Năm 1949, ông tốt nghiệp Đại học Quốc gia Đài Loan và đã hai lần đến Mỹ du học. Sau đó ông được Tưởng Kinh Quốc (con trai Tưởng Giới Thạch) trọng dụng và dấn thân vào lĩnh vực chính trị.
Ông Lý Đăng Huy đã lần lượt đảm nhiệm chức Thị trưởng thành phố Đài Bắc, Chủ tịch tỉnh Đài Loan của Trung Hoa Dân Quốc, và năm 1984 được ông Tưởng Kinh Quốc đề bạt làm Phó Tổng thống. Năm 1988, ông Tưởng Kinh Quốc qua đời trong nhiệm kỳ tổng thống và ông Lý Đăng Huy kế vị Tổng thống. Sau đó, ông Lý Đăng Huy cùng phe phái địa phương trong Đảng và Đảng Dân tiến (đảng đối lập) đã thúc đẩy chính sách bầu cử tổng thống trực tiếp, theo đó lần đầu tiên Trung Hoa Dân Quốc thực hiện bầu cử dân chủ trực tiếp Tổng thống.
Những năm 1990 là thời kỳ hoàng kim của chính quyền ông Lý Đăng Huy, và khởi đầu quá trình dân chủ hóa chính trị Đài Loan, bao gồm sửa đổi hiến pháp và bãi bỏ Đại hội Quốc dân. Trên bình diện quốc tế, ông Lý Đăng Huy được ví von là “Ngài Dân chủ” (Mr. Democracy) do công lao to lớn trong dân chủ hóa Đài Loan mà không nội chiến hay đảo chính, được cho là trường hợp hiếm thấy trên thế giới.
Lý Đăng Huy: “Chủ nghĩa Cộng sản” là lừa dối
Ông Lý Đăng Huy sinh năm 1923, từng có thời gia nhập Đảng Cộng sản, sau khi lấy bằng Tiến sĩ về Kinh tế nông nghiệp từ Đại học Cornell thì ông trở về Đài Loan và tham gia Quốc Dân đảng.
Năm 2014, trong trả lời phỏng với BBC, ông Lý Đăng Huy nói rằng khi còn trẻ ông đã nghiên cứu sâu về cuốn sách “Tư bản luận” của Marx – người sáng lập chủ nghĩa cộng sản, nhưng sau đó cảm thấy rằng chủ nghĩa cộng sản là ngụy biện, vì mối quan hệ giữa giới công nhân và ông chủ tư bản không phải như (Marx) chỉ ra, cho nên ông đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản.
Ông cũng chỉ trích rằng vấn đề lớn nhất ở Trung Quốc Đại Lục là người dân không có tự do và dân chủ, thậm chí đến cả tự do tôn giáo cũng không có.
Lý Đăng Huy: Đảng Cộng sản chỉ vì quyền lực
Ông Lý Đăng Huy cho rằng mục đích nắm chính quyền của Đảng Cộng sản không phải là lật đổ chế độ chủ nghĩa tư bản, mà chỉ vì tham vọng quyền lực và lừa dối nhân dân. Vấn đề ở Trung Quốc Đại Lục là tình trạng tham nhũng quá khủng khiếp, bong bóng đầu tư nghiêm trọng của các địa phương, và khoảng cách giàu nghèo quá lớn.
Ông tố cáo ĐCSTQ đã phát triển nền kinh tế bằng mọi giá, bất chấp thủ đoạn để duy trì quyền lực độc tôn, mặc dù nền kinh tế đã phát triển dần bình ổn hơn, nhưng về mặt chính trị vẫn không chịu thay đổi chế độ chuyên quyền, quyền lực vẫn tập trung trong tay một số ít người.
Ông chỉ ra rằng về cơ bản thì ĐCSTQ tồn tại mâu thuẫn lớn khi về chính trị thì khuynh tả nhưng về kinh tế lại khuynh hữu, hay nói cách khác là về chính trị thì theo chủ nghĩa cộng sản nhưng về kinh tế lại định hướng kinh tế thị trường. Sự cải thiện trong cuộc sống vật chất dĩ nhiên nhất thời khiến người ta cảm thấy phấn chấn, nhưng nhiều hệ quả xấu kèm theo đó do phát triển kinh tế bằng mọi giá sẽ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Ông cũng đặc biệt chú trọng sức mạnh của đức tin. Ông chỉ ra rằng Trung Quốc cần cởi mở về đức tin (quyền tự do tôn giáo) cũng như về nhân quyền, đó là hướng theo những giá trị phổ quát về nhân quyền. Chỉ có như vậy thì Trung Quốc mới có thể thực sự thay đổi về chất chuyển từ chế độ chuyên chế sang dân chủ; còn chất lượng của dân chủ hóa và của tương lai dân chủ Trung Quốc phụ thuộc những nỗ lực thúc đẩy dân chủ của cả hai phía chính quyền và người dân…
Đánh giá hiếm hoi về Tập Cận Bình
Theo BBC, năm 2014, ông Lý Đăng Huy đã nhận trả lời phỏng vấn của BBC tiếng Trung và đưa ra một đánh giá hiếm hoi về ông Tập Cận Bình. Ông nói rằng ông không nghĩ ông Tập Cận Bình có thể dẫn Trung Quốc đi theo con đường dân chủ. Lý do là “Tập Cận Bình không có nền tảng này.”
Ông cũng cho biết khi mới 14 tuổi, ông Tưởng Kinh Quốc đã đến Moscow để tiếp thu nền giáo dục của Đảng Cộng sản, và sau đó lại bị đưa đến một trại cải tạo lao động, vì vậy mà có hiểu biết tương đối sâu sắc về Đảng Cộng sản và biết ý nghĩa của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng ông Tập Cận Bình lại đi tiếp con đường của Mao Trạch Đông và ông không thể tán đồng con đường đó.
Tại Đài Bắc vào tháng 5/2014, ông Lý Đăng Huy đã nói chuyện với các sinh viên tại Đại học Soochow về chủ đề “Cải cách dân chủ thứ hai”, ông nói thẳng rằng “dã tâm của Tập Cận Bình có thể lớn hơn cả Mao Trạch Đông”.
Ông cũng cho biết rằng theo quan sát của ông thì ông Tập Cận Bình muốn có nhiều quyền lực nhất có thể, ôm tham vọng tranh giành quyền bá chủ thế giới với Mỹ. Tuy nhiên, nếu vấn đề phức tạp nội bộ của Trung Quốc không được giải quyết thì sẽ cản trở con đường để Trung Quốc trở thành nhà lãnh đạo tầm thế giới. Vấn đề trầm trọng của Trung Quốc là không có tự do tư tưởng, tự do tôn giáo; những vấn đề này cần thay đổi để Trung Quốc trở thành một nước dân chủ.
Năm 2018, ĐCSTQ đã thông qua một sửa đổi hiến pháp để mở đường cho ông Tập Cận Bình có thể trở thành “Chủ tịch trọn đời”. Khi giới truyền thông đề cập rằng “Tập Cận Bình muốn làm hoàng đế”, ông Lý Đăng Huy cho biết rằng Đài Loan phải duy trì nền dân chủ.
Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) đưa tin, thời điểm đó ông Lý Đăng Huy cho biết, không biết Tập Cận Bình muốn làm gì khi thâu tóm quyền lực tuyệt đối trong tay, trong hoàn cảnh này, việc thúc đẩy Đài Loan vào Liên Hợp Quốc là rất quan trọng. Ông cũng tiết lộ thực trạng ĐCSTQ dùng bộ máy Mặt trận Thống nhất để gây ảnh hưởng tại Đài Loan, bao gồm sử dụng cả thế giới ngầm.
Ngợi ca “Cửu bình”
Năm 2005, ông Lý Đăng Huy đã tổ chức một cuộc họp báo về việc Đài Loan đối mặt khủng hoảng khẩn cấp – Kiên quyết phản đối Liên Chiến (Chủ tịch Quốc dân đảng) và Tống Sở Du (Chủ tịch Đảng Đệ nhất Nhân dân) đến thăm Trung Quốc Đại Lục, khi đó ông giơ cao cuốn sách “Cửu bình” và tuyên bố rằng để nhìn thấy bộ mặt thật của ĐCSTQ cần phải xem “Cửu bình”.
Ông cho biết, sau khi biết những điều này thì nhiều người đã rời khỏi ĐCSTQ. Ông nhận định, nếu Trung Quốc không nhanh chóng dân chủ hóa và tự do hóa, các vấn đề ở châu Á sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Cùng năm đó, ông Lý Đăng Huy cũng đã viết một lá thư bằng tiếng Nhật cho Công ty Hakudai tại Nhật Bản và ca ngợi sách “Cửu bình”, qua đó đánh giá cao Công ty Hakudai đã hỗ trợ quảng bá cuốn sách.
Bức thư của ông đại ý như sau:
Con người cũng như sông núi đều có nguồn gốc, từ nguồn cội mà ra. . . . rồi lại trở về nguồn cội.
Tôi giới thiệu cuốn sách này cho những người đang đứng lặng trên con đường nhỏ hun hút cầu nguyện cho suối nguồn an bình.
Cuốn sách này cho chúng ta hiểu sự thức tỉnh về đạo đức của thế nhân: “Nhanh chóng từ bỏ Đảng Cộng sản”, nghĩa là nguồn hòa bình thực sự là nhanh chóng giải tán ĐCSTQ, do đó quảng bá cho “Cửu bình” là một nhu cầu tất yếu của thời đại.
Tôi muốn bày tỏ sự khen ngợi và tôn trọng về những nỗ lực của Công ty Hakudai trong quảng bá “Cửu bình” ra thế giới.
Lâm Nghiên / Epoch Times