Quý Khải
Rạng sáng thứ Hai (3/8), Bộ Ngoại giao Mỹ đã đăng thông cáo báo chí lên án các hoạt động đánh bắt cá trái phép và ‘tân diệt’ của Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Galapagos của Ecuador tại khu vực Trung Mỹ, gây tổn hại môi trường biển.
Đầu thông cáo, Ngoại trưởng Mỹ cho biết:
“Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc đã hỗ trợ đội tàu cá thương mại lớn nhất thế giới, thường xuyên vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển, đánh bắt cá trái phép và vượt số lượng quy định”.
Ông cho biết trước những hành vi đánh bắt cá “trái phép, bí mật, vô độ và phá luật, làm xói mòn môi trường biển” này, cộng đồng quốc tế cần “đứng lên để bảo vệ thượng tôn luật pháp và yêu cầu Bắc Kinh chịu trách nhiệm đối với môi trường tại đây”.
Nhà ngoại giao đứng đầu chính quyền Mỹ đã trích dẫn ví dụ về Ecuador, khen ngợi nước này đề cao cảnh giác trước việc hàng trăm tàu cá mang cờ Trung Quốc hoạt động phi pháp gần khu bảo tồn biển Galapagos của nước này, “đánh bắt các loài cá mập tuyệt chủng để lấy vây, cũng như nhiều loài được bảo vệ khác”, ví dụ như rùa và chim.
Theo Daily Mail, quy mô đánh bắt cá là rất lớn, với một đội tàu cá gồm 265 chiếc trải dài hơn 300 dặm, thậm chí có thể quan sát trên ảnh vệ tinh (ảnh dưới).
Ba năm trước, khi một tàu cá Trung Quốc bị chặn khi tiến vào vào vùng đặc quyền kinh tế quanh đảo Galapagos, giới chức Ecuador đã phát hiện 300 tấn vây cá mập đầu búa đông lạnh.
Theo báo cáo của tờ Economist, hai phần ba số vây cá mập đầu búa tại Hồng Kông đến từ khu vực Galapagos.
Không chỉ vậy, đội tàu cá Trung Quốc còn xả ra biển 25,000 chai nhựa mỗi ngày. Trong 3 tháng đầu năm ngoái, có đến 8 tấn rác thải nhựa do đội tàu cá xả ra biển được thu thập. Theo Esme Plunkett, một nhà sinh học người Anh lân cận, sẽ cần đến 450 năm để đống rác thải này phân hủy, gây tổn hại nghiêm trọng môi trường sinh thái. Nhiều loài sinh vật biển, gồm cự đà, rùa và sư tử biển, đã bị mắc kẹt trong các tấm lưới nhựa hay ăn phải đồ nhựa do nhầm lẫn với thức ăn.
Trước đây, Ecuador đã tỏ ra nhún nhường trước Trung Quốc do mắc kẹt trong bẫy nợ trị giá 6 tỷ USD khi tham gia dự án Vành đai & Con đường của nước này. Tuy nhiên, gần đây chính quyền quốc gia Nam Mỹ này đã thay đổi thái độ, tỏ ra cương quyết hơn đối với các hành vi sai trái của Trung Quốc.
Đầu tuần trước, trao đổi với tờ báo Anh The Guardian, cựu Bộ trưởng Môi trường Ecuador, Yolanda Kakabadse, cùng cựu thị trưởng thủ đô Quito, ông Roque Sevilla cho biết họ đang thiết lập một “chính sách bảo vệ” nhằm yêu cầu đội tàu Trung Quốc không trở lại, thực thi các thỏa thuận quốc tế nhằm bảo vệ các loài động vật di cư và mở rộng vùng đặc quyền kinh tế lên đến bán kính 350 dặm từ các đảo.
Viết trên Twitter cá nhân hôm thứ Bảy (1/8), Tổng thống Ecuador Lenín Moreno cũng bày tỏ sự ủng hộ của mình, nhấn mạnh tầm quan trọng việc bảo tồn hệ sinh thái quanh quần đảo Galápagos. Ông viết:
“Chúng tôi bảo vệ Vùng đặc quyền kinh tế quanh Khu bảo tồn biển Galápagos, một trong những khu vực đánh cá trù phú nhất và một điểm nóng sinh thái trên toàn cầu”.
Cuối thông cáo, ông Pompeo cho biết Mỹ sẽ “mạnh mẽ ủng hộ các nỗ lực của Ecuador nhằm đảm bảo các tàu cá mang cờ Trung Quốc không tham dự hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo trước và mất kiểm soát. Mỹ cũng sẽ đứng cùng các nước có nền kinh tế và tài nguyên thiên nhiên đang bị đe dọa bởi các tàu Trung Quốc bất chấp luật pháp và quy định đánh cá hợp lệ”.