Đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô và những hệ luỵ

Đối với nhiều người dân địa phương, LSQ Thành Đô đã trở thành là một địa danh, một phần của thành phố và là cửa sổ để nhìn ra nước Mỹ và thế giới bên ngoài. Việc đóng cửa đột ngột đã gây ra sự bất tiện cho người dân Trung Quốc trên nhiều phương diện. Việc xin visa, du học và điều trị y tế tại Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng. Quan trọng hơn nữa là việc mất đi những cơ hội làm ăn và một tương lai không chắc chắn.

Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. (Ảnh: Wikipedia)

Sáu năm sau khi Trung Quốc và Hoa Kỳ bình thường hoá quan hệ ngoại giao, Mỹ đã mở một lãnh sự quán (LSQ) tại thành phố Thành Đô nằm ở phía tây nam Trung Quốc, một bước tiến nhằm tăng cường mối quan hệ giữa hai nước trong thập niên 1980.

Vào lúc đó, phó Tổng thống Mỹ George Bush đã bay đến Thành Đô để khai trương LSQ thứ 4 của Mỹ tại Trung Quốc.

35 năm sau đó, Bắc Kinh đã ra lệnh đóng cửa LSQ Thành Đô, nơi từng đại diện cho thiện chí và tình hữu nghị giữa hai quốc gia để đáp trả việc Hoa Kỳ ra lệnh đóng cửa LSQ Trung Quốc tại Houston.

Đối với nhiều người dân địa phương, LSQ Thành Đô đã trở thành là một địa danh, một phần của thành phố và là cửa sổ để nhìn ra nước Mỹ và thế giới bên ngoài. Việc đóng cửa đột ngột đã gây ra sự bất tiện cho người dân Trung Quốc trên nhiều phương diện. Việc xin visa, du học và điều trị y tế tại Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng. Quan trọng hơn nữa là việc mất đi những cơ hội làm ăn và một tương lai không chắc chắn.

“Việc đóng cửa các lãnh sự quán tại Trung Quốc và Mỹ cũng có nghĩa là chấm dứt tình hữu nghị Trung-Mỹ , khiến cho nhiều người cảm thấy buồn,” ông Pang Zhongying, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế ở Bắc Kinh, cho biết.

Ông Jeff Moon từng là Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành Đô từ năm 2003 đến 2006 và hiện là người đứng đầu công ty tư vấn chuyên về Trung Quốc, China Moon Strategies, cho biết hậu quả về mặt chính trị là diễn tiến này báo hiệu quan hệ song phương ngày càng xấu đi và có thể đẩy Trung Quốc ngày càng cách xa Hoa Kỳ.

Một phần của thành phố

Bà Zhang Ying đã đến Thành Đô vào năm 1989. Sau 4 năm học đại học, bà đã chọn ở lại nơi đó. Đối với bà, lãnh sự quán này đã trở thành một nét đặc trưng tự nhiên của thành phố.

“Khi tôi đến Thành Đô, lãnh sự quán này đã ở đó, do đó tôi cảm thấy nó nên ở đó. Tôi cảm thấy buồn khi nó không còn ở đó nữa,” cư dân 50 tuổi này cho biết.

Ba thập kỷ sau, bà vẫn còn nhớ những khoảnh khắc khi các sinh viên tụ tập xem phim trong lãnh sự quán, hoặc khi bà cùng với bạn nộp đơn xin visa vào những năm 1990, khi đó có rất ít người nộp đơn xin visa.

Lãnh sự quán ban đầu đặt tại một khách sạn. Năm 1993, nó đã được chuyển đến cơ sở hiện tại nằm ở phía nam trung tâm thành phố, khiến việc kinh doanh trong khu vực trở nên phát đạt. 

Thành Đô là một đại đô thị với 16 triệu dân và hiện có 6 đường vành đai, nhưng đầu thập niên 1990, lúc đó chỉ có một đường vành đai và lãnh sự quán nằm ở bên ngoài nó. Vài năm sau, vào giữa thập niên 1990, các khu vực lân cận gần lãnh sự quán đã trở thành những khu vực hiện đại sớm nhất tại Thành Đô và khu vực này được đặt tên là “thành phố quốc tế phía nam” do môi trường của nó, ông Tang Jianguang, một cư dân 50 tuổi tại Thành Đô, cho biết.

Một số khu phức hợp cộng đồng gần đó trở thành những cộng đồng sang trọng sớm nhất tại Thành Đô, ông nói thêm. Liền kề với lãnh sự quán và Đại học Tứ Xuyên, các quán bar đã nhanh chóng được mở cũng như quán cafe 

“Mối quan hệ giữa lãnh sự quán với Thành Đô rất gần gũi. Nó là một phần của Thành Đô và là một địa danh của thành phố,” ông Tang cho biết.

Tại sao Mỹ mở lãnh sự quán ở Thành Đô?

Địa hạt mà lãnh sự quán tại Thành Đô chịu trách nhiệm bao gồm các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu cũng như khu tự trị Tây Tạng và đô thị Trùng Khánh, với tổng số hơn 200 triệu người, gần bằng 2/3 dân số nước Mỹ.

“Có nhiều lý do để mở lãnh sự quán tại Thành đô và một trong số đó là ý nghĩa về mặt chiến lược,” ông Pang Zhongying cho biết.

“Tây Tạng luôn là vấn đề nằm trong chương trình nghị sự của Hoa Kỳ và Anh Quốc, và lãnh sự quán tại Thành Đô là nơi gần nhất để Washington tiếp cận Tây Tạng.”

Về mặt địa lý, Hoa Kỳ cần có một lãnh sự quán tại phía tây Trung Quốc và Thành Đô là một lựa chọn tự nhiên do vị trí, dân số, kinh tế và tiềm năng phát triển của nó, ông Shen Dingli, giáo sư về quan hệ quốc tế của Đại học Fudan, cho biết.

Ảnh hưởng của việc đóng cửa

Con gái của bà Zhang Ying sẽ tốt nghiệp trung học tại Mỹ vào năm tới. Mặc dù cô này muốn học đại học tại Mỹ, nhưng cô đang dự định chuyển đến Canada bởi vì mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

“Chúng tôi sẽ đề nghị con mình nộp đơn tại các trường đại học ở Canada bởi chúng tôi rất bi quan về mối quan hệ Trung – Mỹ. Cuộc xung đột dữ dội nhất chỉ mới bắt đầu và chúng tôi không nhìn thấy được tương lai”, bà Zang cho biết.

“Việc này ảnh hưởng đến các cá nhân giống như chúng tôi, khiến cho sự lựa chọn của chúng tôi bị hạn chế. Chúng tôi cảm thấy bất lực và chỉ có thể thực hiện theo cách của mình,” bà nói.

Anh Shen Yiming, một sinh viên 17 tuổi tại Thành Đô, nói rằng việc đóng cửa này có nghĩa là anh phải nộp đơn xin visa tại Quảng Châu hoặc Thượng Hải nếu anh muốn du học tại Hoa Kỳ.

Đó cũng là một sự mất mát trong cuộc sống hàng ngày của anh bởi vì hai năm trước cha dượng của một trong người bạn thân của anh đã bắt đầu chơi trong ban nhạc cùng với bà Tzu-i Chuang, vợ của tổng lãnh sự Mỹ tại Thành Đô và anh từng xem họ biểu diễn.

“Tôi đã gặp tổng lãnh sự và vợ ông ấy, mặc dù chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện. Nhưng đối với tôi, họ là những người mà tôi biết, do đó tôi cảm thấy buồn khi nhìn thấy họ rời đi,” anh Shen nói.

Anh Shen nói rằng anh cũng cảm thấy thật tệ sau khi đọc các bài đăng trên Weibo của bà Tzu-i Chuang về trải nghiệm của bà trong đại dịch COVID-19 và tác động của việc đóng cửa cơ quan ngoại giao, “bởi vì những trải nghiệm đó là rất thật”.

Tuy vậy, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã tấn công bà Chuang – vốn sinh ra tại Đài Loan – bằng những từ ngữ khó nghe trên mạng xã hội. Nhiều người đe dọa hoặc cáo buộc bà làm gián điệp và là một nhà hoạt động ủng hộ sự độc lập của Đài Loan.

Ngoài ra, người dân còn lo rằng việc đóng cửa cơ quan ngoại giao của Mỹ có thể khiến các cơ hội đầu tư nước ngoài và các cơ hội kinh doanh trong khu vực trở nên hạn chế hơn.

Theo chính quyền địa phương, đến cuối năm 2018, Thành Đô đã thu hút 285 trong số 500 công ty hàng đầu trên toàn thế giới. Các báo cáo của Phòng thương mại Hoa Kỳ cho thấy kể từ năm 2008, Thành Đô đã trở thành sự lựa chọn ưu tiên cho việc đầu tư trong các thành phố hạng hai, ông Benjamin Wang, chủ tịch phòng thương mại đã nói với mạng lưới truyền hình địa phương vào tháng 3.

Ông Wang chỉ ra rằng chiến dịch “tiến về phía tây”của Trung Quốc – một sự thúc đẩy phối hợp do Bắc Kinh xây dựng dựa trên chiến lược phát triển miền tây được phát động từ hơn 20 năm trước để thúc đẩy sự phát triển xã hội và kinh tế của các tỉnh phía tây – đã tạo thêm động lực mới cho sự phát triển của Thành Đô. Ông cho biết điều này đã thu hút các tài năng trẻ và vốn vào khu vực này và giúp mở cửa thị trường nội địa.

Tuy nhiên, rủi ro kinh doanh gia tăng có thể khiến các công ty nước ngoài bỏ đi, các chuyên gia cho biết.

“Hậu quả về mặt kinh tế là các công ty nước ngoài sẽ đánh giá rằng rủi ro chính trị gia tăng đang gây tổn hại đến môi trường kinh doanh nói chung,” ông Jeff Moon cho biết.

“Điều đó có nghĩa là các công ty nước ngoài đã có mặt ở Trung Quốc sẽ không lập tức rời đi … nhưng rủi ro kinh doanh gia tăng sẽ khiến các công ty này hoãn lại các kế hoạch đầu tư mới vào khu vực, trì hoãn các kế hoạch hiện tại và tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở nơi khác,” ông cho biết.

“Tác động này không thể đo lường chính xác, nhưng nó là có thật và vùng tây nam Trung Quốc sẽ cảm nhận được điều này.”

Gia Huy biên dịch, theo SCMP.

Related posts