Nhằm xoa dịu Trung Quốc, Pakistan công bố bản đồ mới thổi bùng nguy cơ xung đột với Ấn Độ

Hải Lam

Ảnh chụp màn hình video TV9 Telugu Live/Youtube.

Chính phủ Pakistan vừa công bố bản đồ quốc gia mới, bao gồm khu vực vốn là khu vực tranh chấp giữa nước này với Ấn Độ, đồng thời cũng là nơi diễn ra cuộc đụng độ đẫm máu gần đây ở biên giới Ấn – Trung, theo bản tin ngày 6/8 của The Epoch Times.

Bản đồ này khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ Jammu và Kashmir mà Ấn Độ quản lý. Trên bản đồ có viết: “Ấn Độ đã chiếm đóng trái phép Jammu và Kashmir”. Bên dưới dòng này là một tuyên bố được viết trong ngoặc đơn: “Lãnh thổ tranh chấp – Kết quả cuối cùng sẽ được quyết định dựa trên các nghị quyết liên quan của UNSC”.

Ảnh chụp màn hình video TRT World

Khu vực này có tầm quan trọng chiến lược vì có chung đường biên giới với Khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc ở phía bắc và Afghanistan ở phía tây. Việc này cho thấy nỗ lực của Trung Quốc trong việc mở rộng sức ảnh hưởng sang các khu vực ở phía bắc Ấn Độ. Ngoài ra, Trung Quốc đang xây dựng hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), một phần nằm trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, thông qua Gilgit.

Tại lễ công bố bản đồ mới hôm 4/8, Thủ tướng Pakistan Imran Khan tuyên bố điều này “thể hiện khát vọng của người dân Pakistan”. 

Ông Ganesh Malhotra, nhà phân tích chính trị tại Jammu, khu vực do Ấn Độ quản lý, nhận định điều đó chỉ là tuyên truyền, theo The Epoch Times.

Trong khi đó, Ấn Độ đã lên tiếng chỉ trích hành động của Pakistan và gọi đây là “động thái sai lầm về mặt chính trị”. 

Tuyên bố chủ quyền của Pakistan

Động thái này của chính phủ Pakistan diễn ra 1 năm sau khi Ấn Độ xóa bỏ điều 370 Hiến pháp, chia tách bang Jammu và Kashmir thành hai vùng lãnh thổ liên bang – một là Jammu và Kashmir có biên giới giáp với Pakistan, còn lại là Ladakh, giáp với Trung Quốc. Trong đó, Jammu và Kashmir có hiến pháp địa phương riêng, nhưng nằm dưới sự quản lý trực tiếp của chính quyền trung ương. Họ cũng có quốc tịch Ấn Độ và được hưởng mọi đặc quyền như các công dân Ấn Độ khác.

Đây là hành động mà cả Pakistan và Trung Quốc đều phản đối. Trung Quốc tuyên bố điều này “không thể chấp nhận được” vì Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với Ladakh, theo The Hindustan Times.

Trả lời phỏng vấn với The Epoch Times, nhà hoạt động gốc Gilgit-Baltistan đang sống tại Washington, ông Senge Sering, nhận định nỗ lực của Pakistan nhằm xóa bỏ ranh giới Gilgit trước đây khỏi phần còn lại của Jammu và Kashmir nhằm khôi phục tình trạng ban đầu của hai khu vực này như đã từng tồn tại vào ngày 15/8/1947. 

Ông Sering cho rằng bản đồ do chính phủ Pakistan công bố nhằm phản bác lại lập trường của Ấn Độ về Gilgit-Baltistan. 

“Điều này nhằm ngăn cản Ấn Độ đưa ra các quyết định đối với Gilgit”, ông Sering nói.

Pakistan ủng hộ Trung Quốc

Dự án CPEC nằm trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc đi qua vùng lãnh thổ tranh chấp Gilgit-Baltistan, do đó các chuyên gia cho rằng bản đồ mới của Pakistan đưa ra thông điệp ủng hộ Trung Quốc. Bản đồ mới sẽ cho phép các dự án Vành đai và Con đường được xây dựng ở Kashmir và Gilgit-Baltistan do Pakistan quản lý.

Nhà phân tích chính trị Malhotra đã chỉ ra những thay đổi gần đây ở hải cảng Chabahar, một cảng chiến lược tại Iran, nơi Iran và Ấn Độ đang cùng xây dựng tuyến đường sắt đến Afghanistan qua hành lang Wakhan. Iran mới đây đã quyết định loại Ấn Độ khỏi dự án, với lý do tài trợ chậm trễ, ưu tiên cho sự hỗ trợ của Trung Quốc.

“Hành lang Wakhan ở Afghanistan kết nối trực tiếp với Trung Quốc và Iran là đồng minh thân cận của Trung Quốc. Pakistan biết rằng nếu CPEC gặp vấn đề, Trung Quốc sẽ có một tuyến đường thay thế đến Trung Đông qua Wakhan. Thật thất vọng khi Trung Quốc có thể không tiếp tục CPEC”, ông Malhotra nói thêm rằng bằng cách liên kết Gilgit-Baltistan với phần còn lại của Jammu và Kashmir, Pakistan đang cố gắng xoa dịu Trung Quốc.

Related posts