Quỳnh Chi
Người dân Trung Quốc đều cho rằng, tháng 6 tuyết rơi ắt có oan tình. Mà rất nhiều người cảm thấy, trận tuyết bất thường này là oan hồn về báo oán.
Bắt đầu năm 2020 cũng là lúc virus viêm phổi Vũ Hán bùng phát. Chính bởi sự che đậy của chính quyền Trung Quốc mà rất nhiều người dân không có sự phòng bị đã nhiễm bệnh. Sau khi nhiễm bệnh, họ bị nhốt trong nhà, cửa ra vào bị chính quyền hàn chặt, mặc cho người bệnh tự sinh tự diệt, bởi vậy biết bao người cứ thế chết oan.
Trong nửa cuối năm 2020, lũ lụt nghiêm trọng xảy ra tại 27 tỉnh thành thuộc lưu vực sông Dương Tử chưa có dấu hiệu ngừng lại. Những sinh linh thiệt mạng trong nạn lụt này đều sẽ tụ họp tại trung tâm quyền lực của chính quyền coi mạng người như cỏ rác – Bắc Kinh…
Nếu nói như vậy, những oan hồn trên đất nước Trung Quốc kỳ thực quá nhiều, và cách nói oan hồn quay về báo oán quả thực không sai.
8/6/1976: Đại địa chấn Đường Sơn
Cũng trong những ngày này của 44 năm về trước, khoảng hơn 3 giờ sáng, một trận đại địa chấn đã xảy ra tại Đường Sơn, thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Khi người dân vẫn còn chìm sâu trong giấc ngủ, không chút phòng bị, trong tích tắc họ bị chôn vùi dưới lớp đất đá.
Cho đến khi sắp chết, họ cũng không có cơ hội để suy nghĩ rõ ràng: tin đồn trước đó mọi người nói sắp có động đất và việc chính phủ lên tiếng bác bỏ tin đồn về động đất cái nào mới là thật? Không biết sau khi chết, những oan hồn của họ liệu biết phải đi đâu để đòi món nợ này đây?
Trận động đất với cường độ mạnh 7,8 độ richter, tâm chấn cách mặt đất 12km gần như san bằng toàn bộ thành phố chỉ trong vài chục giây ngắn ngủi. Theo thống kê, có tới 250 đến 650 nghìn người thiệt mạng trong thảm họa kinh hoàng. Cũng bởi chính quyền Trung Quốc thực hiện nhất quán che giấu sự thật nên đến nay nhiều người đã không còn tin tưởng tuyệt đối vào những số liệu về các thảm họa xảy đến với Trung Quốc được ĐCSTQ công bố.
Siêu động đất Đường Sơn rút cuộc đã cướp đi sinh mạng bao nhiêu người, có lẽ không ai có thể biết chính xác. Nếu như trận động đất này xảy đến bất ngờ, thực sự không thể dự đoán trước, vậy thì không thể trách ai và những người chết cũng không thể gọi là oan hồn.
Cùng gánh chịu hậu quả của trận động đất là huyện Thanh Long ngay sát Đường Sơn. Nhưng vì một quan chức huyện Thanh Long đã bí mật thông báo cho người dân trong huyện biết về khả năng xảy ra động đất, đồng thời chỉ thị nhân dân chuẩn bị đối phó với thiên tai, nên khi thảm họa xảy ra cả huyện ngoài những thiệt hại về tài sản vật chất, hầu như không có thiệt hại về con người.
Thảm họa tự nhiên là điều không thể tránh khỏi, nhưng khi chính quyền nắm giữ tất cả quyền lực và tài nguyên đất nước cố tình che giấu những cảnh báo về thiên tai thì đó chính là “nhân họa”. Oan có đầu, nợ có chủ, món nợ này phải tính với ai đây?
8/6/1999: Bức hại Pháp Luân Công
Ngày 20/7/1999, tức ngày 8 tháng 6 âm lịch, cũng xảy ra một sự kiện lớn và kéo dài đến tận ngày nay vẫn chưa có hồi kết. Vào ngày này, Giang Trạch Dân đã bắt đầu chính thức chiến dịch đàn áp tất cả những người tu luyện Pháp Luân Công.
Các cấp chính quyền Trung Quốc thi hành chính sách “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt kinh tế, hủy hoại thân thể” đối với từng học viên Pháp Luân Công, mục đích là muốn đàn áp toàn diện Pháp Luân Công trên toàn Trung Quốc.
Vào thời điểm đó, Pháp Luân Công đã có mặt ở Trung Quốc được 7 năm và được mọi tầng lớp nhân dân hoan nghênh. Truyền thông nhiều lần ca ngợi Pháp Luân Công là phương pháp tu luyện thiền định an hòa tốt cho sức khỏe, giúp người tập nâng cao sức khỏe, giúp quốc gia tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh.
Tuy nhiên đến ngày 20/7/1999, vô số tin tức, bài viết, từ báo chí, đài truyền hình đến đài phát thanh đều tập trung tuyên truyền, gắn cho Pháp Luân Công cái mác “tà giáo”, miêu tả những học viên Pháp Luân Công như những kẻ điên loạn, giết người.
Những ai đã trải qua cuộc Đại Cách mạng văn hóa đều hiểu rõ rằng đây chẳng qua là đòn mở đầu cho chiến dịch mới của chính phủ. Khi ấy, một người tu luyện Pháp Luân Công không những bị bức hại mà còn liên lụy tới cả họ hàng, đồng nghiệp ở nơi làm việc. Vợ chồng ly tán, người mất nhà tan trở thành hình ảnh thường thấy trong cuộc sống của những học viên Pháp Luân Công.
Để chiến dịch mạnh mẽ của ĐCSTQ thu được thắng lợi vang dội, rất nhiều người đã hành ác không từ thủ một thủ đoạn nào. Chỉ vài ngày sau khi các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ vì không chịu từ bỏ tín ngưỡng, rất nhiều người đã bị tra tấn, đánh đập đến chết.
Tin tức này truyền ra đã làm dấy lên làn sóng phản đối của quần chúng. Nhưng để giữ vững đường lối “đúng đắn và nhất quán: của ĐCSTQ, bộ máy dưới quyền Giang Trạch Dân cho rằng việc này nhất định phải hoàn thành, kiên quyết không chùn bước.
Vì vậy, một vở kịch mới bắt đầu được dàn dựng. Vào đêm giao thừa năm 2001, một số người đã xuất hiện ở quảng trường Thiên An Môn và tự thiêu trước máy quay. Chỉ 2 giờ sau vụ việc, Tân Hoa Xã, bằng một tốc độ phi thường, lập tức đưa tin bằng tiếng Anh ra toàn thế giới, tuyên bố rằng “những người tự thiêu là 5 học viên Pháp Luân Công”. Tuy nhiên, một phóng viên đài VOA gọi đến Cục Công an thành phố Bắc Kinh và Bộ Công an để xác minh thông tin thì lại nhận được câu trả lời rằng: “Chúng tôi không biết có sự việc này”. Trình độ tuyên truyền của cơ quan ngôn luận đã vượt mặt cả công an điều tra.
Đây chính là vụ án giả tự thiêu tại quảng trường Thiên An Môn gây chấn động toàn thế giới vào thế kỷ 21.
Mặc dù rất nhiều người đã nhìn ra clip tự thiêu rõ ràng được sắp đặt, đồng thời có rất nhiều điểm nghi vấn, nhưng cũng không ít người tin vào những gì đài truyền hình đưa tin và bắt đầu bài xích các học viên Pháp Luân Công vô tội.
Tập đoàn Giang Trạch Dân còn đưa ra các chính sách tiêu diệt tận gốc đối với các học viên Pháp Luân Công như: “đánh chết coi như tự sát”… Các học viên bị hủy hoại thân thể bằng cách đánh đập tàn nhẫn, tra tấn, ngược đãi đến chết, thậm chí bị mổ lấy nội tạng khi họ vẫn còn sống.
Luật sư người Anh Sir Geoffrey Nice (người từng giữ chức phó công tố viên trong phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh chống lại cựu Tổng thống Serbia Milosevic tại Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague) đã chủ trì “Toà án độc lập xét xử nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc” (gọi tắt là China Tribunal). Tháng 6/2019, toà án này đã đưa ra phán quyết cuối cùng, kết luận rằng: “Nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức được ĐCSTQ cho phép và hậu thuẫn đã diễn ra rất nhiều năm ở nhiều địa phương tại Trung Quốc trên quy mô lớn và đang tiếp tục ở hiện tại. Mà các học viên Pháp Luân Công là một trong những đối tượng bị cưỡng bức cướp nội tạng, thậm chí còn là nguồn cung cấp nội tạng chủ yếu… Tòa tin rằng tội ác diệt chủng rõ ràng tồn tại đối với Pháp Luân Công… Tội ác của ĐCSTQ đối với học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ được xác nhận là tội ác chống lại nhân loại”.
Sự việc đã đi qua 21 năm nhưng tội ác tàn bạo của ĐCSTQ đối với môn tu luyện ôn hào Pháp Luân Công thì vẫn tồn tại đến ngày nay. Mặc dù năm 2020 ở Trung Quốc bùng phát dịch bệnh, lại xảy ra lũ lụt triền miên, nhưng nửa đầu năm vẫn ghi nhận rất nhiều học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết.
Có lẽ giống như các chiến dịch của ĐCSTQ trước đây, nhiều năm sau, mọi người mới biết được sự thật ẩn giấu bên trong. Và những linh hồn oan khuất bị bức tử trong suốt những năm qua sẽ phải tìm ai để đòi lại công đạo?
Năm 2020, trận tuyết rơi đúng ngày 8/6 tại Bắc Kinh đã khiến bao nhiêu quan chức ĐCSTQ từng tham gia vào hành động làm hại người dân Trung Quốc phải giật mình khiếp sợ?
Theo Sound Of Hope
Quỳnh Chi biên dịch