MỘT TRĂM EM ƠI, CHIỀU NAY MỘT TRĂM PHẦN TRĂM

NGUYỄN KHẮP NƠI.

Thành phố buồn, nhớ không em?

Lần đầu tiên tôi nghe được hai chữ:

GIỚI NGHIÊM

Là vào khoảng mùng 2 tháng 2 năm 1968, sau khi Việt Cộng mở cuộc “Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân 1968.

Lệnh Giới Nghiêm được ban hành trên khắp lãnh thổ. Ban đêm, dân chúng không được ra ngoài đường ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp, và phải có Cảnh Sát hộ tống.

Tiếp theo đó là lệnh “Thiết Quân Luật”, binh sĩ được lệnh cắm trại Một Trăm Phần Trăm để chống lại cuộc tổng tấn công của Việt Cộng.

Để xoa dịu phần nào tình trạng giới nghiêm và thiết quân luật, bài hát “Một Trăm Phần Trăm” được ra đời:

“Một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm
Một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm
Người yêu anh ơi chiều nay lại cấm trại rồi
Nào đâu nàng biết tâm tư người lính
Lòng anh nao nao mỗi khi ta hẹn nhau
Với em tâm tình . . .”

(Sáng tác của Ngọc Sơn & Tuấn Hải).

Bài hát này quá hay, lại đúng vào thời điểm các chàng trai lính chiến phải lên đường chiến đấu tại tiền tuyến và ứng trực 24 trên 24 giờ tại doanh trại, nên đã được mọi người, từ dân tới lính, từ tiền tuyến tới hậu phương nhiệt liệt tán thưởng. Đâu đâu cũng có người hát “Một trăm em ơi, chiều nay một trăm phần trăm”.

Tiếp theo đó là lệnh “Tổng Động Viên”, các chàng trai từ 18 tuổi trở lên phải trình diện nhập ngũ để lên đường bảo vệ quê hương.

Chiến tranh cứ thế mà leo thang, phần thắng lợi đã nghiêng về phía Việt Nam Cộng Hòa. Tiếc thay, tới lúc đó, thay vì tiếp tục viện trợ cho quân dân Miền Nam chiến đấu tới chiến thắng cuối cùng, đẩy lui bọn Cộng sản xâm lăng, thì người Mỹ lại rút quân về và ngưng viện trợ quân sự cũng như kinh tế.

Việt cộng, với sự hỗ trợ quân sự tối đa của Trung cộng và Nga Sô, đã ào ạt tấn công và chiếm được Miền Nam.

Dân chúng Miền Nam, không thể sống dưới chế độ hà khắc, trả thù tàn bạo của bọn Việt cộng, nên đã liều mình bỏ xứ ra đi tìm tự do nơi xứ lạ quê người.

Sống ở quê hương thứ hai, mặc dầu vẫn nhớ về quê hương đất nước Việt Nam thân yêu, nhưng trong lòng chúng ta đã phần nào quên đi những hình ảnh chiến tranh, những nhọc nhằn gian khổ để sống một cuộc đời tự do bình thản . . .

Đột nhiên, vào lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật 02/08/2020, thủ hiến tiểu bang Victoria, ông Daniel Andrews đã mở cuộc họp báo và tuyên bố:

“Vì số người mắc bệnh Cúm Vũ Hán càng ngày càng gia tăng, dân Melbourne sẽ được đặt trong tình trạng giói nghiêm trong 6 tuần lễ, kể từ ngay tối hôm nay, Chủ Nhật 02/08/2020 cho đến hết ngày Thứ Tư 16/09/2020, từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng ngày Thứ Hai . . .

Đến sáng Thứ Hai, tôi sẽ cho biết những ngành nghề nào phải đóng cửa, và những nghành nghề nào được phép mở.”

GIỚI NGHIÊM.

Tôi lặng người khi nghe lại hai chữ này!

Tôi đã phải bỏ xứ đi để được sống bình yên, những tưởng sẽ được hưởng hai chữ bình yên cho đến cuối đời, ai dè, chỉ sau hơn nửa thế kỷ an lành, tôi lại bị nghe hai chữ Giới Nghiêm kinh khủng này.

Trong đầu tôi, những kỷ niệm chết chóc của những ngày binh lửa năm 1968 lại hiện ra thật rõ ràng.

Điểm khác biệt ở chỗ: Giới nghiêm ở Melbourne không có bom rơi đạn nổ, không có máu chẩy thịt rơi.

Nhưng giống nhau là ở chỗ Chết chóc. Ngày nào cũng có người chết vì nhiễm bệnh Cúm Vũ Hán.

Giống nhau hơn nữa khi tôi thấy từng đoàn cảnh sát cùng với lính đi tuần tra trên đường lộ, chặn người đi bộ, chặn tài xế lái xe để hỏi:

Ông Từ đâu tới? Đi đâu? Để làm gì?

Hơn bốn chục năm sống trên đất nước này, tôi chưa bao giờ thấy cảnh chặn người ta xét hỏi như vậy.

Sáng Thứ Hai, tôi vẫn đi làm, mọi người cũng vẫn đi làm bình thường, nhưng chắc không ai có tâm trạng nào để làm việc, mà chỉ chăm chăm nhìn vào đồng hồ để nghe ông Thủ Hiến sẽ nói gì, sẽ cho ai tiếp tục làm việc, ai sẽ phải ở nhà.

Vào ngày hôm qua, 05/08/2020, tại tiểu bang Victoria, đã có đến 725 người nhiễm bệnh Cúm Vũ Hán. Trong số người này, 15 người đã thiệt mạng. Điều đáng nói, không phải chỉ có người lớn tuổi mới bị chết vì bệnh cúm, trong số người tử vong này, đã có một thanh niên chỉ mới 30 tuổi mà thôi.

Vào buổi ban đầu, tiểu bang Victoria là tiểu bang đã có những biện pháp phòng ngừa bệnh Cúm Vũ Hán rất kỹ lưỡng, do đó, số người nhiễm bệnh và số tử vong rất thấp, cho nên, vào đầu tháng 5 năm 2020, tiểu bang đã bãi bỏ lệnh cấm của cấp độ 3. Các tiệm ăn, rạp hát đã được mở cửa trở lại để đón 50 thực khách.

Nhưng rồi, do những bất cẩn và do những quyết định không sáng suốt, tiểu bang đã cho tổ chức biểu tình, tụ họp một lúc trên 30 ngàn người. Rồi những chuyến máy bay chở dân Úc trở về từ ngoại quốc, mặc dầu đã được đưa vào các khách sạn để sống cách ly, (Khách sạn Rydges và Stamford Plaza). Nhưng vì ông Thủ Hiến đã kiêu ngạo, không nhận sự giúp đỡ của liên bang (đưa lính tới canh giữ khách sạn, không cho ai ra vào) và cũng không dùng cảnh sát để canh giữ (vì phải trả lương cao), mà chỉ dùng những nhân viên canh gác tư nhân, cho nên, những người dân bị sống cách ly 14 ngày đã tự động đi về nhà, mang theo mầm mống bệnh Cúm Vũ Hán reo rắc khắp mọi nơi.

Đến đầu tháng 6/2020, bệnh cúm này đã lan truyền khắp nơi, trong một ngày, có hơn 400 người nhiễm bệnh. Ông Daniel Andrews cuống cuồng ra lệnh điều tra xem bệnh cúm từ đâu ra, và lại cho áp dụng lệnh cấm mở cửa hàng trở lại.

Cho đến ngày hôm qua, đã có hơn 700 người mắc bệnh Cúm Vũ Hán, mặc dù lệnh giới nghiêm đã được ban hành.

Như đã nói trên, sáng Thứ Hai 03/08/2020, mọi người đang chờ đợi ông Thủ Hiến tuyên bố những ngành nghề nào được phép tiếp tục mở cửa, ai phải đóng cửa. Mãi đến hơn 3 giờ chiều, ông Daniel mới xuất hiện đọc thông báo:

Đa số những nhà hàng, văn phòng, hãng xưởng đều bị đóng cửa.

Nhà hàng chỉ được mở để bán đồ ăn mang về nhà.

Các cửa hàng lớn, Mayer, David Jones, Target, Kmart, ngay cả Bunning Warehouse cũng đóng cửa.

Siêu thị bán đồ ăn được mở cửa, chợ và shop bán đồ ăn, trái cây được mở cửa, nhưng số khách hàng phải giảm đi và khoảng cách mỗi người là 1.5m

Mọi người dân vẫn có quyền ra ngoài để đi làm, đi chợ, đi tập thể thao, nhưng không được đi xa nhà quá 5 cây số.

Các công ty xây cất vẫn được tiếp tục làm việc, nhưng phải giảm 25% số công nhân làm việc. các lò thịt cũng vẫn được mở cửa và cũng vẫn phải theo những điều kiện an toàn xã hội.

Đáng buồn thay, tất cả các văn phòng, từ Luật sư, kế toán, Kiến trúc . . . đều được lệnh đóng cửa để làm tại nhà, kể từ 8 giờ tối Thứ Tư 05/08/2020 cho đến hết hết Thứ Tư 16/09/2020.

Đóng cửa văn phòng?

Tôi có nghe lộn không?

Kế toán viên phải về nhà làm việc, không được gặp thân chủ nữa!

Làm sao thương khách của tôi có thể đem hồ sơ tới cho tôi khai thuế?

Làm sao khách hàng cá nhân của tôi tới khai thuế và ký hồ sơ thuế?

Mọi người đều ngơ ngác nhìn nhau, không hiểu gì cả!

Đang trong lúc giao thời, chính phủ hứa trợ cấp mỗi doanh nghiệp $5,000.00 rồi tăng thêm $5,000.00 nữa nhưng với nhiều điều kiện gắt gao hơn, gặp mặt nhau để giải thích đã là khó rồi, nay lại giải thích qua điện thoại, qua email, làm sao mà thông cảm với nhau đây?

Bất cứ người dân Melbourne nào cũng không thể di chuyển quá 5 cây số từ nhà mình.

Mỗi gia đình chỉ có một người được đi ra ngoài, và chỉ được đi trong vòng 1 tiếng đồng hồ mà thôi.

Tôi đang sống ở đâu vậy? Có phải ở Sài Gòn sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 hay không?

Trước ngày 30 đó, biết chắc rằng Miền Nam Việt Nam sẽ bị xụp đổ, biết chắc rằng thành phồ Sài Gòn sẽ bị chiếm đóng, tôi đã lái xe đi lang thang khắp Sài Gòn, nhìn lại lần cuối những gì sẽ bị mất đi.

Nhà cửa của tôi đây, nhưng sẽ không còn là của tôi nữa

Bạn bè của tôi đây, sẽ không còn gặp nhau nữa.

Tôi đã phải bỏ hết mọi thứ để đổi lấy sự Tự Do, sự Bình Yên ở xứ Úc xa xôi này, những tưởng sẽ được Tự Do, được Yên Lành cho đến cuối cuộc đời.

Tôi chạy trốn hai lần rồi, tưởng đã thoát.

Ai dè đến ngày hôm nay, Thứ Năm 06/08/2020 tôi lại bị ném trở về quá khứ:

Không ai được ra khỏi nhà quá 5 cây số (ngoại trừ 4 trường hợp cho phép).

Văn phòng phải đóng cửa.

Ngày hôm qua, tôi đã phải cùng những nhân viên dọn dẹp văn phòng, đem tất cả hồ sơ về nhà mà làm. Hồ sơ cả đống, làm sao mà đem hết! Nếu không đem hết, cái nào đem về, cái nào bỏ lại?

Tôi lại lái xe đi vòng vòng thành phố Melbourne thân yêu, thị trấn Footscray, nơi tôi đã xây dựng cuộc sống Tỵ Nạn suốt 40 năm vừa qua.

Xót xa làm sao ấy, bạn ạ.

Bạn có cùng ở trong hoàn cảnh này với tôi hay không?

Tháng Tư 1975 có khác gì với Tháng 8 2020 hay không?

Khác chứ!

Tháng Tư năm 1975, tôi mất nước, cho đến bây giờ vẫn chưa lấy lại được.

Tháng Tám năm 2020, tôi mất Melbourne, mất Footscray, mặc dù chỉ mất trong vòng 6 tuần lễ thôi, nhưng cũng là mất mát.

Cái cột đèn ở Melbourne, ở Footscray có được di chuyển quá 5 cây số từ nhà hay không nhỉ?

Thật là đáng tiếc.

Một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm,
Một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm,
Người yêu anh ơi chiều nay lại cấm trại rồi,
Nào đâu nàng biết tâm tư người lính.
Lòng anh nao nao mỗi khi ta hẹn nhau
Với em tâm tình

NGUYỄN KHẮP NƠI

MELBOURNE MÙA DỊCH CÚM COVID 19.

Related posts