- Tân Hà
Hải quan Mỹ hôm 11/8 đã đăng thông cáo cho biết, từ ngày 25/9, hàng hoá Hồng Kông xuất khẩu sang Mỹ đều phải ghi rõ là “Made in China”, không được tiếp tục dùng nhãn “Made in Hong Kong” nữa. Điều này có nghĩa hàng hoá Hồng Kông xuất khẩu sang Mỹ sẽ có sự thay đổi về thuế quan, sẽ được liệt vào phạm vi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung giống như hàng hóa của Trung Quốc Đại Lục.
Ngày 11/8, Hải quan Mỹ ra thông cáo cho biết, căn cứ vào sắc lệnh hành chính của Tổng thống Trump ký vào ngày 14/7, do Mỹ nhận định “Hồng Kông không còn tiếp tục hưởng sự tự trị ở mức độ cao nữa, do đó không còn đảm bảo tiếp tục được hưởng đãi ngộ đặc thù khác với Trung Quốc Đại Lục nữa”, vì thế hàng hóa sản xuất tại Hồng Kông và xuất khẩu sang Mỹ sẽ không còn được gắn nhãn “Made in Hong Kong” nữa, mà buộc phải gắn nhãn “Made in China”.
Điều này có nghĩa là sản phẩm xuất khẩu của Hồng Kông sẽ giống như sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc Đại Lục, đều bị liệt vào phạm vi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Chỉ cần hàng hoá của các nhà sản xuất xuất khẩu bị liệt vào danh sách thuế quan, thì sẽ chịu ảnh hưởng thuế quan của Mỹ.
Thông cáo của Hải quan Mỹ còn quy định, nếu hàng hóa Hồng Kông không gắn nhãn theo quy định, sẽ bị áp thêm 10% thuế quan trừng phạt tại cửa khẩu hải quan Mỹ.
Hồng Kông đã rơi vào khó khăn về kinh tế và cả ngành xuất khẩu, sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi quy định nói trên của Hải quan Mỹ. Thâm hụt thương mại của Hồng Kông với Mỹ cao hơn bất kỳ nền kinh tế nào khác, thâm hụt thương mại của của Hồng Kông trong năm 2019 đã giảm 16% xuống còn 26 tỷ USD. Từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, xuất khẩu của Hồng Kông sang Mỹ cũng giảm 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hồng Kông là trung tâm tái xuất của Trung Quốc Đại Lục quan trọng hơn nhiều so với thương mại trực tiếp, là một thông đạo quan trọng để Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa. Dữ liệu của Cục phát triển Thương mại Hồng Kông cho thấy, năm ngoái tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hồng Kông sang Mỹ là 471 triệu USD, chỉ chiếm 0,1% tổng kim ngạch xuất khẩu bao gồm cả tái xuất của Hồng Kông. Nửa đầu nay, trong số hàng hóa Hồng Kông xuất khẩu sang Mỹ, đồ trang sức chiếm 48,5% kim ngạch xuất khẩu, đứng thứ hai là thực phẩm, chiếm 10,7%.
Theo Nam Hoa Tảo báo đưa tin, nhà phân tích kinh tế John Marrett của Economist Intelligence Unit cho rằng, “Ở góc độ chung, đây hiển nhiên không phải là việc tốt”.
Chuyên gia luật thương mại của Công ty luật Sandler, Travis & Rosenberg đã đưa ra một báo cáo hôm 11/8, và chỉ ra: “Sự thay đổi này cũng làm dấy lên lo ngại rằng hàng hóa được sản xuất hoặc gia công trên quy mô lớn ở Hồng Kông sẽ được coi là sản phẩm của Trung Quốc, và sẽ chịu ảnh hưởng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc theo ‘Điều khoản 301’ hiện hành của Mỹ”.
Mỹ thực thi thuế quan trừng phạt đối với Trung Quốc, hiện tại áp dụng với các sản phẩm của Đại Lục trị giá lên đến 550 USD. Nếu cộng thêm chế tài đối với hàng hóa sản xuất từ Hồng Kông, điều này có nghĩa là chế tài của Mỹ đã mở rộng phạm vi.
Từng có phân tích chỉ ra, trong hàng loạt các hành động, quan trọng là hủy bỏ chứng nhận miễn trừ xuất khẩu, có nghĩa là nhà nhập khẩu Hồng Kông sẽ không cách nào nhập khẩu được những sản phẩm công nghệ nhạy cảm của Mỹ.
Tuyên bố chung Trung – Anh cho biết, Bắc Kinh cần đảm bảo sau khi chủ quyền Hồng Kông trao trả về Trung Quốc, sẽ thực thi chế độ “một quốc gia, hai chế độ”, “người Hồng Kông cai quản Hồng Kông”, tự trị ở mức độ cao, trao cho Hồng Kông địa vị đặc thù khác với Trung Quốc Đại Lục.
Năm 1992, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Chính sách Hồng Kông, trao cho Hồng Kông một số ưu đãi đặc thù.
Ngày 27/5/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã trình lên Quốc hội Mỹ một bản báo cáo về chính sách Hồng Kông. Nhận định Hồng Kông không còn tiếp tục được hưởng sự tự trị ở mức độ cao, do đó không nên tiếp tục hưởng thụ địa vị đặc thù mà luật pháp Mỹ đã trao cho nữa.
Ngày 29/5, Tổng thống Trump công bố bài phát biểu, cho rằng chính quyền Bắc Kinh cơ bản đều muốn đoạt lấy quyền tự trị của Hồng Kông. Do đó, chính quyền Mỹ cũng sẽ hủy bỏ đãi ngộ đặc thù đối với Hồng Kông,
Khi đó có phân tích chỉ ra, một khi Mỹ thực hiện hủy bỏ địa vị đặc thù của Hồng Kông, Hồng Kông sẽ bị coi như một thành phố bình thường của Trung Quốc, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông.
Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin ngày 30/5, cựu Tổng lãnh sự quán Mỹ trú tại Hồng Kông Stephen Young cho rằng, ảnh hưởng này sẽ có hiệu ứng tuyết lăn, “Đã có rất nhiều doanh nghiệp Mỹ rút khỏi Hồng Kông, quả cầu tuyết có sức phá hoại rất lớn đối với sự phồn vinh của Hồng Kông, sức ảnh hưởng của nó có thể mở rộng đến rất nhiều hoạt động kinh tế của vùng đồng bằng Châu Giang, cho đến cả vùng miền nam Trung Quốc. Ngoài ra, Thượng Hải luôn được hưởng lợi từ vốn, công nghệ và sự nhạy bén trong kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Hồng Kông.”
Ông Doãn Tôn Thanh (Yin Zunsheng), giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Seton Hall (Mỹ), cho rằng chính quyền Bắc Kinh đã có sự cân nhắc khi chế định Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông, việc Hồng Kông mất đi vị trí một trung tâm tài chính châu Á và một cảng tự do, chắc chắn sẽ có tác động nhất định đến Trung Quốc Đại Lục. Trong 30 năm qua, Hồng Kông rất quan trọng đối với Trung Quốc Đại Lục, “Đặc biệt là trong trao đổi tài chính của Trung Quốc, đặc biệt đồng đô la Hồng Kông là đồng tiền tự do chuyển đổi, nó vẫn rất quan trọng.”
Hồng Kông là một cảng tự do có thể tự do chuyển đổi tiền tệ, đến nay vị trí quan trọng của nó đối với tài chính của Trung Quốc vẫn không thể thay thế được, Trung Quốc Đại Lục có hơn 70% thương mại quốc tế bằng đồng Nhân dân tệ được thực hiện tại Hồng Kông. Ông Doãn Tôn Thanh cho rằng, đây chính là lý do vì sao các công ty lớn ở Đại Lục đều thiết lập trụ sở chính tại Hồng Kông, hoặc là doanh nghiệp tương đối lớn đều có văn phòng tại Hồng Kông, “Hoạt động tài chính tại Hồng Kông rất thuận tiện, còn Đại Lục hạn chế hoạt động tài chính mang lại rất nhiều bất tiện, họ kiểm soát tiền tệ.”
Ngoài ra, hầu hết các hoạt động kinh doanh quốc tế của các ngân hàng Trung Quốc được thực hiện bằng đồng đô la Mỹ từ Hồng Kông. Vì Thượng Hải nằm trong bức tường kiểm soát vốn của Trung Quốc, do đó, nếu Mỹ dùng địa vị chủ đạo của mình trong hệ thống tài chính toàn cầu để có thêm hành động chống lại Bắc Kinh, thì Bắc Kinh cũng không có phương án thay thế nào.
Tân Hà