Trong bối cảnh ĐCSTQ nguy cơ tứ bề, thế lớn đã qua đi, rất có thể Lý Khắc Cường và các nguyên lão vẫy vùng kháng Tập vì không muốn làm con dê thế tội cho ĐCSTQ.
Dưới nhiều áp lực nặng nề như dịch bệnh hoành hành, lũ lụt lan rộng, kinh tế lao dốc, ngoại giao thất bại, lực lượng công lý quốc tế bao vây tiêu diệt, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ sớm đã nguy cơ tứ bề, trong ngoài không yên. Mặc dù vậy, các cuộc đấu đá thanh trừng nội bộ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, trái lại ngày càng diễn biến ác liệt hơn.
Thời gian gần đây, mâu thuẫn giữa ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường ngày càng công khai và đã trở thành tâm điểm chú ý của các giới. Vào đầu tháng 8, như thường lệ là thời gian diễn ra hội nghị Bắc Đới Hà của giới lãnh đạo cao nhất ĐCSTQ. Kể từ ngày 1/8 trở đi đã không có bất kỳ báo cáo về những hoạt động công khai của 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị trong khoảng thời gian một tuần. Giới quan sát bên ngoài phỏng đoán rằng hội nghị Bắc Đới Hà có thể đã khai mạc. Trong thời gian này, các tin đồn chính trị khác nhau liên quan đến mâu thuẫn giữa 2 ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, cũng như việc các nguyên lão chính trị ép ông Tập thoái vị… càng thêm rợp trời dậy đất.
Nếu thế thì tại hội nghị Bắc Đới Hà lần này, liệu hai ông Tập – Lý có hoàn toàn lật bài ngửa hay không? Tất cả các phe phái nội bộ ĐCSTQ liệu có gây khó dễ cho ông Tập? Nếu không ngại, tác giả bài viết có thể đưa ra một số phân tích và suy đoán từ nguyên do và tính chất đấu đá quyền lực giữa hai ông Tập – Lý, cho đến cục diện chính trị hiện thời của ĐCSTQ.
Mâu thuẫn Tập – Lý: Băng dày ba thước không chỉ bởi cái lạnh một ngày
Tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 18, hai ông Tập – Lý đều cùng lúc sánh vai nhau bước lên vũ đài chính trị cao nhất của ĐCSTQ, tiếp quản chính quyền bù nhìn từ Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo vốn đã bị phe cánh của ông Giang Trạch Dân và ông Tăng Khánh Hồng kiểm soát gần như toàn bộ. Để tránh dẫm lên vết xe đổ của hai ông Hồ – Ôn, ông Tập Cận Bình dưới sự giúp đỡ của Vương Kỳ Sơn đã bắt đầu phát động chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” để lập uy, giành lại quyền lực về tay mình.
Những con hổ lớn bị bắt giữ bao gồm Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Lệnh Kế Hoạch, Lý Đông Sinh… tất cả đều là tay chân tâm phúc của “bè lũ nợ máu” Giang Trạch Dân – Tăng Khánh Hồng. Do thế lực của “bè lũ nợ máu” rắc rối khó gỡ, thủ đoạn tàn độc không có giới hạn, là mối đe dọa cho tất cả các phe phái trong ĐCSTQ, vậy nên trong quá trình bao vây tiêu diệt “bè lũ nợ máu”, ngoại giới từng cho rằng hai ông Tập – Lý sẽ hợp thành liên minh chính trị bền chắc cùng nhau “vào sinh ra tử”.
Tuy nhiên, sau khi ông Tập Cận Bình dần dần thu hết mọi quyền lực về tay mình, ngoại giới mới phát hiện ra rằng hai ông Tập – Lý không phải là người đi cùng một con đường, không chỉ xuất thân khác nhau, tư tưởng trái ngược, mà đến cả đường lối cũng hoàn toàn đối lập với nhau.
Ông Tập Cận Bình là thái tử đảng điển hình, đã đọc thuộc lòng những câu danh ngôn của Mao từ khi còn nhỏ, trong khi ông Lý Khắc Cường xuất thân là lao động chân tay ở nông thôn, là người đại biểu của dân. Nhìn qua trình độ học vấn của cả hai, sẽ nhận thấy rằng Tập đã học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và giáo dục tư tưởng chính trị trong thời gian theo học ở trường đại học Thanh Hoa, trong khi Lý theo ngành kinh tế học tại trường đại học Bắc Kinh. Sự khác biệt quá lớn về gia cảnh và nền tảng giáo dục đã trực tiếp dẫn đến việc cả hai hầu như không đạt được tiếng nói chung.
Đặc biệt là về chính sách kinh tế, ông Tập Cận Bình có khuynh hướng các doanh nghiệp phải nằm dưới sự quản lý của ĐCSTQ, yêu cầu “củng cố và nâng cao vai trò lãnh đạo của đảng đối với các doanh nghiệp nhà nước, phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt chính trị của tổ chức đảng”; trong khi ông Lý Khắc Cường chủ trương kinh tế thị trường, đề xướng “phát huy mạnh tinh thần của nhà doanh nghiệp”, “đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy hình thành hệ thống doanh nghiệp hiện đại và cơ cấu quản lý pháp nhân một cách hoàn thiện”.
Ngay từ năm 2015, thời điểm làn sóng “đả hổ diệt ruồi” của lãnh đạo ĐCSTQ gần đến cao trào, ông Tập đã bắt đầu chỉ thị cho tâm phúc của mình là Lưu Hạc ngầm phê duyệt các chính sách kinh tế của ông Lý Khắc Cường. Vào tháng 4/2017, ông Tập Cận Bình gạt ông Lý Khắc Cường sang một bên, tự mình quyết định thành lập khu vực mới Hùng An, tỉnh Hà Bắc, và định nghĩa nó là “Kế hoạch lớn nghìn năm có một”.
Chia rẽ lớn hơn giữa Tập – Lý xảy ra vào cuối năm 2017, sau khi ông Tập Cận Bình đạt được thỏa thuận với ông Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng trở thành người lãnh đạo “duy ngã độc tôn” và có được “phò tá” toàn lực của “người tri kỷ” Vương Hộ Ninh. Ông Tập bắt đầu khuynh tả nhiều hơn, ngày càng độc đoán hơn, trọng dụng Vương Hộ Ninh nhằm tăng cường kiểm soát tư tưởng và tuyên truyền tẩy não. Ông Tập càng tập trung quyền lực bằng cách thiết lập nhiều nhóm cải cách, dần dần tập trung quyền lực của các bộ phận khác nhau gồm cả Quốc vụ viện vào trong tay mình. Ông Tập cũng bắt đầu quản lý kinh tế, đặc biệt là bố trí thân tín của mình là Lưu Hạc làm phó Thủ tướng, gạt ông Lý Khắc Cường – người luôn có những chính sách thực tế, ra rìa thêm bước nữa.
Năm 2018, trong quá trình đàm phán thương mại Mỹ – Trung, ông Lý Khắc Cường vốn nên phụ trách các vấn đề về kinh tế đã bị gạt sang một bên, phó Thủ tướng Lưu Hạc phụ trách ra mặt đàm phán, ông Tập Cận Bình đưa ra quyết định. Do Vương Hộ Ninh, Hàn Chính và tàn dư của phe cánh họ Giang khuấy đảo cục diện đã khiến ông Tập đi sai nước cờ, Mỹ – Trung từ đàm phán thương mại dần dần chuyển sang chiến tranh thương mại. Hoa Kỳ áp dụng một loạt thuế quan nặng, vốn nước ngoài ồ ạt rút khỏi Trung Quốc, xuất khẩu giảm mạnh, thất nghiệp gia tăng, chính phủ ĐCSTQ nợ nần chồng chất, điên cuồng in tiền mặt… Đến cuối năm 2019, nền kinh tế Trung Quốc dưới thời ĐCSTQ đã bước vào mùa đông lạnh giá.
Đại dịch viêm phổi Vũ Hán khiến xung đột giữa Tập – Lý leo thang
Vào đầu năm mới của năm Canh Tý, việc ĐCSTQ che giấu tình hình dịch bệnh đã khiến dịch bệnh từ thành phố Vũ Hán lây lan khắp thế giới, cả thế giới bị dịch bệnh tàn phá. Vào thời đầu khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát, ông Lý Khắc Cường đã đến tâm dịch Vũ Hán làm Tổng chỉ huy và hướng dẫn công tác chống dịch, nhưng thực tế hiếm thấy tờ báo nào đăng. Ngược lại phía chính phủ không ngừng nhấn mạnh ông Tập Cận Bình đã “đích thân chỉ huy, đích thân bố trí” công tác phòng chống dịch bệnh. Vào thời điểm đó, đã có những bình luận từ ngoại giới nói rằng ông Lý Khắc Cường bị cho ra ngoài rìa trong việc lãnh đạo cuộc chiến chống lại dịch bệnh. Ngoại giới từ sớm đã đã nhận thấy rằng xung đột giữa Tập và Lý sớm muộn gì cũng sẽ công khai.
Ông Tập Cận Bình nóng lòng muốn thực hiện xã hội sung túc một cách toàn diện vào năm Canh Tý, để ông có thể sử dụng điều này như một con bài mặc cả để tiếp tục trở thành người lãnh đạo “duy ngã độc tôn” trong Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20. Có thông tin cho rằng chính Vương Hộ Ninh là người đã vẽ ra “Giấc mộng Trung Hoa” và “Xã hội sung túc toàn diện” cho ông Tập.
Tuy nhiên, ngay khi Vương Hộ Ninh kiểm soát bộ máy tuyên truyền thay ông Tập Cận Bình tấu lên giai điệu “Người dân trên khắp cả nước đã có được cuộc sống ấm no đầy đủ”, ông Lý Khắc Cường ngay trong cuộc họp báo vào ngày bế mạc “Lưỡng hội” năm nay đã công khai vạch trần một góc của thực trạng kinh tế Trung Quốc: “Trung Quốc có đến 600 triệu người thu nhập hàng tháng chỉ tầm 1.000 Nhân dân tệ (tương đương khoảng 3,2 triệu VNĐ). Với 1.000 NDT đó mà nói, việc thuê trọ tại một thành phố cỡ trung bình còn khó khăn, hơn nữa hiện còn đang trong mùa dịch”. Để thúc đẩy sinh kế và việc làm của người dân, ông Lý Khắc Cường đã bắt đầu ra sức thúc đẩy “nền kinh tế vỉa hè”.
Những tiết lộ chấn động của ông Lý Khắc Cường không chỉ khiến ông Tập Cận Bình phải đau đầu, mà cũng khiến cho “tính hợp pháp” của ĐCSTQ trở nên tồi tệ hơn. Trong khi giáng cú tát vào mặt ĐCSTQ, mâu thuẫn giữa hai ông Tập – Lý đã hoàn toàn trở nên công khai.
Điều ngoại giới nhìn thấy là “nền kinh tế vỉa hè” chỉ như đóa phù dung sớm nở tối tàn, chưa đầy 10 ngày đã bị hạ nhiệt và bị buộc phải dừng hẳn lại. Trong quá trình này, ông Vương Hộ Ninh đã thao túng giới truyền thông chỉ trích nặng nề “nền kinh tế vỉa hè” và gọi nó là căn bệnh kinh niên. Ông Tập cũng đã đăng tải bài viết trên tạp chí “Cầu Thị” (Qiu Shi) – kênh truyền thông của ĐCSTQ, tuyên bố rằng về cơ bản ông đã thực hiện được một xã hội ấm no đầy đủ cho người dân, nhưng lại không có nhắc đến con số cụ thể.
Trong suốt thời gian miền Nam Trung Quốc liên tục đối mặt với mưa lũ, ông Tập Cận Bình chưa từng một lần đến các địa phương đang phải hứng chịu thảm họa để chỉ đạo công tác phòng chống lũ, thị sát tình hình, hoặc ít nhất gửi lời thăm hỏi người dân. Trái lại ông Lý Khắc Cường đã có một chuyến thị sát đến Quý Châu, nơi thảm họa không được xem là tồi tệ nhất. Trong khoảng thời gian ông Lý Khắc Cường thị sát tại Quý Châu, ngày 6/7 ông cho biết dọc đường đã trông thấy rất nhiều “nhà xưởng bỏ không”. Ông đốc thúc chính quyền địa phương sử dụng các nhà xưởng này để mở rộng sản xuất và nhấn mạnh rằng có thể “kêu gọi thêm anh chị em của những người lao động nhập cư của địa phương”.
Lời nói của ông Lý Khắc Cường vô tình lại nói lên sự thật, một lần nữa xác nhận rằng tình hình tái thiết kinh tế của Trung Quốc vốn không được như mong đợi, có không ít ngành công nghiệp sản xuất vẫn đang trong tình trạng dừng lại. Động thái này một lần nữa đã “dội gáo nước lạnh” vào luận điệu thoát nghèo toàn diện, xây dựng thành công xã hội thịnh vượng của ông Tập Cận Bình.
Ngày 15/7, tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương ĐCSTQ, ông Lý Khắc Cường đã ngầm lên án các chính sách “ném tiền qua cửa sổ” ra nước ngoài của ông Tập, ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn chỉ là nước đang phát triển, “làm việc gì nhất định phải biết tự lượng sức mà làm”, động thái này lần nữa được cho rằng đã bóc trần nội tình kinh tế Trung Quốc, không đồng điệu với “giấc mộng Trung Hoa” do Tập Cận Bình gắng sức tô vẽ.
Ngày 21/7, ông Tập Cận Bình một lần nữa gạt ông Lý Khắc Cường sang một bên và tự mình chủ trì hội tọa đàm với các nhà doanh nghiệp. Ba đại Thường ủy tháp tùng ông Tập trong cuộc họp đều không phải chuyên gia kinh tế: Ngoài Vương Hộ Ninh ra, hai người còn lại là Hàn Chính và Uông Dương đều là đối tượng bị Hoa Kỳ coi là mục tiêu chế tài. Tại hội tọa đàm, ông Tập đã đề xuất mô hình “kinh tế tuần hoàn trong nước”, một mô thức trá hình của việc bế quan tỏa cảng, và yêu cầu các doanh nhân phải “yêu nước” để có thể “tái sinh từ trong đống tro tàn”.
Sau đó, ông Lý Khắc Cường đã phản bác lại “tuần hoàn trong nước” của ông Tập: đóng kín cửa nhà để phát triển kinh tế là điều hoàn toàn không khả thi, chính sách mở cửa cũng giống như con người ta sống không thể thiếu không khí vậy, nếu không sẽ bị chết ngạt.
Việc ông Lý Khắc Cường liên tục bóc trần nội tình khiến ông Tập vô cùng bẽ mặt và tức giận, có thông tin cho rằng ông Tập trong các cuộc họp của đảng đã nhiều lần yêu cầu ông Lý phải “đặt ngay vị trí” của mình.
Ngày 31/7, xung đột giữa hai ông Tập – Lý đã bất ngờ xuất hiện tiết mục mới. Tại buổi lễ khánh thành Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS) Beidou-3 hôm đó, Phó Thủ tướng Lưu Hạc – thân tín của ông Tập Cận Bình chủ trì buổi lễ đã công khai hạ nhục ông Lý Khắc Cường khiến dư luận ngoại giới dậy sóng. Trước đêm diễn ra hội nghị Bắc Đới Hà, mâu thuẫn giữa Tập – Lý đã lên đến một cao trào mới.
Có nguồn tin nói rằng những hoạt động liên tiếp gần đây của ông Lý Khắc Cường, cơ bản đã được nguyên lão ĐCSTQ mặc định chấp nhận. Cách làm của ông Lý Khắc Cường và ông Tập Cận Bình thường xuyên là trống đánh xuôi kèn thổi ngược, trong đảng có tiếng nói yêu cầu ông Lý Khắc Cường thay thế vị trí của ông Tập Cận Bình, chỉ lưu lại cho ông Tập chức vụ nguyên thủ quốc gia hữu danh vô thực, thậm chí nhường cả ghế Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Phân tích những tin đồn khác về hội nghị Bắc Đới Hà
Từ các loại tin đồn có thể thấy, ngoài việc đối mặt với thách thức từ ông Lý Khắc Cường ra, ông Tập còn phải đối mặt với các cuộc tấn công tập thể từ các phe phái khác trong ĐCSTQ.
Katsusuji Nakazawa, biên tập viên có thâm niên của trang Nihon Keizai Shimbun – một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất Nhật Bản, gần đây đã tiết lộ rằng ĐCSTQ hiện đang trong thế tiến thoái lưỡng nan về mọi mặt, điều này cũng khiến các nguyên lão chính trị của ĐCSTQ muốn được nói chuyện với Tập Cận Bình.
Thậm chí có tin đồn rằng thư ký bên cạnh nguyên lão của ĐCSTQ gần đây tiếp xúc với mật sứ của Mỹ. Mật sứ của Mỹ không chỉ có một người, mà là một nhóm người lần lượt thay mặt chính phủ Mỹ, cùng thảo luận với nguyên lão ĐCSTQ về việc ông Tập Cận Bình đi hay ở lại, thậm chí cho rằng ông Tập cần phải rút khỏi vũ đài chính trị bằng các hình thức khác nhau trong thời gian ngắn.
Cũng tức là những nguyên lão này có cơ hội phát động một cuộc chính biến trong thời gian gần đây, thông qua cơ chế nội bộ ĐCSTQ để lôi ông Tập Cận Bình xuống, giống như ông Hoa Quốc Phong năm xưa. Năm đó, ông Hoa Quốc Phong bị nội bộ đảng phê bình đấu tố, từng người một bức ép ông ấy hạ đài.
Những tin đồn này có thể không phải xuất hiện một cách vô duyên vô cớ, bất kể các nguyên lão chính trị có thực sự đủ khả năng thách thức ông Tập vốn đã nắm trọn quyền lực trong tay hay không, ít nhất họ cũng đã tung tin ra thế giới bên ngoài để bày tỏ sự bất mãn trong tâm của mình. Tất nhiên, rất nhiều nguyên lão chính trị cũng là phần tử lợi ích, họ chưa chắc đã muốn chọc giận người lãnh đạo tối cao. Nhiều khả năng là những kẻ thù chính trị lâu năm có dã tâm khác của ông Tập đang ngầm triển khai hoạt động.
Bởi ĐCSTQ đã đi đến đường cùng mạt lộ trong bối cảnh trời giận người oán, đặc biệt là các phương sách “tăng tốc hủy diệt” khác nhau của ông Tập không chỉ khiến ĐCSTQ trở thành mục tiêu bao vây tiêu diệt của quốc tế, mà còn khiến giới quyền quý của ĐCSTQ phải mất ăn mất ngủ bởi các chính sách trừng phạt của liên minh quốc tế.
Trong số các nguyên lão chính trị của ĐCSTQ thử hỏi có ai không có cả khối tài sản khổng lồ ở nước ngoài? Theo ước tính sơ bộ của nhà bình luận các vấn đề thời sự chính trị Chương Thiên Lượng, tài sản của các quan chức ĐCSTQ chuyển ra nước ngoài tính sơ cũng phải lên tới 10 nghìn tỷ đô-la Mỹ!
Trong số các nguyên lão chính trị của ĐCSTQ, hỏi có ai không có người thân con cái di cư sang nước ngoài? Theo số liệu thống kê của cơ quan quyền uy bên trong chính quyền ĐCSTQ, tính đến cuối tháng 3/2012, trong số 204 Ủy viên của Ban Chấp hành Trung ương khóa 17, thì có đến 187 người trong số họ có người nhà trực tiếp cư trú, sinh sống, làm việc tại các nước phương Tây như châu Âu và Hoa Kỳ, thậm chí đã nhập quốc tịch của nước sở tại. Tỷ lệ này chiếm đến 91%! Trong số 127 thành viên của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ thì có đến 113 người có người thân đã di cư sang nước ngoài!
Ngày 9/7/2020, Hoa Kỳ đã chế tài Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ, Bí thư Khu Tự trị Tân Cương, bởi những chiến tích dày đặc về hành vi vi phạm nhân quyền. Điều này cho thấy mức chế tài của Mỹ đối với giới quan chức ĐCSTQ đã nâng lên cấp phó quốc gia. Ngày 7/8, Bộ Tài chính Hoa Kỳ lại bất ngờ tung ra một đòn nặng, tuyên bố trừng phạt 11 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông, bao gồm: Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam); Cục trưởng Cục An ninh Hồng Kông Lý Gia Siêu; Giám đốc Sở Tư pháp Hồng Kông Trịnh Nhược Hoa; Giám đốc Văn phòng các vấn đề Đại lục và Hiến pháp Hồng Kông Tăng Quốc Vỹ; Phó Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao Trương Hiểu Minh; Giám đốc Văn phòng Liên lạc của ĐCSTQ tại Hồng Kông Lạc Huệ Ninh; Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao Hạ Bảo Long…, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố số hộ chiếu, địa chỉ chỗ ở và nguyên nhân chế tài họ.
Đối mặt với lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ như bị hủy thẻ xanh, bị từ chối nhập cảnh, bị đóng băng khối tài sản khổng lồ, các nguyên lão chính trị đó liệu có thể không hoang mang không? Vì vậy, việc họ bất mãn với ông Tập hoàn toàn là điều hợp tình hợp lý.
Ngoài ra, ông Tập cũng phải đề phòng đòn phản công trong lúc vùng vẫy giãy chết của bè lũ nợ máu thuộc phe cánh họ Giang.
Ngày 17/7, chính quyền ông Tập đã tiếp quản khối tài sản nghìn tỷ của 9 cơ quan tài chính cốt lõi của Tập đoàn Tomorrow Group do ông Tiêu Kiến Hoa, một trong những người giàu có nhất Trung Quốc đứng đầu. Ông Tiêu Kiến Hoa là “găng tay trắng” của Tăng Vỹ, con trai của cựu phó chủ tịch ĐCSTQ Tăng Khánh Hồng – quản gia có tài sản lớn nhất thuộc phe cánh Giang Trạch Dân. Hôm sau (18/7), Tập đoàn Tomorrow Group đã đưa ra 4 điểm tuyên bố nghiêm chỉnh “nhắm vào những lời gièm pha ác ý”, bản tuyên bố này bị xóa mấy giờ đồng hồ sau đó. Đây hiển nhiên là công khai thách thức ông Tập. Được biết, đằng sau bản tuyên bố này có bóng dáng của ông Tăng Khánh Hồng.
Ngày 28/7, ông Quách Văn Quý, tỷ phú Trung Quốc hiện đang sống lưu vong tại Mỹ tiết lộ rằng: 4 ngày trước, ông nghe nói ông Tăng Khánh Hồng sắp có hành động với ông Tập Cận Bình, nhưng sẽ không thành công, dự đoán là đã bại lộ. Vì thế ông Tập cơ bản không quan tâm đến việc khác, hiện tại chính là tập trung vào đấu đá nội bộ, nội chiến, trọng tâm chính là đấu tranh trong nội bộ. Hiện tại ông Tập muốn tiêu diệt ông Tăng Khánh Hồng, đối tượng bao gồm ông Tăng Khánh Hồng cùng vợ và người con trai của ông ta tên Tăng Vỹ, cho đến em ruột của ông là Tăng Khánh Hoài, em gái là Tăng Hải Sinh và chồng cô ta; còn tất cả những người liên quan đến những người này.
Suy đoán về kết quả của cuộc họp Bắc Đới Hà
Tính đến hiện tại, dù đó là tranh chấp giữa hai ông Tập – Lý, hay những tin đồn liên quan đến việc ép Tập thoái vị, kỳ thực bản chất của nó chẳng qua chỉ là xung đột lợi ích giữa các phe phái khác nhau trong ĐCSTQ, cho đến giới quyền quý của ĐCSTQ trong hoảng loạn áp dụng các phương sách để bảo vệ khối tài sản khổng lồ của mình.
Về việc liệu ông Tập có bị bức ép thoái vị giống như ông Hoa Quốc Phong hay không, tác giả bài viết tin rằng khả năng này không phải không có, nhưng rất nhỏ. Mọi chuyện hôm nay vốn đã khác xưa, Tập Cận Bình ngoài việc đảm nhiệm vai trò lãnh đạo của nhiều nhóm thực quyền, quân quyền nắm trọn trong tay, thời gian gần đây còn thâu tóm hết lực lượng cảnh sát vũ trang toàn quốc và quân nhân dự bị, có thể nói là đã tập trung toàn bộ đại quyền vào tay mình. Từ ngày 31/7, phó thủ tướng Lưu Hạc công khai vũ nhục ông Lý Khắc Cường, cho đến ông Tập tràn đầy lòng tin xuất hiện ở video hiện trường, ông Tập dường như không phải lo lắng có ai dám thách thức ông trong hội nghị Bắc Đới Hà nữa.
Về phần ông Lý Khắc Cường, cũng chưa chắc thật sự có nguyện vọng muốn thay thế ông Tập. Chẳng qua khi nhìn thấy ĐCSTQ nguy cơ tứ bề, thế lớn đã qua đi, rất có thể ông ta cũng không muốn tiếp tục làm con dê thế tội cho ĐCSTQ ở “thời điểm then chốt cuối cùng” này, không muốn phối hợp với ông Tập chạy theo cái giấc mộng viển vông không thiết thực kia nữa, vậy nên ông đã lựa chọn không ngừng chọc thủng giấc mộng Trung Hoa của ông Tập. Đồng thời, ông Lý Khắc Cường cũng đang lên tiếng thay cho “phái đoàn”, cũng chính là “phe cải cách” sau lưng mình.
Từ một khía cạnh khác, ngay cả khi ông Lý Khắc Cường thay thế được ông Tập, đối mặt với cục diện rối rắm tan hoang của ĐCSTQ ngày hôm nay cũng không thể xoay chuyển được cục diện. Dù cho ông Lý Khắc Cường có tiến hành cải cách kinh tế thì liệu có xóa tan được mọi nghi ngờ của Hoa Kỳ, từ đó không còn xuống đòn với ĐCSTQ nữa hay không? Liệu ông có thể khiến cho số vốn nước ngoài đã rút đi này có thể quay trở về? Liệu ông có thể vực dậy nền kinh tế đang lao xuống vực thẳm? Và liệu ông có thể ngăn chặn được tập đoàn tham nhũng khổng lồ bên trong thể chế nuốt chửng lợi ích của cả quốc gia? E rằng đây là điều không thể.
Nhìn từ một góc độ khác, dẫu cho phe phái nào trong ĐCSTQ có đưa một người khác lên thay thế ông Tập Cận Bình, liệu người đó có thể hoàn trả nổi những món nợ máu mà ĐCSTQ đã nợ trong suốt 70 năm qua? Liệu sức mạnh chính nghĩa toàn cầu vốn đã thức tỉnh nay lại chìm sâu trong giấc ngủ mê một lần nữa hay không? Liệu nó có thể ngăn chặn thiên ý “Trời diệt Trung Cộng” hay không? Trời muốn biến thì dù ai cũng không ngăn cản nổi.
Do đó, tác giả bài viết suy đoán rằng sau khi hội nghị Bắc Đới Hà lần này kết thúc, ngoại giới có thể không nhìn thấy kết quả ấn tượng của đấu đá nội bộ và bức ép người lãnh đạo thoái vị được đề cập đến trong những tin đồn, nhất là những ai mơ tưởng về việc ông Tập Cận Bình sẽ từ chức và để ông Lý Khắc Cường lên thay, còn cả những người mơ tưởng về việc ĐCSTQ sẽ tiến hành cải cách, rất có thể sẽ phải thất vọng lần nữa. Dưới trận sóng lớn “Trời diệt Trung Cộng” của lịch sử, con tàu ĐCSTQ trăm nghìn lỗ thủng giờ lại đang gặp phải sóng gió cuộn dâng, dẫu ai là người cầm lái cũng không thể ngăn nổi vận mệnh bị chôn vùi dưới đáy biển sâu của con tàu đỏ.
Do vậy, quyền lựa chọn cuối cùng trong chính quyền ĐCSTQ hiện nay phần lớn vẫn nằm trong tay ông Tập Cận Bình. Nếu vẫn tiếp tục chèo lái, thì sẽ dẫn theo hàng chục triệu thuyền viên mau chóng chôn thân dưới đáy biển; còn nếu vứt bỏ con tàu đỏ thì sẽ nghênh đón ánh sáng và kỷ nguyên mới.
Tất nhiên, mỗi thuyền viên trên con tàu đỏ đều có quyền lựa chọn của bản thân mình, hoặc là đi theo con tàu đỏ hoặc là dẫn theo người nhà mình từ bỏ con tàu mà rời đi, kết quả khác nhau là điều ai ai cũng rõ.
Theo Gao Yi, Epoch Times
Vũ Dương biên dịch