Trung Quốc phản ứng việc Mỹ nhắm vào Viện Khổng Tử
Bắc Kinh hôm nay cáo buộc việc Mỹ tăng cường kiểm soát các Viện Khổng Tử là hành vi bôi xấu nhiệm vụ bình thường của chương trình này, theo Reuters.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố, các học viện đã tuân thủ luật pháp sở tại và Bắc Kinh lấy làm tiếc về động thái của Washington.
Tuyên bố của ông Triệu được đưa ra sau khi chính quyền Washington hôm 13/8 yêu cầu các Viện Khổng Tử tại Mỹ phải đăng ký như một phái bộ nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải báo cáo chi tiết thông tin nhân sự và kê khai tường tận tài sản ở Mỹ, dựa trên Đạo luật Phái bộ Nước ngoài năm 1982 (FMA).
Theo trang web của Trung tâm Viện Khổng Tử Hoa Kỳ, trung tâm này quảng bá mạng lưới các Viện Khổng Tử trên khắp nước Mỹ, cung cấp các khóa học văn hóa và giáo dục tại các Viện Khổng Tử. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mike Pompeo nhận định Bắc Kinh đã lợi dụng các đặc điểm tự do và cởi mở của xã hội Mỹ để thâm nhập, tuyên truyền và gây ảnh hưởng ở Hoa Kỳ.
Triều Tiên thay thủ tướng
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm nay cho biết, lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jung-un đã bổ nhiệm ông Kim Tok-hun, người đứng đầu ủy ban ngân sách của quốc hội, làm Thủ tướng nước này thay thế ông Kim Jae-ryong.
Trước đó, ông Kim Tok-hun, từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban Ngân sách của quốc hội Triều Tiên, còn ông Kim Jae-ryong, được bổ nhiệm là thủ tướng Triều Tiên trong kỳ họp quốc hội vào tháng 4/2019.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên đang phải hứng chịu đợt lũ lụt nghiêm trọng ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế vốn đã khó khăn do các lệnh cấm vận và dịch Covid-19.
Ông Kim cũng đã ra lệnh dỡ bỏ lệnh phong tỏa thành phố biên giới Kaesong sau khi một người đào tị bị nghi nhiễm virus Vũ Hán từ Hàn Quốc trở về Triều Tiên.
Người Canada ở Hồng Kông có thể bị cảnh sát bắt giữ
Một số nhà hoạt động cảnh báo các nghị sĩ Canada rằng luật an ninh quốc gia Hồng Kông có thể khiến cho 300.000 người Canada sống tại hòn đảo này gặp nguy hiểm, theo bản tin ngày 13/8 của The Globe And Mail.
Các nhà hoạt động nói với các nghị sĩ tại Ủy ban Đặc biệt về Quan hệ Canada-Trung Quốc của Hạ viện rằng, lực lượng cảnh sát mật có thể bắt giữ những người Canada sống tại Hồng Kông theo luật an ninh quốc gia mới.
Các nghị sĩ cũng được cảnh báo rằng bất kỳ thành viên nào của ủy ban – hoặc bất kỳ người Canada nào – đều có thể bị buộc tội theo luật an ninh. Trung Quốc đang có thỏa thuận dẫn độ với hơn 35 quốc gia.
Tham gia phiên điều trần có nhà hoạt động Hoa Kỳ Samuel Chu. Gần đây, ông bị cảnh sát truy bắt theo luật an ninh mới, dù ông Chu sống ở Hoa Kỳ.
“Mọi điều khoản của luật an ninh quốc gia đều áp dụng cho tất cả người dân bên ngoài Hồng Kông”, ông Chu nói với ủy ban đang tổ chức phiên điều trần về luật này.
“Không ai nằm ngoài vùng bao phủ của nó; không chỉ tôi, một người Mỹ sống trên đất Mỹ, và không chỉ là 300.000 người Canada đang sống và làm việc tại chính Hồng Kông”.
Michael Davis, cựu giáo sư luật tại Đại học Hồng Kông, nói với các nghị sĩ rằng Điều 38 của luật an ninh quy định luật này không chỉ áp dụng ở Hồng Kông mà còn đối với các hành vi phạm tội “bên ngoài Đặc khu hành chính Hồng Kông, bởi một người không phải là cư dân thường trú ở hòn đảo”.
ByteDance chặn nội dung chống Bắc Kinh ở Indonesia
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đã kiểm duyệt nội dung mà họ coi là chỉ trích Bắc Kinh trên ứng dụng tổng hợp tin tức BaBe ở Indonesia từ năm 2018 đến giữa năm 2020, 6 nguồn thạo tin có liên quan trực tiếp về vấn đề này nói với Reuters.
Các nguồn tin cho hay những người phụ trách việc kiểm duyệt tin tức tại địa phương đã được một nhóm từ trụ sở của ByteDance tại Bắc Kinh hướng dẫn xóa các bài viết bị coi là “tiêu cực” về chính quyền Trung Quốc trên ứng dụng tổng hợp tin tức Baca Berita (BaBe).
Theo Reuters, BaBe là ứng dụng tin tức hàng đầu của Indonesia với hơn 8 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và 30 triệu lượt tải xuống vào cuối năm 2019.
ByteDance đã mua lại BaBe vào năm 2018 sau khi TikTok bị cấm một thời gian ngắn ở nước này vì hiển thị “các nội dung khiêu dâm, không phù hợp và xúc phạm”.
Hai trong số sáu nguồn tin cho biết, sau khi mua lại toàn bộ BaBe, ByteDance ngay lập tức đưa ra hướng dẫn kiểm duyệt thông qua việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để tổng hợp các bài đăng từ hàng trăm phương tiện truyền thông Indonesia. Điều này đã được một nhóm từ trụ sở của ByteDance tại Bắc Kinh tiến hành.
Sáu nguồn tin cho biết, theo hướng dẫn mới của BaBe, các bài báo từ các phương tiện truyền thông bị coi là chỉ trích chính phủ Trung Quốc sẽ không được đăng lại trên ứng dụng BaBe hoặc sẽ bị gỡ xuống khỏi ứng dụng.
Một người có liên quan trực tiếp cho biết các bài báo có từ khóa “Thiên An Môn” – liên quan đến cuộc đàn áp tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 của Trung Quốc – hoặc Mao Trạch Đông, đều bị gỡ xuống.
Một nguồn tin khác mô tả các bài báo về căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc trên Biển Đông cũng bị cấm trên ứng dụng, ngay cả khi chúng đến từ hãng thông tấn chính thức Antara của nước này.
Chuyên gia: Vắc-xin Covid của Mỹ hơn hẳn của Nga
Tiến sĩ Y khoa Martin Makary, Giáo sư về chính sách y tế tại trường Đại học Johns Hopkins hôm 13/8 nói rằng vắc-xin Covid-19 của Mỹ tiên tiến hơn nhiều so với vắc-xin của Nga.
Hôm 11/8, Tổng thống Putin tuyên bố Nga là quốc gia đầu tiên có vắc-xin Covid-19 đã được đăng ký, và con gái ông đã tiêm thử.
Phát biểu trong chương trình của Fox News Rundown, ông Makar cho biết: “Về cơ bản, việc họ nói đã phê duyệt vắc-xin chỉ tương đương với việc phê duyệt thử nghiệm Giai đoạn I (ở Mỹ)”, ông nói. “Tôi không nghĩ rằng chúng tôi có thể chấp nhận điều đó ở Hoa Kỳ về độ an toàn và hiệu quả”.
Trong khi đó, Hoa Kỳ đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng III, đưa nước này vượt xa Nga, vốn chỉ tương đương với thử nghiệm giai đoạn I ở Mỹ.
Ông Makary cảnh báo: “Đừng lên máy bay đến Nga để thử tiêm loại vắc-xin này”.