- Lư Ất Hân
Hôm 11/8, Nga đã công bố cấp phép cho loại vắc xin viêm phổi Vũ Hán đầu tiên trên thế giới. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan, ông Trần Thì Trung (Chen Shih-chung) nhận định, trước khi thử nghiệm lâm sàng hoàn tất, thì khả năng bảo vệ, hiệu quả và tác dụng phụ của vắc xin vẫn là điều chưa thể nắm bắt được. Ông cũng thẳng thắn nói, Tổng thống Nga Putin đã rất can đảm khi cho tiêm loại vắc xin này lên con gái mình.
Hiện nay đại dịch virus Trung Cộng (virus corona, virus viêm phổi Vũ Hán) vẫn đang lây lan trên toàn cầu, một số chuyên gia thậm chí còn lo ngại đợt bùng phát thứ ba có thể sẽ sớm xảy ra, từ đây, nhiều quốc gia đã dốc sức đầu tư vào nghiên cứu vắc xin và phát triển thuốc điều trị. Trong bối cảnh khẩn trương đó, ngày 11/8 vừa qua, tổng thống Nga Putin đã tuyên bố cấp phép loại vắc xin viêm phổi đầu tiên trên thế giới.
Các kênh truyền thông nổi tiếng như CNN, MarketWatch, Wall Street Journal, và Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) đều đồng loạt đưa tin, ngày 11/8, tổng thống Nga Putin đã thông báo trên kênh truyền hình quốc gia: “Sáng nay, lần đầu tiên trên thế giới, một loại vắc xin chống Covid-19 đã được đăng ký. Loại vắc xin này rất hiệu quả, có thể giúp cơ thể người tạo nên hệ miễn dịch ổn định.” Ông Putin còn cho biết, con gái của ông đã được tiêm vắc xin, mặc dù bị sốt sau khi tiêm phòng nhưng “hiện đã trở lại bình thường.”
Loại vắc xin này được đặt tên là Sputnik V, do Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya và Bộ Quốc phòng Nga phát triển. Tên gọi Sputnik V này cũng chính là tên của vệ tinh nhân tạo đầu tiên được Liên Xô phóng lên quỹ đạo vào năm 1957 trong thời Chiến tranh Lạnh. Điều này thể hiện niềm tự hào của Nga. Tuy nhiên, vắc xin mới được thử nghiệm lâm sàng trên người chưa đầy hai tháng và giai đoạn thử nghiệm quan trọng thứ ba trên người vẫn chưa được thực hiện. Đồng thời, Nga mới chỉ tiêm vắc xin cho 76 người và không đưa ra bất kỳ dữ liệu thử nghiệm nào, việc thiếu dữ liệu thử nghiệm lâm sàng đã khiến các nhà khoa học nghi ngờ về chất lượng của nó.
Ngày 12/8, tại cuộc họp báo của Trung tâm Chỉ đạo phòng chống dịch Trung ương Đài Loan (CECC), một phóng viên đã đặt câu hỏi, liệu có thể mở cửa nhập cảnh cho khách du lịch đã được tiêm chủng vắc xin mới này của Nga hay không?
Ông Trần Thì Trung cho biết, Nga đã tuyên bố sẽ tiến hành tiêm chủng đại trà, thậm chí các nhân vật quan trọng cũng đã làm gương bằng cách cho người thân đi tiêm phòng, họ khá dũng cảm. Tuy nhiên, ông Trần cho rằng, vắc xin phải được đánh giá một cách chính xác, ngoài việc xác nhận xem cơ quan có thẩm quyền liên quan của Nga đã xét duyệt thông qua hay chưa, nó còn phụ thuộc vào việc kháng thể có khả năng bảo vệ hay không, có thể duy trì trong bao lâu, có các tác dụng phụ và rủi ro xảy ra hay không.
Ông Trần còn cho hay, hiện nay trên thế giới, các loại vắc xin đang phát triển vẫn chưa hoàn thành qua được giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người, do vậy vẫn chưa có kết luận rõ ràng ở thời điểm hiện tại. Ông cho rằng trong tương lai, các nước sẽ có chung một định hướng chính sách đối với vắc xin, căn cứ theo tình hình cấp bách của dịch đề ủy quyền khẩn cấp. Nhìn chung khi rủi ro không cao, đảm bảo an toàn, đồng thời nắm được tác dụng phụ, thì mới được cấp quyền khẩn cấp để sử dụng.
Dựa vào những cân nhắc trên, để trả lời câu hỏi sau khi tiêm phòng liệu có thể đi lại tự do các nơi hay không, ông Trần cho rằng, mỗi loại vắc xin phải chờ hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III mới có thể khẳng định được liệu kháng thể có đủ khả năng bảo vệ hay không, nên rất khó có được kết quả trước cuối năm nay. Về khả năng bảo vệ của vắc xin thì vẫn còn nhiều nghi ngờ và vẫn còn một chặng đường dài trước khi được sử dụng rộng rãi trong tương lai.
Ông Trần cho biết thêm, Đài Loan cũng đang cân nhắc, nếu tương lai nếu thật sự có vắc xin, thì sẽ sử dụng cho đối tượng nào và vận dụng nó như thế nào, những vấn đề này đòi hỏi quan sát nhiều hơn và thu thập dữ liệu địa phương để có thể nắm bắt tình hình kháng thể một cách toàn diện.
Lư Ất Hân