Nguyễn thị Cỏ May
Người xưa thường nói “Chồng già vợ trẻ là tiên, Vợ già chồng trẻ là duyên 3 đời”. Nhưng trong trường hợp cặp uyên ương Marc Lavoine và Line Papin, tưởng nên nói lại “Chồng già vợ trẻ là duyên 3 đời” mới hợp.
Đúng vậy. Vì họ yêu nhau hết mình. Không ai thấy có sự chênh lệch tuổi tác.Chàng rể trong ngày cưới ở Paris V, được Bà Thị trưởng Paris vừa tái đắc cử làm lễ, một vinh hạnh lớn, tuyên bố với báo chí “Tôi đã ném qua cửa sổ tuổi tác của ông và cả của cô dâu để cả hai chỉ biết sống cho tình yêu và hạnh phúc lứa đôi”.
Trong thực tế, ngay như ở Pháp, không phải không có nhiều cặp “đôi đũa lệch” như vậy. Những cặp này rất hạnh phúc bằng tình yêu chân thật của mình. Bởi họ từ hai người xa lạ mà yêu nhau là nhờ “duyên”, nhưng đến được với nhau, thành vợ thành chồng phải là “phận” 3 đời.
Gần đây, ông cựu Tổng thống François Mitterrand có bà vợ 2, Bà Anne Pingeot, nhỏ hơn ông 27 tuổi: “Năm anh 27, em mới sanh ra đời”!
Vì đã đổi câu ca dao xưa mà chắc ông bà không chịu, nên phải xin trả lại cho cặp uyên ương đang ngự trị nước Pháp hiện nay, ông Tổng thống Emmanuel Macron “Vợ già, chồng trẻ là duyên 3 đời”. Ông chỉ kém bà có 24 tuổi. Nhỏ tuổi hơn con của bà. Bà vô cùng hài lòng làm Đệ I Phu nhơn và thường tìm cơ hội xuất hiện trên truyền thông hay công chúng.
Trong tình yêu, hai người càng khác biệt càng dễ thu hút, bù trừ cho nhau để đối phương tự hoàn thiện hơn. Vợ lớn tuổi sẽ điềm đạm, dịu dàng, đảm đang, như người mẹ, không giận dỗi vì những điều nhỏ nhặt. Bà ấy giúp người đàn ông trẻ con muốn trưởng thành, mà mạnh mẽ hơn, để che chở và bảo vệ cho người vợ già mà mình yêu bằng cả tấm lòng. Đàn ông mang đến những cảm xúc mới mẻ, nhiệt huyết, giúp bà vợ già luôn cảm thấy ấm áp và trẻ trung. Anh giống như nắng ấm an nhiên, em có thể bình yên dựa vào, lúc nào cũng có thể mỉm cười hạnh phúc.
Vả lại chẳng có quy luật nào cho một cuộc hôn nhân. Muốn bền vững và hạnh phúc, điều này phải xuất phát từ cả hai phía. Vì vậy “chồng già vợ trẻ là tiên, “vợ già chồng trẻ là duyên ba đời”!.
Cái đẹp là họ yêu nhau và kết hôn thành vợ chồng, trước luật pháp và trước họ hàng. Trong lúc đó, cũng là Tổng thống Cộng hòa Pháp, ông François Hollande, chỉ yêu và lấy – lấy nhưng không biết có yêu hay không? Và yêu tới đâu? – đặc biệt là không bao giờ làm đám cưới. Thế mà cũng dám đem vào Điện Élysée để bà ấy tự lập Đệ I Phu nhơn của nước Pháp. Ghê thật! Nhưng Hollande vốn là dân chơi nhà nghề nên từ dinh Élysée, đêm xuống, trùm mặt tuy lúc đó chưa có coronavirus, lái moto một mình đi bắt trộm mèo. Truyện đổ bể, Tổng thống bèn nhờ AFP loan tin Tổng thống từ nay “bye bye em” Đệ I Phu nhơn. Và em đành rời khỏi ghế Đệ I Phu nhơn, không kèng không trống!
Chuyện tình giựt gân hay gay cấn của giới lãnh đạo quốc gia chỉ có xảy ra ở Pháp vì “Pháp là nước trước kia có vua, nên ông Tổng thống có nhiều vợ hay nhiều bồ là chuyện bình thường”. Như lời Bà Tổng trưởng Tư Pháp thời Mitterrand trả lời báo chí.
Line Papin và Marc Lavoine
Nhà báo Christine Ferniot (ngày 15/07/20) giới thiệu “Line Papin là nhà văn nữ đáng chú ý trong kỳ khai giảng mùa văn học năm nay (2016)”.
Quyển sách đầu tiên của Line là “L’Éveil” do nhà Stock xuất bản năm 2016, 256 trang, được giải thưởng “Thiên chức” (Prix de la Vocation) và tiếp theo, được giải thưởng “Cành Dương liễu Xanh” (Prix des Lauriers Verts). Năm đó, Line mới 21 tuổi. Tiếp theo, Toni và Les os des filles lần lược được xuất bản.
L’Éveil ra đời lúc Line mới 21 tuổi nhưng sách đã cho thấy sự trưởng thành chín chắn của tác giả. Thật xuất thần!
Line sanh ở Hà Nội, mẹ là người Hà Nội, cha là người Pháp, sử gia chuyên về Việt Nam, Khoa trưởng Lịch sử Trường Pratique des Hautes Etudes, Paris.
Lúc nhỏ ở Hà Nội, Line thường vào Thư viện khu phố đọc sách. Trước cha mẹ, cô đọc sách của cô. Khi một mình, Line say mê đọc thơ, tiểu thuyết cổ điển, những tác phẩm cận đại. Line có thể kể về Valery Larbaud (nhà thơ, tiểu thuyết gia, nhà bình luận, dịch thuật của Pháp) trong lúc các cô gái cùng lứa tuồi thì mê đọc Harry Potter. Có lẽ vì vây mà Line sớm thành người lớn.
Năm 10 tuổi, Line cùng cha mẹ qua Pháp sống. Giữa cảnh nên thơ của khu phố Paris, cô cơ hồ như quên hẳn Hà Nội. Bổng những mùi thơm quyến rũ của hoa, cái nóng ẩm ướt của Việt Nam hâm nóng ký ức của cô. Những cảm xúc đó làm chất liệu cho quyển sách đầu tay của cô về tình yêu và sức hấp dẫn của sách.
Về học vấn, Line học văn chương và lịch sử nghệ thuật.
Trước khi hoàn chỉnh tác phẩm, Line trở về Hà Nội một mình để tìm lại kỷ niệm, những vết tích xưa. Nhưng tất cả đã thay đổi. Ngôi nhà cũ và khu phố đều bị san bằng. Line thất vọng thốt lên “Việt Nam của tôi đã không cò nữa”!
Còn Marc Lavoine? Marc sanh năm 1962, con một nhơn viên Buu điện, cộng sản và vô thần và mẹ làm thư ký, theo công giáo.
Học Trung học kỹ thuật về nghề in, chuyên đóng sách mạ chữ vàng. Marc vẫn luôn luôn mê hài kịch và ca hát. Có lẽ do ảnh hưởng cha thích thổi kèng nhạc jazz, mẹ mơ làm vũ nữ.
Bỏ học năm 16 tuổi, Marc bắt đầu viết bài hát. Lên Paris sanh sống. Marc tìm cách xin vào làm ca kịch. Một cô bạn tìm cho chàng một việc làm soát vé và dẫn khán giả vào chỗ ngồi ở rạp Olympia ở Paris. Và cũng từ đây, Marc được giới thiệu lao hẳn vào ca kịch.
Marc ăn khách nhờ có giọng nói truyền cảm dễ làm rung động lòng người.
Nay thì Marc đã thành danh là ca sĩ, kịch sĩ, ký giả và sống thật sự bằng những đam mê này.
Đám cưới Line và Marc
Hôm 25 tháng 7 vừa qua, Bà Anne Hidalgo, Thị trưởng Paris vừa tái đắc cử hôm cuối tháng 6, tới Tòa Thị xã Quận V làm đám cưới cho ca sĩ Marc Lavoine và nữ tiểu thuyết gia Line Papin. Lễ cưới hành chánh xong, Bà Thị trưởng nhìn tân lang và tân giai nhơn, niềm nở tuyên bố “Marc và Line là 2 người rất đẹp mà tôi yêu quí và ca ngợi”.
Bà Thị trưởng thuộc đảng xã hội Chủ nghĩa nên làm đám cưới cho người khác mà không bao giờ làm đám cưới cho chính mình. Chị bắt bồ và nghe nói đã từng là bồ với ông cựu Tổng thống xã hội chủ nghĩa François Hollande.
Đám cưới của Line và Marc diễn ra thât đẹp, thật ấm cúng, chỉ có vài người trong gia đình của 2 bên và nhơn viên nhà xuất bản của cô dâu có mặt để làm chứng ký hôn thú.
Ngoài ra có 2 ký giả của tuần báo Paris Match, nhiếp ảnh gia Fred Meylan và phóng viên Arthur Loustalot đặc biệt đước tham dự. Điều trùng hợp, không biết tự nhiên hay có chủ ý, cũng chính tuần báo này trước đây đã được ông Mitterrand chọn để phổ biến câu chuyện tình thầm kín của ông với bà Anne Pingeot?
Quên tuổi tác sai biệt, chàng và nàng chỉ biết yêu nhau mãi mãi và cho mãi mãi. Còn nữa. Họ còn nói với nhau những lời yêu nhau, không biết cạn lời!
Theo tập quán, Marc không có quyền thấy áo cưới của cô dâu trước ngày J. Áo của Line do nhà thời trang Delphine Manivet ở Paris thực hiện.
Được cưới người đẹp Line, Marc Lavoine chắc chắn không phải chỉ vì đã ném qua cửa sổ tuổi tác mà thôi. Theo đương sự kể lại, chàng đã 3 lần cầu hôn mới thành công. Lần đầu tiên trong xe taxi, lần thứ nhì, thưa với cha mẹ của Line. Nhưng phải tới lần thứ ba, một hôm trước bạn bè, chàng bèn quì xuống đất, chấp tay, cung kính cầu xin nàng chấp thuận lời cầu hôn.
Tưởng đây cũng là bài học cho những anh chàng cầu hôn gặp khó khăn mà đem áp dụng.
Mối tình của Marc và Line rất đẹp kéo dài suốt hai năm đến khi đám cươi. Thật ra Marc bị cú sét ái tình tuy trước đó, anh đã có 2 đời vợ và có 2 dòng con. Con dòng trước nay khá lớn. Khi nói “chồng già vợ trẻ là duyên ba đời”, theo một cách suy diễn nào đó, nghĩ cũng đúng với trường hợp của Marc vì đây là mối duyên thứ ba. Mà đúng là duyên với cái ý nghĩa đẹp của nó.
Tháng 10/2016, trên chương trình “Carte blanche” của đài France Inter do Marc điều hành, Line được mời tới để nói về quyển sách đầu tay L’Éveil của cô vì Marc đã đọc kỹ tác phẩm và say mê chuyện kể trong sách. Phải nói lúc bấy giờ, Marc đã si tình tác giả. Yêu người qua văn chương. Thật đẹp. Thật lãng mạn!
Tình của văn nhân và nghệ sĩ có khác.
Line nói chuyện xong về quyển sách của mình nhưng nàng lại không ra về ngay. Cố ý náng lại để nói chuyện thêm với nhà báo. Marc đã không chịu nổi cú sét sau khi đọc truyện thì nay Line cũng khó xa lạ với giọng nói nhiệt tình, truyền cảm mãnh liệt của ca sĩ, kịch sĩ và ký giả.
Họ yêu nhau một phần họ cùng cảm thông với nhau về quá khứ của họ mà nay họ không được sống nơi đó. Line mất Hà Nội năm 10 tuổi. Marc mất Algérie. Hai xứ như hai chị em song sinh của Pháp thuộc địa. Nhưng Marc về lại quê hương của cha và mẹ. Còn Line mất hẳn quê Mẹ. Cả kỷ niệm xưa cũng không còn.
Sau thời gian ngắn sống ở Paris, Line bị chứng bịnh nguy hiểm là “chán ăn” (anorexie) nhưng may mắn, Line đã vượt qua được, nên trong ngày cưới, Marc nói “Tôi sẽ đem lại hạnh phúc cho người mất gốc và sống còn qua chứng chán ăn”.
Đám cưới thật sự tổ chức trong vòng thân mật và gia đình nhưng cũng rất giới hạn vì mùa dịch Vũ Hán. Mọi người bổng cảm thấy xúc động khi cùng nghe một tiếng nói ngắn gọn “Oui” (Đồng ý). Tiếng vỗ tay nhẹ nhàng cất lên sau câu “Tôi tuyên bố 2 người là…”. Hai gia đình và cả mọi người có mặt siết tay nhau làm thành một vòng tròn tình thân.
Trước Tòa Thị xã Quận V là Văn miếu Panthéon nơi đây hai năm trước họ lần đầu tiên trao nhau cái hôn tình yêu.
Nguyễn thị Cỏ May