- Mỹ Huyên
Ngày 18/8, Tổ chức Y tế Thế giới WHO cảnh báo, đại dịch viêm phổi Vũ Hán toàn cầu (COVID-19) đã bước sang một giai đoạn mới. Hiện dịch đang bùng phát trên nhóm người trong độ tuổi 20 đến 40, lan rộng nhiều ca nhiễm “không triệu chứng”, gây ảnh hưởng rủi ro rất lớn đến nhóm người dễ bị tổn thương trên toàn thế giới.
Trả lời họp báo, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, tiến sĩ Takeshi Kasai cho biết, hầu hết những người đang độ tuổi thanh niên chưa bao giờ xuất hiện các triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. “Điều này khiến gia tăng nguy cơ lây nhiễm virus cho những nhóm dễ bị tổn thương nhất. Người già, người bệnh, những người cần được chăm sóc lâu dài, những người sống ở các khu vực đô thị đông dân cư và người dân các khu vực nông thôn với sự chăm sóc y tế hạn chế đều bị ảnh hưởng”.
Ông nói, các nhà lãnh đạo trên thế giới và công chúng cần phải “nỗ lực gấp bội” để ngăn chặn virus xâm nhập vào các cộng đồng nơi có các nhóm yếu thế. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu nguyên nhân tại sao căn bệnh này có thể phát triển thành chứng bệnh nghiêm trọng ở một số cá nhân.
Theo dữ liệu của worldometers, tính đến thứ Sáu (ngày 21/8), virus corona mới (còn gọi là virus Trung Cộng) đã lây nhiễm cho hơn 22.863.000 người trên toàn thế giới, trong đó hơn 797.100 ca tử vong.
Đầu tháng Tám này, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố báo cáo kết quả phân tích 6 triệu ca nhiễm trong khoảng thời gian từ ngày 24/2 – 12/7, và phát hiện tỷ lệ lây nhiễm trong độ tuổi từ 15 – 24 đã tăng từ 4,5% lên 15% chỉ trong vài tháng ngắn ngủi
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu tại Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết, các bác sĩ ngày càng phát hiện nhiều biến chứng do COVID-19 ở người trẻ tuổi. Ông kêu gọi các bạn trẻ không nên xem nhẹ vấn đề này.
Fauci cũng nói rằng ông chưa bao giờ thấy loại virus nào tại những cá nhân khác nhau lại có khả năng gây ra các triệu chứng đa dạng như loại virus này.
Ngày 13/8, nghiên cứu của Đại học Nam California công bố trên tạp chí quốc tế ‘Frontiers in Public Health’ cho biết, những triệu chứng sớm nhất của các ca nhiễm virus Trung Cộng có thể là: lên cơn sốt, tiếp đến là ho khan và đau cơ, sau đó là buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy. Phát hiện mới nhất này được coi là một bước đột phá lớn trong việc nghiên cứu loại virus này, cung cấp cho bệnh nhân cách nhận biết bệnh nhanh hơn và tiến hành điều trị phù hợp.
Chẩn đoán sớm là mấu chốt để ngăn ngừa tình hình lây nhiễm trở nên nghiêm trọng. Hơn nữa, việc phát hiện sớm tình trạng bệnh có thể làm giảm thời gian nằm viện.
Nghiên cứu sinh tiến sĩ kiêm trưởng nhóm nghiên cứu Joseph Larsen cho biết: “Thứ tự các triệu chứng rất quan trọng. Hiểu được trình tự các triệu chứng sẽ giúp các bác sĩ có thể nhanh chóng xác định xem ai đó có thể đã bị lây nhiễm hay chưa, nhiễm COVID-19 hoặc một bệnh khác (chẳng hạn như bệnh cúm), có thể giúp họ đưa ra quyết định điều trị tốt hơn. “
Các triệu chứng ban đầu của virus Trung Cộng rất giống với các bệnh đường hô hấp khác (chẳng hạn như MERS và SARS). Tuy nhiên “thời điểm” xuất hiện vấn đề về tiêu hóa chính là lúc virus dễ bị phát hiện nhất.
Các nhà khoa học đã viết trong báo cáo rằng: “Trong các ca nhiễm COVID-19, các vấn đề về đường tiêu hóa trên (buồn nôn/ói mửa) dường như xuất hiện sớm hơn đường tiêu hóa dưới (tiêu chảy), điều này ngược lại với MERS và SARS.”
Mỹ Huyên