Vũ Dương | DKN 10 giờ trước 1,004 lượt xem
Ông Ngô Cường, cựu giảng viên đại học Thanh Hoa nói rằng sự việc loại này vô cùng phổ biến. Người dân đã để lại nhiều bình luận phẫn nộ đối với sự việc này.
Năm nay, lũ lụt ở lưu vực sông Dương Tử kéo dài gần ba tháng, lúc gây cấn nhất không có lãnh đạo cấp cao nào của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đến vùng thảm họa để an ủi người dân. Hiện, nhiều nơi ở Tứ Xuyên vẫn đang ngập lụt. Tỉnh An Huy sau khi nước lũ đã rút bớt thì lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình lại bất ngờ xuất hiện, hành động này bị chỉ trích là “mã hậu phá” (thuật ngữ trong cờ tướng, ví với hành động không kịp thời, chẳng giúp ích được gì). Ngày trước, có cư dân mạng tiết lộ một “nữ nạn nhân” được ông Tập Cận Bình đặc biệt “ghé thăm” trong chuyến thị sát lần này chính là đội phó đội công an đóng giả, càng khiến dư luận một phen dậy sóng.
Hai video trái ngược hẳn nhau về chuyến thị sát của ông Tập Cận Bình với những “dân làng” được cho là quan chức địa phương đóng giả và tình cảnh thê thảm với tiếng khóc xé lòng của người dân vùng lũ bị buộc phải di tản.
Phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ hôm thứ Ba (18/8) đã tung loạt ảnh về chuyến thăm đặc biệt các nạn nhân vùng lũ tỉnh An Huy của ông Tập Cận Bình, đồng thời đăng tải lời trò chuyện của ông Tập với các nạn nhân vùng lũ. Ông Tập nói: “Trước giờ tôi vẫn luôn lo lắng đến người dân vùng lũ, giờ thấy đời sống sản xuất của bà con dân làng nơi đây đều đã có chỗ trông cậy, có được hy vọng, lòng tôi đã thấy yên tâm”.
Hình ảnh cho thấy khi ông Tập Cận Bình đến thăm nhà riêng của một hộ dân, chào đón ông là một phụ nữ đang bế cô con gái trên tay. Tấm ảnh cho thấy người phụ nữ rất hạnh phúc với nụ cười rạng rỡ trên gương mặt khi được lãnh đạo ghé thăm. Các quan chức đã cố gắng tạo ra bầu không khí cho thấy ông Tập Cận Bình yêu dân như con, còn người dân cũng rất quý trọng lãnh đạo.
Tuy nhiên, có cư dân mạng “tinh mắt” đã phát hiện ra “nữ nạn nhân vùng lũ” này rất giống với cô Diêm Tĩnh – đội phó đội an ninh huyện Phụ Nam, tỉnh An Huy.
Cư dân mạng không khỏi đặt nghi vấn rằng “nạn nhân vùng lũ” này căn bản chỉ là một diễn viên tạm thời đã được sắp đặt trước.
Trên thực tế, mỗi khi các quan chức ĐCSTQ cần đến những “bức ảnh tuyên truyền” tương tự, họ đều sẽ bố trí các quan chức và công chức đến từ nhiều vùng khác nhau đóng giả “dân làng”, theo Secretchina.
Tất nhiên, điều này rất có thể cũng liên quan đến vấn đề an toàn. Trước đó đã có bài viết phân tích rằng ông Tập Cận Bình mãi không đến vùng lũ dọc sông Dương Tử khảo sát chính vì lo sợ tình hình hỗn loạn và công tác an ninh khó đảm bảo, sự an toàn của Tập rất dễ gặp vấn đề.
Cư dân mạng đã mạnh mẽ chỉ trích cách làm của ĐCSTQ căn bản là “lừa mình dối người”. Cư dân mạng nhao nhao để lại bình luận, sau đây là tổng hợp của Secretchina:
“Mỗi lần Bí thư tỉnh ủy đi thị sát, hầu như các lãnh đạo mà ông ấy tiếp xúc đều là giới chức từ cấp trung trở lên, bản thân tôi cũng từng trải qua”.
“Nước da của người ‘dân làng bị nạn’ này vừa trắng nõn vừa căng mịn, thật khiến nhiều chị em sống ở thành thị cũng phải ghen tị”.
“Chế độ này thật sự quá thối nát! Thật là ghê tởm! Rõ ràng trong lòng họ thừa biết hai bên đang dối gạt lẫn nhau, một bên gắng sức dối gạt, một bên thoải mái giả vờ như không có gì, thậm chí còn tận hưởng một cách thích thú, chỉ có thể nói rõ đều là một phường thối nát”.
“Mấy lần trước, diễn viên tìm được thường đều rất chuyên nghiệp đến nỗi khiến người xem cảm động không thôi, sao lần này lại bất cẩn như vậy, chưa chi đã lộ tẩy rồi?”
“Tìm người dân phổ thông đến trình diễn thật sự quá mạo hiểm, chẳng may trong gia đình một người nào đó có thân nhân đã bị viêm phổi Vũ Hán hoặc bị nạn do chính quyền xả lũ, như vậy khả năng liều chết với Tập sẽ rất cao”.
“Thật sự không biết đã tạo bao nhiêu ác nghiệp rồi, đến cả gặp một thôn nữ bình thường cũng phải tìm đến một nữ phó đội trưởng công an đóng giả!”
Trong một cuộc phỏng vấn với đài nước ngoài, ông Ngô Cường – cựu giảng viên khoa Chính trị học của trường đại học Thanh Hoa nói rằng sự việc loại này vô cùng phổ biến, ngay dưới thời của ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo cũng như vậy. Ông nói: “Các quan chức địa phương dựng lên nhiều màn kịch để ứng phó hoạt động thị sát của giới lãnh đạo như vậy. Màn diễn như vậy thường được áp dụng với thị sát từ trung ương hoặc các cấp cao hơn, kỳ thực đó đã là thông lệ của địa phương. Hầu hết trong mỗi chuyến thị sát của người lãnh đạo trong suốt 8 năm qua, chúng ta đều có thể bắt gặp tình cảnh tương tự sau thời điểm hoặc ngay trong thời điểm sự việc diễn ra”.
Miền nam Trung Quốc từ tháng 6 đến nay lũ lụt hoành hành, đến cuối tháng 7 thì thảm họa đã lan từ miền nam lên miền bắc. Giờ đây, trận lũ số 5 trên sông Dương Tử ập đến, các tỉnh Tứ Xuyên và Trùng Khánh nằm ở thượng nguồn sông Dương Tử đang trong tình trạng nguy kịch. Trước đó chưa bao giờ thấy ông Tập Cận Bình thị sát vùng lũ mà chỉ đưa ra chỉ thị, hành động này vấp phải rất nhiều lời chỉ trích.
Gần đây, giới lãnh đạo của ĐCSTQ đã liên lục xuất hiện trước truyền thông, có nghĩa là Hội nghị Bắc Đới Hà đã kết thúc. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, vào ngày 18/8 ông Tập Cận Bình đã xuất hiện tại tỉnh An Huy để thị sát vùng lũ ở sông Hoài, xem xét về công tác phòng chống lũ và cứu trợ thiên tai cũng như việc khôi phục hoạt động sản xuất.
Mùa lũ năm nay dường như An Huy không phải nơi bị lũ nặng nề nhất, nhưng đã hứng chịu thảm họa lũ lụt do con người gây ra. Để bảo vệ các thành phố như Bạng Phụ ở hạ lưu sông Hoài, vào ngày 20/7 chính quyền tỉnh An Huy đã ra lệnh cho mở cửa cống xả lũ tại đập Vương Gia ở huyện Phù Nam thành phố Phụ Dương, xả nước vào khu trữ nước Mông Oa khiến 4 thị trấn nhỏ nơi đây bị nạn, 200.000 ngôi nhà bị ngập trong nước lũ.
Nhưng khi ông Tập Cận Bình đến An Huy thì lũ đã rút, vậy nên Tập bị giới bình luận hải ngoại chế giễu là “mã hậu pháo”, ý chỉ hành động không kịp thời, chẳng giúp ích được gì. Qua những bức ảnh chụp và tin tức mà truyền thông ĐCSTQ rầm rộ đưa tin có thể thấy trong suốt chuyến đi của ông Tập, hết thảy những gì ông thấy được đều là hình thế tốt đẹp, chứ không thấy cảnh người dân phải oằn mình trong mưa lũ, cho đến nỗi đau đớn thống khổ khi bị mất người thân mất nhà cửa, mùa màng mất trắng, nguồn sống không còn, thậm chí không biết phải đi đâu về đâu, bởi đơn giản trong suốt chuyến thị sát của ông Tập, đâu đâu cũng đều là hình thế tốt đẹp do những “diễn viên quần chúng” mang đến.
Theo Lin Zhongyu, Secretchina
Vũ Dương biên dịch