Bắc Kinh gia hạn thuế chống bán phá giá sản phẩm cáp quang của Ấn Độ

  • Ngân Hà

Xung đột thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc không có dấu hiệu giảm nhiệt khi New Delhi tiếp tục tăng cường động thái kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu Trung Quốc, còn Bắc Kinh vào cuối tuần trước cũng gia hạn thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cáp quang từ Ấn Độ.

Từ sau cuộc đụng độ biên giới, tại Ấn Độ đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi áp thuế đối với hàng trăm sản phẩm hàng hoá Trung Quốc, gồm hàng điện tử, hàng gia dụng, bên cạnh những lệnh cấm các ứng dụng của Trung Quốc Tik Tok, WeChat và MiBrowser Pro vì lý do an ninh.

Một đánh giá cơ sở dữ liệu chống bán phá giá của Ấn Độ cho thấy nhà chức trách nước này đã tăng số lượng các cuộc điều tra đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu, đồng thời áp các loại thuế mới trên nhiều sản phẩm sau cuộc đụng độ biên giới hồi tháng Sáu, khiến 20 binh sĩ Ấn độ thiệt mạng và làm bùng nổ nhiều chiến dịch tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.

Ấn Độ đã bắt đầu hai cuộc điều tra mới về chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với “bột màu công nghiệp ánh ngọc trai dựa trên mica tự nhiên” của Trung Quốc, thường được dùng để tạo ra hiệu ứng phủ mờ trong sơn và mỹ phẩm, và đối với sợi xơ dài được sử dụng làm vải.

Trong tháng Bảy, Ấn Độ cũng tăng thuế bảo hộ lên 14,5% đối với các tế bào quang điện mặt trời từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước. Đầu tháng này, họ đưa ra một quyết định sơ bộ về thuế chống bán phá giá đối với nhựa nhiệt dẻo nhân tạo do Trung Quốc sản xuất.

Hôm 13/8, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách gia hạn một loại thuế từ năm 2014 đối với sợi cáp quang Ấn Độ thêm 5 năm.

Tranh chấp thương mại về sợi cáp quang, được sử dụng trong mạng viễn thông và truyền hình cáp, cho thấy nỗ lực của Trung Quốc để bảo hộ các nhà sản xuất trong nước. 

Trung Quốc đã áp đặt các loại thuế chống bán phá giá tương tự đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc từ năm 2005.

Theo Hội đồng Phòng vệ Thương mại Ấn Độ, Thị trường Trung Quốc – nơi sản xuất và tiêu thụ cáp quang lớn nhất thế giới – đang đối mặt với tình trạng sụt giảm do sản xuất dư thừa và nhu cầu trong nước xuống thấp. Hơn nữa, cáp do Trung Quốc sản xuất không được các nhà khai thác viễn thông lớn tại nhiều nước phương Tây, gồm cả Mỹ và phần lớn châu Âu chấp thuận sử dụng.

Vì thế, các nhà sản xuất Trung Quốc có thị trường quốc tế hạn chế và buộc phải giảm sản lượng của họ trong các thị trường đang phát triển gần đó.

Trước việc Trung – Ấn gia tăng xung đột, các nhà kinh tế nghi ngờ việc liệu Ấn Độ có thành công trong việc vũ khí hoá thương mại chống Trung Quốc như Mỹ hay không, do sự phụ thuộc của họ vào hàng hoá Trung Quốc.

Jingdong Yuan, một chuyên gia an ninh về Châu Á – Thái Bình Dương tại Đại học Sydney, nói rằng Ấn Độ không thể khiến Trung Quốc tổn thất bằng cách sử dụng vũ khí thương mại vì sự phụ thuộc quá lớn của họ vào hàng hoá Trung Quốc.

Ông Jingdong nói: “trừ phi Ấn độ có khả năng tìm được những nguồn hàng thay thế  qua sản xuất nội địa hoặc các nhà cung cấp bên thứ ba, việc Ấn Độ cố gắng vũ khí hoá vấn đề thương mại có thể tự gây tổn hại cho chính họ.” 

Việc tẩy chay hàng hoá và tách rời kinh tế là phản ứng dân tuý nhiều hơn là một lựa chọn kinh tế hợp lý, ông Richard Hu, một chuyên gia kinh tế chính trị quốc tế Đại học Hồng Kông, nhận định.

“Trong khi vấn đề biên giới và cạnh tranh an ninh khu vực không dễ dàng tìm được lối thoát …. Bắc Kinh và New Delhi có thể và cần phải tìm nhiều lĩnh lực hợp tác hơn nữa trong các vấn đề an ninh phi truyền thống,” ông nói.

Ngân Hà (theo SCMP)

Related posts