Bắc Kinh nỗ lực thu hút các nhà khoa học hàng đầu để có được bí quyết công nghệ

  • Cathy He

Theo một báo cáo mới, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới với 600 ‘tiền đồn’ trên khắp thế giới để tuyển dụng các chuyên gia và các nhà khoa học nước ngoài nhằm có được công nghệ hiện đại.

Kế hoạch nghìn nhân tài của Trung Quốc được triển khai mạnh mẽ khắp thế giới (Ảnh: NIH)

Các quan chức Mỹ đang ngày càng cảnh giác trước việc Bắc Kinh đang sử dụng các kế hoạch tuyển dụng do nhà nước hậu thuẫn để tạo thuận lợi cho việc chuyển công nghệ và bí quyết của Mỹ về Trung Quốc. Theo các kế hoạch này, các chuyên gia nước ngoài sẽ được trả lương để làm việc tại Trung Quốc, bao gồm cả việc thành lập các phòng thí nghiệm và tiến hành nghiên cứu tại các cơ sở nghiên cứu ở Trung Quốc.

Báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), một tổ chức tư vấn chính phủ, lần đầu tiên miêu tả chi tiết một hệ thống toàn cầu rộng lớn của Bắc Kinh nhằm tìm kiếm và thu hút các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu và công ty ở phương Tây.

Theo báo cáo, ĐCSTQ tận dụng ít nhất 600 “cơ sở công tác tuyển dụng nhân tài” trên khắp thế giới để hỗ trợ cho các chương trình nhân tài của mình. Hoa Kỳ là nơi có nhiều trạm nhất với 146 cơ sở, trong khi các nước tiên tiến khác bao gồm Đức, Úc, Anh, Canada, Nhật Bản, và Pháp cũng đều có hàng chục cơ sở ở mỗi nước.

“Các cơ sở này làm việc đại diện cho chính phủ Trung Quốc để tìm kiếm phát hiện và theo đuổi thu hút các nhân tài ở nước ngoài,” báo cáo nêu rõ.

Báo cáo cho biết các cơ sở này được thành lập lần đầu tiên vào năm 2006, sau đó chính quyền cộng sản Trung Quốc đã dần triển khai các cơ sở này trên khắp thế giới trong những năm qua. Chỉ riêng năm 2018, hơn 115 trong số 600 cơ sở đã được thành lập.

Trích dẫn số liệu thống kê chính thức,  báo cáo cho biết từ năm 2008 đến năm 2016, các kế hoạch nhân tài của ĐCSTQ đã tuyển dụng gần 60.000 chuyên gia nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc đang điều hành hơn 200 chương trình tuyển dụng nhân tài, trong đó nổi tiếng nhất là “Kế hoạch ngàn nhân tài”.

Theo báo cáo, các cơ cở này thường được điều hành bởi các tổ chức địa phương như hiệp hội cộng đồng, hiệp hội nghề nghiệp, hiệp hội sinh viên hoặc hiệp hội doanh nghiệp. Chính quyền Trung Quốc ký hợp đồng với các tổ chức này để tuyển dụng những cá nhân tài năng. Báo cáo còn nêu rõ chính phủ Trung Quốc trả lương cho mỗi người mà họ tuyển dụng ở mức 29.000 USD và chi phí hoạt động lên đến 21.000 USD một năm.

Báo cáo còn cho biết thêm các văn phòng ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc cũng có các cơ sở tuyển dụng, và một cơ sở như vậy cũng đã được đặt ở Viện Khổng Tử tại Đại học College Dublin. Các Viện Khổng Tử là các trung tâm ngôn ngữ do Bắc Kinh tài trợ, đã gây ra sự chỉ trích dữ dội về vai trò của nó trong việc truyền bá các thông tin tuyên truyền của ĐCSTQ và bịt miệng những bất đồng chính kiến trong các lớp học ở Mỹ.

Những phát hiện này được đưa ra khi Hoa Kỳ tăng cường giám sát những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm đạt được bí quyết công nghệ bằng cách thu hút các nhân tài Mỹ. Các quan chức Hoa Kỳ đã viện dẫn việc Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston tìm cách tuyển dụng các nhà khoa học Mỹ như một lý do để ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán này trong tháng 7.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ trong năm qua đã thực hiện truy tố nhiều vụ chống lại các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Mỹ bị cáo buộc đã che giấu mối quan hệ của họ với Trung Quốc và việc nhận tài trợ từ Trung Quốc, trong khi vẫn đồng thời nhận tiền tài trợ của liên bang.

Đầu năm nay, ông Charles Lieber, cựu trưởng khoa hóa của Đại học Harvard, đã bị truy tố về tội khai báo sai việc ông tham gia vào “Kế hoạch ngàn nhân tài” và nhận 2,25 triệu USD tiền tài trợ của Trung Quốc trong ba năm. Các công tố viên miêu tả trường hợp này là “một trong những cáo buộc hành vi sai trái nghiêm trọng nhất liên quan đến một chương trình tuyển dụng nhân tài.” Các quan chức cho biết ông Lieber đã nhận hơn 15 triệu USD tiền tài trợ của liên bang kể từ năm 2008. Tuy nhiên, ông Lieber đã không nhận tội.

Mặc dù bản thân việc tham gia vào các chương trình nhân tài của Trung Quốc không phải là bất hợp pháp, nhưng các nhà nghiên cứu được yêu cầu phải khai các nguồn tài trợ nước ngoài khi nộp đơn xin tài trợ của liên bang. Các quan chức Mỹ đã yêu cầu các trường đại học tăng cường rà soát các xung đột giữa lợi ích và các nguồn tài trợ nước ngoài.

Báo cáo cho biết rằng các cơ quan thuộc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) của ĐCSTQ cũng đã thành lập nhiều cơ sở tuyển dụng. UFWD điều phối hàng ngàn tổ chức để thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị ở nước ngoài như đàn áp các phong trào bất đồng chính kiến, thu thập thông tin tình báo, và giúp chuyển công nghệ về Trung Quốc. Một loạt các cơ quan khác của Trung Quốc cũng tham gia thành lập các cơ sở tuyển dụng ở nước ngoài, bao gồm các trường đại học, các hiệp hội khoa học do nhà nước hậu thuẫn, và các văn phòng chuyên gia nước ngoài.

Theo báo cáo, quân đội Trung Quốc cũng sử dụng mạng lưới này để tuyển dụng nhân tài. Các cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc có liên kết với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và các công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đều đang tích cực tuyển dụng các chuyên gia nước ngoài. Ví dụ, Viện Vật lý Kỹ thuật Trung Quốc, nơi điều hành chương trình vũ khí hạt nhân của PLA, đã tuyển dụng 57 nhà khoa học thông qua chương trình “Kế hoạch ngàn nhân tài” tính đến năm 2014.

Báo cáo cũng nhấn mạnh mối liên quan giữa việc tuyển dụng nhân và các vụ án gián điệp kinh tế. Vào tháng 5/2019, công ty Tesla đã kiện cựu nhân viên của mình, ông Cao Guangzhi, về cáo buộc ăn cắp tính năng lái tự động mã nguồn của công ty trước khi ông gia nhập vào một công ty khởi nghiệp đối thủ, công ty Xiaopeng Motors đặt tại Quảng Châu. Ông Cao sau đó đã thừa nhận việc tải các tập tin lên iCloud của mình nhưng phủ nhận rằng hành động của mình đã gây tổn hại cho Tesla. Vụ án vẫn chưa được xét xử.

Một thập kỷ trước vụ kiện, ông Cao là đồng sáng lập Hiệp hội các Tiến sĩ Ôn Châu ở Hoa Kỳ. Hiệp hội này đã hợp tác chặt chẽ với chính quyền Ôn Châu kể từ khi thành lập, báo cáo cho biết. Ôn Châu, một thành phố nằm ở phía nam Thượng Hải, là một trung tâm thương mại và sản xuất của Trung Quốc.

Báo cáo còn cho biết Hiệp hội này đã ký hợp đồng với chính phủ Trung Quốc để điều hành một cơ sở tuyển dụng nhân tài vào năm 2010, số thành viên của họ đã tăng lên hơn 100 người chỉ trong vào năm, bao gồm các kỹ sư của các công ty công nghệ hàng đầu như Google, Apples, và Amazon cho đến các học giả của Harvard và Yale và cả các nhân viên chính phủ Hoa Kỳ.

Theo báo cáo, Hiệp hội này cũng đã giúp Đại học Ôn Châu tuyển dụng một nhà khoa học vật liệu từ Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne của chính phủ Mỹ.

Theo Epoch Times

Gia Huy biên dịch

Related posts