Thụy My
Những cuộc theo dõi, các vụ bắt bớ người đối lập ngày càng nhiều, với cáo buộc « thông đồng với thế lực nước ngoài ». Phải chăng Hồng Kông đang sống trong những ngày tự do cuối cùng ?
Đang trong mùa hè, tuy nhiên chỉ có tuần báo L’Obs chọn chủ đề “Khi tình bạn cũng mạnh mẽ như tình yêu”. Hồ sơ của L’Express nói về “Dân túy châu Âu : Berlusconi, người nổi bật nhất”, Courrier International phân tích “Mạng xã hội làm hủy hoại dân chủ”. Riêng Le Point đăng ảnh hai nhà hoạt động nổi tiếng của Hồng Kông là Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) và Chu Đình (Agnes Chow), chạy tựa “Những ngày cuối cùng của Hồng Kông” với dòng tít nhỏ phía trên “Những nền văn minh đã chết đi như thế nào”.
Các nhà hoạt động bị theo dõi ráo riết
Hồ sơ của Le Point mở đầu bằng bài viết về những cuộc theo dõi, các vụ bắt bớ người đối lập ngày càng nhiều với cáo buộc “thông đồng với thế lực nước ngoài”, mà tuần báo Pháp gọi là “Những ngày cuối cùng của Hồng Kông”.
Gọi ai đây nếu có những kẻ khả nghi theo dõi bạn suốt nhiều ngày? Câu hỏi này đang ám ảnh các nhà đấu tranh ở Hồng Kông. Tối thứ Sáu 14/08, dân biểu Hứa Trí Phong (Ted Hui Chi Fung) 38 tuổi, nhận ra một chiếc Mazda đen theo đuôi đến tận nhà. Anh quyết định đối mặt với những người này, nhưng họ dấn lên, tìm cách tông vào anh. Hàng xóm quay lại cảnh này và báo cảnh sát. Nhưng rốt cuộc cảnh sát nói những người trong chiếc xe này là “nhà báo”, và khi Hứa Trí Phong chận chiếc Mazda lại, chính anh lại bị nhân viên công lực đè ngã xuống đất.
Hoàng Chi Phong biết rõ hiện tượng này từ rất lâu : anh bắt đầu bị theo dõi cách đây 8 năm, nghĩa là lúc mới 15 tuổi, bởi các « nhà báo » thân Bắc Kinh ! Bốn chiếc xe theo đuôi, và một người đi mô-tô phối hợp bằng bộ đàm. Chu Đình, cũng 23 tuổi, hôm 09/08 đăng lên Facebook cho biết “có nhiều người khả nghi” thay phiên giám sát trước nhà cô, và tối hôm sau thiếu nữ này bị bắt ngay sau vụ bố ráp tỉ phú Lê Trí Anh.
Bắt bớ vì đợt quyên góp để vận động ủng hộ Hồng Kông
South China Morning Post dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết nhiều vụ câu lưu có liên quan đến một cuộc quyên góp năm 2019 trên trang web GoFundMe và Standwithhk.org. Tên của chương trình này là “Laam Caau” (“Lãm Sao” – hãy cháy lên cùng nhau), nhằm vận động quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, để trừng phạt Bắc Kinh. Chương trình đã quyên được trên 1,5 triệu euro, trong đó chỉ có 115.000 euro là từ nước ngoài để tài trợ cho việc đăng quảng cáo và các bài diễn đàn tại nhiều nước.
Theo người biểu tình, chiến dịch này đã mang lại hiệu quả : Hoa Kỳ chấm dứt chế độ ưu đãi và “Made in Hong Kong”, 11 nhà lãnh đạo bị trừng phạt, Anh mở cửa cho người Hồng Kông sang tị nạn. Nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc coi đây là sự “phản bội”. Ông Lê Trí Anh cùng người thân bị cáo buộc tham gia chiến dịch “Lãm Sao”, Chu Đình và hai nhà hoạt động bị bắt vì cho là có dính líu (nhưng theo Hoàng Chi Phong thì thông tin về cô là sai lạc).
Đối với người dân Hồng Kông, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, hơn bao giờ hết, là “bảo hiểm nhân thọ” cho họ. Bắc Kinh với luật an ninh quốc gia dễ dàng đè bẹp phong trào dân chủ, nhưng chừng như vẫn chưa dám áp dụng hoàn toàn. Trước làn sóng ủng hộ, tất cả những người bị bắt hôm 10/08 đều được tại ngoại hầu tra.
Dù bị áp lực rất lớn, phe dân chủ vẫn quyết không lùi bước. Hôm 11 và 12/07, khi huy động được đến 600.000 cử tri đi bầu, đối lập đã chứng tỏ vẫn luôn tập hợp được lòng dân. Lấy cớ dịch bệnh, chính quyền Hồng Kông đã hoãn lại kỳ bầu cử Nghị Viện một năm, và từ giờ cho đến lúc đó, các lãnh tụ đối lập hẳn sẽ đối mặt với một loạt vụ khởi tố.
Niềm hy vọng nơi cộng đồng quốc tế
Trong bài trả lời phỏng vấn, nhà hoạt động trẻ tuổi Hoàng Chi Phong đặt câu hỏi “Liệu thế giới có bảo vệ cho Hồng Kông hay không?”
Lãnh tụ sinh viên cho biết, vụ ông Lê Trí Anh và cô Chu Đình bị bắt là một cú sốc đối với anh. Bảy giờ rưỡi sáng hôm đó, có người gọi lại hỏi anh có bị bắt hay chưa, và loan báo sự kiện. Hoàng Chi Phong cho rằng mục tiêu tiếp đến rất có thể là mình, nhưng anh quyết chiến đấu cho đến phút cuối, và mọi sự còn tùy thuộc vào phản ứng của quốc tế.