Việt Luận
Vào tháng Tám, ngày 18, năm 1966 liên quân Úc-Tân Tây Lan đã chạm súng ác liệt với Cộng Quân tại khu rừng cao su ở Long Tân, trong tỉnh Phước Tuy, Việt Nam.
Hai bên quần thảo dưới những tàn cây cao su và cơn mưa rất nặng hạt. Phía Cộng Sản có trung đoàn 5 và tiểu đoàn 445 bộ đội Bắc Việt. Quân số chắc là không dưới ngàn người. Phía Úc chỉ vỏn vẹn 105 binh sỹ thuộc đại đội D, tiểu đoàn 6, trung đoàn 6 Hoàng Gia Úc (6RAN) cộng thêm 3 binh sỹ New Zealand thuộc pháo đội 161. Nghĩa là một phải chọi với ít nhất 10.
Có những lúc (như vào 4 giờ 30 chiều 18.8) trung đội 11 Úc phải chận hai đợt xung phong biển người – mỗi đợt từ 50 đến 100 Cộng Quân. Và pháo binh New Zealand phải bắn vào sườn phải, trái và phía trước phòng tuyến của quân ta. Khi trung đội trưởng tử thương, một trung sỹ phải cầm quân thế chỗ và gọi pháo binh bắn thật gần lên đầu của mình.
Trận đánh kéo dài từ chập tối cho tới nửa đêm. Khi tàn tiếng súng, Úc ngậm ngùi khóc cho 18 chiến binh da ngựa bọc thây và thêm 42 quân nhân khác bị thương. Về phía Cộng Sản, khó biết họ thiệt hại bao nhiêu vì Cộng Sản bất cần sinh mạng. Ngày nay khi nhớ lại lúc thu dọn chiến trường, cựu chiến binh Adrian Roberts – người chỉ huy 10 thiết vận xa yểm trợ cho đồng đội tại Long Tân – tả lại chiến trường: ‘trông giống như một lò sát sinh, một tiệm mổ thịt đầy máu me, It was like a bloody great butcher’s shop, an abattoir… Được biết: hôm đó lính Úc phải đào một cái hố khá sâu và chôn 245 xác Việt Cộng.
Hàng năm, Úc tưởng niệm trận Long Tân tại rất nhiều địa phương. Năm nay giữa cơn dịch Corona và chưa tới cuối tuần, Việt Luận đã thấy các nơi như Port Macquarie-Hastings, Nelson Bay, Bundaberg, Springwood,Nambucca Heads, Goulburn, và Taree,… tổ chức tưởng niệm Long Tân.
Khi dừng chân tại các thị trấn ở Úc, chúng ta thấy ở đó có hội quán cựu chiến binh (RSL Club) và thêm tượng đài. Hội quán là nơi cựu chiến binh sau khi rủ áo trận tìm tới chè chén cũng đủ ‘lãng quên đời’. Còn tượng đài là nơi ẩn khuất hồn của nhiều Kinh Kha da ngựa bọc thây! Ở tượng đài thường khắc tên chiến sỹ đã bỏ mình ở trận tiền, vì thế người Úc gọi tượng đài là ‘cenotaph’. ‘Cenotaph’ không khác gì một bia mộ dành cho người đã khuất.
Qua 10 năm tham chiến chống Cộng Sản ở Việt Nam (1962-1972), Úc đã gởi sang Việt Nam hơn 60 ngàn chiến binh. Úc thiệt hại 521 con dân. Danh tính của họ khắc vào đài tưởng niệm chiến tranh ở Việt Nam nằm trên ANZAC Parade tại thủ đô Canberra. Nơi đây, hàng năm người mình đến đặt vòng hoa để nhớ người nằm xuống vì tự do và dân chủ cho Việt Nam. Ngoài ra, ở mỗi ‘cenotaph’ đều ghi đậm danh tính của từng người con yêu trong thị trấn đã bỏ mình nơi trận tiền. Thông thường, lễ tưởng niệm Long Tân được cử hành trước ‘cenotaph’ ở từng địa phương.
Khi kỷ niệm Long Tân – hay bất kỳ trận đánh nào của quân đội hoàng gia Úc, người Úc không đặt nặng ai thắng ai cho bằng ghi lòng tạc dạ hy sinh mạng sống của người nằm xuống và trân quý đóng góp to lớn của người được may mắn trở về.
Ai trở về thì lòng nặng trĩu những đau thương. Cựu chiến binh Brian Duncan, OAM bây giờ sống tại Nambuca Heads, Qld. nhớ lại 12 tháng phục vụ tại Việt Nam: ‘Tôi nhớ hoài những lúc phải chiến đấu trong rừng rậm. Ở đó, người ta phải cẩn mật mỗi ngày 24 tiếng và mỗi tuần đủ 7 ngày, không ai biết chuyện gì sắp xảy ra …’. Ông nhớ từng chi tiết trong những ngày gian khổ và từng đồng đội: ‘Tất cả đều hút thuốc như ống khói tàu và khi hành quân thì không được tắm rửa hay thay quần áo gì cả – có khi suốt 28 ngày … các bạn có thể thấy chúng tôi hôi thúi chừng nào! Chúng tôi đã mất chín đồng đội – mỗi ngày tôi đều nhớ tới họ’.
Đáng tiếc, Cộng Sản đã thành công khi bôi đen những đóng góp và hy sinh của chiến binh Úc chiến đấu tại Việt Nam. Thực tình mà nói thanh niên Úc sang Việt Nam chiến đấu chỉ làm bổn phận công dân. Khi đó Úc ban lệnh động viên và ngày sinh của họ lọt vào trái banh Lotto thì lên đường. Các chàng trai trẻ này chỉ làm tròn bổn phận công dân, dù cho ‘Nguy Hiểm Cận Kề, Danger Close…’ (như tên cuốn phim được trình chiếu vào năm ngoái). Vậy mà đã có biểu tình phản chiến do Cộng Sản giật dây xảy ra ở Sydney, Melbourne và vài thành phố lớn khác. Đến khi con em của họ từ Việt Nam trở về lại bị họ lạnh lùng, khinh bỉ, và có khi chửi bới…
Vào năm 1987, thủ tướng Úc Bob Hawke chọn ngày kỷ niệm 18.8 của trận Long Tân làm ngày cựu chiến binh Việt Nam (Vietnam Veteran’s Day). Cựu chiến binh chiến đấu tại Việt Nam trở thành hội viên của tổ chức cựu chiến binh Úc (RSL) và mở rộng nhiều sinh hoạt tương trợ giữa những người trở về từ mặt trận. Chỉ trong năm ngoái hơn 30 ngàn cựu chiến binh và thân nhân đã được tổ chức Open Arms đón tiếp và giúp đỡ để họ vượt qua những khủng hoảng kinh hoàng về tâm lý. Ngoài ra, con cái của cựu chiến binh chiến đấu tại Việt Nam có thể được hưởng học bổng mang tên LongTan Bursary.
Đã 54 tháng Tám, ngày 18 trôi qua sau trận Long Tân. Dù bao nhiêu năm tháng trôi qua, nào ta nhắc lòng: Lest we forget, xin đừng quên.
Việt Luận