Úc phạm lỗi lầm khi đối phó với đại dịch

Cổ Nhuế

Nhân viên canh gác nằm dài trên sàn trong khách sạn ở Melbourne (Hình 4 Corners)

Khi con Corona lăm le đột nhập nước Úc, từ tháng Ba thủ tướng Scott Morrison đã trình làng một xấp giấy đề chữ ‘Australian Health Sector Emergency Response Plan for Novel Coronavirus (the COVID-19 Plan), Kế hoạch của ngành y tế Úc nhằm đối phó khẩn cấp với con Corona mới’. Tiếc thay, trong đó không có kế hoạch riêng cho một tầng lớp dễ bị con Corona cắn nhất. Đó là các cụ sống trong viện dưỡng lão.

Kết quả là quá đông các cụ bị dính; và khi dính thì quá đông đành cưỡi con Corona quy tiên. Tại Úc đã có hơn 400 người thiệt mạng vì con Corona. Trong số này phần lớn là các cụ. Chuyện này đã xảy ra và còn tiếp tục xảy ra. Chỉ riêng ở Victoria đang có hơn 2 ngàn cụ đang mắc dịch. Nếu tỷ lệ quy tiên ở mức 44% như đã xảy ra ở Úc – thì trong vài tuần lễ sắp tới Victoria có thể phải gạt nước mắt tiễn đưa cả ngàn ông bà nội ngoại lắm đa!

Sao các cụ bị nạn đông thế? Trước tiên, có những chuyện ở Úc không rõ liên bang hay tiểu bang chịu trách nhiệm. Khi dịch hoành hành quá dữ và cướp đi quá nhiều cụ sống trong nhà dưỡng lão – liên bang báo cho tiểu bang NSW (và các tiểu bang khác) có bổn phận giữ cho các cụ khỏi bị dính. Khi tiểu bang thấy quá đông các cụ trong nhà dưỡng lão bị dính nên xin chuyển các cụ vào bệnh viện: liên bang lại lắc đầu. Thế là các cụ đã già yếu mà phải thành trái banh cho liên bang và tiểu bang đá.

Giữa cảnh đau lòng này, thủ lãnh đối lập Anthony Albanese đòi chính phủ phải lập một ‘tổ chức toàn quốc đặc trách về chăm sóc người già, an aged-care specific national co-ordinating body’. Không ai nghe tiếng kêu này. Sao vậy? Giáo sư Joseph Ibrahim chuyên về Lão học (Geriatrician) nghi ngờ người ta đang kỳ thị người già. Và kỳ thị có hệ thống. Trong khi đó, ủy ban điều tra hoàng gia về dịch vụ chăm sóc người già cho rằng chính phủ Úc đã không có kế hoạch gì giúp người già trong lúc đại dịch hoành hành như thế này.

Thủ tướng Scott Morrison nhanh chóng cúi đầu ‘lấy làm tiếc’ vì chưa lo đầy đủ cho các cụ. Vì thiếu sót này, lên đến 68% các cụ đã mất mạng – lẽ ra vẫn còn vui vầy tuổi già với con cháu. Chính thủ tướng đã đưa một thí dụ: có những nhà dưỡng lão bị rút hết nhân viên. Không còn ai ở đó để lo cho các cụ. Mãi đến 11 giờ đêm quân đội Úc tiến vào để lau chùi phòng ốc…

Người tàn tật đang lâm nguy

Bên cạnh lớp người già đang gặp nguy là những người tàn tật. Hiện nay ở Victoria đang có ít nhất 6,500 người tàn tật sống trong nhiều nơi dành cho họ. Những nơi này cần được chính phủ đặc biệt để ý. Người tàn tật cần được sống trong khung cảnh sạch sẻ và có đủ điều kiện giúp họ giữ khoảng cách an toàn. Nhân viên làm việc ở trỏng cũng cần được giúp đỡ.

Ông Kevin Stone, giám đốc điều hành tổ chức Victorian Advocacy League for Individuals with a Disability cho rằng chính phủ phải học bài học từ chuyện quá đông người già mất mạng vì con Corona trước khi … quá muộn. Không những người tàn tật trong thân thể mà ngay đến bệnh nhân tâm thần cũng có thể thành nạn nhân sắp tới của con Corona. Ở phía Nam thành phố Melbourne có Hambleton House chữa bệnh tâm thần. Nơi đây đã có 15 người bị dính. Chính phủ phải di tản họ qua nhiều nơi khác.

Lỗi lầm ở Victoria

Trong khi đó, lên đến 99% người bị nạn lần này ở Victoria là do du khách nào đó từ ngoại quốc trở về Úc và ở trong khách sạn. Doherty Institute dựa vào nét khác biệt giữa các con Corona cho rằng: nạn dịch ở Victoria do ba nguồn chính. Nguồn thứ nhất bắt đầu vào tháng Ba và lan mạnh trong tháng Năm. Nguồn thứ nhất này làm cho 91 người bị dính. Nguồn thứ nhì bắt đầu vào giữ tháng Năm và hoành hành dữ dội trong 17 địa điểm khiến cho 1,705 người bị dính. Nguồn thứ ba bắt đầu từ tháng Sáu và đang tung hoành ở Victoria – như chúng ta đang thấy. Cả ba nguồn này đều do người du lịch từ ngoại quốc trở về Úc.

Được biết để đề phòng, từ cuối tháng Ba Úc buộc du khách từ ngoại quốc trở về phải sống cô lập trong khách sạn 14 ngày. Tuy nhiên đã có lỗi lầm về phía chính phủ khi canh gác số người người sống cô lập này và hậu quả là … như chúng ta thấy đang xảy ra tại Victoria.

Cựu thẩm phán Jennifer Coate đang chủ toạ một cuộc điều tra về chuyện gì đã xảy ra tại các khách sạn cô lập du khách ở Melbourne. Trước tiên, chính phủ buộc người dân phải sống cô lập trong khách sạn nhưng chính phủ lại không rõ sống như thế ‘để làm gì’ và ai điều động chương trình này. Chính thủ hiến Daniel Andrews cũng không rõ sở bộ nào chỉ huy chương trình cô lập này.

Khi bắt đầu chương trình, chính phủ giao cho công ty tư nhân lo việc canh gác. Công ty tư nhân dễ dãi khi tuyển nhân viên và nhân viên không được huấn luyện đúng mức. Chương trình Four Corners chiếu trên đài truyền hình ABC cho thấy có nhân viên canh gác nằm dài trên sàn khách sạn. Trong khi đó, trước đây có tin đồn nhân viên an ninh còn ăn nằm với người bị cô lập!

Không rõ chuyện động trời này có thiệt hay không. Chỉ biết Y Sỹ Đoàn (AMA) tại Victoria đã viết thơ cho bộ Y Tế tiểu bang để tỏ ý lo ngại. Theo đó, bác sỹ kể ra vài ba thí dụ ‘trật búa’. Khi có người nghi bị nhiễm con Corona thì họ được xe cứu thương chở vào bệnh viện để thử. Thử xong, họ phải tự lo phương tiện trở về khách sạn. Người thì đi Taxi, người kêu Uber, người nhờ thân nhân… Vậy là, rủi người ấy đã dính thì dễ lây cho tài xế hay người thân trong nhà. Y Sỹ Đoàn đề nghị nhân viên trong khách sạn phải mặc quần áo an toàn như người làm trong bệnh viện. Nhưng bộ y tế Victoria lờ đi. Đến khi người ta phát mặt mạ cho nhân viên an ninh thì mỗi người chỉ được một cái để đeo suốt 12 tiếng đồng hồ.

Thế là chính nhân viên canh gác khách sạn dính con Corona: ở Stamford Plaza đã có 14 nhân viên dính, ở Rydges ít nhất 6 nhân viên an ninh dính. Trong tuần này, lại có tin một nhân viên canh gác tại Marriott Hotel, Circular Quay, Sydney đã nhiễm con Corona. Nếu NSW không mạnh tay ngăn chận thì tiểu bang đầu tàu của Úc có thể bị nạn như Victoria. (Cầu Trời khấn Phật cho chuyện này đừng xảy ra !)

Thủ hiến NSW xin lỗi

Cuộc điều tra ở Melbourne còn tiếp diễn. Chắc chắn khi cựu thẩm phán Jennifer Coate viết xong tường trình – thủ hiến Victoria, ông Daniel Andrews, phải cúi đầu xin lỗi như bà Gladys Berejiklian ở NSW.

Thật vậy, nếu đợt này Victoria lãnh đủ vì sơ khoáng để cho con Corona sổ chuồng từ khách sạn mà ra – thì lần trước (từ tháng Ba đến tháng Sáu) NSW đã thành ổ dịch vì ai đó cho phép gần 3 ngàn du khách từ du thuyền Ruby Princess lên bờ. Kết quả cuộc điều tra cho thấy một nhân viên trong bộ nông nghiệp đã ký lệnh này. Sơ ý này đã khiến cho hơn 600 người Úc mắc dịch và 20 người thiệt mạng. Bà thủ hiến Gladys Berejiklian đã xin lỗi.

Thật tình, trăm năm mới có một lần đại dịch. Hơn nữa đại dịch Corona Vũ Hán rất khác với đại dịch cúm Tây Ban Nha (xảy ra năm 1918-19). Không ai lường trước và không sách vở nào chỉ dẫn tận tình. Chính phủ Úc chỉ tìm cách ‘câu giờ’: chấp nhận cho con Corona hoành hành nhưng chỉ được lây ra từ từ để ngành y tế kham nổi. Trong hoà cảnh này, lỗi lầm luôn luôn là chuyện bình thường của con người. Có chăng người phạm lỗi lầm biết nhận lỗi, xin lỗi và học bài học.

Cổ Nhuế

Related posts