“Nói vậy mà không phải vậy”, nhân đọc tài liệu “Chiến lược trỗi dậy về văn hoá của Trung Quốc” – Lý Hồng Phong (*)

Lê Văn Ngọc

Theo lời giới thiệu, thì đây là nội dung chính trong bài nói chuyện của ông Lý Hồng Phong tại trường  Đảng Trung ương Trung Quốc (12/2009). Ông là ủy viên Đảng bộ, Bí thư Đảng ủy cơ quan văn hoá Trung Quốc.

            Như vậy, tầm quan trọng  của bài gọi là nói chuyện này có tính cách tuyên giáo cho các đảng viên đang  đảm nhận  công việc lãnh đạo đất nước ở nhiều bộ phận  từ văn hoá , chính trị, kinh tế đến quân sự.

            Những bài nói trước một cử toạ toàn là đảng viên  cốt cán, có thể ở cấp bậc cao, cho ta thấy tầm quan trọng  có tính chất chiến lược, trong khát vọng gọi là  “Trung Quốc đang trỗi dậy, đang hoàn thành công cuộc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa.”

            Qua tuyên xưng đao to búa lớn  trên đây, ta thấy ngay ý hướng của bài tham luận của tác giả Lý Hồng Phong có tính chất chính trị, động viên các đảng viên Cộng sản hơn là giá trị khoa học tìm hiểu nghiêm túc và khách quan  về tình trạng  văn hoá và chính trị của Trung cộng. Tinh thần hiếu chiến  của ông tuyên giáo cao cấp  Cộng sản này còn lộ ra  ở việc nhận định  văn hoá  cũng là một sức mạnh hay một mũi tiến công , đưa Trung cộng lên địa vị siêu cường số Một trên thế giới.

            “Kinh tế Trung Quốc thời gian qua đã tiến rất nhiều, nhưng văn hoá T.Q. vẫn lạc hậu. Sức mạnh cứng đã mạnh lên rất nhiều, giờ đây chúng ta cần phải  tăng sức mạnh mềm, văn hoá.”

            Ngay trong việc tăng sức mạnh mềm bằng việc đặt để các viện Khổng Tử ở những nước quan trọng trên thế giới, nhất là ở Mỹ là việc ngụy trang cái gọi là văn hoá Cộng sản do đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương như lời Lý Hồng Phong nói: “Ưu thế về chế độ chính trị, có chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là chế độ chính hợp với tình hình nước ta. Hai ưu thế đó bảo đảm công cuộc xây dựng văn hoá Trung Quốc có phương hướng đúng đắn.”

            Như thế, cái gọi là “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc chỉ là một nhãn hiệu mới của chủ nghĩa Cộng sản ở Trung Quốc, có nghĩa cụ thể là chủ nghĩa Cộng sản đã lạc hướng với cái tiêu chỉ đầu tiên  của nó là “thiên hạ vi công, thế giới đại đồng”. Đã là quốc tế Cộng sản, làm sao còn phân chia Cộng sản Nga, Cộng sản Tàu. Chỉ có các quốc gia gọi là “tư bản dẫy chết” mới có tinh thần quốc gia biệt lập này với những tinh thần dân tộc, văn hoá dân tộc bản địa v.v…

            Lý luận ngược ngạo theo lối nói Việt Nam xưa là “đặt cái cầy trước con trâu” của Lý Hồng Phong là: “Ưu thế về lý luận tư tưởng: lý luận nòng cốt của văn hoá. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã Trung Quốc hoá chủ nghĩa Marx, nhờ đó đảng ta có hình thái lý luận khoa học của mình.”. Thực ra thì đảng Cộng sản T.Q. đã xuyên tạc chủ nghĩa Marx. Những ý niệm “thiên hạ vi công, thế giới đại đồng”; làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu, chỉ là những khẩu hiệu tuyên truyền, chứ không phải quan niệm kinh tế và triết lý hành động của Marx.

            Nói rằng: “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc’’, chẳng qua là để phản bác sự việc thế giới  đã vứt bỏ chủ nghĩa Cộng sản vào xọt rác của lịch sử, sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, và chính nước Nga đã từ bỏ chủ nghĩa độc tài Cộng sản. Sự lúng túng biện minh cho một  chủ nghĩa lỗi thời đã khiến các nhà tuyên giáo Trung cộng, điển hình như Lý Hồng Phong, phải nói lên những điều giả dối, vô nghĩa, cho một cử tọa có lẽ cũng tự đánh lừa mình bằng những điều không tưởng. Mấy ông tuyên giáo Việt Nam  cũng lúng túng trước sự tự hủy của chủ nghĩa Cộng sản, nên phải thay vào cái đuôi “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Nếu có ai thắc mắc hỏi tới hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh mà ngày nay là chỉ đạo hành động cho Việt cộng, thì chắc chắn  các nhà tuyên giáo tìm cả năm cũng không thấy, vì nó làm gì có khi Hồ Chí Minh đã nói: “Bác Mao đã suy nghĩ cả rồi, cứ làm theo bác Mao, vì bác Mao là người học trò giỏi của Lenin”.

            Như vậy, Trung Hoa đã dựa vào cái gọi là “Trung Quốc hoá chủ nghĩa Marx” để vẫn cố gắng duy trì chế độ Cộng sản cho những lợi ích của Trung cộng. Vậy lợi ích của Trung cộng là gì?

            Hiển nhiên là không phải cái lý tưởng “thế giới đại đồng” mà phải là thế giới quy phục  trước “nước lớn trổi dậy là Trung Quốc”. Trung Quốc muốn kế thừa thời huy hoàng của nhà Thanh mở mang Trung Quốc, chiếm cả Tây Tạng, Tân Cương, Mãn Châu, Đài Loan là đương nhiên. Những người lãnh đạo  Trung Hoa ngày nay đã lấy cái nhục  của vua quan nhà Thanh làm quốc nhục, đương nhiên họ đã quên con cái đại Hán  đã mất nước vì nhà Thanh. Chính nhà Thanh là ngoại nhân  đang ngồi trên đầu trên cổ con cháu đại Hán. Việc phản Thanh phục Minh đã trôi vào quên lãng, kể cả việc mục tiêu cách mạng lật đổ nhà Mãn Thanh của Tôn Trung Sơn  cũng không được nhắc đến.Trung Hoa ngày nay đang hãnh diện với đất nước do triều Thanh để lại: “Trong một thời gian dài, văn hoá Trung Hoa say sưa trong cái vòng trói buộc  tư tưởng tạo nên bởi thành tích huy hoàng của mình. Sau cuộc chiến tranh thuốc phiện năm 1840, sau những va chạm với văn hoá phương Tây, người Trung Quốc phát hiện nền văn hoá truyền thống  của mình chính là nhân tố cản trở Trung Quốc tiến lên.”

            Đây là đoạn ý tưởng  mà Lý Hồng Phong nhai lại của phong trào Duy Tân do Khang, Lương chủ xướng sau thất bại của Trung Hoa trước trận chiến tranh thuốc phiện, và nhất là nhìn gương Nhật Bản thành công trong công cuộc duy tân , để đưa nước Nhật lên hàng cường quốc, sánh vai với các cường quốc Tây phương.

            Có lẽ Lý Hồng Phong  không biết gì về công cuộc duy tân do Khang, Lương cổ động, mà lại ấn định văn hoá truyền thống theo cái nhìn của đảng Cộng sản Trung Hoa. Thực ra, tuy họ Lý là một nhà tuyên giáo, gọi là trí thức của Đảng , cũng đã được Đảng đào tạo để có cái nhìn lệch lạc về lịch sử Trung Hoa. Ta đã từng thấy Việt cộng tuyên truyền cho đảng viên  rằng lịch sử Việt Nam chỉ có từ khi có Đảng. Theo tinh thần mà Tố Hữu đã ca tụng Cách Mạnh tháng Mười Nga rằng “trước Cách mạng tháng Mười, nhân loại chửa thành người, tức là chưa có sử, hiểu theo nghĩa lệch lạc của lịch sử văn minh.

            Cho nên Lý Hồng Phong đã viết: “Trải qua hơn một thế kỷ làm lễ rửa tội, nền móng của văn hoá truyền thống T.Q. đã có sự lung lay nào đó. Từ hình thái ý thức quốc gia cho tới hệ thống giáo dục  nhà nước, từ lời lẽ dòng chính của từng lớp tinh hoa cho tới ngôn từ của thường dân đều thể hiện sự thiếu truyền thống nào đó. Trên chừng mực khác nhau tồn tại tinh thần trống rỗng lý tưởng nhạt nhoà. Hệ thống giá trị dòng chính bị thách thức.”

            Viết lối “mập mờ đánh lận con đen” làm cho người ta tưởng họ Lý muốn nói đến văn hoá truyền thống Trung Hoa kể từ các đời phong kiến đến thời Cộng sản. Trong thực tế người ta thấy văn hoá Trung hoa ở những thời tiền Cộng sản, tuy không có cấp tiến với sức mạnh kỹ thuật như Tây phương, nhưng vẫn còn mang nhiễu tính chất nhân bản thể hiện nơi  rất nhiều tác phẩm văn hoá nghệ thuật. Dấu vết nhân bản của nền văn hoá ấy còn đang được thực thi trong xã hội Đài Loan. Trong khi đó, với chế độ Cộng sản , cái gọi là văn hoá Mac-Lenin đã tạo nên những con người cộng sản với tư cách của một nô lệ lao động.

            Mặc dù đã có nhiều hành động chống đối  với tư tưởng xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung hoa của Mao Trạch Đông, dù đã được nhiều đàn em sửa chữa bớt những sai lầm cơ bản vừa có tính chất lý thuyết, vừa hành động, nhưng vẫn không sao sửa đổi nổi một chủ thuyết đã sai lầm từ cơ bản, mà chính Gorbachew đã phải nói:  “Chủ thuyết Cộng Sản không thể sửa chữa được, chỉ có hủy diệt nó.” Và Liên xô đã hủy diệt nó.

            Những người Cộng sản  có một “đức tính” bảo thủ rất đáng phàn nàn là cố chấp vào những điều sai lầm , dù nó đã được lịch sử chứng minh. Cái gọi là lý luận tư tưởng của chủ nghĩa Mac-Lenin luôn được các nhà lãnh đạo Cộng sản  Trung Quốc tôn thờ là xương sống của cách mạng văn hoá Trung Hoa:Ưu tú về lý luận tư tưởng lý luận này là nòng cốt của văn hoá. Đảng Cộng sản  T.Q. đã  Trung Quốc hoá chủ nghĩa Marx, nhờ đó đảng ta có hình thái lý luận khoa học của mình.”

            Tuy Lý Hồng Phong không mô tả thế nào là cái “hình thái lý luận khoa học của Trung Quốc” , nhưng người ta  nghĩ rằng nó khác với cái gọi là lý luận khoa học của Liên Xô ( lúc này đã xụp đổ từ cơ bản vật chất đến tinh thần của chủ nghĩa cộng sản).Nói rằng: lý luận khoa học của Trung Quốc “ắt hẳn phát sinh sau khi đã chỉ trích Liên Xô là “xét lại”, duy Trung Quốc là trung thành với Mac-Lenin, và như thế là vẫn  theo hình thức lý luận Mac-Lenin. Trong thực tế, từ khi cách mạng văn hoá, Mao Trạch Đông đã chôn vùi cái văn hoá đặc sắc Trung Hoa. Hiển nhiên Mao đã thay thế nền văn hoá truyền thống của Trung Hoa bằng một nền văn hoá, mà nói như Lý Hồng Phong là: “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc là chế độ chính trị hợp với tình hình nước ta. Hai ưu thế đó bảo đảm công cuộc xây dựng văn hoá T.Q. có phương hướng đúng đắn”.

            Sự ưu việt của cái gọi là xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Hoa cùng là cái gọi là Trung Quốc hoá chủ nghĩa Marx, cứ cho là Đảng muốn tăng sức mạnh nền văn hoá bằng cái thứ văn hoá của Mao này, thì cũng chỉ là một hình thức “đánh bùn sang ao”.

            Vấn đề  rõ rệt là khi Mao làm cách mạng văn hoá để tiêu hủy nền văn hoá cũ, mà thay vào đó một thứ văn hoá Mac-xit theo nhận định của Mao. Nền văn hoá cũ ấy, theo nhà văn hoá Trung Hoa có khuynh hướng Macxit là Quách Mạt Nhược thì cho rằng từ thời Tây Chu về trước là xã hội thị tộc; sang thời Tây Chu là xã hội nô lệ, từ Xuân Thu về sau là xã hội Phong kiến; một trăm năm gần đây là xã hội tư bản.( 1)Nền văn hoá của xã hội tư bản ấy sẽ bị thay đổi bởi nền văn hoá vô sản. Mao  đã làm như thế với sự thay đổi cơ cấu của xã hội, để biến xã hội Trung Hoa chỉ còn một giai cấp vô sản(đa số là nông dân)được giai cấp cán bộ Cộng sản lãnh đạo và cai trị.

            Chúng ta không có dịp tìm hiểu cặn kẽ văn hoá Trung Hoa thời Mao được duy trì đến thời nay , thời của Lý Hồng Phong đề cập. Nhưng xem những điều họ Lý mô tả  những “tiêu cực” của nền văn hoá biểu lộ ra hành vi của người dân Trung Quốc hiện đại, ta cũng rõ . Họ Lý nhất thiết đổ lỗi cho nền văn hoá cũ một cách rất ăn gian. Nghĩa là cái mà Lý gọi là văn hoá truyền thống của Trung Hoa là thứ của Phong kiến trước khi Trung Hoa bị mối nhục thua trận chiến tranh nha phiến:Trong một thời gian dài văn hoá Trung Quốc say sưa trong cái vòng trói buộc  tư tưởng tạo nên bởi thành tích huy hoàng của mình. Sau cuộc chiến tranh  thuốc phiện năm 1840, sau những va chạm với văn hoá phương Tây, người T.Q. phát hiện nền văn hoá truyền thống của T.Q. trở thành đối tượng bị phê phán”. Hãy công bằng mà nói, chính cái nền văn hoá truyền thống bị phê phán ấy đã tạo nên  những nhà gọi là cách mạng, bởi cái  nền văn hoá ấy đã từng đề cao nhân bản và ít nhất tạo nên cho tầng lớp trí thức một khả năng nhận định sự việc độc lập. Những Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, Trần Độc Tú thoát thai từ văn hoá nào? Nếu lấy ví dụ bên Việt Nam thì là: “Trong thực tế người  sáng lập Đảng Cộng sản Đông dương  Nguyễn Ái Quốc và người Tổng bí thư đầu tiên của Đảng là Trần Phú đều là những phần tử trí thức con em của các vị văn thân ái quốc đã từng bị hy sinh trong cuộc đấu tranh. Phần nhiều trong các lớp ủy viên của Đảng cũng đều như thế và các nhà lãnh tụ ngày nay cũng đều là những phần tử trí thức cựu gia tử đệ biết dấn thân vào giai cấp vô sản  là giai cấp cách mạng triệt để nhất.”( 2 )

            Thực trạng cái gọi là văn hoá mang màu sắc Cộng sản của Trung Quốc mà Lý nêu lên mới thật  là tinh hoa của Trung cộng: “Từ hình thái ý thức  quốc gia cho tới hệ thống giáo dục nhà nước, từ lời lẽ dòng chính của tầng lớp tinh hoa cho tới ngôn từ của thường dân đều thể hiện sự thiếu truyền thống nào đó. Trên chừng mực khác nhau, tồn tại tình trạng đảo lộn, mất niềm tin, tinh thần trống rỗng, lý tưởng nhạt nhoà. Hệ thống giá trị dòng chính bị thách thức. ” Viết những điều này, chính là thú nhận  việc mất văn hoá của xã hội Trung Hoa hiện nay. Sự mất văn hoá này bao gồm cả khả năng nhận thức và triết lý hành động. Trong nền văn hoá cũ, người ta lấy con người làm cứu cánh của văn hoá, giáo dục nhằm đào tạo con người  nhân bản để sống trong xã hội tương tác nhân bản. Vì thế, quá trình lập thân của con người tuy gói gọn trong một câu: “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Hễ một mắt xích nào trong quá trình ấy bị đứt, thì hệ quả bất xứng nó gây ra cho xã hội là tất yếu. Không tu thân mà lên làm “Chủ tịch Nước” thì sự ngu dốt và hoang đàng  về đạo đức của ông lãnh tụ  ấy là rõ ràng làm hư hỏng xã hội.  Vấn đề băng hoại về đạo đức của thanh niên ( không hẳn chỉ thanh niên) trong xã hội Cộng sản, Đào Duy Anh đã nhận định rất xác đáng từ lâu:Nhiều người tôi biết, cho rằng chính vì chúng ta chưa xây dựng được một nội dung giáo dục đạo đức có thể thay thế cho những giá trị đạo đức  cũ mà chúng ta đã bỏ cả đi.”( 3 )

            Không dám nhìn nhận sự thiếu khả năng nhận thức vào sự trống rỗng  đạo đức  nơi con người Cộng sản Trung hoa ngày nay, mà lại tìm cách đổ lỗi cho những yếu tố ngoại tại. Ở đây  là  văn hoá “đồi trụy” Tây phương:Mặt khác sau chiến tranh lạnh , văn hoá Mỹ và phương Tây bành trướng mạnh. Tư tưởng chính trị, giá trị quan, ý thức hệ, lối sống phương Tây gieo rắc khắp thế giới. Lối sống, cách tư duy, phương thức hành vi của một số người, nhất là thanh niên bị xói mòn. Văn hoá và truyền thống dân tộc và loại hình nghệ thuật dân tộc có nguy cơ tuyệt diệt”.

            Họ Lý viết mà không thấy sự mâu thuẫn của mình. Sau chiến tranh nha phiến, nước Tàu thấy rõ sự yếu kém của nền văn hoá cũ khép kín, nên bắt chước Nhật muốn duy tân (tức là theo Tây phương) để thay đổi xã hội. Đám Khang, Lương đi tìm ý thức văn hoá mới, để lớp người hành động sau như Tôn Dật Tiên hoàn thành cách mạng dân chủ của Tâu. Ngay cả việc Mao Trạch Đông đưa Cộng Sản vào Trung Hoa cũng phải gọi là chịu ảnh hưởng Tây phương. Tự mình hân hoan trân trọng vác về, bây giờ lại đổ tội là “nọc độc” của Đế quốc. Bản thân mình đang hành xử một chương trình phát triển đế quốc, lại đi chửi người khác là đế quốc.

            Cứ nhìn những cơ sở vật chất của xã hội Trung Hoa ngày nay,thì rõ ràng họ  có chê bai gì văn minh Tây phương. Họ đã rất hãnh diện với những thành tích gọi là vĩ đại hơn Đế quốc Mỹ: nào là những đường cao tốc, những nhà chọc trời, điển hình là đập nước Tam Hiệp . Mặc cảm “nước lớn trổi dậy” khiến Trung cộng có những hành động văn hoá chính trị rất “bá đạo” và rất không văn hoá. Người ta cứ hay đem câu nói của Napoleon rằng: Trung Hoa là một con sư tử đang ngủ. Không nên chọc cho nó dậy, sẽ rất nguy hiểm cho thế giới”. Trung cộng hiện nay rất tự hào  về việc “ngủ quên” của mình, nên đang cố vươn lên cái địa vị thống trị thế giới. Tham vọng ấy đã được nuôi dưỡng ngay từ khi họ hốt hoảng thấy bị Tây phương bắt nạt.

            Khi Mao Trạch Đông nói:(Theo trích dẫn của Lý Hồng Phong) “Chủ Tịch Mao Trạch Đông  nhiều lần nói: T.Q có hai cái lạc hậu: lạc hậu về kinh tế và lạc hậu về văn hoá. Về sau ông nói một cách hình ảnh là:một nghèo hai trắng” – Nghèo là nói kinh tế, trắng là nói văn hoá. Ông còn nói lạc hậu thì bị đánh.”     

            Nói như Mao Trạch Đông  chỉ là nói về hiện tượng. Cái làm cho Trung Hoa “một nghèo hai trắng” chính là chủ nghĩa Cộng sản do chính Mao mang về từ Liên Xô. Cuộc chiến thắng Quốc dân Đảng Trung Hoa , được các lãnh tụ Cộng sản coi đó là tính ưu việt của Cộng sản. Trong thời còn đấu tranh giành chính quyền, Cộng sản có rất nhiều chiêu bài để lừa đảo thu hút quần chúng. Thời kỳ giành chính quyền là thời kỳ phá hoại, dùng bạo lực  đánh phá chính quyền đương nhiệm. Khi có chính quyền trong tay, Cộng sản mới lộ rõ sự bất lực và ngu dốt trong việc kinh bang tế thế. Chỗ yếu nhất  của lý luận Cộng sản là không biết tiên liệu, và nhất là không có ý thức về nhân quả của hành động. Nhân quả ở đây không hẳn chỉ là đạo đức, mà là nhân quả khoa học. Cho nên chỉ khi nào việc thất bại mới “rút ưu khuyết điểm”, thì tai họa đã không thể kể xiết. Dân chết đói vì chương trình cải cách nông nghiệp của Mao , và nghèo vì Cộng sản không có một đường lối kinh tế gì  khả thi, ngoài việc đánh thuế và cướp bóc của dân.

            “Hai trắng” là do sự thất học của lớp lãnh đạo đã hủy diệt văn hoá truyền thống  với ý nghĩ thơ ngây là bỏ cái cũ thì cái mới tốt đẹp sẽ tự động thay thế. Họ không biết rằng, để gây dựng một nền văn hoá nhân bản, người ta phải vun đắp nó hàng nhiều thế hệ với ý thức sáng tạo và lựa lọc để loại bỏ cái xấu luôn luôn đi theo cái tốt như bóng với hình. Vì thế người ta mới nói “Làm văn hoá mà lầm thì giết muôn đời”.

            Nhưng những người lãnh đạo Cộng sản Tàu không cho là mình lầm lẫn, khi cứ cố chấp theo đuổi văn hoá Macxit theo đường lối Trung Hoa. Nghĩa là đã thay đổi theo nhận định của Tàu. Mà chính những thay đổi này lại càng làm cho nó chứng tỏ sự lạc hậu và nhất là làm vong thân con người. Hiển nhiên là từ lý thuyết đến thực hành , chủ nghĩa Cộng sản sang đến Trung Hoa  nó chỉ còn có cái tên để đánh lừa những trí thức Trung Hoa và thế giới thơ ngây , vốn là những người còn theo đuổi lý tưởng nhân bản  và công bằng xã hội.  Cộng sản Trung Hoa  hoàn toàn là một triều đình phong kiến đã tổ chức được đội ngũ “quan lại cán bộ đảng viên” để bóc lột dân chúng  mà nâng cao đời sống giai cấp đảng viên Cộng sản.

            Ban tuyên giáo Cộng sản Trung Quốc đã cố tình lờ đi cơ bản Macxit khi nói về tương lai văn hoá của “nước lớn Trung Hoa trỗi dậy”. Khi Marx nói “Vô sản trên thé giới đoàn kết lại” thì đâu có phải để cho vô sản ở các nước  “gọi là lớn trỗi dậy” . Như vậy, chính các tuyên giáo của Tàu đã dời xa chủ nghĩa , và hiển nhiên họ đã tự lật mặt nạ “Quốc tế Cộng sản”  để cho thấy họ chỉ muốn dùng  phương thức Cộng sản cho việc đoạt chính quyền, mà thi hành cái giấc mơ thống trị  “thiên hạ” của họ.

            Theo cái giấc mộng bá chủ này của Trung Hoa, họ Lý đã đưa ra luận đề về điều kiện văn hoá của “nước lớn trỗi dậy”. (Hẳn  độc giả thấy rõ cái mặc cảm tự tôn ảo tưởng của Trung cộng khi xem xét những điều kiện xã hội của một nước gọi là lớn , đều thấy Trung cộng chỉ là một nước lớn cái vỏ, còn thực chất vẫn là một nước được xếp vào loại đang phát triển – theo ngôn ngữ lịch sự.):Nước lớn muốn trỗi dậy cần coi trọng  ba điều kiện sau:

            1/Tăng cường ý thức quốc gia, kiên trì giữ lấy văn hoá truyền thống. Nó là công cụ đắc lực nhất để tăng cường lòng tự tin, tự tôn dân tộc. Truyền thống văn hoá gắn liền với ý thức quốc gia.

Như ta đã biết truyền thống văn hoá của Trung Hoa là bành trướng. Ở thời nhà Thanh, nước Trung Hoa đã mở rộng do việc chiếm đoạt được Tân Cương, Tây Tạng. Không kể những nước phải chấp nhận cầu phong với Tàu như Việt Nam, Triều Tiên. Phải chăng họ Lý đặt ra điều kiện này để biện minh  cho khuynh hướng đế quốc của mình, mà từ lâu họ vẫn lấy làm mục tiêu hành động. Văn hoá bành trướng của Tàu từ rất lâu vẫn là trọng nông, nhằm mở mang lãnh thổ. Hệ quả của sự phát triển đế quốc nông nghiệp này là các nước láng giềng của nó luôn luôn bị hăm doạ đồng hoá, xát nhập với Thiên triều. Cứ nhìn lịch sử phát triển của nước Tàu từ thời Chiến quốc cho đến nhà Thanh trước khi nó bị thách đố bởi văn hoá Tây phương. Sự nổi bật  của văn hoá nông nghiệp này là tinh thần bài ngoại. Sau này khi đã làm cách mạng lật đổ nhà Mãn Thanh, Tôn Dật Tiên đã đặt nền tảng cho một xã hội dân chủ rập khuôn cách mạng Tây phương, do đấy văn hoá đã đối chọi với văn hoá  xưa của Trung Hoa. Với xu hướng thời đại, Trung Hoa cũng phải hướng ngoại để thay đổi xã hội nông nghiệp lạc hậu của mình.

            Như vậy họ Lý bảo kiên trì giữ văn hoá truyền thống tức là quay trở lại cái xưa, phủ nhận tất cả cách mạng duy tân, kể cả chính những điều gọi là văn hoá Cộng sản.

            2/ Ta nhớ lại những nhà cách mạng duy tân , và sau này mạnh miệng mà lại có quyền lực để thi hành cách mạng văn hoá là Mao Trạch Đông, đã phá đổ tất cả những điều họ gọi là văn hoá cổ truyền phản động, cản trở bước tiến cách mạng.( Chính Lý cũng viết ngay trong bài tham luận này: “Người Trung Quốc phát hiện  nền văn hoá truyền thống  của mình  chính là nhân tố cản trở T.Q. tiến lên”. Ấ y thế mà cũng trong bài này phần có tiêu đề “III chiến lược xây dựng văn hoá T.Q.” họ Lý lại viết:Xây dựng lòng tự tin văn hoá. Cần thấy là văn hoá Trung Quốc có 5000 năm lịch sử, nguồn gốc sâu xa rộng lớn, chưa từng gián đoạn, là nền văn hoá có một không hai trên thế giới. Không được có thái độ hư vô lịch sử, quên tổ tiên.”

Có nhiều người nghĩ rằng viết như thế để đọc trong trường Đảng Trung ương là Lý đã chủ trương phải dùng văn hoá truyền thống  để thay thế cho văn hoá Macxit. Hơn thế nứa , ở phần  trên, lý đề cao ý thức quốc gia, như vậy hiển nhiên cái gọi là  Trung cộng ( Trung Hoa Cộng sản)  đội cái tên  mỹ miều cố ý đánh lừa quần chúng và quốc tế là “Cộng Hoà nhân dân Trung Hoa” đã hiện nguyên hình chỉ là một nước Trung Hoa độc tài, độc đảng, muốn mình là “nước lớn” thống trị thế giới. Cái cao vọng này đã được các nhà lãnh đạoTrung cộng từ lâu theo đuổi. Nghĩ một cách phản diện là:tại sao Đặng Tiểu Bình phải nói: “Thao quan dưỡng hối”, nếu không muốn đánh lừa  thế giới bằng  bộ mặt rất hiền lành, cam phận, để khi hành động, thế giới trở tay không kịp. Trong lịch sử Trung Hoa đã có những chuyện nằm gai nếm mật, nhưng thế giới vẫn cả tin trước sự lừa đảo dối trá siêu đẳng này của Tàu.

            Bây giờ, khi đưa lại chiêu bài “dân tộc và văn hoá truyền thống” ta phải đặt câu hỏi: Trung Quốc muốn gì khi hành động như vậy? Hoặc giả Trung Quốc muốn từ bỏ Cộng sản để trở lại Quốc gia dân chủ? Thực ra nói cho đúng, Trung Hoa trong lịch sử cận đại với Mao Trạch Đông đã chỉ dùng  phương pháp đấu tranh  Cộng sản  để đoạt và giữ chính quyền. Lý tưởng Cộng sản  thực ra chỉ là ảo tưởng cho những nước chậm tiến  muốn vươn lên tranh đoạt với những nước tiền tiến. Trong thực tế, các người lãnh đạo dùng những chuyên chính, bạo lực để nắm quần chúng làm công cụ cho chương trình hoạt động chính trị và kinh tế của họ. Chỉ có ở chế độ Cộng sản  người ta mới bóc lột được người  nông dân và lao động ở năng lực và nhu cầu. Cộng sản cứ bảo bọn tự do  chống đối và chỉ trích chế độ Cộng sản  bằng cách nói quá: “Làm theo kế hoạch thi đua, hưởng theo cái gì Nhà nước phát cho”. Với một chế độ như thế thì làm sao không sinh ra thứ dân chúng  có văn hoá tranh cướp và dối trá.

            Tự căn bản văn hoá Cộng sản đã là sự dối trá, cho nên trong quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa, nó đã cần phải phủ nhận tất cả chân lý của nền văn hoá cũ. Thực là mâu thuẫn khi ở điều thứ 3 Lý Hồng Phong phát biểu:Tăng cường xây dựng quan niệm  văn hoá. Coi trọng xây dựng hế thống  giá trị cốt lõi Xã hội chủ nghĩa”.

Hiểu thế nào về những điều mâu thuẫn trong bài phát biểu của Lý Hồng Phong trước những cán bộ chuẩn bị để lãnh đạo của trường đảng Trung ương? Có phải vì Lý Hồng Phong “hơi yếu” về văn hoá, nên trong lý luận có nhiều mâu thuẫn? Tôi không tin những người tuyên giáo Cộng sản kém cỏi, mà phải nghĩ rằng: họ đã có những đảo ngược về ý niệm và lý luận. Không đơn giản là “nói có thành không”, mà hơn thế, còn là sự bịa đặt dối trá lồng dưới vỏ ngụy biện.

            Theo định nghĩa có tính chất mô tả thì văn hoá là toàn bộ phức thể bao gồm hiểu biết ( trí), tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức. Luật pháp, phong tục, những khả năng và tập quán khác mà con người có được với tư cách là một thành viên của xã hội. Lại theo quan niệm đơn giản rất cổ điển  là “Quan hồ thiên văn dĩ sát thời biến; quan hồ nhân văn dĩ hoá thành thiên hạ”; (Xem tượng Trời mà thay đổi theo thời; xem tượng người mà làm cho thiên hạ tốt đẹp.) Như vậy thì tất cả những hành động của con người từ hiện thực đến tâm linh để tạo thành một nhân cách tốt đẹp  làm cho xã hội tốt đẹp.

            Như vậy, theo lý luận thông thường thì văn hoá vừa là phương tiện vừa là cứu cánh của con người. Khi đã chỉ coi văn hoá là phương tiện , chính là tha hoá con người , như họ Lý chủ trương:Cần nhận thức đầy đủ địa vị chiến lược của văn hoá, nếu không sẽ phạm sai lầm lịch sử trong tình hình cạnh tranh  quốc tế gay gắt hiện nay. Cần xác lập tư tưởng chiến lược  phức hợp phát triển sức mạnh cứng và sức mạnh mềm (văn hoá).

            Điều gọi là “xác lập tư tưởng chiến lược văn hoá” phải là: Chúng ta phải ra sức đưa văn hoá Trung Hoa đi ra thế giới, tăng cường ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa.Ta phải hỏi:đưa văn hoá Trung Hoa đi ra thế giới để làm gì? Nếu không phải muốn Trung Quốc hoá toàn thế giới. Hẳn họ Lý cũng như nhiều lãnh đạo Trung Hoa  hiện đại vốn là sản phẩm của văn hoá Cộng sản, luôn tôn thờ  chủ trương “cứu cánh biện minh cho phương tiện”. Họ đã tưởng rằng  dùng đường lối Cộng sản để làm cho nước Tàu hùng cường, rửa mối hận bị Tây phương làm nhục ở thế kỷ 19. Thực ra, đối với nhân dân, mà cách hành xử hàng ngày của họ chưa hẳn đã thấy ra mối nhục bị bắt nạt về chính trị. Hoàn cảnh lịch sử của Tàu khác của Việt Nam. Tàu chỉ bị cắt một số đất làm nhượng địa, trong khi chính quyền trung ương Mãn Thanh vẫn cai trị cả nước Tàu. Thật sự, những nhượng địa lúc  đương thời  không hẳn đã là những cơ sở kinh tế quan trọng của nhân dân. Hồng Kông khi chưa cho Anh làm nhượng địa chỉ là một làng chài nghèo khổ. Ma Cao thì ngay từ lâu, chính quyền Tầu để đền ơn  người Bồ Đào Nha giúp trừ “nụy khấu” cướp bóc đã cho họ đến làm ăn buôn bán  mà phát triển mạnh. Còn trong lục địa thì vẫn là xã hội lạc hậu phong kiến xưa. Vẫn hãy còn  âm ỷ một phong trào “phản Thanh phục Minh”. Cái gọi là tinh thần dân tộc  của Tàu xem ra không nồng nàn bằng  của Việt Nam, khi toàn cõi V.N. bị Pháp đánh chiếm làm thuộc địa.

            Họ Lý không dám  nói ra trước Đại hội  những biểu hiện phản cảm của người dân “Trung cộng vĩ đại” cho thế giới thấy  một điển hình của  một nền văn hoá hạ đẳng. So với người dân ở Hồng Kông, Đài Loan với một số lớn đã chạy trốn được từ đại lục, hay rõ hơn từ trong chế độ Cộng sản ra, những người Tàu ở Hồng Kông và Đài Loan hành xử tỏ ra có tư cách và văn hoá hơn. Trình độ văn hoá của người dân  ở Hồng Kông và Đài Loan  sở dĩ cao hơn ở đại lục là vì họ được hưởng một cuộc sống tự do và một nền giáo dục nhân bản khai phóng. Họ không bị bắt buộc phải tôn sùng  lãnh tụ, cũng như kỷ luật bầy đàn. Trong chế độ Cộng sản con người không khi nào được coi là con người có suy nghĩ, mà chỉ là con vật lao động, không có giá trị bằng con trâu con bò vì hai “cá thể” này có sức lao động tốt hơn. Các lãnh tụ Cộng sản đã rất khổ tâm khi đối diện với thực tế là con người ngoài khả năng lao động cơ bắp còn có tâm linh, đơn giản là đều có suy nghĩ. Cho nên giải pháp cho các lãnh tụ là tiêu diệt khả năng suy nghĩ của quần chúng.

            Bây giờ thì các lãnh đạo Trung cộng lại muốn mê hoặc dân chúng bằng tinh thần dân tộc thượng đẳng:Cần thấy là văn hoá Trung Hoa có 5000 năm lịch sử, nguồn gốc sâu xa rộng lớn chưa từng gián đoạn , là nền văn hoá  có một không hai trên thế giới” – tức là hạng nhất. Chiêu bài dân tộc thượng đẳng này kể ra đã cũ, vì nó đã được lợi dụng  từ hồi đầu thế kỷ 20 với Hitler  để tạo sức mạnh đi cướp bóc những quốc gia yếu kém. Chính nó đã gây ra cuộc Thế chiến thứ Hai làm cho cả nhân loại điêu đứng. Trò Tầu bây giờ đã quá lỗi thời, nhưng vẫn sẽ gây nguy hiểm cho thế giới.

            Có người lạc quan cho rằng, Trung cộng muốn từ bỏ Cộng sản để quay về  chủ nghĩa quốc gia mang tính chất xã hội chủ nghĩa. Tức là họ muốn hạ cánh an toàn để chứng tỏ là chế độ Cộng sản có thể sửa chữa được. Nhưng thực tế, thé giới tự do đã lầm. Các lãnh tụ Trung cộng  không bao giờ yêu chủ nghĩa Cộng sản, vì họ  thấy rõ nó  đã sụp đổ trong lịch sử. Họ chỉ coi đó là một phương tiện  để đấu tranh chính trị, nắm lấy quần chúng, thi hành tham vọng bá chủ của họ. Từ đó đưa đến cho chúng ta  nhận định về động thái “Trỗi dậy văn hoá Trung Quốc” là “nói vậy mà không phải vậy”.

Lê văn Ngọc

Sydney tháng 8/2020

Chú thích:

( *) Chiến lược trỗi dậy về văn hoá của Trung Quộc -tác giả Lý Hổng Phong – biên dịch Nguyễn Hải Hoành, từ nguồn tiếng Trung  (báo Văn hối – 26/12/2009)

( 1 ) Trích lại của Đào Duy Anh – Nhớ nghĩ chiều hôm  – trg 100

( 2 ) Đào Duy Anh – Nhớ nghĩ chiều hôm – trg 449

( 3 ) nt – trg ỗ

Related posts