Những sự gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng do đại dịch virus corona và hình ảnh của chế độ Trung Quốc đang ngày càng xấu đi nhanh chóng vì cách họ xử lý virus đã buộc nước Mỹ phải nghĩ lại về các chính sách trong nhiều thập kỷ qua đối với Bắc Kinh.
Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cận kề, cả hai ứng cử viên, Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đều đã cam kết đưa các chuỗi cung ứng trở về nước và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc – công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo giới gần đây, ông Trump đã dấy lên khả năng tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc trong nhiệm kỳ hai của mình, điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ cắt đứt các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc vì các lý do quốc gia và chiến lược.
“Vâng, đó là điều [chúng ta sẽ làm] nếu họ không hành xử với chúng ta đúng mực, tôi chắc chắn sẽ làm điều đó”, ông Trump nói với Fox News hôm 23/8.
Trong một nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với dược phẩm thiết yếu, ông Trump hôm 6/8 đã ký sắc lệnh để đảm bảo rằng các loại thuốc và vật tư, thiết bị y tế trọng yếu phải được sản xuất tại Mỹ.
Chiến dịch tái cử của Tổng thống Trump hôm 23/8 cũng đã công bố danh sách “các ưu tiên cốt lõi” trong nhiệm kỳ hai. Một trong những chủ điểm chính sách ngoại giao quan trọng là sẽ “chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc”, trong đó bao gồm mục tiêu mang 1 triệu việc làm sản xuất về nước. Ông Trump đề xuất cung cấp miễn giảm thuế và cho phép “khấu trừ 100% chi phí đối với các ngành thiết yếu như dược phẩm và khoa học rô-bốt” để khuyến khích các công ty trong những ngành này sản xuất tại Mỹ.
Ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden cũng đã cam kết “đưa các chuỗi cung ứng quan trọng về nước” bằng đề xuất “Cung ứng Mỹ”. Kế hoạch rộng hơn của ông là “sẽ thúc đẩy sức mạnh công nghiệp và công nghệ Mỹ và đảm bảo tương lai là ‘sản xuất tất cả tại Mỹ’ bởi tất cả công nhân Mỹ”.
Chuyển dịch khỏi Trung Quốc
Cuộc khủng hoảng đại dịch sức khỏe hiện nay phơi bày thực tế nước Mỹ đã trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc ra sao, và những bài học mà Mỹ rút ra được có thể chấm dứt vai trò của Trung Quốc là trung tâm sản xuất của thế giới.
Để đáp ứng trước sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng gia tăng, các công ty Mỹ đã thuê ngoài sản xuất hàng nhiều thập kỷ qua, chủ yếu là thuê sản xuất tại Trung Quốc, để giảm chi phí, nhưng những ngày đó đã kết thúc, theo ông Willy Shih, giáo sư Trường Kinh doanh Harvard, đồng tác giả cuốn sách, “Hưng thịnh Sản xuất: Tại sao nước Mỹ cần Phục hưng Sản xuất”.
“Vấn đề là khi bạn đánh mất ngành sản xuất, thì bạn sẽ đánh mất cơ sở kỹ năng và nền tảng công nghiệp”, ông Shih nói với The Epoch Times, đề cập về bí quyết và khả năng đã được chia sẻ bên trong một ngành.
“Đó là điều cốt lõi, do vậy nếu bạn muốn đưa sản xuất trở về nước, bạn phải học lại những thứ đó”, ông Shih nói và lưu ý rằng có thể phải mất vài thập kỷ để đưa sản xuất về nước vì những kỹ năng đã bị mai một.
Ông lấy ví dụ, Trung Quốc và Đài Loan đã phải mất 30 năm để học hỏi các kỹ năng và cũng mất từng đó thời gian để họ đạt tới vị thế dẫn dắt trong một số ngành nhất định.
Chuyên gia của Trường Kinh doanh Harvard tin rằng để hồi sinh hoặc củng cố sản xuất Mỹ, chính phủ liên bang cần phải truyền cảm hứng cho những người trẻ và cho họ một lý do để họ muốn dấn thân vào những lĩnh vực khoa học và công nghệ quan trọng.
Trước đại dịch virus, một số nghiên cứu cho thấy sản xuất tại Mỹ đang đối mặt với khoảng trống kỹ năng ngày càng gia tăng và điều này có thể dẫn tới hàng triệu vị trí không thể tuyển dụng được người làm trong thập kỷ tới.
Cách tiếp cận khu vực
Ngoài việc đưa sản xuất về Mỹ, cũng đang nổi lên ý tưởng sản xuất nhiều hơn trong khu vực. Ý tưởng này có thể đem lại lợi ích cho Mexico và Canada. Thỏa thuận thương mại Bắc Mỹ mới thay thế NAFTA, USMCA, đã chính thức có hiệu từ ngày 1/7, có thể khuyến khích các doanh nghiệp đưa sản xuất về Bắc Mỹ và thúc đẩy việc tách rời kinh tế khỏi Trung Quốc.
Ông Shih tin rằng sản xuất thâm dụng lao động có thể chuyển tới Mexico vì chi phí nhân công ở đó “bây giờ khá cạnh tranh so với Trung Quốc”.
Ngoài ra, các công ty cũng đang tìm cách chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác như Đài Loan, Thái Lan và Malaysia.
Một nghiên cứu do Gartner thực hiện trong tháng Hai và tháng Ba với 260 công ty dẫn dắt chuỗi cung ứng toàn cầu cho thấy rằng 33% trong số này đã chuyển các hoạt động thuê ngoài và sản xuất khỏi Trung Quốc hoặc có kế hoạch làm như vậy trong vòng hai đến ba năm tới.
Ông Rupert Hammond-Chambers, Chủ tịch của Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Đài Loan tin rằng Đài Loan có thể giúp Mỹ tách rời thương mại khỏi Trung Quốc. Đài Loan hiện có lợi thế cho vai trò này bởi vì quốc đảo này là nhà sản xuất thiết bị gốc cho nhiều công ty Mỹ, gồm cả Apple và HP.
Đài Loan là điểm đến hàng đầu của ngành sản xuất bán dẫn, và vì vậy sự tự trị và khả năng sản xuất của quốc đảo này là quan trọng đối với chính phủ Mỹ.
Mặc dù không có hiệp định thương mại song phương với Mỹ, nhưng thương mại hai chiều của Đài Loan với Mỹ đã tăng 34% trong khoảng thời gian 2016 và 2019. Đây là kết quả từ thực thế đang diễn ra chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc tới Đài Loan, ông Hammond-Chambers nói.
“Chính sách tách rời và chuyển dịch chuỗi cung ứng của chính phủ Mỹ đã diễn ra đồng thời và phù hợp với lợi ích của Đài Loan trong việc giảm tiếp xúc với Trung Quốc”, ông Hammond-Chambers nói và cho biết thêm rằng điều này đã dẫn tới dòng chảy đầu tư đáng kể về Đài Loan từ chính các công ty Đài Loan.
Emel Akan/ The Epoch Times
Xuân Thành dịch