- Như Ngọc
Quân đội Trung Quốc vào sáng thứ Tư 26/8 (giờ địa phương) đã phóng ít nhất hai tên lửa, trong đó có một tên lửa chống hạm, ra vùng biển giữa Đảo Hải Nam và Quần đảo Hoàng Sa, theo Nam Hoa Tảo báo và Reuters.
Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói với Reuters rằng, vào sáng 26/8 Trung Quốc đã phóng bốn tên lửa tầm trung vào Biển Đông, khu vực giữa Đảo Hải Nam và Quần đảo Hoàng Sa.
Vị quan chức quốc phòng Mỹ nói thêm rằng Washington đang thực hiện đánh giá xem tên lửa mà quân đội Trung Quốc vừa phóng ra Biển Đông thuộc loại nào.
Trong khi đó, tờ Nam Hoa Tảo báo (Hồng Kông) dẫn một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho biết chế độ Bắc Kinh đã phóng hai tên lửa, trong đó có một tên lửa chống hạm ra Biển Đông vào sáng 26/8. Nguồn tin này nhấn mạnh rằng động thái này của Trung Quốc là để cảnh báo Mỹ.
Theo Nam Hoa Tảo báo, một trong hai quả tên lửa, loại tên lửa DF-26B, được phóng đi từ tỉnh Thanh Hải phía tây bắc, trong khi quả còn lại, loại tên lửa DF-21D, được phóng đi từ tỉnh Chiết Giang ở phía đông. Hai quả tên lửa sau đó lần lượt rơi xuống một khu vực thuộc tỉnh Hải Nam và một khu vực thuộc Quần đảo Hoàng Sa.
Tên lửa DF-26 có tầm bắn 4.000km, có thể dùng tấn công theo kiểu truyền thống hoặc tấn công hạt nhân vào các mục tiêu trên đất liền và trên biển.
Trong khi đó tên lửa DF-21 có tầm bắn khoảng 1.800km. Truyền thông Trung Quốc mô tả tên lửa DF-21D, loại tân tiến nhất trong các tên lửa cùng dòng DF-21, là tên lửa đạn đạo chống hạm.
Trước đó, theo Nam Hoa Tảo báo, hôm thứ Sáu tuần trước các nhà chức trách Trung Quốc đã phát đi thông báo một khu vực hàng hải xung quanh đảo Hải Nam là khu vực cấm để phục vụ cho các cuộc diễn tập quân sự của quân đội Trung Quốc từ thứ Hai tới thứ Bảy.
Nam Hoa Tảo báo dẫn lời nhà bình luận quân sự Hồng Kông Song Zhongping cho rằng việc Trung Quốc phóng tên lửa ra Biển Đông rõ ràng có ý gửi thông điệp tới Mỹ.
“Mỹ tiếp tục thử giới hạn cuối cùng của Trung Quốc trong các vấn đề Đài Loan và Biển Đông và điều này đã thúc đẩy Trung Quốc phải thể hiện sức mạnh quân sự của mình để cho Washington biết rằng thậm chí cả hàng không mẫu hạm Mỹ cũng không thể phô trương hoàn toàn sức mạnh gần bờ biển Trung Quốc”, ông Song Zhongping nói.
Nhà bình luận quân sự người Hồng Kông nói thêm: “Đây là phản ứng của Trung Quốc đối với những rủi ro tiềm tàng mà họ có thể gặp do việc Mỹ ngày càng gia tăng hoạt động thường xuyên của tàu chiến và máy bay quân sự trên Biển Đông. Trung Quốc không muốn các nước láng giềng hiểu nhầm mục tiêu của mình”.
Hôm 25/8, Bắc Kinh cho hay một máy bay do thám của Mỹ đã lọt vào vùng cấm bay mà Trung Quốc quy định để tập trận bắn đạn thật, và lên án hành động này là “khiêu khích”.
“Máy bay trinh sát U-2 của Mỹ đã làm cản trở nghiêm trọng hoạt động huấn luyện thông thường của Trung Quốc hôm thứ Ba bằng việc xâm phạm không phận trên khu vực mà Bộ Tư lệnh Quân khu Miền Bắc của Quân đội Giải phóng Nhân dân đang tổ chức tập trận”, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói.
Theo Đại tá Wu Qian, người phát ngôn, việc xâm phạm của máy bay này là một hành động khiêu khích trắng trợn, có thể dễ dàng gây hiểu nhầm, đánh giá sai hay thậm chí một tai nạn. Ông Wu cáo buộc phía Mỹ vi phạm hướng dẫn song phương về an toàn hàng không và hàng hải, cũng như các tiêu chuẩn quốc tế liên quan.
“Trung Quốc cực lực phản đối sự việc này và đã gửi khiếu nại nghiêm trọng đối với Mỹ”, Wu Qian nói tiếp. Ông này không tiết lộ gì về đường bay cũng như vị trí của cuộc tập trận Trung Quốc đang diễn ra.
Phía Việt Nam chưa lên tiếng trực tiếp về động thái Trung Quốc bắn tên lửa ra vùng biển Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền của Hà Nội, nhưng bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã hai lần trong hai tháng gần đây tuyên bố phản đối Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa.
Theo truyền thông trong nước, ngày 26/8, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tiến hành tập trận quân sự tại vùng biển phía bắc đông bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông“.
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, huỷ bỏ và không tái diễn vi phạm tương tự“, bà Hằng nhấn mạnh.
Như Ngọc