Trung Quốc tạo nhiều tài khoản mạng xã hội để gây ảnh hưởng đến dư luận

  • Alex Wu

Một loạt tài liệu của chính phủ Trung Quốc đã tiết lộ các phương pháp mà chính quyền địa phương dùng để giám sát và kiểm soát dư luận quần chúng trên internet, bao gồm cả cách trưng dụng các tài khoản mạng xã hội phổ biến hoặc tự tạo tài khoản để đăng các nội dung ủng hộ chính quyền, giám sát những nội dung gây bất lợi cho chế độ cộng sản Trung Quốc cũng như xử lý các sự cố quan hệ công chúng.

Theo các tài liệu thu thập được của The Epoch Times, chính quyền Trung Quốc đã phác thảo một loạt quy trình hành động để xử lý dư luận quần chúng “tiêu cực” – ám chỉ việc cư dân mạng bày tỏ sự không hài lòng đối với chính phủ.

Bồi dưỡng những người có ảnh hưởng ủng hộ chính phủ

Trong một tài liệu được đánh dấu “mật” chứa biên bản cuộc họp của Văn phòng Thông tin mạng tỉnh Hà Nam, các quan chức đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “bồi dưỡng” những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội ủng hộ chính phủ thông qua việc tuyển dụng các tài khoản hiện có và tạo các tài khoản của chính họ.

Những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội ủng hộ chính phủ được yêu cầu đăng hoặc đăng lại các tuyên truyền và các bình luận chính thức trên tài khoản của họ.

Theo biên bản cuộc họp, chính quyền cũng sẽ tạo ra một số lượng lớn các bình luận viên được trả phí trên internet để theo dõi và nhấn “like” các bài đăng nhằm tạo ra hiệu ứng trực tuyến ủng hộ chính phủ, đồng thời mở rộng ảnh hưởng của các tài khoản ủng hộ chính phủ và các tài khoản do chính phủ điều hành.

Tài liệu này cũng cho biết, cùng lúc đó chính quyền cũng sẽ tăng cường giám sát và kiểm duyệt đối với các tài khoản mạng xã hội có ảnh hưởng. Công nghệ tự động và giám sát thủ công sẽ được sử dụng để theo dõi một số “nhóm quan trọng”, các tài khoản cá nhân và tài khoản chung trên WeChat, QQ, và các mạng xã hội phổ biến khác.

Giám sát ai và giám sát khi nào?

Trong tài liệu do chi nhánh địa phương của Cục Quản lý Không gian mạng tại thành phố Nanyang phát hành, chính quyền đã phác thảo hai nhóm nội dung chính cần phải giám sát chặt chẽ: “Dư luận quần chúng quan trọng” và “Dư luận quần chúng trên internet nói chung.”

Theo tài liệu này, nhóm đầu là đề cập đến các nội dung trực tuyến nói về những thảm họa lớn hoặc các sự cố an ninh công cộng; những sự kiện thu hút nhiều sự chú ý của giới truyền thông; các bài đăng liên quan đến lợi ích của “các nhóm lớn” hoặc “ảnh hưởng đến an ninh chính trị”. 

“Dư luận quần chúng trên internet nói chung” là đề cập đến các chủ đề nhạy cảm lan truyền trong phạm vi nhỏ hơn, chẳng hạn như thông qua các nhóm chat, các nhà bình luận trực tuyến độc lập, hoặc các tài khoản truyền thông có ảnh hưởng, giới trí thức nhà nước, và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Một tài liệu khác của tỉnh Hà Nam đã được phổ biến xuống chính quyền cấp dưới yêu cầu các địa phương phải phản ứng đối với bất kỳ tin tức hay dư luận quần chúng tiêu cực nào đối với chính quyền đang lan truyền trên mạng bằng cách huy động sử dụng các cơ quan như truyền thông, mạng, an ninh nhà nước và các phòng ban khác.

Chỉ thị này đã phác thảo một quá trình 7 bước để xử lý các bài đăng trực tuyến, chẳng hạn như theo dõi, đánh giá, “điều chỉnh dư luận quần chúng,” và “hướng dẫn kịp thời các bình luận.”

Đội quân “tình nguyện viên” giám sát Internet

Ngoài “đội quân 50 xu” bao gồm các dư luận viên chuyên nghiệp được thuê của chế độ cộng sản Trung Quốc chuyên đăng các bình luận ủng hộ chế độ và tấn công những người bất đồng với chính phủ, một tài liệu nội bộ chính thức cũng tiết lộ rằng ĐCSTQ đã bắt đầu tuyển dụng “những tình nguyện viên giám sát internet.”

Một thông báo ngày 22/7 do Cục quản lý không gian mạng thành phố Anyang phát hành yêu cầu chính quyền tất cả các quận phải thành lập một nhóm tình nguyện viên như vậy với không ít hơn 30 người.

Các tình nguyện viên sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra và tìm kiếm “các thông tin chính trị có hại” trên các trang web, công cụ tìm kiếm, nền tảng mạng xã hội, blog, diễn đàn, nền tảng phát trực tiếp, nền tảng video ngắn, và các cửa hàng ứng dụng di động.

Xử lý dư luận quần chúng “tiêu cực”

The Epoch Times cũng có được các bản sao của “các báo cáo đặc biệt về dư luận quần chúng trực tuyến” tại một chi nhánh của Cục quản lý không gian mạng ở thành phố Nanyang từ ngày 17/3 đến 11/5, ghi lại những ví dụ về cách chính quyền địa phương xử lý “dư luận quần chúng tiêu cực.”

Ví dụ, đầu năm nay, một tài khoản mạng xã hội đã báo cáo về việc nhiều công ty đã xây dựng trái phép tại Khu công nghiệp Longshen ở địa phương và đã trục lợi từ việc cho thuê và bán các bất động sản đó. Các cư dân mạng đã bày tỏ sự phẫn nộ trước tin tức này.

Báo cáo cho biết chính quyền đã thành công trong việc phát hiện nhanh chóng ý kiến “tiêu cực” và “hướng dẫn các bình luận trực tuyến” có lợi cho chính quyền. Sau khi chính quyền địa phương mở một cuộc điều tra các công ty này và thông báo kết quả, “dư luận và thái độ của quần chúng hiện đã êm dịu lại,” báo cáo kết luận.

Theo một báo cáo khác, cũng trong tháng 4, báo chí địa phương đã đưa tin về việc các quan chức giáo dục quận Tanghe đến thăm các trường học địa phương mà không đeo khẩu trang trong thời gian lây lan COVID-19. Chính quyền địa phương “đã liên lạc trao đổi và phối hợp với các cơ quan truyền thông có liên quan” để xóa bài đăng ban đầu cùng với các bài đăng lại và các bình luận về tin tức này trên nền tảng mạng xã hội.

Theo The Epoch Times

Gia Huy dịch và biên tập

Related posts