News Weekly: “Cuộc chiến chống người Trung Quốc của ĐCSTQ”

  • Minh Nhật

Trong ấn bản ngày 8/8/2020 vừa qua, tờ News Weekly của Úc đã đăng một bài bình luận sách của ông Peter Westmore, một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, cựu chủ tịch Hội đồng Công dân Quốc gia Úc. Bài bình luận có tiêu đề “Cuộc chiến chống người Trung Quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)” của ông Westmore giới thiệu một cuốn sách từ trang Minghui.org có tựa đề “20 năm cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc Đại lục”. Ông gọi cuốn sách là “nguồn thông tin không thể thiếu” cho những ai lo ngại về tình trạng nhân quyền dưới chế độ độc tài Trung Quốc.

News Weekly: "Cuộc chiến chống người Trung Quốc của ĐCSTQ"
Bài bình luận “Cuộc chiến chống người Trung Quốc của ĐCSTQ” của ông Westmore trên tờ News Weekly. (Ảnh: Minghui)

Minghui.org là trang web chính thức của Pháp Luân Công ở hải ngoại, đăng tải nhiều thông tin và bằng chứng từ nguồn tin sơ cấp (nhân chứng trực tiếp) tại Đại lục về cuộc đàn áp Pháp Luân Công vẫn đang tiếp diễn. Đây là đầu mối cung cấp tin tức về Pháp Luân Công cho rất nhiều báo cáo, bao gồm cả Báo cáo Tự do Tôn giáo thường niên của Hoa Kỳ. Báo cáo “The 20-Year Persecution of Falun Gong in China” (20 năm cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc Đại lục) do trang Minghui phát hành ấn bản đã liệt kê tất cả những tội ác của ĐCSTQ trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, bao gồm những hành vi xâm phạm quyền, tra tấn, thu hoạch tạng, đàn áp cả trong và ngoài Trung Quốc; liệt kê các thủ phạm chính trong cuộc đàn áp nhân quyền; đồng thời cho thấy một bức tranh tổng quan về tình hình phát triển của môn tập này tại trong và ngoài Trung Quốc.

News Weekly: "Cuộc chiến chống người Trung Quốc của ĐCSTQ"
Báo cáo “The 20-Year Persecution of Falun Gong in China” (20 năm cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc Đại lục)

Bình luận về báo cáo này, ông Peter Westmore cho biết: “Đối với những người lo ngại về sự lạm dụng nhân quyền của ĐCSTQ trên toàn thế giới, cuốn sách này là một nguồn thông tin không thể thiếu. Cuốn sách cung cấp hơn 430 trang thông tin về sự bức hại mà người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc gặp phải. Đây là tài liệu chi tiết nhất về cuộc đàn áp và nó nên được tìm thấy trong mọi thư viện ở Úc, nó cũng phải là sách tham khảo cho tất cả các văn phòng quốc hội ở Úc.”

Ông Westmore nhận xét: “Cuốn sách sắp xếp các tài liệu này một cách ngắn gọn và giới thiệu rõ ràng về đức tin của Pháp Luân Công một cách dễ hiểu.” “Cuốn sách mô tả chi tiết những vi phạm nhân quyền và bức hại khủng khiếp mà ĐCSTQ đã thực hiện đối với người tập Pháp Luân Công kể từ khi bắt đầu cuộc bức hại. “

Nhà hoạt động xã hội Úc: Tội ác thu hoạch tạng "khiến người ta ghê sợ"
Ngày 7/2/2020, ông Peter Westmore, cựu chủ tịch Hội đồng Công dân Quốc gia Úc, chủ trì hội thảo thúc đẩy Đạo luật Magnitsky, một đạo luật cho phép cấm vận các cá nhân và tổ chức vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trên thế giới. (Ảnh: Lý Dịch, Epoch Times)

Ông Westmore cho rằng bên ngoài Trung Quốc, người tập Pháp Luân Công đã trở thành một nhóm “người phản kháng hiệu quả nhất trên thế giới” khi đối diện với sự đàn áp của chế độ Bắc Kinh và yêu cầu nó “phải chịu trách nhiệm về tội ác của mình”.

Trong bài bài viết của mình, ông Westmore cũng một lần nữa nhấn mạnh đến tội ác thu hoạch nội tạng do ĐCSTQ hậu thuẫn nhắm vào các tù nhân lương tâm, trong đó chủ yếu là người tập Pháp Luân Công.

Là một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng ở Úc, được chính phủ Úc và nhiều nhà quan sát đánh giá cao, trong hàng thập kỷ, ông Westmore đã dành nhiều thời gian để ủng hộ phơi bày ngành công nghiệp ghép tạng của Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đó, ông Westmore kể rằng bản thân ông cũng từng không tin việc thu hoạch nội tạng là có thật. Khi ông Westmore còn là chủ tịch Hội đồng Công dân Quốc gia, có hai người tập Pháp Luân Công tìm đến ông. Họ trình bày với ông rằng sau khi Giang Trạch Dân đàn áp Pháp Luân Công, một lượng lớn người tập Pháp Luân Công đã bị bắt và bị giết. ĐCSTQ còn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của họ để kiếm lời. Do chưa từng nghe được thông tin tương tự, ông Westmore đã tỏ ra không tin tưởng những người này.

Ông Westmore kể: “Tôi nghĩ rằng họ có thể đang phóng đại, hoặc là họ đưa ra cáo buộc này vì bất mãn với ĐCSTQ. Tôi nghĩ điều này không thể chứng minh được. Tôi nói rằng tôi sẽ xem xét và họ đã rời đi. Vài tuần sau, tôi tìm kiếm trên Google hai từ: Trung Quốc, ghép tạng…”

Kết quả tìm kiếm ngay lập tức cho thấy bằng chứng là các trang web của bệnh viện Trung Quốc xuất hiện, mời mọc mọi người đến Trung Quốc du lịch để lấy nội tạng. Thậm chí có người còn nói rằng nếu ca ghép tạng đầu tiên không thành công, nội tạng thay thế có thể được cung cấp trong vòng vài tuần. “Rõ ràng, điều này chỉ có thể đạt được bằng cách giết người để lấy tim, gan, thận, giác mạc và các cơ quan nội tạng khác”, ông Westmore nói.

Ông Westmore chia sẻ: “Tôi đến từ một gia đình có nhiều bác sĩ. Bố tôi là bác sĩ. Các anh chị em tôi cũng là bác sĩ. Khi đọc bài viết này, tôi biết rằng cách duy nhất để có nội tạng trong vài tuần là ai đó sẽ bị giết chết.”

“Ở Úc, nếu tôi bị suy thận và phải ghép thận, tôi sẽ phải chờ trong danh sách đợi suốt vài năm. Điều này rất điển hình, bởi vì không có nhiều nội tạng phù hợp, bệnh nhân phải được ghép nội tạng phù hợp. Nhưng trên các trang web của Trung Quốc và các bệnh viện Trung Quốc lại nói rằng họ sẽ tìm thấy nội tạng trong vòng vài tuần. Điều đó có nghĩa là họ phải giết người để lấy những nội tạng này.”

Ông Westmore là một trong những nhà hoạt động nhân quyền sớm nhất biết đến và lên tiếng phản đối tội ác thu hoạch tạng. Từ năm 2006, khi cựu Quốc Vụ Khanh Canada khu vực châu Á – Thái Bình Dương David Kilgour cùng luật sư nhân quyền David Matas công bố báo cáo điều tra đầu tiên về ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng của ĐCSTQ, thì ông Westmore đã chú ý. Ngày 21/8/2006, khi ông Edward McMillan-Scott, Phó Chủ tịch Quốc hội Châu Âu và ông David Kilgour tổ chức hội nghị về việc ĐCSTQ thu hoạch tạng từ tù nhân lương tâm, ông Peter Westmore đã tham dự cùng. (Xem thêm báo cáo cập nhật bản mới nhất năm 2016 của ông Kilgour và ông Matas tại đây)

Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Westmore nói: “Tôi biết rằng chính quyền ĐCSTQ từng nói những điều đó sẽ không xảy ra một lần nữa, nhưng tôi không tin điều này. Bởi vì sự phát triển liên tục của ngành ghép tạng của ĐCSTQ phụ thuộc vào nguồn cung cấp nội tạng ổn định, họ chỉ có một nguồn cung cấp, đó là tù nhân. Người tập Pháp Luân Công là đối tượng thu hoạch nội tạng yêu thích của họ. Nói cách khác, họ sẵn sàng giết người sống để bảo đảm nguồn nội tạng.”

Nhận xét của ông Westmore là giống với kết luận của một tòa án nhân dân độc lập tại London điều tra về tội ác thu hoạch tạng tại Trung Quốc. Theo đó vào tháng 6/2019, tòa đã tuyên bố: “Không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy những cơ sở vật chất trong ngành công nghiệp cấy ghép tạng ở Trung Quốc đã bị giải thể, và cũng không có một lời giải thích phù hợp nào khác cho nguồn nội tạng hiện có sẵn của Trung Quốc, vì thế tòa đi tới kết luận là việc thu hoạch tạng vẫn còn tiếp tục cho tới hiện nay”. Đáng chú ý, chủ tọa của tòa là ngài Geoffrey Nice, một luật sư Anh Quốc rất uy tín trên trường quốc tế, từng đảm trách vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế.

Ông Westmore cho rằng đây là tội ác diệt chủng nhắm vào một nhóm người, đồng thời là tội ác chống lại loài người. “Cách ĐCSTQ tấn công người tập Pháp Luân Công khiến người ta kinh hoàng và phẫn nộ. ĐCSTQ vô cớ nhắm vào người tập Pháp Luân Công, bắt cóc họ, giam cầm họ trường kỳ suốt hơn 20 năm qua. Hàng ngàn hàng vạn người đã bị sát hại và nội tạng bị cướp đoạt, dùng để hỗ trợ ngành cấy ghép nội tạng của ĐCSTQ. Điều này rõ ràng là một sự xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng và tàn khốc đối với những người này. Điều khiến người ta ghê sợ nhất là cướp đoạt nội tạng của họ, thật không thể tin được. Điều duy nhất tôi nghĩ tới là so sánh những người thực hiện tội ác này với các bác sĩ Đức Quốc xã trong Thế chiến II. Tôi nghĩ rằng chính phủ ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về tội ác của mình.”

Ông Westmore cho rằng tội ác thu hoạch tạng là “vấn đề nhân quyền ảnh hưởng đến toàn thế giới. Đấu tranh cho người tập Pháp Luân Công chính là đấu tranh cho những người khác bị áp bức ở Trung Quốc. Những người này đang bị một chế độ khủng khiếp bức hại và đàn áp.”

Minh Nhật biên tập

Related posts