Trong khi Hoa Kỳ kêu gọi các nước phương Tây kiềm chế Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thì Hàn Quốc – đồng minh có quan hệ mật thiết lâu năm với Mỹ lại hoàn toàn “im hơi lặng tiếng”.
Gần đây, thời báo Epoch Times đã thu thập được một lượng lớn tài liệu nội bộ cho thấy ĐCSTQ đã sử dụng một loạt các hoạt động liên quan đến đối ngoại, lợi ích kinh tế để lôi kéo Hàn Quốc và thâm nhập vào nước Úc.
Nguyên nhân đằng sau khiến Hàn Quốc “im hơi lặng tiếng” trước vấn đề Hồng Kông
Gần đây, một loạt các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Trump như: Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien; Bộ trưởng Tư pháp William Barr; Giám đốc cục Điều tra Liên bang FBI Christopher Wray và Ngoại trưởng Mike Pompeo, đã lần lượt công khai chỉ trích ĐCSTQ, kêu gọi xã hội phương Tây liên minh cùng chống lại ĐCSTQ.
Tuy nhiên, về vấn đề Hồng Kông thì Hàn Quốc với tư cách là đồng minh thân thiết lâu năm của Mỹ đến nay vẫn chưa thấy động đối đầu với ĐCSTQ.
Một bài báo được xuất bản trên trang National Interest (Lợi ích quốc gia) của Mỹ vào ngày 27/7 cho hay, Hàn Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc tham gia hành động chống lại ĐCSTQ. Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vẫn một mực phản đối một số chính sách của chính quyền Trump, chẳng hạn như lệnh cấm bán chất bán dẫn cho Huawei và các công ty Trung Quốc khác của Mỹ, đồng thời từ chối lên án các chính sách của ĐCSTQ trong việc chà đạp tự do nhân quyền của Hồng Kông.
Hiện, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất, thị trường xuất khẩu lớn nhất và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Hàn Quốc. Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc. Hiệp định Thương mại Tự do Trung – Hàn đến nay cũng đã thực thi hơn 4 năm.
Gần đây, thời báo Epoch Times có trụ sở ở hại ngoại đã độc quyền có được lượng lớn tài liệu nội bộ của ĐCSTQ cho thấy mối quan hệ hội nhập kinh tế Trung – Hàn sâu sắc hơn những gì ngoại giới tưởng tượng. Ngay cả trong tình hình dịch bệnh bùng phát, ĐCSTQ cũng dành sự ưu ái đặc biệt cho Hàn Quốc. Ví như về phương diện hoạt động đối ngoại, các nhân viên kinh doanh của Hàn Quốc có thể được miễn cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh vào Trung Quốc, miễn là họ đạt kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính ở Hàn Quốc và âm tính trong kết quả xét nghiệm axit nucleic và xét nghiệm huyết thanh ở Trung Quốc.
Hàn Quốc cũng là quốc gia đầu tiên nhận được đãi ngộ “đi đường tắt” của ĐCSTQ ngay trong mùa dịch.
Ngày 1/8, cuộc họp Ủy Ban Kinh tế Hỗn hợp Trung – Hàn lần thứ 24 đã được tổ chức tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Điều đáng chú ý là, đây là hội nghị gặp mặt trực tiếp đầu tiên của ĐCSTQ và các nước khác trên thế giới khi mà tình hình dịch bệnh vẫn đang hoành hành. Hàn Quốc cũng công khai đồng ý hợp tác kết nối chiến lược “Một vành đai, một con đường” của ĐCSTQ bằng chính sách “Hướng nam mới”, “Hướng bắc mới” của Hàn Quốc.
Ngày 21/8, Dương Khiết Trì, Ủy viên Tổng cục Chính trị ĐCSTQ kiêm Giám đốc Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương, đã có chuyến thăm 2 ngày đến Hàn Quốc. Dương Khiết Trì là quan chức cấp cao đầu tiên của ĐCSTQ có chuyến viếng thăm Hàn Quốc kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay. Chuyến đi này được cho là trải đường cho chuyến thăm Hàn Quốc của ông Tập Cận Bình.
Từ các tài liệu nội bộ của thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang chúng ta cũng có thể thấy mối quan hệ kinh tế sâu sắc giữa ĐCSTQ và Hàn Quốc.
“Báo cáo liên quan đến công tác chống dịch” của Văn phòng Ngoại giao thành phố Đại Khánh, Hắc Long Giang vào tháng 2 năm nay đã đề cập chi tiết việc mua vật tư y tế từ Hàn Quốc như thế nào.
Tài liệu mô tả tường tận 800 bộ quần áo bảo hộ y tế dùng một lần với trị giá 186 nghìn nhân dân tệ do các doanh nghiệp và cá nhân Hàn Quốc chung nhau quyên tặng. Chiều ngày 4/2, các sinh viên Trung Quốc thường trú ở thành phố Đại Khánh, Hắc Long Giang đang du học ở Hàn Quốc đã mang toàn bộ số đồ quyên tặng đó đáp chuyến bay từ Hàn Quốc về đến sân bay Cáp Nhĩ Tân. Vào lúc 5h20 chiều, 800 bộ quần áo bảo hộ y tế đã được đưa vào nhà kho của thành phố Đại Khánh.
Tài liệu tiết lộ thêm rằng, trong quá trình thu mua quần áo bảo hộ y tế cho thành phố Đại Khánh, các xí nghiệp bên phía Hàn Quốc cũng đã điều động 4 xí nghiệp lớn ở Thượng Hải, Hồng Kông, Đan Đông và Pháp hỗ trợ thành phố Đại Khánh. Trong đó, xí nghiệp ở Đan Đông có 10 dây chuyền sản xuất, một ngày có thể sản xuất 70.000 chiếc áo.
Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ: ĐCSTQ dùng ván bài kinh tế để ảnh hưởng đến chính trị các quốc gia khác
Ngày 16/7, Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ William Barr đã có bài phát biểu tại Bảo tàng Tổng thống Gerald Ford ở Michigan, Hoa Kỳ.
Ông William Barr lấy công ty Walt Disney – tập đoàn giải trí và truyền thông đa phương tiện lớn nhất thế giới, làm ví dụ. Sau khi ĐCSTQ cấm tất cả các bộ phim của Disney ở Trung Quốc, Disney vì để có thể tiến nhập vào thị trường Trung Quốc lần nữa đã gắng sức “làm đẹp lòng” Trung Quốc. Giám đốc điều hành của công ty này đã xin lỗi về bộ phim có nội dung chống ĐCSTQ, và gọi đó là một “sai lầm ngu xuẩn”.
Nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất nói rằng, sau khi Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) năm 2016 được triển khai ở Hàn Quốc, ĐCSTQ đã áp đặt các lệnh trừng phạt về kinh tế đối với Hàn Quốc. Mặc dù người dân Hàn Quốc nhìn chung có cái nhìn tiêu cực về ĐCSTQ, nhưng chính như Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ William Barr đã nói, ĐCSTQ đã sử dụng kinh tế của mình ảnh hưởng đến chính trị của các quốc gia khác. Hiện nay, mặc dù Hoa Kỳ muốn liên minh với Hàn Quốc trong việc đối phó với ĐCSTQ, nhưng các nhà chức trách Hàn Quốc vẫn vì lợi ích kinh tế mà không muốn mất lòng ĐCSTQ.
Thành ủy Thẩm Dương triển khai hoạt động đối ngoại khuếch trương ảnh hưởng đến nước khác
“Xúc tiến đầu tư”, “thành phố hữu nghị”, “giao lưu quốc tế”, những thuật ngữ này tràn ngập trên các kênh truyền thông ĐCSTQ, nhưng đằng sau nó lại là các mục tiêu chính trị thâm hiểm của ĐCSTQ.
Trong bộ văn kiện bị rò rỉ với tiêu đề “Kiên trì đường lối quản lý đối ngoại của đảng, áp dụng tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình chỉ đạo các hoạt động đối ngoại” cho thấy nội dung văn kiện yêu cầu Ủy ban Đối ngoại Thẩm Dương “tăng cường lãnh đạo tập trung thống nhất trong công tác đối ngoại của Đảng”, “Kiên trì nâng cao quan điểm đối ngoại, nắm chắc mục tiêu trung tâm đối ngoại, tăng cường lãnh đạo, quản lý công tác đối ngoại, giữ vững nguyên tắc đảng phụ trách đối ngoại trong toàn bộ quá trình công tác”.
Sau đó, tài liệu bắt đầu mô tả việc tổng kết công tác năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 theo nguyên tắc “dựa trên quyết định triển khai công tác đối ngoại của thành ủy”.
Tài liệu đề cập rằng, trong năm 2019, Ủy ban Đối ngoại Thẩm Dương đã bố trí cẩn thận cho các chuyến viếng thăm đến các quốc gia và khu vực trọng điểm của lãnh đạo thành phố. Bí thư Thành ủy Trương Lôi đã dẫn đầu đoàn đại biểu trong chuyến viếng thăm đến Nhật Bản, Hàn Quốc để ký kết 13 dự án trọng điểm về việc xây dựng trung tâm sản xuất, trung tâm đổi mới khoa học công nghệ, trung tâm trao đổi hàng hóa và trung tâm tài chính ở các khu vực Đông Bắc Á. Thị trưởng Khương Hữu Vi dẫn đầu đoàn công tác trong chuyến viếng thăm đến nước Đức, Vương quốc Anh, Nhật Bản để đàm phán, xúc tiến một số dự án trọng điểm trong lĩnh vực sản xuất xe ô tô cùng các bộ phận lắp ráp và đồ trang bị cao cấp.
Đồng thời, tài liệu cũng tiết lộ rằng thành phố Thẩm Dương đã kết làm “thành phố hữu nghị” với 20 thành phố ở 15 quốc gia, và kết làm “thành phố có mối quan hệ hữu nghị hợp tác” với 79 thành phố. Ngoài ra, tài liệu còn đề cập năm 2020 phải lấy Hội nghị “17 + 1” làm bước ngoặt chuyển tiếp để “phát triển quan hệ hữu nghị” với các thành phố có tầm ảnh hưởng quốc tế và ngành công nghiệp đặc trưng ở các nước Trung và Đông Âu.
Tài liệu tiết lộ rằng năm 2020, Ủy ban Đối ngoại Thẩm Dương sẽ tăng cường hợp tác giáo dục quốc tế, thúc đẩy xây dựng ngôi trường hữu nghị và xây dựng thương hiệu cho việc tuyên truyền ra bên ngoài.
Nhà bình luận về vấn đề thời sự Lý Lâm Nhất nói rằng, các hoạt động đối ngoại của ĐCSTQ là có mang theo mục tiêu chính trị đằng sau. Cái gọi là xúc tiến đầu tư, một mặt là thu hút nguồn vốn từ bên ngoài, mặt khác là để khóa chặt các công ty quốc tế ở Trung Quốc, sau đó thông qua uy hiếp hoặc dụ dỗ, khiến cho người quản lý cấp cao của các công ty này quay ngược lại ảnh hưởng đến tình hình chính trị với đất nước họ.
Cái gọi là thành phố hữu nghị, mở rộng giao lưu… một trong những mục đích là làm cho thu nhập của thành phố hoặc quốc gia mục tiêu đó dần dần phải phụ thuộc vào lượng lớn du học sinh và du khách Trung Quốc. Vào thời khắc then chốt, ĐCSTQ có thể lấy cớ cắt đứt giao lưu kinh tế – văn hóa hòng áp chế chính trị với quốc gia mục tiêu.
ĐCSTQ khuếch đại ảnh hưởng chính trị ra nước ngoài như thế nào?
Ở đây xin lấy nước Úc làm một ví dụ điển hình.
Ngày 24/6, Robert C. O’Brien – Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, trong một bài phát biểu tại thành phố Phoenix – trung tâm hành chính hạt của quận Maricopa, Hoa Kỳ, cho biết Úc đã kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus viêm phổi Vũ Hán. Sau đó, ĐCSTQ đã đe dọa sẽ ngừng mua các sản phẩm nông nghiệp của Úc và ngăn cấm toàn thể sinh viên và du khách Trung Quốc đến nước Úc học tập và du lịch. Khi Úc từ chối nhượng bộ, bên phía Bắc Kinh đã biến lời đe dọa thành hành động, áp thuế 80% đối với lúa mạch xuất khẩu của Úc.
Vào ngày 7/7, Giám đốc FBI Hoa Kỳ Christopher Ray đã có bài phát biểu tại Viện Hudson ở Washington, ông đã vạch trần thủ đoạn ĐCSTQ gây sức ép lên các quan chức Hoa Kỳ trước chuyến thăm Đài Loan của họ.
Ông Ray cho biết, ví như ĐCSTQ hay tin một quan chức nào đó của Mỹ đang lên kế hoạch cho chuyến thăm Đài Loan, vị quan chức đó có thể là Thống đốc bang, hoặc Thượng nghị sĩ bang, hoặc ủy viên Quốc hội. ĐCSTQ không muốn thấy điều này xảy ra.
Vậy là ĐCSTQ bắt đầu công khai trực tiếp gây sức ép đến quan chức đó của Mỹ. ĐCSTQ có thể cảnh báo công khai rằng, nếu quan chức đó nhất quyết muốn đến Đài Loan, ĐCSTQ sẽ thu hồi giấy phép sản xuất tại Trung Quốc của công ty nào đó trong bang sở tại của vị quan chức này. Điều này sẽ gây tổn thất về tài chính cho công ty đó, và công ty đó sẽ gây sức ép lên quan chức này buộc ông ta phải hủy bỏ chuyến thăm của mình. ĐCSTQ cũng đã cho quan chức này một bài học sâu sắc rằng ĐCSTQ đang ảnh hưởng trực tiếp đến ông ta.
ĐCSTQ thậm chí còn tìm đến cả những người vô cùng thân cận với quan chức này – người mà quan chức này tin tưởng nhất. ĐCSTQ sẽ cố gắng tác động đến những người này và khiến họ trở thành người trung gian đứng trên lập trường của ĐCSTQ tác động đến quan chức này.
ĐCSTQ thâm nhập vào Úc thông qua hình thức giao lưu kinh tế – văn hóa
Gần đây, nhiều tài liệu nội bộ của ĐCSTQ mà trang Epochtimes có được đã bóc trần rằng ĐCSTQ đã thâm nhập vào Úc thông qua các hình thức giao lưu văn hóa, dự án “Một vành đai, một con đường”, phát triển tình hữu nghị giữa các thành phố lớn. Tất cả đều có tổ chức quốc tế làm cầu nối trung gian cho chính quyền địa phương của ĐCSTQ, ví như Tập đoàn Giáo dục AITA (AITA Group), Trung tâm Giao lưu Quốc tế New Zealand (NIEC) dưới sự trực thuộc của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Úc (Australia International Trade Association & Associates – gọi tắt là AITA).
Mặc dù AITA được gọi là Hiệp hội Thương mại Quốc tế, nhưng các tài liệu trên trang web chính thức đều được gửi đến cho ĐCSTQ, mọi hoạt động của tổ chức đều xoay quanh sự tương tác giữa các cấp cơ quan chính quyền của ĐCSTQ và các ngành nghề khác nhau ở Trung Quốc và Úc.
Theo giới thiệu, phòng Thương mại đã tổ chức hàng trăm nghị sĩ Liên bang Úc đến thăm Trung Quốc, đồng thời tổ chức các phái đoàn từ các cơ quan chính phủ và các lĩnh vực ngành nghề khác thuộc ĐCSTQ đến Úc để khảo sát và đào tạo.
Giám đốc điều hành của Phòng Thương mại AITA là Michael Guo, người đã nắm giữ ít nhất hơn 30 chức vụ ở Trung Quốc và quốc tế, trong đó đáng chú ý nhất là chức vụ “Tổng thư ký của Liên minh Giáo dục Một vành đai, một con đường” và “Tổng thư ký của Liên minh chuỗi cung ứng thương mại điện tử Trung Quốc – Úc một vành đai, một con đường”.
Trong con mắt của phương Tây, ĐCSTQ đã mượn dùng danh nghĩa “Một vành đai, một con đường” để khuếch trương thế lực ra bên ngoài.
Tập đoàn giáo dục AITA (AITA Education Group) là một tập đoàn giáo dục trực thuộc Hiệp hội Thương mại Quốc tế Úc (AITA), có nhiệm vụ chính là kết nối các dự án giáo dục giữa Trung Quốc và Úc. Trung tâm Giao lưu Quốc tế New Zealand (viết tắt: NIEC) nằm dưới sự quản lý của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Úc (AITA) có nhiệm vụ chính là xúc tiến “trao đổi và hợp tác” giữa các dự án giáo dục Trung Quốc và New Zealand.
Đối tượng “giao lưu hữu nghị” của các tổ chức này bao gồm: Bộ ủy cấp quốc gia ĐCSTQ (Ủy ban Giáo dục – Công nghệ – Văn hóa – Y tế của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, cơ quan giáo dục cơ sở thuộc bộ giáo dục, cơ quan giáo dục quốc tế); các sở và hiệp hội giáo dục chính quyền cấp tỉnh (sở giáo dục 13 tỉnh thành thuộc Liêu Ninh, Vân Nam, Bắc Kinh…), hiệp hội và cục giáo dục chính quyền cấp thành phố (20 thành phố), một số trường cao đẳng đại học trên khắp cả nước (14 trường).
Phòng Thương mại AITA đã xúc tiến gần 60 thành phố của Úc thiết lập “quan hệ hợp tác hữu nghị” với Trung Quốc, chủ đề hợp tác bao gồm nhiều lĩnh vực như: năng lượng, nông nghiệp, kinh tế thương mại, bảo vệ môi trường, giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật, y tế…
Qua tài liệu Văn phòng Đối ngoại thành phố Hoài Nam, tỉnh An Huy năm 2016 mà thời báo Epochtimes có được cho thấy việc thành lập các “thành phố hữu nghị” đều nằm trong phạm vi xây dựng đảng của thành phố này, là nhiệm vụ trọng tâm được chính quyền tỉnh triển khai. Nói cách khác, đằng sau những “thành phố hữu nghị” ẩn giấu nhiệm vụ và đòi hỏi chính trị của ĐCSTQ.
Trong văn kiện “Tình hình công tác đối ngoại trong năm 2018 và bố trí công tác trong năm 2019 của thành phố Hoài Nam” ngày 3/12/2018 của Văn phòng Ngoại giao thành phố Hoài Nam đề cập rằng: Theo sát triển khai của Trung Ương, trong năm 2019, thành phố Hoài Nam sẽ tăng cường lực độ tuyên truyền ra nước ngoài, tiếp tục xúc tiến dự án “Một vành đai, một con đường”, tăng cường liên lạc với các đoàn thể kiều bào, thương hội người Hoa, hiệp hội ngành nghề Trung Quốc ở các quốc gia dọc tuyến “Một vành đai, một con đường”.
Trong tài liệu “Kế hoạch sở hữu hàng trăm nhân tài ở hải ngoại của văn phòng Ngoại giao Đại Khánh” mà Epoctimes có được vào ngày 13/11/2019 cho thấy, Hồ Bình – quan chức cấp cao của phòng Thương mại Quốc tế Úc, cùng với cựu thị trưởng, thị trưởng và giám đốc Bộ phận Quốc tế của thành phố Perth – thủ phủ và là thành phố lớn nhất của bang Tây Úc, đều trở thành “nhân tài hải ngoại” được ĐCSTQ dốc lòng bồi dưỡng, đào tạo.
Hoa Kỳ triển khai phương án ứng phó thủ đoạn thâm nhập của ĐCSTQ
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một bài phát biểu vào ngày 23/7 cho biết: “Chúng tôi đã mở rộng tấm lòng với người dân Trung Quốc, kết quả lại phát hiện ĐCSTQ đã thừa cơ lợi dụng xã hội tự do và cởi mở của chúng tôi. Trung Quốc đã cử nhân viên tuyên truyền tiến vào các cuộc họp báo, trung tâm nghiên cứu, trường học và học viện của chúng tôi, thậm chí tham gia Hội phụ huynh học sinh của chúng tôi”.
Lý Lâm Nhất nói rằng, Hoa Kỳ đã dần dần nhận ra vấn đề này. Trong tư tưởng của ĐCSTQ, chỉ cần bạn là người Trung Quốc thì phải chịu sự kiểm soát của ĐCSTQ. Nhất là các đảng viên ĐCSTQ cần phải tuân thủ hiến pháp của Đảng, dù bạn ở Trung Quốc hay ở nước ngoài thì đều như vậy cả. Hiện có hơn 5 triệu người Trung Quốc ở Hoa Kỳ. Đối với Hoa Kỳ mà nói, thật khó để phòng bị được hành vi trộm cắp bí mật và các sự cố khác. Cục trưởng Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI cũng tiết lộ rằng, trung bình cứ 10 giờ lại có một cuộc điều tra hoạt động gián điệp liên quan đến chính phủ Trung Quốc. Mỹ đã sử dụng nguồn lực khổng lồ để điều tra hơn 2.000 vụ việc liên quan đến chính phủ Trung Quốc.
Ông Lý cũng chia sẻ, Hoa Kỳ hiện đã nhận ra rằng: về mặt kinh tế không những phải tách khỏi Trung Quốc để tránh sự đe dọa của ĐCSTQ, về mặt giao lưu văn hóa và con người cũng cần tách biệt. Hoa Kỳ đã hủy bỏ thị thực của các sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Hoa Kỳ có liên hệ trực tiếp với quân đội Trung Quốc, việc đóng cửa lãnh sự quán gần đây và hủy bỏ “Chương trình trao đổi học giả nghiên cứu Fulbright” với Trung Quốc và Hồng Kông chính là đang cắt đứt dần dần phương diện giao lưu văn hóa và con người với Trung Quốc.
Ông Lý Lâm Nhất tin rằng chỉ cần lối tư duy “Đảng lãnh đạo hết thảy” của ĐCSTQ vẫn không thay đổi thì Hoa Kỳ sẽ giảm dần các hoạt động qua lại với ĐCSTQ và sẽ thu hẹp ảnh hưởng của ĐCSTQ đối với Hoa Kỳ đến một phạm vi có thể kiểm soát được. Chính sách này sẽ không thay đổi cho đến khi ĐCSTQ sụp đổ.
Theo Lâm Nhuệ, Epochtimes.com
Tâm Thanh biên dịch