Việt Luận tổng hợp
Pakistan là đồng minh thân thiết của Trung Quốc nhưng hiện ngư dân quốc gia vùng Nam Á này đã công bố chiến dịch phản đối sự xuất hiện của 20 tàu đánh bắt biển sâu của Trung Quốc, hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi hai tỉnh Sindh và Baluchistan.
Theo Nikkei Asian Review, Diễn đàn Ngư dân Pakistan (PFF) đã tiến hành những hoạt động nhằm ngăn chặn các tàu cá mang cờ Trung Quốc đến gần Karachi. Theo PFF, trữ lượng cá khu vực ven biển đã giảm hơn 72% kể từ năm ngoái do đánh bắt không kiểm soát. Họ lo sợ rằng những tàu này sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển của Pakistan.
Các tàu cá đã xâm nhập vùng biển ngoài khơi hai tỉnh Sindh và Baluchistan vào tuần đầu tháng 8 nhưng vẫn chưa bắt đầu đánh bắt và không rõ nhóm tàu đến từ vùng nào của Trung Quốc. Chủ tịch PFF Muhammad Ali Shah tuyên bố: “Những con tàu này đe dọa sinh kế của các ngư dân nhỏ bé bằng cách tước đoạt những gì họ đang đánh bắt hiện nay và trong tương lai thông qua hủy hoại sinh thái biển”.
Theo sự điều phối của PFF, các ngư dân ở thành phố Gwadar thuộc tỉnh Balochistan cũng đã công bố chiến dịch phản đối các tàu này. Gwadar là phần trung tâm của Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan trị giá 50 tỉ USD, một phần của sáng kiến Vành đai và Con đường. Trong quá khứ, ngư dân Gwadar đã phản đối các dự án cơ sở hạ tầng thuộc chương trình Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình, cho rằng các dự án này ngăn họ không thể ra khơi.
Ông Khuduaidad Waju, Chủ tịch Liên minh Ngư dân Gwadar cáo buộc nhóm tàu Trung Quốc sẽ gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân địa phương: “Đánh bắt hải sản là nguồn sinh kế của hơn 2,5 triệu người ở các thị trấn ven biển của Sindh và Baluchistan. Những tàu cá mới của Trung Quốc sẽ tước đi sinh kế của chúng tôi. Việc cho phép các tàu cá Trung Quốc đánh bắt ở biển sâu cũng tương tự như việc bán vùng biển Baluchistan cho họ”, Waju cho biết và tiết lộ ngư dân Gwadar sẽ tổ chức các cuộc biểu tình mạnh mẽ phản đối các tàu Trung Quốc bắt đầu từ tuần tới.
Trước làn sóng phản đối, cơ quan giám sát của tỉnh Sindh và Balochistan đã gửi thư cho giới quản trọ của Hiệp hội Hợp tác xã Ngư dân, nơi cấp giấy phép cho các tàu của Trung Quốc để yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về thỏa thuận với công ty sở hữu các tàu này.
Vấn đề đã được đưa ra quốc hội Pakistan khi nghị sĩ đại diện Gwadar – Aslam Bhootani – tuần trước khẳng định sự xuất hiện của các tàu cá Trung Quốc tạo ra nỗi sợ hãi cho ngư dân tại khu vực. Ông nhấn mạnh các tàu biển sâu của Trung Quốc có lưới đánh cá lớn, không chỉ bắt được nhiều cá mà còn phá hủy hệ sinh thái biển.
Nghị sĩ Bhootani cũng cho biết ngư dân ở Gwadar có thuyền nhỏ và không thể đi đến vùng biển sâu. Ông nói: “Ngư dân ở Gwadar không có cách nào chống lại các tàu Trung Quốc này và đó là lý do tại sao chúng tôi phản đối họ”.
Các chuyên gia cho rằng các động thái trên được đưa ra trong bối cảnh phẫn nộ ngày càng lớn đối với sự bành trướng kinh tế của Trung Quốc ở Pakistan trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường.
Mohan Malik, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc phòng của UAE, nói với Nikkei rằng hầu hết các nước đang phát triển đã ký kết sáng kiến Vành đai và Con đường và không có nhiều động lực để nói “không” với Trung Quốc, ngay cả khi Bắc Kinh ngang nhiên để các tàu cá của mình tự do đánh bắt hải sản và cướp đi sinh kế của rất nhiều ngư dân nước sở tại.
Không chỉ là Pakistan, những đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc đang vơ vét sạch sành sanh “bốn bể” trên toàn cầu với lối đánh cá “cào cho bằng hết”. Tuần qua, ngày 27.8.2020 Ngoại trưởng Mỹ Pompeo vừa lên tiếng về hàng trăm tàu cá Trung Quốc gần quần đảo Galapagos là “rất đáng lo ngại”.
Trong nhiều năm, không ai biết tại sao thỉnh thoảng hàng chục chiếc “tàu ma” rách nát lại dạt vào bờ biển Nhật. Trên tàu người ta hay phát hiện xác của ngư dân Triều Tiên, thân thể gầy rộc vì thiếu đói đến mức chỉ còn xương với da.
Theo một phóng sự điều tra công bố gần đây trên Đài NBC News, các nhà nghiên cứu hàng hải phân tích dữ liệu vệ tinh mới để đi đến một lời giải thích khả dĩ nhất:
Trung Quốc đã cho đội tàu cá kỹ nghệ khổng lồ (không đăng bộ) đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển Triều Tiên, làm giảm đến 70% ngư trường mực từng một thời đầy ắp. Những ngư dân Triều Tiên dường như đã đi quá xa bờ để tìm mực trong vô vọng, thiếu ăn, thiếu trang bị đã dẫn đến cái chết của họ rồi trôi dạt vào Nhật.
Năm ngoái, hơn 700 tàu cá Trung Quốc đã càn quét trái phép vùng biển Triều Tiên, trong khi nghị quyết của Liên Hiệp Quốc năm 2017 cấm Bình Nhưỡng bán quyền đánh bắt hải sản đổi lấy ngoại tệ sau hàng loạt vụ thử hạt nhân.
Phát hiện mới đặt ra nhiều câu hỏi gai góc về hậu quả của việc Trung Quốc bành trướng hiện diện trên các đại dương, và tham vọng địa chính trị của họ đằng sau hành động này.
Trung Quốc không chỉ là nhà xuất cảng hải sản lớn nhất thế giới, gần 1.4 tỉ dân nước này còn tiêu thụ đến hơn 1 phần 3 lượng hải sản trên toàn cầu.
Sau khi tận diệt sạch vùng biển gần nhà, đội tàu Trung Quốc những năm gần đây tấn công vùng biển các nước khác, bao gồm khu vực Tây Phi và Mỹ Latin, những nơi không có lực lương tuần dương đầy đủ và mạnh.
Chính phủ Trung Quốc tuyên bố đội tàu đánh bắt xa bờ của họ có 2,600 chiếc, nhưng nhiều nghiên cứu khác nhau, ví dụ của tổ chức Viện Phát triển hải ngoại (ODI, Vương quốc Anh), ước tính con số ít nhất phải lên đến 17,000, trong đó phần lớn không được đăng bộ và hoạt động lén lút như ở biển Triều Tiên.
Hầu hết tàu cá xa bờ của Trung Quốc là cỡ lớn, lượng tôm cá một tàu cào vét một tuần có khi nhiều bằng một tàu cá Senegal hoặc Mexico đánh bắt trong cả năm.
Đội tàu Trung Quốc không tự nhiên phát triển đến quy mô hiện nay, Bắc Kinh trợ cấp cho ngành kỹ nghệ này hàng tỷ nhân dân tệ mỗi năm. Tàu Trung Quốc có thể đi xa như vậy cũng nhờ khoản trợ cấp nhiên liệu vốn đã tăng gấp 10 lần từ năm 2006 đến 2011 (dữ liệu sau đó không còn được công bố).
Hơn 10 năm nay Trung Quốc đã giúp ngư dân đóng hàng loạt tàu vỏ thép hiện đại, kích thước lớn, thậm chí gửi cả tàu y tế đến các ngư trường giúp tàu cá bám biển lâu hơn. Để xác định luồng cá, họ xài cả dữ liệu vệ tinh và tàu nghiên cứu…
Trong bản kế hoạch 5 năm công bố năm 2017, Chính phủ Trung Quốc kêu gọi dừng mở rộng đội tàu đánh bắt xa bờ, giữ con số dưới 3,000 đến năm 2021. Một số nhà nghiên cứu tin rằng Bắc Kinh quả thật mong muốn điều này, tuy nhiên họ làm được hay không lại là chuyện khác.
Bên cạnh nguồn lợi hải sản, đội tàu cá Trung Quốc còn phục vụ cho mục đích tranh chấp chủ quyền biển. Theo nghĩa này, ngư dân Trung Quốc hoạt động như một lực lượng bán quân sự, nhưng mọi hành động của họ Bắc Kinh sẽ đổ thừa “chính quyền không liên can”.
Không nơi nào trên thế giới mà tàu cá Trung Quốc nhiều như ở Biển Đông. Dưới lớp vỏ bọc dân sự kèm theo sự hộ tống của tàu hải cảnh có vũ trang, vô số lần tàu cá Trung Quốc ngang nhiên dùng vũ lực xua đuổi tàu các nước khác, cho dù đó là vùng biển quốc tế hay biển không thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Các chuyên gia quân sự phương Tây ví tàu cá Trung Quốc như đội “dân quân” tiên phong, một lực lượng không đồng phục, không chuyên nghiệp, nằm ngoài mọi khuôn khổ của luật hàng hải quốc tế, luật đối đầu quân sự và các cơ chế đa phương nhằm ngăn đụng độ không an toàn trên biển.